Một số nội dung chủ yếu

Một phần của tài liệu Xây dựng đời sống văn hóa ở nước ta hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh (Trang 75)

7. Kết cấu của luận văn

2.2.1.Một số nội dung chủ yếu

Trong xây dựng đời sống mới, Hồ Chí Minh luôn tâm niệm, điều cốt lõi là làm cho cuộc sống nhân dân được no đủ, đời sống tinh thần phong phú, đó là: "Làm thế nào cho đời sống của nhân dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn”. [54, tr.342]

Cần quán triệt tư tưởng trên của Hồ Chí Minh, định hướng phát triển trên tất cả các lĩnh vực của đời sống văn hóa.

2.2.1.1.Xây dựng lối sống.

“Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động

được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ”[46, tr.591].

Trong khi xây dựng lối sống có văn hóa, chúng ta phải giải quyết hoàng loạt các mối quan hệ như vật chất, tinh thần, truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế. Đó là những mối quan hệ có tính quy luật trong xây dựng lối sống. Trong xã hội ngày nay, việc hình thành một nhân cách mới và có sự phát triển tốt về thể chất, phong phú về tinh thần, đủ bản lĩnh đáp ứng những yêu cầu của lịch sử mới là một trong những mục tiêu quan trọng của sự nghiệp xây dựng lôi sống văn minh và hiện đại.

Con người Việt Nam vốn cần cù, khiêm tốn, giản dị, có lòng yêu nước, yêu quê hương, sống vị tha… Đó là những tài nguyên vô giá để chúng ta xây dựng nhân cách mới có lối sống lành mạnh như lời Hồ Chí Minh dạy. Hiện nay, cuộc đấu tranh giữa lối sống tư sản và lối sống xã hội chủ nghĩa trở nên quyết liệt, như Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần XI (2011) nhận định: kinh tế thị trường có những mặt mâu thuẫn với chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, trong cuộc đấu tranh xây dựng lối sống mới, phải đẩy lùi tâm lý sùng bái đồng tiền, vì đồng tiền mà chà đạp lên đạo đức, nhân phẩm của con người, cần đập tan những luận điệu tuyên truyền, bào chữa về lối sống tư sản. Lối sống văn hóa mới mà chúng ta cần xây dựng trong điều kiện hiện nay mà vẫn thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh là một lối sống đáp ứng với những nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Cần xây dựng một lối sống trong đó con người có trách nhiệm với tập thể và trách nhiệm của tập thể với mỗi thành viên của mình. Xây dựng con người có lối sống: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Mặt khác, vấn đề được đặt ra là trong điều kiện kinh tế thị trường và mở rộng giao lưu quốc tế, phải đặc biệt quan tâm và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, kế thừa và phát huy, cần kế thừa truyền thống đạo đức, tập quán tốt đẹp, ý thức về cội nguồn và lòng tự hào dân tộc, khắc phục tâm lý sùng bái đồng tiền, bất chấp đạo lý, coi thường các giá trị nhân văn. Lối sống

mới cần phải có tính tích cực văn hóa của cá nhân, thể hiện ở sự nhận thức và tiếp thu những giá trị văn hóa và phải thể hiện nó trong thế giới của cái đẹp.

Lối sống mới mà chúng ta đang cố gắng xây dựng thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh là lối sống xã hội chủ nghĩa “thương người như thể thương thân”, trọng lẽ phải, đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, như chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Dân ta từ lâu sống với nhau có tình có nghĩa. Từ khi có Đảng lãnh đạo và giáo dục thì tình nghĩa ấy càng cao đẹp hơn, trở thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà, lối sống mới đó phải là lối sống kết tinh cao nhất của sự phát triển kinh tế, xã hội, và thực hiện tốt lối sống đó, là sẽ tác động tích cực đến sự phát triển chung của xã hội vì mục tiêu “dân giàu – nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

2.2.1.2.Xây dựng tư tưởng, đạo đức

Để xây dựng đời sống văn hóa thì giáo dục về tư tưởng và đạo đức là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Trong giai đoạn hiện nay, đứng trước những thay đổi về kinh tế, xã hội, Đảng và nhà nước cần có những nội dung và phương pháp xây dựng tư tưởng, đạo đức xã hội chủ nghĩa cho nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa văn minh, tiên tiến.

Trên lĩnh vực tư tưởng: giáo dục đạo lý, lý tưởng yêu nước, yêu thương con người, uống nước nhớ nguồn, phát huy những thành tựu mà chúng ta đã đạt được, một mặt kiên quyết đạp tan các tư tưởng phản động, thù địch của các thế lực núp dưới chiêu bài xuyên tạc văn hóa dân tộc Việt Nam, để gây mất đoàn kết dân tộc, một mặt đẩy lùi những tư tưởng lạc hậu trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa mới như: tư tưởng vị kỉ, hẹp hòi, bè cánh, xoay sở, đầu óc địa vị, hám lợi, cục bộ, địa phương chủ nghĩa… Để xây dựng được những tư tưởng mới, phải vận dụng khai thác di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, bồi dưỡng những tư tưởng tiến bộ, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chỉ khi loại bỏ được những tư tưởng xấu và tiếp thu được những tư tưởng tiến bộ, nhân đạo, nhân văn, tiên tiến, thì công việc xây dựng đời sống văn hóa sẽ dễ dàng hơn.

Xây dựng đạo đức mới: Đạo đức là yếu tố quan trọng hàng đầu trong xây dựng đời sống văn hóa. Con người có đạo đức sẽ là người sống văn hóa. Thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh, trong giai đoạn hiện nay, cần phát huy đạo đức truyền thống đó là lối sống bao dung, tình thương người, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo “thương nước, thương nhà, thương người, thương mình”. Đạo đức trong lối sống: cần, kiệm, liêm, chính chí công vô tư. Trong quan hệ giữa các cá nhân tôn trọng, bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau, sống có văn hóa và tình nghĩa. Trong quan hệ gia đình ông bà, bố me, con cái sống hài hòa với nhau. Gia đình cần nối tiếp các giá trị tốt đẹp từ trước như: nhớ ơn bố mẹ, kính trọng ông bà, thương yêu con cháu, anh em đùm bọc, vợ chồng hòa thuận, đồng thời xây dựng nền nếp gia đình dân chủ, văn hóa, tôn trọng nhau, cùng nhau quyết định, khắc phục thái độ độc đoán, gia trưởng, bất bình đẳng. Đặc biệt là “chống chủ nghĩa cá nhân”. Trong cơ chế thị trường, hơn lúc nào hết, mỗi người phải tự đấu tranh với mình, đấu tranh với kẻ thù đang ẩn mình. Khi con người đã tích lũy cho mình hành trang đạo đức thì sẽ là kháng thể chống lại các tệ nạn xã hội, những thói hư, tật xấu trong cuộc sống hằng ngày, cùng với nó, sẽ hướng con người tới những hành vi văn hóa, làm điều tốt, việc thiện, sống văn hóa và giáo dục mọi người sống văn hóa.

2.2.1.3. Xây dựng, phát triển văn hóa nghệ thuật, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân

Văn hóa nghệ thuật là nhu cầu thiết yếu của con người trong mỗi xã hội, nó thể hiện trình độ phát triển chung của đất nước, đồng thời chính là lĩnh vực sản xuất tinh thần tạo ra những giá trị cao quý lưu truyền từ đời này sang đời khác, làm giàu đẹp cho cuộc sống của con người, có ý nghĩa giáo dục nhân cách, lối sống cho con người.

Nghệ thuật ảnh hưởng đến đời sống con người, nó cũng giúp con người thể hiện khát vọng hướng đến chân, thiện, mỹ. Nó có tác dụng bồi dưỡng tình cảm, tâm hồn, nhân cách xây dựng môi trường đạo đức, văn hóa, xây dựng con người.

Trong điều kiện hiện nay, văn hóa nghệ thuật cần góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh để thực hiện quá trình dân chủ hóa, xây dựng đời sống văn hóa. Văn hóa nghệ thuật phải không ngừng nâng cao tính đảng, tính nhân dân, nắm bắt nhạy bén hiện thực đang chuyển biến, biểu hiện nguyện vọng của con người trong cuộc sống, cùng con người suy ngẫm về cuộc sống, phải tạo nên những điển hình sống động về con người trung thực, dũng cảm, năng động, sáng tạo, xây dựng những tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, tác động sâu sắc tới nếp nghĩ, nếp sống, nâng cao giác ngộ về nhận thức và trình độ thẩm mỹ của nhân dân, phục vụ cho đời sống hưởng thụ các giá trị văn hóa, bồi dưỡng về nhận thức xây dựng đời sống văn hóa mới sát thực qua các tác phẩm nghệ thuật.

Trách nhiệm của những người lãnh đạo và quản lý trên lĩnh vực văn hóa – văn nghệ là phải tạo ra những điều kiện cần thiết và bầu không khí thuận lợi giúp giới sáng tác có thể đưa ra những tác phẩm sâu sắc về tư tưởng, cao đẹp về nghệ thuật, góp phần làm phong phú thêm kho tàng giá trị tinh thần của nhân dân, phục vụ đời sống văn hóa và thưởng thức nghệ thuật của các tầng lớp trong xã hội, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới, đời sống văn hóa mới của Đảng đề ra.

Đại hội VII của Đảng tiếp tục và phát triển những luận điểm cơ bản của Đại hội VI, nghị quyết 05 về văn hóa văn nghệ. Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương tại Đại hội ghi rõ: “ Văn học nghệ thuật là một bộ phận quan trọng trong nền văn hóa, gắn bó với đời sống nhân dân và sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Khuyến khích tự do sáng tạo văn học nghệ thuật vì hoàn thiện con người, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm cao đẹp, đề cao tinh thần tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, phấn đấu làm cho dân giàu, nước mạnh, phê phán những thói hư, tật xấu, cái độc ác, cái thấp hèn” [16, tr.83,84,85]. Phải xây dựng đời sống văn hóa văn nghệ tạo nên những giá trị mới, vì mục đích xây dựng một đời sống tinh thần cao đẹp, phong phú và đa dạng, có nội dung nhân đạo, dân chủ và tiến bộ.

