Phương pháp lấy mẫu trầm tích, nước ngầm

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sự vận động của asen trong nước ngầm tại khu vực nam dư hoàng mai hà nội trên cơ sở phân tích asen trong các pha liên kết của trầm tích (Trang 52)

2.2.1.1. Phương pháp lấy mẫu trầm tích

Các mẫu trầm tích Holocen ở khu vực Nam Dư được lấy ở độ sâu từ 0,9 đến -40m, thuộc lỗ khoan sát bờ sông P1. Để mẫu trầm tích không bị xáo trộn đồng thời giữ nguyên được hiện trạng của tầng chứa nước, luận án đã sử dụng phương pháp piston là phương pháp rất thích hợp để lấy mẫu trầm tích biển mềm hoặc trầm tích bở rời.

Nguyên tắc chính của phương pháp như sau:

Ống lấy mẫu trầm tích là ống thép không gỉ, đường kính 3cm, dài 3m, dày 2mm. Đầu dưới đáy của ống lấy mẫu được lắp một piston (bằng thép, có gioăng cao su). Đồng thời phía trên của ống lấy mẫu được nối với các thanh khoan nối. Đầu của piston được nối với dây thép, dây thép này được luồn bên trong ống đựng mẫu, các thanh khoan nối và cố định trên giàn khoan. Toàn bộ hệ thống lấy mẫu này được đưa vào thành giếng, ở độ sâu cần lấy mẫu trầm tích. Khi lấy mẫu, dùng búa

đập vào các thanh khoan nối, khiến cho toàn bộ hệ thồng lấy mẫu bao gồm: các thanh khoan nối và ống đựng mẫu đi xuống. Do dây thép nối với piston cố định nên piston sẽ trượt qua ống đựng mẫu, tạo ra không gian trống bên trong ống đựng mẫu và do đó trầm tích chui vào ống đựng mẫu (hình 2.3 và 2.4).

Hình 2.3. Cấu tạo và nguyên lý phương pháp piston

Hình 2.4. Quy trình lấy mẫu trầm tích

Sau đó, thanh lấy mẫu chứa trầm tích được kéo lên, dùng cưa chuyên biệt để cắt thành từng đoạn dài 70cm, đậy kín bằng giấy nhôm, nắp nhựa chuyên biệt để tránh mẫu trầm tích tiếp xúc với oxi. Các mẫu trầm tích được bảo quản ngay lập tức ở tủ lạnh sâu -200C và sau đó được vận chuyển về phòng thí nghiệm để phân tích.

2.2.1.2. Phương pháp lấy mẫu nước ngầm

Khi lấy mẫu nước tuân theo các qui tắc sau:

- Các giếng sau khi khoan thường bị xáo trộn về địa chất cũng như các tầng nước. Do đó phải chờ khoảng 3 tháng sau khi khoan để giếng ổn định mới tiến hành lấy mẫu. - Trước khi lấy mẫu phải tiến hành bơm rửa 3-5 lần thể tích giếng.

- Nước ngầm bơm lên được dẫn qua bộ dẫn dòng chảy kín liên tục (flow cell) để đảm bảo nước ngầm không tiếp xúc với oxi trong không khí. Các điện cực đo các thông số hiện trường như nhiệt độ, pH, oxi hòa tan (DO), độ dẫn điện (E )

được lắp vào bộ dẫn dòng chảy kín này.

- Toàn bộ dụng cụ lấy mẫu như xi lanh, màng lọc, cột tách As(III), kim và các van đều được sục khí nitơ để đuổi hết oxi.

- Nước ngầm được lọc qua màng xenlulo axetat 0,2µm để loại bỏ các chất rắn lơ lửng hoặc các chất keo, sắt oxihidroxit và được đựng vào các chai lấy mẫu chuyên dụng. Cụ thể:

+ Đối với mẫu phân tích cation: sử dụng chai nhựa PE, 50ml. Mẫu được axit hóa bằng HNO3 7M đến pH < 2, bảo quản ở nhiệt độ 40C

+ Đối mẫu phân tích anion: đựng trong lọ nhựa PE, 20ml. Mẫu không cần axit hóa, bảo quản ngay trong đá khô (CO2) ngoài hiện trường và bảo quản ở phòng thí nghiệm ở điều kiện -20oC.

+ Đối với các mẫu phân tích mêtan: sử dụng lọ thủy tinh có nút cao su kín đã hút chân không, bảo quản ngay lập tức trong tủ lạnh sâu.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sự vận động của asen trong nước ngầm tại khu vực nam dư hoàng mai hà nội trên cơ sở phân tích asen trong các pha liên kết của trầm tích (Trang 52)