Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém

Một phần của tài liệu Pháp luật về đăng ký quyền sử dụng đất ở Việt Nam. ThS. Luật (Trang 74)

Những nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, khó khăn vướng mắc trong thực tiễn hiện nay của pháp luật về đăng ký quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là:

- Nhiều địa phương chưa quán triệt, chấp hành đúng chủ trương, chỉ đạo của Bộ trong việc tổ chức triển khai thực hiện (chưa tập trung hoàn thành từng huyện; thực hiện chưa đồng bộ, gắn kết, lồng ghép giữa đo đạc với đăng ký,….).

- Kinh phí cho việc đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai trong 4 năm qua chưa được các địa phương đầu tư đầy đủ theo yêu cầu nhiệm vụ như chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/2008/NQ-CP “Bố trí tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất để thực hiện công tác đo đạc, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2008”. Thực tế tại 40 tỉnh (được Trung ương hỗ trợ kinh phí) trong 3 năm qua chỉ được tỉnh đầu tư khoảng 4% so với tiền sử dụng đất thu được. Một số tỉnh đầu tư quá ít (dưới 3 tỷ/năm): như Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La, Quảng Trị, Ninh Thuận, Trà Vinh [42].

Nhiều tỉnh chỉ đầu tư kinh phí cho việc đo đạc lập bản đồ địa chính và phân cấp cho huyện và xã tự lo kinh phí thực hiện đăng ký, cấp giấy, là nguyên nhân cơ bản của tình trạng đo vẽ xong bản đồ mà không thực hiện được việc đăng ký, lập hồ sơ địa chính, tiến độ cấp Giấy chứng nhận không tăng, làm giảm hiệu quả đầu tư. Nhiều địa phương, nhất là cấp huyện không đầu tư cho hoạt động sự nghiệp của văn phòng đăng ký để thực hiện đăng ký biến động, chỉnh lý hồ sơ địa chính, đây là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng khó khăn về nhân lực và hồ sơ địa chính không được cập nhật, chỉnh lý biến động hiện nay ở các địa phương.

- Hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các cấp mặc dù đã được thành lập khá đầy đủ, song còn rất thiếu cán bộ chuyên môn, nhất là cán bộ kỹ thuật về công nghệ thông tin, nhận thức và ý thức tuân thủ quy định của pháp luật của một bộ phận cán bộ chuyên môn văn phòng đăng ký còn hạn chế; các thiết bị kỹ thuật tối thiểu cho hoạt động chuyên môn chưa được trang bị đầy đủ; trụ sở làm việc của các văn phòng đăng ký chật chội, nhiều nơi không có phòng lưu trữ hồ sơ địa chính; do đó, phần lớn các văn phòng đăng ký đã không triển khai thực hiện hết các chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là việc thực hiện cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính.

- Nhiều địa phương sử dụng toàn bộ kinh phí đã đầu tư để ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn bên ngoài để thực hiện, kể cả việc kiểm tra, giám sát và nghiệm thu sản phẩm mà không chú trọng đầu tư xây dựng, phát triển các đơn vị sự nghiệp về đo đạc, đăng ký đất đai của Sở Tài nguyên và Môi trường; không giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, nhất là các văn phòng đăng ký tham gia vào quá thực hiện hoặc kiểm tra, giám sát và nghiệm thu sản phẩm.

- Cán bộ địa chính cấp xã phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ khác về quản lý tài nguyên, môi trường, xây dựng,…; nhiều địa phương không được duy trì ổn định do thay đổi cán bộ hoặc phải luân chuyển giữa các xã, dẫn đến

năng lực còn hạn chế do thiếu kinh nghiệm thực tiễn, không nắm vững tình hình, ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ giải quyết thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận theo phân cấp.

- Còn nhiều địa phương chưa ban hành đầy đủ các văn bản theo phân cấp của Chính phủ tại Nghị định số 84/2007/Đ-CP, Nghị định số 88/2009/Đ- CP như: quy định diện tích tối thiểu của thửa đất được phép tách thửa; quy định cụ thể về thời gian thực hiện từng loại thủ tục cấp Giấy chứng nhận, đăng ký biến động đất đai; quy chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản gắn liền với đất.

Chương 3

CÁC KIẾN NGHỊ BẢO ĐẢM VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ ĐĂNG KÝ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Một phần của tài liệu Pháp luật về đăng ký quyền sử dụng đất ở Việt Nam. ThS. Luật (Trang 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)