Tình hình thế giới và trong nước ảnh hưởng tới lối sống thanh niên hiện nay

Một phần của tài liệu Vấn đề xây dựng lối sống cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay ở tỉnh Yên Bái (Trang 28)

thanh niên hiện nay

1.2.1.1. Tình hình thế giới

Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang diễn ra với tốc độ nhanh và quy mô ngày càng rộng lớn trên phạm vi toàn thế giới. Khoa học, công nghệ đã đi bước sản xuất và gắen với quá trình sản xuất tạo thành một chu trình khép kín từ nghiên cứu - triển khai - sản xuất thử đến sản xuất - tiêu thụ - bảo hành, tạo thành một quá trình thống nhất, biến khoa học thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Cuộc cách mạng đó, trong khi thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở mỗi nước cũng như trên thế giới, quốc tế hoá nền sản xuất và sự phân công lao động xã hội, sẽ góp phần tổ chức lại đời sống vật chất và tinh thần của nhân loại. Đồng thời nó cũng đang phá vỡ nhiều quan niệm cũ trên tất cả các bình diện: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội…ở phạm vi quốc gia cũng như quốc tế. Mặt khác nó đang và sẽ tạo ra cho nhân loại những hệ thống sản xuất giao lưu, trao đổi cho đến cách thức tiêu dùng và lối sống hoàn toàn mới làm thay đổi căn bản không chỉ các xã hội công nghiệp mà cả các xã hội nông nghiệp truyền thống.

Cùng với sự phát triển của khoa học , công nghệ, xu thế toàn cầu hoá kinh tế lôi kéo các nước và bao trùm hầu hết các lĩnh vực, vừa thúc đẩy hợp tác, vừa tăng sức ép cạnh tranh và tính tùy thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế. Quan hệ song phương, đa phương giữa các quốc gia ngày càng sâu rộng cả về kinh tế, văn hoá, xã hội. Toàn cầu hoá kinh tế và hội nhập kinh

tế là một quá trình vừa hợp tác để phát triển, vừa đấu tranh rất phức tạp, đặc biệt là cuộc đấu tranh của các nước đang phát triển nhằm bảo vệ lợi ích của mình. Đối với nước ta, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi chúng ta phải ra sức nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và khả năng độc lập tự chủ của nền kinh tế, tham gia có hiệu quả vào phân công lao động quốc tế. Trước bối cảnh đó, mỗi con người tham gia vào quá trình phân công lao động phải có kiến thức mới, kỹ năng mới và phẩm chất mới. Do đó đòi hỏi tất cả các nước, nhất là các nước chậm phát triển và đang phát triển phải có cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, phải có chiến lược con người và tăng cường quan tâm đến lực lượng thanh niên.

1.2.1.2. Trong nước

Đất nước ta đang ở thời kỳ chuyển đổi từ nền kinh tế lạc hậu, với cơ chế quản lý kế hoạch hoá tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của đất nước, Đảng ta xác định tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá như là một phương hướng chiến lược quan trọng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã xác định: " Phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hoá đất nước theo hướng hiện đại gắn liền với phát triển một nền nông nghiệp toàn diện là nhiệm vụ trung tâm nhằm từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, không ngừng nâng cao năng suất lao động xã hội và cải thiện đời sống nhân dân" 12, tr.9 . Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Đảng ta đã đề ra mục tiêu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá là: " Xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp, có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh" 8, tr.80 . Mọi hoạt động của xã

hội diễn ra trong bầu không khí dân chủ, trong xu thế hội nhập, vừa hợp tác, vừa có cạnh tranh. Các xu thế đó sẽ tạo ra những biến đổi quan trọng về phát triển khoa học và công nghệ, cơ cấu tổ chức và phân công lao động xã hội, về sinh thái, môi trường, dân cư, lối sống. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã đề ra mục tiêu tổng quát của chiến lược 10 năm (2001 - 2010) là: "Đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển; nâng cao rõ rệt đời sống vật chất văn hoá, tinh thần của nhân dân; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nguồn lực con người, năng lực khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng, tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh được tăng cường; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hình thành về cơ bản; vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao" 9, tr.159 .

