Khái quát hiện trạng phát triển của cọ ở Phú Thọ

Một phần của tài liệu CỌ TRONG ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN PHÚ THỌ HIỆN NAY (Trang 32)

Cây cọ có ở rất nhiều nơi nhưng để nói về sự phân bố rộng rãi và lịch sử lâu đời thì phải nói đến cọ ở Phú Thọ. Và khi nhắc đến Phú Thọ thì ta không thể không nhắc đến cọ ở cẩm khê hay Đoan Hùng. Đây là những mảnh đất bao đời nay luôn có sự hiện hữu của cây cọ với những tán lá rộng che mát cả một rừng chiều, đặc biệt là Cẩm Khê nơi đây được mệnh danh là xứ sở của cây cọ ở Việt Nam .

Trước đây khi đến với mảnh đất Phú Thọ chúng ta sẽ nhìn thấy hình ảnh cây cọ ở khắp nơi, gần như ở đâu cũng thấy. Nhà nào cũng có, có nhà có tới mấy ha cọ hoặc ít nhất là 1 ha, cọ mọc thành từng dải, đồi nọ nối tiếp đồi kia một màu xanh mướt, nhưng đến nay hình ảnh mà ta nhìn thấy là những thân cọ nằm ngồn ngang trên các sườn đồi,gò.Tiếng máy cưa máy sẻ hoạt động khắp nơi, cọ bị đốn gần như hế, bị chặt ngổn ngang không chút thương tiếc. Giờ đây hình ảnh đất trống đồi trọc không còn là quá xa lạ với người dân Phú Thọ nữa, những dự án trồng các cây công nghiệp có năng xuất và thu nhập cao hơn đang được tiến hành trên những mảnh đất này,mảnh đất xưa kia từng là nơi sinh tồn phát triển của bao thế hệ cọ.

Dù thực trạng trên diễn ra hằng ngày, hằng giờ nhưng lại không hề có sự can thiệp của các cơ quan nhà nước, cũng như sự lên tiếng của các cấp chính quyền địa phương. Những hoạt động tuyên truyền và vận động để nhân dân hiểu rõ hơn về giá trị cũng như những công dụng to lớn của cọ lại không được các cấp chính quyền thực hiện nhanh chóng và khẩn trương. Chính vì những nguyên nhân này đã tác động một phần không nhỏ tới hiện trạng của cọ tại Phú Thọ hiện nay.

Diện tích cọ ngày càng bị thu hẹp, dẫn đến nguyên vật liệu cung cấp cho các cơ sở làm mành, làm nón không còn nhiều như trước nữa. Do vậy thiếu thốn về nhiên liệu các xưởng này phải nhập nguyên vật liệu từ nơi khác về hoặc có những cơ sở không có chi phí vận chuyển thì phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí còn phải đóng cửa.

Bên cạnh đó cùng với sự phát triển của thời đại, cùng hòa nhịp với sự phát triển của kinh tế thị trường hàng loạt các nhà máy xí nghiệp mọc lên. Đi kèm với đó là sự đi lên của cơ sở hạ tầng vật chất kĩ thuật, bao ngôi nhà mọc lên mà không còn thấy sự hiện hữu của những mái nhà cọ râm mát, nên thơ thay vào đó

là gạch ngói xi măng cốt thép. Đâu còn thấy những rặng cọ xanh mướt vươn ra những tàu lá rung rinh trước gió như những cánh tay ôm trọn lấy một vùng đồi. Mà những gì ta nhìn thấy hiện nay là thực trạng chặt phá cọ để trồng những cây công nghiệp cho thu nhập cao hơn như quế, ca keo, bạch đàn… Cuộc sống của người dân nay đã đổi khác, mức sống ngày một được nâng cao. Vị trí của cọ trong đời sống cũng khác, gần như đã bị lãng quên theo thời gian

3.1.1 . Hiện trạng phát triển của cọ Phú Thọ trước thời kì công nghiệp hóa -hiện đại hóa hiện đại hóa

Lâu nay người ta biết đến mảnh đất Phú Thọ như cái nôi, cội nguồn của dân tộc, nơi có đền Hùng luôn thổn thức trong tâm trí con dân đất Việt. Và nói đến đất Tổ Phú Thọ cũng là nói đến vùng đất loài cây cọ.

