Thực trạng lối sống của thanh niên Yên Bái trong giai đoạn hiện nay

Một phần của tài liệu Vấn đề xây dựng lối sống cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay ở tỉnh Yên Bái (Trang 56)

hiện nay

Yên Bái là tỉnh miền núi nằm sâu trong nội địa, ở vị trí trung tâm của vùng Tây Bắc. Trong những năm qua, nhất là 3 năm đầu thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XV, được sự quan tâm của Trung ương, sự giúp đỡ có hiệu quả của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã nỗ lực phấn đấu vươn lên đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện. Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển với mức tăng trưởng khá, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, an ninh quốc phòng được củng cố vững chắc, hệ thống chính trị luôn được tăng cường, củng cố.

Trong điều kiện và môi trường thuận lợi chung đó, phong trào thanh niên luôn được sự quan tâm lãnh đạo toàn diện, sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, hệ thống tổ chức của Đoàn - Hội - Đội phát triển mở rộng. Hiện nay toàn tỉnh có 13 huyện, thị, thành đoàn và đoàn trực

thuộc, 441 đoàn cơ sở. Tổng số thanh niên toàn tỉnh là 99.765 trong đó số đoàn viên thanh niên là 43.200.

Số đoàn viên nông thôn : 19.080 Số đoàn viên khối công nhân : 2.219 Số đoàn viên khối đô thị : 1.925 Số đoàn viên thuộc các khối khác : 19.976 Số đoàn viên dân tộc : 10.800 Số đoàn viên tôn giáo : 459 43 .

Tình hình tư tưởng, chính trị của thanh niên ổn định. Tính tích cực chính trị - xã hội, tinh thần xung kích tình nguyện, ý thức vươn lên lập thân lập nghiệp ngày càng mạnh mẽ, sẵn sàng đảm nhiệm việc mới, việc khó và tham gia tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Trình độ học vấn của thanh niên các dân tộc tăng lên rõ rệt, thanh niên tích cực chủ động học tập và tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và đời sống, tinh thần tương thân, tương ái của đại đa số thanh niên được khơi dậy và phát huy.

Thanh niên khối công nhân viên chức có điều kiện thuận lợi là tiếp thu kịp thời chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chính của cơ quan, đơn vị còn tích cực làm kinh tế gia đình, tham gia các hoạt động xã hội, cố gắng học thêm chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, một bộ phận quan tâm đến các giá trị văn hóa như tình bạn, tình yêu, hôn nhân, thời trang, làm đẹp... Tuy nhiên còn một bộ phận khó khăn, hạn chế nhiệt tình trong công tác, thiếu phán đoán chính trị, ngại đấu tranh chống các hiện tượng tham nhũng tiêu cực trong cơ quan, đơn vị.

Thanh niên công nhân lao động tập trung nhiều ở thành phố, thị xã, thị trấn, được sống trong môi trường thuận lợi về kinh tế, văn hóa, học tập và rèn luyện... Đa số có tinh thần tích cực lao động học tập nâng cao trình

độ tay nghề, có ý thức tôn trọng pháp luật, tích cực tham gia các phong trào văn hóa xã hội do Đoàn, Hội liên hiệp thanh niên phát động. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận chưa có việc làm ổn định, một số sống thực dụng đua đòi, ăn chơi sa đọa nhất là tội băng nhóm, lêu lổng, hút chích ma túy có xu hướng phát triển đáng lo ngại. Trong doanh nghiệp nhà nước, đa số thanh niên có ý thức cầu tiến, có nhu cầu học văn hóa, ngoại ngữ, phấn đấu vào đoàn, nhưng có đơn vị ít có điều kiện sinh hoạt giao lưu văn hóa, giao lưu giao tiếp rộng rãi. Công nhân lao động trẻ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh phát triển mạnh mẽ về số lượng, ngành nghề đa dạng, có thu nhập tương đối ổn định. Tuy nhiên về số đông trình độ học vấn, tay nghề còn thấp, ít quan tâm về chính trị, chưa mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền lợi.

Thanh niên học sinh sinh viên: sống thực tế hơn, đa số có tinh thần cầu tiến, nỗ lực học tập, nhạy bén với tình hình, đang hình thành lớp trí thức trẻ, song điều kiện học tập còn khó khăn việc chọn ngành nghề còn chọn theo kinh tế, thiếu định hướng theo nhu cầu ở địa phương, tình trạng thanh niên học sinh vi phạm các quy định của nhà trường, bỏ học, tham gia băng nhóm, vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra, gần đây tệ nạn ma túy đang xâm nhập vào học đường gây ra sự lo ngại cho toàn xã hội.

