Nhân tố quốc tế

Một phần của tài liệu Xây dựng đời sống văn hóa ở nước ta hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh (Trang 73)

7. Kết cấu của luận văn

2.1.2.Nhân tố quốc tế

Thế giới hiện nay đang có những biến động không ngừng với nhiều xu thế đang diễn ra, tạo cho nhân loại những vận hội, nhưng cũng không ít những thách thức. Đặc biệt quá trình toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ đã tác động đến mọi mặt của đời sống của các quốc gia. Việt Nam cũng không ngoại lệ, văn hóa dân tộc Việt Nam cũng bị quá trình toàn cầu hóa tác động theo hai hướng: Những thời cơ và những khó khăn.

Xu thế và quá trình toàn cầu hóa là môi trường rộng mở, cơ hội để văn hóa giữa các quốc gia được giao lưu dưới nhiều hình thức. Gía trị và di sản các quốc gia được giới thiệu, quảng bá rộng rãi trên toàn thế giới. Như vậy, nhờ quá trình toàn cầu hóa, văn hóa Việt Nam có cơ hội để tiếp thu những giá trị văn hóa tiên tiến của các nước trên thế giới, học hỏi những giá trị văn hóa văn minh, làm giàu cho nền văn hóa truyền thống và nâng cao mọi mặt của đời sống xã hội thông qua quá trình hưởng thụ thành quả văn hóa của nhân loại.

Quá trình giao lưu văn hóa cũng tạo điều kiện cho chủ thể văn hóa – Con người Việt Nam được mở rộng tầm nhìn, tiếp cận và hưởng thụ sản phẩm văn hóa tiên tiến, dần loại bỏ những ý thức hệ phong kiến cổ hủ, tiếp cận với những luống văn hóa hiện đại, nhân văn. Từ đó có những thái độ và cách hành xử mang mẫu thức toàn cầu, văn hóa và đời sống văn hóa Việt Nam được hòa nhập với văn hóa trên thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ và cơ hội có được, xu thế toàn cầu hóa cũng làm cho văn hóa Việt Nam dễ bị tổn thương, đặc biệt là văn hóa truyền thống. Đời sống mọi mặt cũng thay đổi theo xu thế toàn cầu, đặc biệt là giới trẻ, một lực lượng xã hội năng động đang dần chuyển biến trong tư duy, lối sống. Trên cơ sở môi trường xã hội được rộng mở, nếu không đủ khả năng chọn lọc, giới trẻ sẽ dễ bị nhấn chìm trong hệ các giá trị không phù hợp với xã hội, con người và lối sống xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta. Đời sống văn hóa cũng bị những luồng tư tưởng mới làm đảo lộn, trong đó một bộ phận

thanh niên sớm hình thành tâm lý sính ngoại, bắt chước, học đòi những cái mới không phù hợp với thuần phong mỹ tục, không phù hợp với đời sống văn hóa vốn mộc mạc, giản dị của dân tộc ta, những hành xử thiếu văn hóa, đạo đức bị ảnh hưởng bởi phim ảnh nước ngoài cũng làm cho đời sống tinh thần của nhân dân bị ảnh hưởng tiêu cực, dẫn đến chối bỏ, quên đi truyền thống văn hóa của dân tộc.

Hiện nay, đời sống thực tiễn ở các đô thị chịu ảnh hưởng nhiều của trào lưu lối sống hưởng thụ, bất cần tương lai, tiêu dùng vô độ để thỏa mãn những nhu cầu cá nhân, thậm chí sẵn sàng đánh đổi mọi thứ, thậm chí bất chấp những giá trị tốt đẹp, đó chính là những hành vi phản văn hóa mà quá trình toàn cầu hóa đang bắt chúng ta phải đối mặt.

Đó là những ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa nói chung và tác động trực tiếp đến đời sống của con người Việt Nam nói riêng. Những thách thức đó có điều kiện để phát triển trong giai đoạn hội nhập kinh tế và văn hóa như hiện nay. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra trong thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng đời sống văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc như lời Hồ Chí Minh nói chính là nhiệm vụ, cũng như là mục tiêu vô cùng quan trọng. Chúng ta tin rằng, với sự cởi mở và linh hoạt, tính chan hòa của văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam cũng như những chính sách phát triển hợp lý, tính đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh quốc tế hiện nay sẽ biến những thách thức thành những cơ hội phát triển văn hóa. Việt Nam là quốc gia nhỏ nhưng có nền văn hóa lớn, được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, với ý thức trách nhiệm của mỗi công dân trước vận mệnh đất nước nói chung và văn hóa nói riêng.

Một phần của tài liệu Xây dựng đời sống văn hóa ở nước ta hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh (Trang 73)