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu yêu cầu đề ra cần phải pháp huy mạnh mẽ các nguồn lực, bao gồm: nguồn lực con người, đất đai, tài nguyên, vốn, kỹ thuật trong nước và ngoài nước…Trong đó nguồn lực con người là quan trọng nhất, có vai trò quyết định trong các nguồn lực. Đó chính là những con người vừa có năng lực sáng tạo, vừa có thể lực đáp ứng với yêu cầu của xã hội hiện đại, vừa có nhân cách phát triển ở trình độ cao, thể hiện được sự kết tinh các giá trị đích thực của xã hội. Trong đó, thanh niên là lớp người đóng vai trò chính trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vì vậy, việc chăm lo đầu tư giáo dục , đào tạo thanh niên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, có lối sống lành mạnh, có trình độ khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ và có năng lực để đảm đương xuất sắc các nhiệm vụ đề ra là một trong những yếu tố cơ bản nhất cho sự phát triển nhanh và bền vững, là tiêu điểm của mọi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta đang đứng trước những cơ hội lớn được tạo ra do những thắng lợi đã dành được từ trước : Những thành tựu to lớn và rất quan trọng của hơn 15 năm đổi mới làm cho thế và lực của nước ta lớn mạnh lên nhiều. Cơ sở vật chất - kỹ thuật của nền kinh tế được tăng cường. Đất nước ta có tiềm năng về nguồn lao động. Tình hình chính trị - xã hội cơ bản ổn định. Môi trường hoà bình, hợp tác, hội nhập quốc tế và những xu hướng tích cực trên thế giới đã tạo điều kiện để nước ta phát huy nội lực tranh thủ ngoại lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.

Công cuộc đổi mới đã làm cho nền kinh tế đất nước có nhiều chuyển biến, đời sống nhân dân từng bước nâng lên, song đến nay nước ta vẫn là một trong những nước nghèo và kém phát triển nhất trên thế giới. Trình độ phát triển kinh tế, năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, cơ sở vật chất - kỹ thuật còn lạc hậu, thu nhập bình quân đầu người còn quá thấp so với các nước trên thế giới. Trong khi nền kinh tế kém phát triển thì dân số lại tăng quá nhanh. Quy mô dân số đông, nguồn lao động dồi dào, đó là sức mạnh của một quốc gia, là yếu tố cơ bản để mở rộng và phát triển sản xuất. Nhưng đối với các nước chậm phát triển như nước ta, tốc độ tăng dân số nhanh đã làm tăng quy mô số người trong độ tuổi có khả năng lao động so với nhịp độ tạo ra việc làm, sẽ làm nẩy sinh nhiều vấn đề phức tạp, khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến mức sống, sức khoẻ, việc học hành, sinh hoạt văn hoá của từng người, từng gia đình, gây sức ép nhiều mặt lên xã hội. Đó là một trong những nguyên nhân quan trọng làm phát sinh nhiều tệ nạn xã hội.

Mặt khác, do sự mở rộng hợp tác quốc tế và phát triển kinh tế thị trường đã tạo ra nhiều yếu tố tích cực, song những mặt tiêu cực của kinh tế thị trường, sự mở rộng giao lưu quốc tế không được kiểm soát chặt chẽ đã

tạo cho sự du nhập nhiều ấn phẩm văn hoá đồi truỵ, phản động không phù hợp với nền văn hoá, đạo lý, truyền thống Việt Nam, đã tác động và lôi cuốn thanh niên chạy theo lối sống thực dụng, vụ lợi, ích kỷ, chỉ thấy lợi ích trước mắt cho bản thân mà xem thường lợi ích tập thể, xã hội. Từ đó nẩy sinh những tiêu cực, thói ích kỷ, bất chấp đạo lý và pháp luật, tôn thờ đồng tiền, những tiện nghi sinh hoạt và sự giầu có về vật chất mà xem thường các giá trị đạo đức, văn hoá tinh thần. Bên cạnh đó, những âm mưu "diễn biến hoà bình" của kẻ thù và sự biến động của tình hình quốc tế đã làm cho một bộ phận thanh niên phai nhạt ý chí phấn đấu, suy giảm niềm tin vào tương lai, vào chủ nghĩa xã hội, dao động, mơ hồ trong xác định lý tưởng và không ít thanh niên mất niềm tin, chán đời, bất mãn, tự đánh mất mình, dẫn đến những hành động tiêu cực, vi phạm pháp luật.

Một phần của tài liệu Vấn đề xây dựng lối sống cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay ở tỉnh Yên Bái (Trang 28)