Lúa là cây trồng chủ yếu của người dân vùng Bắc Trung Bộ. Với đặc trưng của vùng là địa hình núi hẹp đâm ra biển xen kẽ với các sông ngắn chạy thẳng ra biển và giới hạn bởi đèo Hải Vân. Thung lũng của các dãy núi và các đồng bằng nhỏ của các con sông (sông Mã, sông Lam, sông Gianh, sông Hiền Lương, sông Hương … ) là đất lúa chủ yếu của vùng. Diện tích đất canh tác lúa khoảng 700.000 ha phân bố ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng
Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Sản xuất lúa đáp ứng mục tiêu an ninh lương thực trong vùng [13].
Dưới sức ép của việc gia tăng dân số trong nước và trong vùng việc thu hẹp diện tích đất canh tác để nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng nhà cửa, các khu công nghiệp làm cho ngày càng có nguy cơ thiếu đất canh tác và dẫn tới thiếu hụt lương thực trầm trọng. Trước tình hình đó các nước trên thế giới đang tìm mọi cách để tăng năng suất cây trồng cao hơn trên cùng một đơn vị diện tích. Một trong những biện pháp đó là nghiên cứu và chọn tạo ra các giống lúa mới có năng suất cao, ổn định và thích hợp cho từng vùng. Trong thời gian qua, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ đã tuyển chọn và áp dụng thành công nhiều giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt cho vùng Bắc Trung Bộ, đây là những giống chủ lực cho vụ Xuân của vùng: NX30, Xi23, VD7, QH1, giống lúa chất lượng cao HT1, chọn tạo giống lúa chất lượng cao LT2 hiện đang tiến hành sản xuất đại trà. Đặc biệt năm 2005 Viện đã có tiến bộ kỹ thuật mới: Giống lúa BT1 năng suất cao (65 - 80 tạ/ha), ngắn ngày cho vùng. Việc nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ Khoa học công nghệ vào phục vụ sản xuất kết hợp với công tác khuyến nông đã thu được kết quả đáng kể trong sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn của vùng. Các giống lúa năng suất cao như: CRO1, CRO2, NX30, AYT77, Xi21, Xi23, Nhị ưu 838… [42] là những giống lúa Xuân năng có suất cao hơn nhiều so với các giống được trồng phổ biến trong vùng. Các giống lúa này đã và đang được canh tác rộng rãi hầu hết ở vùng Bắc Trung Bộ. Việc sử dụng các giống lúa cùng với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác hợp lý đã làm tăng năng suất lúa bình quân từ 40,6 tạ/ha/năm 2000 lên 46,3 tạ/ha/ năm 2003. Đặc biệt năm 2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận và cho phép mở rộng 3 giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt (BT1, Dưu 725, Nhị ưu 725) vào sản xuất trên diện tích hàng nghìn ha ở tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong đó ưu điểm của giống BT1 là có thời gian sinh trưởng cực ngắn, gieo trồng rất thích hợp cho vụ Hè Thu, năng suất cao và ổn định trong các điều kiện thời tiết bất thuận.
Công tác cải tiến giống để đáp ứng đòi hỏi của thị trường trong nước và thế giới, phù hợp với các điều kiện sinh thái nông nghiệp vùng Bắc Trung Bộ luôn là mục tiêu hàng đầu của Viện Khoa học Nông nghiệp Bắc Trung Bộ.