Không phải ngẫu nhiên mà cọ đã từng đi vào thơ của Tố Hữu, nhạc đương đại của Nguyễn Vĩnh Tiến và cả ca dao mà nhiều đứa trẻ đã từng thuộc lòng. Rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt / nắng chói sông lô hò ô tiếng hát . . ! hay những câu ca dao, tục ngữ mà bao đứa trẻ từ thủa thơ ấu đã thuộc lòng. Cây cọ duyên dáng vươn mình trong sương sớm, thân cao vút giữa đất trời, tán lá xòe rộng như che chở cho đất và người.

Vườn cọ, nương cọ và rừng cọ nối tiếp nhau. Những cây cọ non một vài năm tuổi đã chĩa búp nhọn, xòe mấy chiếc lá xinh xinh đón ánh mặt trời. Những hàng cọ dăm bẩy năm tuổi chững chạc vững chãi tầu lá trải xòa lớp lớp. Những hàng cọ già lão cao vút tráng kiện dâng chùm lá lên tận trời cao. Các lứa cọ nối tiếp nhau, bao năm, bao đời bền bỉ và khỏe khoắn.

Lá cọ xếp gấp trải rộng rồi tia ra những dải dài, quy tụ cả về cục lá. Cọ lặng lẽ, tua tủa chùm rễ bám chắc vào đất sâu. Gió giật, bão rung, cọ thấp cứ đứng yên, cọ cao không nghiêng ngả. Mỗi tháng đều đặn một búp lá nõn xanh xòe một tầu lá mới. Trong nắng gió, trong giá sương, cọ lặng lẽ. Nhưng khi mưa xuống là cọ reo vui. Mưa rừng cọ, gió rừng thông. Những hạt mưa dạo đầu lộp bộp.Rừng cọ Phú Khê rợp bóng. Ngày hè nắng chang chang mà dưới rừng cọ vẫn dịu mát, người chặt lá, bó lá, bó cành làm việc cả ngày không phải đội nón. Mặt đất phủ một lớp địa y êm mượt. Vít hai tầu cọ kết thành chiếc võng ngả lưng đu đưa ngủ thiu thiu. Giếng nước dưới chân rừng cọ trong văn vắt, hớp một ngụm mát thấu ruột gan.

Lá cọ lợp nhà bền và mát. Nhà gỗ tốt, thợ mộc lành nghề, dàn rui mè tre ngâm kỹ,lá cọ phấn dong nuôi hai ba năm lợp dầy, đến vài ba chục năm mới phải lợp lại, ấy là ngôi nhà truyền thống bề thế từ bao đời.

Cọ thấp dễ gồi. Gồi cọ cao phải có những thợ gồi tài nghệ. Những cái đà vút tầm cây tre thẳng dựng nép theo thân cọ, thợ gồi đeo dao thoăn thoắt trèo lên, từng tầu lá buông rơi. Thợ giỏi không cần đà, cứ tay bám, chân bước, rướn người lên ngọn cọ. Kìn kìn gánh lá cọ ra bến Me, bến Vực Câu, xếp ken xít trên bè chở về xuôi. Thoăn thoắt gánh bộ, rảo bước đẩy xe thồ lá cọ tới các chợ phiên trongvùng. Thương lái vào tận rừng đặt mua.

