Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP.HCM (HSIA) được thành lập từ tháng 3/2013 và đi vào hoạt động chỉ mới hơn một năm, hiện chưa thể đánh giá được hiệu quả hoạt động của đơn vị này dù đây là đơn vị giữ vai trò quan trọng trong việc đưa ra định hướng và chiến lược phát triển ngành vi mạch TP.HCM. Chủ tịch danh dự của HSIA chính là chuyên gia
Đặng Lương Mô, do đó, có thể kỳ vọng vào hiệu quả hoạt động của HSIA từ kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc chọn lựa người đứng đầu tổ chức phát triển ngành vi mạch bán dẫn có kinh nghiệm, thành tích khoa học và nhân cách được khẳng định bởi sự nể trọng từ xã hội và giới chuyên môn.
Việc đào tạo nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn tại TP.HCM hiện nay gần như hoàn toàn do ICDREC thực hiện. Trên thực tế thì ICDREC có liên kết với một số trường đại học trên địa bàn TP.HCM bằng những chương trình đào tạo thiết kế vi mạch cụ thể nhưng kết quả không như mong đợi vì các trường chưa thực sự quan tâm36 có thể do chi phí đào tạo kỹ sư ngành vi mạch là khá cao, cụ thể khoảng 250 triệu đồng/người đối với đào tạo trong nước và khoảng 500 triệu đồng/người đối với đào tạo ở nước ngoài37. Để có thể giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực ngành vi mạch tại TP.HCM trong tương lai, ICDREC chắc chắn cần nhiều hơn nữa những sự hợp tác hiệu quả từ các trường đại học ở thành phố, gia tăng hợp tác với quốc tế vốn đang có những tín hiệu lạc quan, ví dụ gần đây nhất là sự kiện ký kết Chương trình hợp tác phát triển công nghiệp vi mạch giữa ICDREC và Trung tâm thiết kế và đào tạo VLSI (VDEC) thuộc trường đại học Tokyo của Nhật Bản38, cũng như sự hỗ trợ từ Thành phố thông qua Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP.HCM.
Số liệu của Cục Thống kê TP.HCM năm 2011 cho biết thành phố đang sở hữu lợi thế tương đối tốt khi có khoảng sáu ngành sản xuất công nghiệp có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến ngành vi mạch bán dẫn, cụ thể là (i) ngành sản xuất thiết bị văn phòng, máy tính; (ii) ngành máy móc và thiết bị điện chưa được phân vào đâu; (iii) ngành radio, TV và thiết bị truyền thông; (iv) ngành dụng cụ y tế, dụng cụ quang học, đồng hồ các loại; (v) ngành xe có động cơ, rơ móc; (vi) ngành phương tiện vận tải khác. Phân tích số liệu về số lượng doanh nghiệp thành lập qua các năm từ Niên giám thống kê năm 2011 của Cục Thống kê TP.HCM, quy đổi về tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp thuộc sáu ngành này giai đoạn 2008 đến 2011 so với năm 2005, ta có biểu đồ kết quả như sau:
36 Đã trích dẫn ở mục 14.
37 Đã trích dẫn ở mục 16
Hình 3.6 Tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp thuộc các ngành có liên quan đến vi mạch bán dẫn, giai đoạn 2008 – 2011 (so với năm 2005)
Nguồn: Tác giả tự tính toán và vẽ
Có thể thấy số lượng doanh nghiệp trong đa số các ngành đều tăng, ngoại trừ ngành sản xuất thiết bị văn phòng, máy tính. Cụ thể hơn, trong sáu ngành này thì có hai ngành có liên quan khá mật thiết và mang tính chất quyết định đối với sự phát triển của ngành vi mạch bán dẫn, đó là Ngành sản xuất thiết bị văn phòng, máy tính và Ngành Radio, TV và thiết bị truyền thông, thế nhưng tốc độ tăng trưởng của hai ngành này lại không cao và thậm chí là ngành sản xuất thiết bị văn phòng, máy tính còn tăng trưởng âm. Nếu đẩy mạnh nghiên cứu, thiết kế các ứng dụng vi mạch trên cơ sở nhu cầu từ các ngành này thì sẽ tạo được liên kết giữa ngành vi mạch bán dẫn với sáu ngành nêu trên, từ đó sẽ thúc đẩy phát triển được cả ngành vi mạch lẫn các ngành liên quan như trên.