cuộc sống. Lượng người di cư đến các thành phố lớn ngày càng gia tăng đã tạo nên sức ép không chỉ về vấn đề nhà ở, gây ùn tắc giao thông, mà còn làm tăng nguồn nhân lực trẻ ở các thành phố lớn, có trình độ chuyên môn, nhưng cũng tạo nên sức ép về giải quyết việc làm, bố trí công việc và việc thực hiện các chính sách xã hội với những người lao động từ các địa phương khác di cư đến. Do đó, để điều tiết được dòng chảy của nguồn lao động đó cần phải có sự tham gia của nhiều cấp, ngành để tạo được hiệu quả, giúp ổn định cuộc sống của người lao động di cư, tránh được những TNXH xảy ra.
Ở Hưng Yên hiện nay, trong tổng số 679.755 người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động thì có 94.327 người đã qua đào tạo từ sơ cấp đến trên đại học, chiếm 13% trong tổng số lực lượng lao động. Với 585.429 lao động chưa được đào tạo một trình độ chuyên môn kỹ thuật nào (chiếm 86,1% lực lượng lao động) [6, tr.73]. Đối với bộ phận lao động có trình độ học vấn thấp này, vấn đề áp dụng khoa học, kĩ thuật trong sản xuất rất hạn chế, chủ yếu làm việc trong khu vực hộ gia đình. Trình độ học vấn thấp dẫn đến vấn đề đào tạo và tái đào tạo nghề, phổ biến khoa học kỹ thuật trong sản xuất gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi với hoàn cảnh mới và khi số tiền có được từ hỗ trợ tiền đền bù không được sử dụng hợp lí cho việc chuyển đổi ngành nghề, tìm kiếm công việc mới thì lực lượng lao động này có khả năng thất nghiệp rất cao và cuộc sống gia đình rơi vào khó khăn. Đặc biệt, phần lớn lao động của các hộ có đất nông nghiệp phải thu hồi là chưa qua đào tạo, nên vấn đề giải quyết việc làm đang trở thành vấn đề bức xúc và rất khó giải quyết.
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cho thấy, tỉnh Hưng Yên có “11.123 người thất nghiệp, chiếm 1,6% trong tổng số người hoạt động kinh tế. Trong đó, khu vực thành thị là 22,3% số người thất nghiệp, và nông thôn là 77,7%. Trong tổng số lao động thất nghiệp ở nông thôn thì số người thất nghiệp trẻ tuổi từ 15 - 29 tuổi chiếm 49,1%, trong khi đó nhóm dân số từ 15 - 29 tuổi chỉ chiếm 26,6% trong tổng số dân từ 15 tuổi trở lên” [6, tr.84].