Cọ thật sự là một loại cây đặc biệt, nó khác với những loại cây khác ở chỗ nếu như với một loài cây đa số nó chỉ có một công dụng nhất định có thể là lấy gỗ, lấy dầu lấy lá. Còn cọ từ gốc cho đến ngọn không chừa một bộ phận nào cả, tất cả đều được tận dụng triệt để vì mỗi một bộ phận của cọ đều mang trong mình những công dụng khác nhau. Chẳng hạn thân cọ bỏ lõi để làm cống thoát nước, hoặc khi để khô có thể làm củi đun, tay cọ thì để làm rào rất kiên cố, vững chãi. Quan trọng hơn nữa tay cọ còn được chẻ ra để làm mành nằm ngủ vào mùa hè thì mát phải biết, hay cũng có thể làm củi đun cháy cũng rất tốt. Tiếp đến là lá cọ, lá cọ non may nón ba tầm duyên dáng cùng cô gái quan họ hát ngân nga lúng liếng mắt huyền.những nón lá bài thơ đã đi vào thơ ca từ bao đời nay luôn là một hình ảnh đẹp về đất nước và con người Việt Nam, là nét đẹp truyền thống và độc đáo ta luôn tự hào và đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng du khách trong và ngoài nước.Ngoài ra lá cọ non còn nắm cơm đi làm đồng, đi công tác xa, đi dân công phục vụ chiến dịch. Còn lá cọ già thì sao ? công dụng của nó cũng không hề nhỏ, được tận dụng nhiều nhất trong việc lợp nhà, mái nhà cọ vừa râm mát, tránh được nóng vào mùa hạ, mùa đông thì ấm áp. Nhìn những túp nhà tranh lợp bằng lá cọ sao nên thơ và đẹp đẽ đến vậy, hơn nữa lại tiết kiệm được chi phí cũng như độ bền tương đối cao. Một mái nhà cọ phải ở từ 20 – 30 năm mới bị dột cũng như bị hư hại. Lá cọ già còn được người dân tận dụng làm chổi quét nhà, quét sân rất tiện lợi để rồi phát triển thành cả làng làm chổi . Khi tìm hiểu kĩ về cọ chúng tôi mới thấy giá trị thực sự của cọ cọ không chỉ hiện hữu trong những vật dụng hằng ngày của người dân nông thôn mà cọ còn được biết đến bởi những món ăn khá hấp dẫn và độc đáo như “cơm nắm lá cọ”chẳng thế mà

người ta có câu. “Dù ai đi ngược về xuôi/Cơm nắm lá cọ là người Sông Thao” hay “tu hũ cọ” là cái nõn búp bên trong cọ được thái mỏng ra rồi mang đi xào, có thể xào với các gia vị khác kèm theo để món ăn thêm hấp dẫn, nhưng cũng phải chú ý một điều rằng đừng vì hứng thú món ăn này quá mà ăn nhiều bạn sẽ bị say như một người say rượu vậy.

Cọ không chỉ mang công dụng phục vụ trực tiếp hoạt động sinh hoạt hằng ngày của người dân mà cọ còn nuôi sống, trang trải cuộc sống gia đình cho những người dân nghèo khi họ gặp khó khăn về kinh tế. Ngày xưa thời còn bao cấp biết bao gia đình ăn không đủ no, mặc không đủ ấm thậm chí còn không có tiền cho con đi học, nhưng vì có đồi cọ gần nhà mà đã bao lần giúp họ vực lên trong những lúc khó khăn nhất để sống. Họ chặt lá cọ để bán lấy tiền đong gạo, giá thành bán tuy không cao nhưng còn cách nào kiếm ra tiền đây, ít ra họ cũng được vài ba bữa gạo no đủ cho gia đình mình hay là có chút tiền nộp học phí cho con, có người lại đi chặt lá cọ về làm chổi cọ mang ra chợ bán kiếm vài đồng chi tiêu hằng ngày. Tưởng chừng đó là những điều quá đỗi bình thường nhưng thực chất lại có ý nghĩa lớn đối với những người dân nghèo để họ tiếp tục sống, bươn trải với dòng đời để tồn tại và quan trọng hơn là cho con họ được ăn học, tất cả vì tương lai con cái.

