Bên cạnh việc quy định quyền của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng TNN thì Luật TNN, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn cũng quy định nghĩa vụ của họ, cụ thể như sau:
- Bảo vệ TNN, đây là nghĩa vụ chung của cộng đồng song ở các hoạt động có ảnh hưởng tới TNN với mức độ khác nhau thì pháp luật quy định những đòi hỏi riêng đối với các chủ thể liên quan nhằm bảo vệ TNN một cách tốt nhất. Nghĩa vụ bảo vệ TNN được quy định cụ thể trong Luật TNN, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 179/1999/NĐ-CP, Nghị định số 149/2004/NĐ-CP và một số văn bản pháp luật khác, bao gồm các nghĩa vụ:
+ Tổ chức, cá nhân không được thực hiện các hoạt động có khả năng gây tổn hại tới trữ lượng, chất lượng nguồn nước. Nghĩa vụ này được cụ thể hoá ở các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm như: làm suy thoái, cạn kiệt ô nhiễm nguồn nước, ngăn cản trái phép sự lưu thông của nguồn nước, nghiêm cấm thải dầu mỡ, hoá chất độc hại, nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn… vào nguồn nước (khoản 5 Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường, [33] Điều 9, 15, 17).
+ Tổ chức, cá nhân khoan thăm dò địa chất, khoan thăm dò nước dưới đất, xử lý nền móng công trình phải thực hiện các biện pháp để bảo vệ TNN dưới đất; Tổ chức, cá nhân khai thác nước dưới đất, khai khoáng phải tuân theo các quy trình, quy phạm về an toàn kỹ thuật và chống sụt lún, bảo vệ các tầng chứa nước và môi trường liên quan ([33] Điều 12).
+ Khi phát hiện thấy hành vi hoặc hiện tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật gây mất an toàn nguồn nước các chủ thể phải ngăn chặn và báo cáo kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý nhằm phòng, chống ô nhiễm, suy thoái TNN. Các chủ thể có hành vi gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước phải chịu trách nhiệm khôi phục hiện trạng TNN và bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật ([33] khoản 4 Điều 10).
+ Việc xây dựng các công trình thuỷ điện phải tuân theo quy hoạch lưu vực sông. Quá trình khai thác, sử dụng TNN cho thuỷ điện phải tuân theo quy trình vận hành điều tiết nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm sử dụng tổng hợp TNN trừ trường hợp khai thác, sử dụng TNN cho thuỷ điện với quy mô nhỏ trong phạm vi gia đình ([33] Điều 16).
+ Tổ chức cá nhân thực hiện hoạt động giao thông đường thuỷ phải tuân theo quy hoạch lưu vực sông, quy hoạch phát triển các vùng ven biển, các phương tiện giao thông phải bảo đảm tiêu chuẩn xả thải, không được gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước ([33] Điều 16).
- Sử dụng TNN phải đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển TNN đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải phù hợp với giấy phép khai thác, sử dụng TNN đã được cấp ([33] điểm b khoản 1 Điều 23).
- Phải cung cấp thông tin về TNN cho cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu để kiểm tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng nguồn nước ([33] điểm c khoản 1 Điều 23).
- Không gây cản trở hoặc làm thiệt hại tới lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác trong khi khai thác, sử dụng TNN ([33] điểm d khoản 1 Điều 23, khoản 3 Điều 18 Nghị định số 149/2004/NĐ-CP).
- Khai thác, sử dụng TNN phải nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo quy định của pháp luật.
+ Việc nộp thuế TNN được thực hiện theo Luật Thuế tài nguyên và Nghị định số 50/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ, theo đó đối tượng phải
nộp thuế TNN là tổ chức, cá nhân khai thác TNN thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên (Điều 1 Luật Thuế tài nguyên). Căn cứ tính thuế tài nguyên là sản lượng tài nguyên tính thuế, giá tính thuế và thuế suất (Điều 4).
Tùy từng mục đích sử dụng nước mà có thuế suất khác nhau như đối với khai thác nước để sản xuất điện là 2 - 5% các mục đích khác thì nếu sử dụng nước mặt thuế suất là 1-3% và nếu sử dụng nước dưới đất là 3-8%.
Nhìn vào biểu thuế suất thuế TNN ta thấy, mặc dù được nâng lên thành Luật nhưng khung thuế suất thuế tài nguyên đối với TNN vẫn rất rộng. Đặc biệt, tại Điều 9 của Luật quy định miễn thuế tài nguyên đối với trường hợp khai thác, sử dụng nước cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp… điều này phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước ta là miễn thủy lợi phí cho nông dân. Tuy nhiên, trong điều kiện TNN khan hiếm như hiện nay, với mức thuế suất như vậy không phản ánh được giá trị kinh tế của TNN, dẫn tới TNN dễ bị sử dụng lãng phí, gia tăng tình trạng ô nhiễm.
+ Việc nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải được thực hiện theo Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13/6/2003 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (sau đây gọi tắt là Nghị định số 67/2003/NĐ-CP) và Nghị định số 04/2007/NĐ-CP ngày 08/01/2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2003/NĐ-CP. Theo đó, nước thải thuộc đối tượng phải nộp phí bảo vệ môi trường là nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt được quy định cụ thể như sau:
Đối với nước thải sinh hoạt, trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng nước sạch thì hàng tháng phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt với mức không quá 10% giá bán nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng cho đơn vị cung cấp nước sạch đồng thời với việc nộp tiền sử dụng nước sạch. Trường hợp các chủ thể tự khai thác, sử dụng TNN thì hàng tháng phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt cho UBND xã, phường, thị trấn căn cứ vào số lượng nước sử dụng bình quân của một người
trong xã, phường và giá cung cấp 1 m3
nước sạch trung bình tại địa phương (khoản 1 Điều 6 Nghị định số 67/2003/NĐ-CP).
Đối với nước thải công nghiệp, các chủ thể nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp phải kê khai số phí phải nộp hàng quý với Sở TN&MT, nộp đúng, nộp đủ số tiền phí phải nộp vào tài khoản phí bảo vệ môi trường đối với nước thải tại kho bạc nhà nước địa phương theo thông báo của Sở TN&MT. Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp tính theo từng chất gây ô nhiễm có trong nước thải (khoản 2 Điều 6 Nghị định số 67/2003/NĐ-CP).
- Ngoài các nghĩa vụ trên, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng TNN trong các trường hợp phải có giấy phép thì vừa phải thực hiện các nghĩa vụ chung vừa phải thực hiện các nghĩa vụ ghi trong giấy phép ([33] khoản 2 Điều 23).
Như vậy, việc quy định rõ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng TNN giúp cho các chủ thể này biết được quyền lợi mà mình được hưởng, đồng thời hiểu được nghĩa vụ khi thực hiện các hoạt động khai thác, sử dụng TNN. Cũng chính những quy định này sẽ là cơ sở pháp lý cho cơ quan có thẩm quyền áp dụng các trách nhiệm pháp lý khi các chủ thể này vi phạm các nghĩa vụ của mình.