* Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn
Nông nghiệp được coi là mặt trận hàng đầu của tỉnh Nam Định, do vậy phải coi trọng phát triển toàn diện, đầu tư thích đáng cho việc phát triển nông thôn, làm cho nông thôn giàu mạnh về kinh tế, ổn định về chính trị, phát triển về văn hoá. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là bước đi có tính quy luật toàn thế giới - chuyển từ văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn tỉnh Nam Định làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn của tỉnh, có khả năng xoá bỏ nền sản xuất nhỏ, tự cấp, tự túc, khép kín mang nặng tính độc canh, quá lệ thuộc vào thiên nhiên, thay vào đó là nền sản xuất tiên tiến, tạo nhiều sản phẩm hàng hoá để cải thiện đời sống của người lao động ở nông thôn và để giao lưu trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới. Đây cũng là con đường để đẩy nhanh quá trình đô thị hoá, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, tạo sự chuyển biến cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp.
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn tự nó đã khẳng định tầm quan trọng của việc củng cố liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức. Bởi vì, chỉ có thể công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên cơ sở những
thành quả khoa học kỹ thuật, trên cơ sở tiếp thu những công nghệ mới. Điều đó làm cho công nhân - chủ thể của nền sản xuất công nghiệp gắn liền với nông dân, chủ thể của nền sản xuất nông nghiệp và làm cho cả công nhân, nông dân gắn bó mật thiết hơn với người đại biểu khoa học kỹ thuật đó là đội ngũ trí thức. Trên ý nghĩa đó, có thể nói, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nói chung, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn nói riêng là sự nghiệp trực tiếp của công nhân, nông dân, trí thức và củng cố khối liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức; là sự chuẩn bị và động viên lực lượng trực tiếp có ý nghĩa quyết định nhất cho sự thành công của công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tách rời công nghiệp hoá, hiện đại hoá với liên minh công nhân với nông dân và trí thức thì không hiểu hết nội dung, ý nghĩa của công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta.
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp sẽ làm cho nông thôn trở thành địa bàn của sự hội nhập giữa công nhân với nông dân và trí thức. Do đó, khối liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức sẽ có “chân dung” đầy đủ và nhiều nét biểu hiện điển hình nhất ở nông thôn khi công nghiệp thâm nhập vào nông nghiệp và do tự thân nông nghiệp “hoá thân” từng bước do tác động của công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Khoa học kỹ thuật nhờ nhu cầu ứng dụng của công nghiệp, nông nghiệp ở ngay trên địa bàn nông thôn rộng lớn mà có thêm động lực để phát triển.
Tuy nhiên, sự việc không diễn ra một chiều, trôi chảy mà đầy mâu thuẫn do nẩy sinh những trở lực. Do vậy, sự vững chắc của liên minh này tuỳ thuộc vào nhân tố:
Sự vận dụng và thực thi các luật và chính sách nhà nước của các cơ quan có trách nhiệm và thẩm quyền của tỉnh. Các luật và chính sách quan trọng nhất, trực tiếp nhất tác động hàng ngày và lâu dài đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân là:
1) Luật, chính sách và cơ chế sở hữu, sử dụng, chuyển nhượng, thừa kế… đất đai, rừng.
2) Luật, chính sách, cơ chế đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn (đầu từ vốn và cho vay với lãi suất ưu đãi; vật tư kỹ thuật, kết cấu hạ tầng, cải tiến quản lý, cán bộ…).
3) Luật, chính sách giá cả, giữa giá nông sản hàng hoá với hàng công nghiệp, dịch vụ khoa học công nghệ.
4) Luật, chính sách thuế sử dụng đất đai, rừng.
5) Luật, chính sách tiêu thụ, chế biến, bảo quản, bảo hiểm nông sản, bảo hiểm sản xuất nông nghiệp.
Một số giải pháp cụ thể để thực hiện tốt công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn:
+ Tiếp tục triển khai và thực hiện tốt quy hoạch kinh tế mà tỉnh đã đề ra.
+ Có chính sách về vốn: nhu cầu về vốn sản xuất của người dân rất lớn, bởi lẽ có vốn mới có điều kiện hiện đại hoá sản xuất nông nghiệp, mới xây dựng được cơ sở hạ tầng hiện đại cho nông thôn, mới phát triển được các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các hoạt động dịch vụ trong khu vực này, cũng như mới có điều kiện để đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho người dân và người lao động theo yêu cầu của công nghiệp hoá.
+ Tiếp tục chuyển đổi ruộng đất để xoá bỏ tình trạng ruộng đất phân tán, manh mún như hiện nay.
+ Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về đăng ký và cấp giấy phép kinh doanh. Hoàn thiện các quy trình pháp lý về đăng ký và cấp giấy phép kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được tham gia kinh doanh. Đơn giản hoá các thủ tục đăng ký,
cấp giấy phép kinh doanh, tránh làm chậm trễ sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp.
+ Có chính sách đãi ngộ thoả đáng để khuyến khích trí thức trở về công tác ở nông thôn yên tâm làm việc lâu dài. Ở đây điều quan trọng đối với trí thức không chỉ là sự đảm bảo đời sống vật chất mà còn là được sử dụng đúng tài năng, chuyên môn cùng với sự hiểu biết, cảm thông và tôn trọng của người lãnh đạo, quản lý đối với họ. Họ là nhân tố để nâng cao dân trí và đưa các thành tựu khoa học công nghệ về nông thôn, ứng dụng vào nông nghiệp.
+ Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, liên kết chặt chẽ và có hiệu quả trong sản xuất; phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị nông sản.
+ Thu hút lao động dôi dư vào sản xuất công nghiệp khi ứng dụng máy móc, công nghệ vào nông nghiệp; giải quyết việc làm lâu dài cho nông dân khi thu hồi đất nông nghịêp.
+ Tích cực thu mua sản phẩm nông nghiệp thông qua hợp đồng kinh tế. + Hỗ trợ vốn cho nông dân mở rộng gia trại, trang trại.
+ Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, chế tạo máy móc, giống cây con cho năng suất cao để chuyển giao cho nông nghiệp, nông dân sản xuất. Cụ thể là: hỗ trợ nhập thiết bị máy móc cho nông dân. Việc đưa cơ giới hoá vào một số khâu nặng nhọc trong sản xuất nông nghiệp như làm đất, thu hoạch, vận chuyển… góp phần giải phóng sức lao động cho người nông dân, nâng cao năng suất cây trồng, đồng thời hạn chế mặt trái của vấn đề này như sự dôi dư lao động, hàng hoá nhiều nhưng không tiêu thụ được. Hỗ trợ nông dân làm giàu. Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi do Hội Nông dân tổ chức đã thu hút đông đảo nông dân tiêu biểu, các nhà quản lý, khoa học, kỹ thuật và doanh nghiệp…Thực hiện liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và hộ nông dân là giải pháp hữu hiệu để đưa phong trào phát triển mạnh mẽ hơn. Nhà nước có vai trò định hướng hoạt động cũng như
đề ra những chính sách phù hợp với tiến trình phát triển. Doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong cả quá trình sản xuất như cung ứng cho nông dân vật tư, thiết bị trả chậm; giúp tiêu thụ nông sản làm ra. Nhà khoa học hướng dẫn nông dân kỹ thuật, phương pháp ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất... Trên thực tế, nhiều hộ nông dân ký hợp đồng với công ty chế biến nông sản đầu vụ, nhưng đến cuối vụ do giá thị trường cao hơn đã tự phá hợp đồng bán sản phẩm ra ngoài, gây mất lòng tin với doanh nghiệp. Khi tham gia liên kết "bốn nhà" người nông dân phải tuân thủ những quy định của quá trình sản xuất cũng như việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh, từ đó tạo ra sản phẩm có chất lượng. Nông dân hiện rất thiếu kiến thức về sản xuất thâm canh cây trồng, vật nuôi, nên cần quan tâm hơn nữa đến việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản hàng hoá.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá. Hiện nay, quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn diễn ra còn chậm, chưa đồng đều giữa các vùng và chưa rộng khắp. Nguyên nhân cơ bản là do khả năng tập trung mở rộng qui mô diện tích đất sản xuất rất hạn chế, đa số các hộ nông dân còn thiếu vốn sản xuất, thiếu kiến thức kinh doanh, công nghiệp chưa thực hiện được tốt vai trò hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, nâng cao dân trí nông dân. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản, gắn vùng nguyên liệu với công nghiệp chế biến nâng cao giá trị nông sản. Hiện nay, công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản còn ít, phần lớn là quy mô nhỏ (70% có vốn dưới 5 tỷ đồng), chủ yếu tập trung ở ven đô thị lớn, việc thu hút lao động vốn là nông dân vào làm việc còn hạn chế. Nhiều khu công nghiệp xây dựng ở nông thôn đã lấy đất nông nghệp, phá vỡ hệ thống thuỷ lợi, gây ô nhiễm nguồn nước và đất nông nghiệp vùng
lân cận, nhưng chỉ có rất ít nhà máy phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trong vùng và thu hút lao động sở tại. Trong khi đó phần lớn phân bón, máy móc nông nghiệp, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật lại không sản xuất mà vẫn phải nhập khẩu.
+ Tiếp tục sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước, thuộc ngành nông nghiệp, các nông lâm trường quốc doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động, làm nòng cốt trong lĩnh vực kinh doanh lương thực, phân bón,…
+ Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ tạo đột phá để hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Bồi dưỡng cho nông dân kiến thức khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao chất luợng sản phẩm nông nghiệp, giá thành hạ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với yêu cầu thị trường, đạt hiệu quả kinh tế cao. Tập trung nghiên cứu các vấn đề khoa học công nghệ đưa vào sản xuất, ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại, tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Khoa học xã hội định hướng nghiên cứu nhiều hơn các vấn đề bức xúc trong nông thôn, dự báo xã hội nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá và đô thị hoá. Thực hiện các biện pháp như vậy, chắc liên minh công nhân - nông dân - trí thức sẽ bền chặt.
* Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển các đô thị
Tiếp tục đầu tư các công trình thuỷ lợi theo hướng đa mục tiêu, nâng cao năng lực tưới tiêu chủ động cho các loại cây trồng và nuôi trồng thuỷ sản; cấp nước sinh hoạt cho dân cư và công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn. Hoàn thiện hệ thống tổ chức, quản lý thuỷ lợi. Phát triển giao thông nông thôn bền vững gắn liền với mạng lưới giao thông quốc gia. Cải tạo và phát triển đồng bộ chất lượng điện phục vụ sinh hoạt của dân cư nông thôn. Phát triển hệ
thống bưu chính viễn thông, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho người dân.
Quy hoạch bố trí lại dân cư nông thôn gắn với việc quy hoạch xây dựng công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị.