Giảm mức bồi thường do bên có quyền không hạn chế tổn thất

Một phần của tài liệu Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng theo pháp luật Việt Nam (Trang 59)

Luật thương mại quy định tại điều 305 về nghĩa vụ hạn chế thiệt hại: Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra; nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được [23].

Như vậy, chúng ta thấy Luật Thương mại 2005 hiện hành ghi nhận trách nhiệm hạn chế thiệt hại như một quy định chung cho tất cả các hợp đồng thương mại. Nếu bên có quyền không hạn chế thiệt hại thì bên có nghĩa vụ có thể viện dẫn nhằm miễn giảm trách nhiệm của mình.

Ví dụ: Công ty Dương Giang (bên cho thuê) cho Công ty cổ phần phát

triển công nghiệp (bên thuê) thuê 2 đầu máy NB 2010 và NB 2172 để thực hiện lai dắt tàu biển ở hai cảng 10 -10 và cảng Khe Dây, Cẩm Phả. Hợp đồng có thời hạn là hết tháng 12-2006. Bên thuê chi phí dầu, nhớt cho hai phương tiện hoạt động và phải trả nguyên đơn tiền thuê phương tiện 50.000.000 đồng/1 phương tiện/1 tháng. Bên cho thuê có trách nhiệm cung cấp phương tiện, nhân lực sử dụng phương tiện và trả lương cho nhân lực sử dụng phương tiện. Do không có nhu cầu nữa nên vào ngày 17-8-2006, bên thuê đã gửi văn bản thông báo cho công ty Dương Giang về việc thanh lý hợp đồng với nội dung khẳng định: từ ngày 20-8-2006 Công ty cổ phần phát triển công nghiệp không có nhu cầu thuê 2 đầu máy của công ty trách nhiệm hữu hạn Dương Giang.

Khi các bên có tranh chấp toà án đã vận dụng Luật Thương mại năm 2005, theo đó,việc bên thuê đơn phương chấm dứt hợp đồng rõ ràng là một hành vi vi phạm hợp đồng.

Hành vi này cho phép bên cho thuê yêu cầu bên thuê bồi thường thiệt hại. Toà phúc thẩm cũng không khẳng định điều này.

Trong quá trình giải quyết tranh chấp, phía nguyên đơn không chứng minh được tổn thất trực tiếp do bị đơn gây ra theo quy định tại điều 304 Luật Thương mại. Theo điều luật này, nguyên đơn chỉ có quyền đòi bồi thường khoản lợi trực tiếp mà nguyên đơn đáng lẽ được hưởng. Bên cho thuê có được bồi thường toàn bộ những tổn thất nêu trên hay không? Nếu bên cho thuê không có trách nhiệm hạn chế thiệt hại thì đây là khoản thiệt hại bên cho thuê được bồi thường vì việc bên thuê không thực hiện đúng hợp đồng không thuộc trường hợp miễn trừ đã nghiên cứu ở trên. Tuy nhiên, Toà phúc thẩm dựa vào căn cứ tại Điều 305 Luật Thương mại cũng quy định: bên vi phạm hợp đồng phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất, kể cả đối với khoản lợi đáng lẽ được hưởng. Nếu không áp dụng các biện pháp đó thì bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất có thể hạn chế được. Nếu từ ngày 20-8-2006, nguyên đơn đưa phương tiện của mình đi tìm công việc khác thì có thể hạn chế thiệt hại đối với khoản lợi đáng lẽ được hưởng. Như vậy mới hợp lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, nguyên đơn không thực hiện việc đó mà cứ để phương tiện tại lại hiện trường đến hết 31-12-2006 là sự lãng phí cố ý, không có hành vi hạn chế tổn thất. Từ đó, Toà Phúc thẩm cho rằng: Toà sơ thẩm chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn một khoản tiền tương ứng với giá trị 1 tháng thực hiện hợp đồng là tương ứng với khoảng thời gian hợp lý để nguyên đơn khắc phục các tổn thất tiếp theo về khoản lợi đáng lẽ được hưởng.

Bộ luật dân sự hiện hành có quy định về trách nhiệm hạn chế tổn thất nhưng quy định này không có phạm vi điều chỉnh chung. Theo khoản 2 điều 448 Bộ luật dân sự năm 2005“Bên bán được giảm mức bồi thường thiệt hại nếu bên mua không áp dụng các biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép

nhằm hạn chế thiệt hại” [22].

Lỗi của bên mua có thể là lỗi cố ý hoặc vô ý. Như vậy, tại khoản 2 Điều 448 bên bán sẽ được giảm mức bồi thường thiệt hại khi chứng minh được bên mua không áp dụng các biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép nhằm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại. Tương tự khoản 1 điều 575 Bộ luật dân sự 2005 quy

định“ khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, bên mua bảo hiểm hoặc bên được bảo hiểm

phải báo cáo ngay cho bên bảo hiểm và phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết

mà khả năng cho phép để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại” [22].

Có ý kiến cho rằng “hạn chế thiệt hại” được xác lập dựa trên cơ sở kinh tế, pháp lý và đạo đức vững chắc. Trong nhiều trường hợp người có quyền có thể hạn chế được thiệt hại phát sinh từ việc bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng hợp đồng. Bên có quyền không thể thụ động để thiệt hại phát sinh hay trầm trọng hơn: điều này có nghĩa không phải khi có người phải chịu trách nhiệm về việc cháy nhà thì chủ nhà không có trách nhiệm dập tắt đám cháy.

Theo tác giả thì việc không buộc bên có quyền phải hạn chế thiệt hại khi họ có thể hạn chế, đồng nghĩa với việc buộc bên có nghĩa vụ phải gánh chịu mọi thiệt hại, một giải pháp quá lãng phí. Hơn nữa trách nhiệm hạn chế thiệt hại cũng là biện pháp nhằm đảm bảo cho bên bị vi phạm sẽ không có cơ hội để tạo hoàn cảnh trục lợi.

Trách nhiệm hạn chế tổn thất dường như bắt nguồn từ hệ thống thông luật, ở Anh và Mỹ, trách nhiệm này tồn tại ở một vài văn bản tản mạn và được án lệ nhân rộng, nhiều nước trong hệ thống dân luật cũng ghi nhận trách nhiệm này như Đức, Ý, Hy Lạp, Bỉ, Tây Ba Nha, Phần Lan. Trách nhiệm hạn

chế tổn thất và hệ quả pháp lý của việc bên có quyền không hạn chế thiệt hại (bên có nghĩa vụ được viện dẫn để giảm mức bồi thường) được ghi nhận tại điều 77 Công ước Viên về mua bán hàng hoá quốc tế. Điều 7.4.8 Bộ nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế. Pháp luật Việt Nam dường như chưa mở rộng phạm vi các quy định về trách nhiệm hạn chế tổn thất theo như pháp luật của các nước trên thế giới.

Pháp luật Việt Nam nên mở rộng phạm vi các quy định về trách nhiệm hạn chế tổn thất. Chúng ta nên đưa quy định này vào phần trách nhiệm dân sự được quy định tại điều 302 của Bộ luật dân sự. Khi đó, quy định này được áp dụng cho tất cả các nghĩa vụ dân sự nên cũng áp dụng cho nghĩa vụ dân sự phát sinh từ hợp đồng.

Một phần của tài liệu Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng theo pháp luật Việt Nam (Trang 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)