Để nói về lịch sử từ xa xưa của cọ thì đó là một câu chuyện dài mang đầy ý nghĩa. Một thời cây cọ phải gồng mình lên, tàu lá chưa già đã phải chặt để lợp lán trại công trường mở ra nơi nơi, để mái rơm rạ thay mái lá, rừng cọ không tốt được bời bời như trước. Bây giờ nhà mái ngói, mái đổ xi măng, lá cọ chẳng mấy đắt hàng. Cọ chẳng còn bạt ngàn bời bời xanh như trong ký ức, nhưng những vườn cọ, những nương cọ, rừng cọ vẫn còn đó, làm đẹp cho cảnh sắc miền quê Phú Thọ trung du và cả một vùng quê miền núi phía Bắc. Thật thân thương câu hát em bé tới trường.

Phú Thọ có diện tích trồng cọ đứng đầu cả nước. Đời sống của người dân nơi đây chủ yếu gắn bó với cây cọ. Nói Phú Thọ là thủ đô của lá cọ hay lá cọ là đặc sản của nơi đây quả không sai. Cơm nắm lá cọ vốn bình dị mà tạo nên thú ẩm thực đậm đà hương vị núi rừng của xứ sở trung du này.

Cơm nắm lá cọ vốn là món ăn dân dã nhưng vẫn cần đến những bàn tay khéo léo của người tạo nên. Cứ vào đúng mùa cọ, người ta lại lên đồi chặt

những tàu lá cọ vẫn còn bánh tẻ về để nắm cơm. Những tàu lá cọ non còn chưa xòe hết, xanh mướt như uống trọn cái nắng ấm áp miền trung du.

Lá cọ đem về hơ qua lửa cho mềm, lau sạch rồi nắm với cơm. Kỹ thuật nắm cơm dường như chỉ có được ở những phụ nữ khéo tay. Gạo đầu mùa vừa được thu hoạch là ngon và dẻo nhất. Để có được mẻ cơm trắng, những nắm cơm vừa dẻo, ăn ngọt và thơm, người Phù Ninh rất có kinh nghiệm trong việc chế nước nấu cơm. Lượng nước nấu phải nhiều hơn so với nấu cơm ăn hằng ngày, đặc biệt phải dùng nước mưa đựng trong những chiếc bể cũ ngoài trời mới ngon. Đến Phú Thọ vào những phiên chợ quê, những chiếc nón lá cọ, những chiếc chổi cọ vẫn còn được bày bán, nhưng món cơm nắm lá cọ thì không còn nhiều nữa. Nhưng cái hương vị ấy mãi tồn tại trong các câu ca dao, trong những câu chuyện được kể lại của những người con sống trên mảnh đất Phù Ninh này.

Cọ là cây đem lại cho người ta nhiều tác dụng và trong đó không thiếu món xôi cọ. Xôi cọ là thứ đặc sản, hẳn không mấy nhiều người được thưởng thức bởi sự phức tạp và kì công khi chế biến. Nếu không phải dân vùng cọ, muốn được thưởng thức, bạn phải cất công tìm lên miền đất cọ, vào mùa cọ chín mới may ra được nếm thứ đặc sản này.

Thực sự không có một loài cây nào lại mang trong mình nhiều công dụng và có ý nghĩa to lớn như cọ. Có thể nói trước thời thời kì công nghiệp hóa - hiện đại hóa cọ giữ một vị trí quan trọng cả về đời sống vật chất và tinh thần của người dân Phú Thọ. Hình ảnh cọ luôn xuất hiện ở bất cứ đâu trong đời sống của người dân nông thôn, từ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày đến đời sống văn hóa tinh thần, tất cả đều không thể vắng bóng cọ, cọ mang đến cho người ta sự yên bình và những điều thú vị trong cuộc sống, những giá trị không có thể phai mờ.

Một phần của tài liệu CỌ TRONG ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN PHÚ THỌ HIỆN NAY (Trang 32)