Bên có nghĩa vụ sẽ được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi bên có quyền miễn trừ nghĩa vụ cho họ.
Ví dụ: Trong hợp đồng vận chuyển bưu phẩm các bên thỏa thuận với
nội dung: khi một trong hai bên làm hỏng, mất hàng hóa trong quá trình vận chuyển thì bên vận chuyển chỉ phải trả tiền cước đã thu. Như vậy, trong hợp đồng trên bưu điện không được miễn nghĩa vụ vận chuyển nhưng vẫn được miễn nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, điều khoản miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng sẽ dẫn đến việc một bên trong hợp đồng lợi dụng điều này để không thực hiện đúng hợp đồng, đi ngược lại với hiệu lực của hợp đồng đã được giao kết hợp
pháp trước đó. Khi nghiên cứu sửa đổi Bộ luật dân sự và Luật Thương mại thì một số nhà nghiên cứu đã đưa ra quan điểm cần hạn chế thỏa thuận miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có vi phạm hợp đồng. Theo tác giả Dương Anh Sơn trên Tạp chí nghiên cứu lập pháp tháng 3 năm 2005 đã kiến nghị rằng: “Thỏa thuận của các bên về miễn trừ trách nhiệm sẽ không có giá trị pháp lý nếu thỏa thuận đó liên quan đến vi phạm hợp đồng do cố ý” [27, tr.26-31]. Bộ luật dân sự năm 2005 hiện nay cũng chưa có quy định một cách hệ thống về vấn đề này. Nếu các bên thỏa thuận miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì bên có nghĩa vụ có thể viện dẫn để miễn trách nhiệm của mình. Điều 402 Bộ luật dân sự quy định: Tùy theo từng loại hợp đồng mà các bên có thể thỏa thuận về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Theo khoản 2 Điều 407 thì:
Trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thi bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó [22] mà theo khoản 3 Điều 407 quy định: trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác [22].
Theo đó, khi các chủ thể đã chấp nhận giao kết hợp đồng thì có một nguyên tắc đặt ra là bên đối tác phải chấp nhận toàn bộ nội dung được thể hiện ở những điều khoản đã được lập sẵn trong hợp đồng mà bên đề nghị đưa ra. Mặc dù bên chấp nhận giao kết hợp đồng theo mẫu do bên kia đưa ra có thể đưa ra một số nội dung được ghi vào các điều khoản không ấn định trước theo mẫu, nhưng họ có thể gặp phải những bất lợi khi ký kết những hợp đồng này. Nói như vậy có nghĩa là khi giải thích những điều khoản không rõ ràng thì chủ thể đã đưa ra hợp đồng theo mẫu sẽ phải chịu bất lợi. Cũng chính vì
mục đích này mà Bộ luật dân sự năm 2005 quy định bên đưa ra hợp đồng mẫu sẽ không được đưa ra những điều khoản có nội dung miễn trừ trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia. Những nội dung này nếu nằm trong hợp đồng theo mẫu, thì các điều khoản đó không có hiệu lực trừ trường hợp có thỏa thuận khác – tức là bên chấp nhận ký kết hợp đồng theo mẫu đồng ý với nội dung của điều khoản này, sự đồng ý này phải được bên chấp nhận ký kết hợp đồng theo mẫu viết vào hợp đồng.