Thanh niên trong các lực lượng vũ trang đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt xuất hiện nhiều thanh niên dũng cảm trên mặt trận chống tiêu cực, tiến công tội phạm, bảo vệ biên giới, hải đảo.

Thanh niên các dân tộc, tôn giáo tích cực lao động sản xuất thực hiện tốt chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Một bộ phận thanh niên dân tộc H'mông có cố gắng vươn lên trong học tập, nâng cao kiến thức nhưng nhìn chung đời sống còn nhiều khó khăn. Thanh niên các dân tộc Thái, Tày, Mường... đa số có cuộc sống ổn định, hưởng ứng các lễ hội

truyền thống. Thanh niên tôn giáo thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện. Tuy nhiên, vấn đề cần được quan tâm là số lượng thanh niên tham gia các tôn giáo, tín ngưỡng có xu hướng gia tăng. Trong những năm qua, các phong trào hành động của tuổi trẻ Yên Bái đã có tác dụng tích cực và thúc đẩy lực lượng lao động trẻ cống hiến nhiều cho công cuộc xây dựng và phát triển địa phương. Lực lượng thanh niên ngày càng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào tương lai của đất nước, tự hào về truyền thống của dân tộc, truyền thống của Đoàn, Đội, Hội. Họ có hành động đúng đắn, chấp hành nghiêm pháp luật, đấu tranh chống các tệ nạn xã hội góp phần xây dựng môi trường văn hóa xã hội lành mạnh. Trong thanh niên đã có sự chuyển biến rõ rệt, đặc biệt ở các khu vực nông thôn và đô thị. Họ đã góp phần xóa bỏ được các ổ nhóm thanh niên hư, đồng thời xây dựng nhiều phong trào thi đua, bình xét giới thiệu cho Đảng nhiều đoàn viên thanh niên ưu tú. Tính đến 12/2003, toàn tỉnh đã có 203 câu lạc bộ phòng chống tệ nạn xã hội thu hút được 4371 thanh niên tham gia. Số đoàn viên thanh niên ưu tú được kết nạp Đảng từ năm 2003 đến 6/2004 được trên 800 đảng viên chiếm 45-50% tổng số đảng viên mới của Đảng bộ tỉnh. Các diễn đàn "Đảng với thanh niên, thanh niên với Đảng" nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên và để các cấp ủy Đảng lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của đoàn viên thanh niên được thường xuyên tổ chức đến các cơ sở xã, phường.

Phong trào "Thanh niên thi đua học tập, góp phần xây dựng xã hội học tập và tiến quân vào khoa học công nghệ" đã được triển khai thành các câu lạc bộ sở thích các môn học và câu lạc bộ bạn trẻ nghiên cứu khoa học, câu lạc bộ sáng tạo trẻ nâng tổng số lên 205 câu lạc bộ.

Phong trào "Thi đua lập nghiệp, lao động sáng tạo", góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và nâng cao sức cạnh tranh của

nền kinh tế trong điều kiện mới" đã được phát triển mạnh mẽ với những hình thức phong phú: dự án cho đoàn viên thanh niên vay vốn từ các nguồn và vốn thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế, các câu lạc bộ khuyến nông trẻ, thu hút hàng trăm thanh niên tham gia.

Các công trường thanh niên tình nguyện là mô hình rất riêng của tỉnh Yên Bái, là sự vận dụng sáng tạo phong trào thanh niên tình nguyện vào điều kiện cụ thể của địa phương. Trọng tâm hoạt động của các công trường là tham gia phát triển kinh tế xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng các xã vùng cao đặc biệt khó khăn góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao nâng cao dân trí - cải thiện dân sinh, xóa đói giảm nghèo. Từ mô hình đầu tiên của huyện Lục Yên đã được nhân lên trên phạm vi toàn tỉnh tổng số đã triển khai và hoàn thành 2 công trình cấp tỉnh, 28 công trình cấp huyện, 116 công trình cấp xã và cụm xã, huy động 71.870 lượt đoàn viên thanh niên lên lao động, sinh hoạt tại công trường với thời gian từ 15-60 ngày 15 .