2.2.1.4 Tổ chức, xây dựng mọi mặt đời sống văn hóa ở cơ sở.

Nhà nước phải có kế hoạch đảm bảo cho phần lớn cơ sở đều có hoạt

động văn hóa, nhân dân lao động được đọc báo, nghe đài, xem phim, xem và thưởng thức nghệ thuật. Đặc biệt là các vùng nông thôn, các vùng dân tộc ít người ở vùng cao. Cần củng cố và xây dựng các cơ sở văn hóa ở cấp tỉnh và huyện, nhà văn hóa, thư viện, rạp chiếu bong, bảo tàng, triển lãm..v..v, ở phường, xã từng bước xây dựng cơ sở văn hóa tùy thuộc theo thực tế ở từng cơ sở, làm sao cho nhân dân được chính quyền quan tâm sát sao đến đời sống, đến mọi hoạt động văn hóa tinh thần.

Trong việc xây dựng đời sống văn hóa thì đây là một nhiệm vụ quan trọng có tầm chiến lược, bởi vì, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở là tạo ra những điều kiện cần thiết để tiến hành công cuộc toàn diện xây dựng đời sống văn hóa mới, lối sống mới và con người mới ngay tại cơ sở.

Xây dựng văn hóa ở cơ sở cũng được coi như những bước đi ban đầu trong quá trình xây dựng nền văn hóa mới. Nhiệm vụ đặt ra cho chúng ta là phải xây dựng kết cấu văn hóa hạ tầng để tiến hành các hoạt động văn hóa, giáo dục, mở mang dân trí, bồi dưỡng đạo đức, giáo dục thẩm mỹ và tổ chức hoạt động văn hóa.

Hiện nay, công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở vẫn còn một số hạn chế sau: Sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của các cấp ủy Đảng và chính quyền nhiều lúc, nhiều nơi chưa thường xuyên, liên tục. Những kết quả đạt được trong lĩnh vực đời sống văn hóa ở cơ sở còn chưa vững chắc, chất lượng chưa cao, nhiều phong trào còn mang tính hình thức và mắc bệnh thành tích. Cơ sở vật chất và hệ thống thiết chế văn hóa xã hội ở các đơn vị cơ sở còn thiếu thốn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Đội ngũ cán bộ quản lý hoạt động văn hóa còn thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ, chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng. Các tiêu cực xã hội và tệ nạn xã hội ở cơ sở còn diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn, công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, chúng ta cần tập trung một số giải pháp chủ yếu như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia tích cực vào phong trào thi đua yêu nước và Phong trào " Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của BCĐ ở cơ sở; tổ chức thực hiện tốt các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; tạo nên sự phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu của phong trào này ở cơ sở; tổ chức thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012-2015, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa thông tin ở cơ sở, khai thác và phát huy có hiệu quả các thiết chế văn hóa để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng dân cư. Bên cạnh việc tăng nguồn kinh phí của Nhà nước cho các chương trình mục tiếu quốc gia về văn hóa, cần phát huy vai trò của các tổ chức kinh tế, xã hội trong và ngoài nước, hỗ trợ phát triển văn hóa. Đẩy mạnh công tác đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để họ yên tâm phục vụ cộng đồng. Tăng cường vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, khuyến khích các tổ chức xã hội tham gia vào xây dựng và phát triển văn hóa cơ sở. Nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc xây dựng gia đình văn hóa cũng như mối quan hệ gắn bó thường xuyên giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Tăng cường hoạt động của các tổ chức văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp hướng về cơ sở, nâng cao chất lượng phong trào quần chúng hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Thường xuyên tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, khắc phục những mặt yếu kém trong các hoạt động và phong trào liên quan đến công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc ở các cấp trong việc phối hợp lãnh đạo,

tổ chức, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở

Chúng ta cần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở tạo điều kiện cho nhân dân phát huy quyền làm chủ trong việc sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hóa, nghệ thuật tiên tiến, tạo dựng một đời sống văn minh, lịch sự, hình thành những phong tục, tập quán, lễ thức tốt đẹp, vừa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, vừa phù hợp trào lưu văn hóa tiến bộ của nhân loại. Đồng thời, để xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở cần xây dựng một mạng lưới thiết chế văn hóa xã hội gồm: nhà văn hóa, câu lạc bộ, thư viện, nhà truyền thống, trường học, trạm y tế, sân vận động, tạo nên một cảnh quan văn hóa mới vừa dân tộc, vừa hiện đại.

Một phần của tài liệu Xây dựng đời sống văn hóa ở nước ta hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh (Trang 75)