Các phong trào thanh niên đã thực sự đi vào cuộc sống của thanh niên Yên Bái với nhiều hình thức mới, cách làm mới phù hợp, hấp dẫn có sức thu hút thanh niên. Điều đó làm cho họ có chuyển biến trong nhận thức, trong hành động góp phần tích cực vào việc thực hiện các chương trình lớn của tỉnh ủy và chính quyền địa phương như xóa đói giảm nghèo, xây dựng được các phường, xã điểm ở thành phố thị xã, thị trấn và các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ở các vùng nông thôn, thanh niên đã biết giúp nhau làm kinh tế, nâng cao đời sống tạo ra lớp thanh niên năng động, chí chú làm ăn, biết tính cách làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay, thanh niên Yên Bái cũng phải đứng trước những thử thách, những vấn đề xã hội bức xúc: Đó là tình trạng thiếu

việc làm và thu nhập thấp đã trở thành vấn đề xã hội bức xúc nhất của thanh niên đang đè nặng lên cuộc sống của nhiều thanh niên và gia đình họ. Theo số liệu điều tra tháng 12 năm 2003 trong tổng số người chưa có việc làm thì số học sinh phổ thông ra trường chiếm 51,1%, bộ đội xuất ngũ: 2,6%, các trường hợp khác: 35%... 45 Ngoài ra ở vùng đồng bào dân tộc ít người còn có khoảng 40% quỹ thời gian chưa được sử dụng hiệu quả. Thu nhập thấp, không có việc làm ổn định cùng với tình trạng mù chữ làm cho một bộ phận thanh niên cảm thấy bế tắc trong cuộc sống. Không có điều kiện tiếp thu truyền thống văn hóa dân tộc, tâm trạng bi quan, chán nản đã làm cho những thanh niên thiếu nghị lực sa vào con đường cờ bạc, nghiện hút, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác. Đó là một trong những nguyên nhân sinh ra tệ nạn xã hội trong thanh niên. Tình trạng thất học, mù chữ biểu hiện ở các vùng sâu vùng xa làm cho thanh niên có nhiều mặt bị sa sút. Một bộ phận thanh niên không gắn với truyền thống văn hóa của dân tộc. Điều này đã trực tiếp ảnh hưởng tới sự hình thành lối sống của con người Việt Nam trong tương lai. Những biến đổi phức tạp của thế giới và trong nước đang chi phối thanh niên về lý tưởng, đạo đức, lối sống. Một bộ phận không ít thanh niên có biểu hiện chây lười lao động, không chịu học tập, khủng hoảng niềm tin. Một bộ phận có lối sống thực dụng, làm giàu với các động cơ không chính đáng. Một bộ phận khác lại thờ ơ, mờ nhạt về lý tưởng, chưa chọn đúng chỗ đứng của mình, chưa xác định được nhiệm vụ cao cả của người thanh niên trong cuộc sống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều đáng báo động, đáng quan tâm nhất là số lượng thanh niên phạm pháp, mắc các tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng, chiếm tỷ lệ cao trong các đối tượng phạm tội.

Theo kết quả điều tra của công an tỉnh Yên Bái, tính đến 12/2003, tình hình phạm pháp hình sự trên địa bàn tỉnh xảy ra 276 vụ, so với năm 2002 tăng 8,6% gồm các tội danh sau:

Giết người: 10 vụ trong đó có 2 vụ giết, cướp tài sản. Cướp tài sản: 14 vụ.

Cố ý gây thương tích: 29 vụ. Hiếp dâm: 6 vụ.

Hiếp dâm trẻ em: 8 vụ.

Bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản: 1 vụ. Buôn bán phụ nữ: 3 vụ.

Trộm cắp tài sản: 155 vụ. Còn lại các loại án khác: 38vụ.

Trong số vụ án trên, chủ yếu thuộc đối tượng thanh thiếu niên (chiếm 75%) trong đó có những vụ học sinh phổ thông trung học giết người, cưỡng đoạt tài sản chỉ với mấy chục ngàn đồng 36 .

Hoạt động của tội phạm ma túy có diễn biến phức tạp, đã xuất hiện đường dây, ổ, nhóm tội phạm ma túy hoạt động liên tỉnh, sử dụng cả trẻ em trong hoạt động tội phạm. Số người nghiện ma túy được phát hiện năm 2003 nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2002. Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái có 2.458 người nghiện ma túy tập trung trong lứa tuổi 18-35, trong đó có cả học sinh, sinh viên, công nhân viên chức nhà nước 51 . Đây là những hạn chế của thanh niên miền núi ảnh hưởng lớn tới việc hình thành lối sống của họ.

Để thực hiện mục tiêu đánh giá thực trạng lối sống của thanh niên Yên Bái, đề tài đã tiến hành điều tra bằng phiếu hỏi 602 thanh niên tại thời điểm tháng 12/2003. Các đối tượng bao gồm :

Thanh niên là sinh viên, học sinh: 292 người. Thanh niên là công nhân: 160 người.

Thanh niên nông thôn: 150 người. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Sau khi tập hợp ý kiến của các đối tượng khảo sát, chúng tôi xin nêu lên một số nhận định chung khái quát về một số vấn đề liên quan đến đánh giá thực trạng lối sống của thanh niên Yên Bái hiện nay như sau.

Một phần của tài liệu Vấn đề xây dựng lối sống cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay ở tỉnh Yên Bái (Trang 56)