Giải pháp với hoạt động du lịch

Một phần của tài liệu CỌ TRONG ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN PHÚ THỌ HIỆN NAY (Trang 46)

Hiểu được tầm quan trọng của hỉnh ảnh cây cọ với du lịch tỉnh Phú Thọ, là những người trực tiếp góp phần vào quá trình phát triển của ngành du lịch quê nhà trong tương lai. Chúng tôi xin đưa ra một số ý kiến nhằm xây dựng công cuộc gìn giữ vẻ đẹp văn hóa truyền thống của tỉnh Phú Thọ - nguồn tài nguyên du lịch tiềm năng quý giá của ngành du lịch hiện nay.

Với du lịch cần hướng đến xây dựng hợp lí nguồn tài nguyên là những cánh rừng cọ bạt ngàn, để xây dựng thành điểm du lịch sinh thái mang đậm nét văn hóa của miền Đất Tổ. Hiện nay, loại hình du lịch sinh thái rất được du khách quan tâm do nhu cầu gần gũi với thiên nhiên, tìm đến nơi có cảnh đẹp có bầu không khí trong lành , để giảm bớt stress của cuộc sống trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đang diễn ra rất nhanh chóng.

Nói về điều kiện để xây dựng một điểm du lịch sinh thái thì tỉnh Phú Thọ hoàn toàn có đủ khả năng. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào là những rừng cọ- đồi chè xanh mướt ; nguồn nhân lực khá đông đảo vừa rất nhiệt tình vừa tâm huyết,có kinh nghiệm ; cơ sở hạ tầng-vật chất kỹ thuật khá thuận lợi, có thể đáp ứng được nhu cầu trung bình và tối thiểu của hoạt động du lịch. Ta hoàn toàn có thể xây dựng một điểm du lịch sinh thái với các chương trình du lịch cụ thể như : thiết kế tour du lịch một ngày trong rừng cọ. Với các hoạt động như tham quan, để được ngủ tại nhà lợp bằng lá cọ, tham gia vào việc hái quả cọ, làm món đặc sản cọ ỏm, xôi cọ, tằm cọ. Hay việc tham quan các làng nghề và trải nghiệm quá trình làm nón tại làng nón Sai Nga; hoặc cùng chơi các trò chơi dân gian dưới bóng cọ mát… Với một không gian xanh gần gũi, bình dị, kết hợp các dịch vụ chất lượng và thái độ phục vụ nhiệt tình, cởi mở sẽ là những yếu tố góp phần tạo nên sự thành công cho điểm du lịch và thu hút khách du lịch đến thăm.

Để xây dựng được điểm du lịch sinh thái góp phần gìn giữ nét đẹpcủa cây cọ với du lịch đó, đòi hỏi trước hết phải có sự quan tâm sâu sắc của bộ máy lãnh đạo. Đồng thời kêu gọi sự đầu tư của các nhà thầu uy tín. Và hơn cả đó là sự đoàn kết, nhất chí,ủng hộ của từng người dân từ những việc làm nhỏ nhất nư chung tay khôi phục lại những cánh rừng cọ bạt ngàn xanh mướt, vươn mình cao vút trong nắng.

Nếu như các dịch vụ chiếm 60 – 70 % trong cơ cấu dịch vụ du lịch, thì các sản phẩm hàng hóa lưu niệm chiếm 30 – 40% còn lại, bới nó có vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển du lịch, là đặc trưng riêng của mỗi vùng miền . Sự đặc biệt của cây cọ là có thể sử dụng tất cả mọi thứ trên cây cọ mà không phải bỏ đi phần nào . Từ lợi thế này ta có thể triển khai thành các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Phú Thọ .

Thứ nhất phát triển sản phẩm nón lá cọ Sai Nga thành sản phẩm lưu niệm đặc trưng. Nói về nón lá, tuy nón lá cọ Sai Nga – Cẩm Khê – Phú Thọ chắc chắn và bền hơn nhiều so với nón bài thơ của Huế, nhưng về sự nổi tiếng và việc tiêu thụ thì nón bài thơ của Huế vượt xa nón lá cọ Sai Nga – Phú Thọ gấp nhiều lần. Đó là do sự hạn chế về việc quảng bá và liên kết các cơ sở sản xuất. Vì vậy để có thể phát triển sản phẩm nón Sai Nga thành sản phẩm lưu niệm đặc trưng của du lịch tỉnh Phú Thọ và có khả năng cạnh tranh phát triển thị trường cần liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ thành một hệ thống, tạo thuận lợi cho sản xuất cũng như tiêu thụ. Đồng thời cần đa dạng hóa mẫu mã và tăng sự thẩm mĩ cho sản phẩm bằng cách sản xuất các loại nón với kích cỡ khác nhau. Ngoài loại nón có giá trị sử dụng, thì có thể sản xuất các chiếc nón nhỏ xinh với công dụng để trang trí hoặc móc treo chìa khóa với những họa tiết và màu sắc bắt mắt do chính bàn tay của những nghệ nhân, những người con của mảnh đất Phú Thọ với lòng yêu quê nhà. Họ sẽ tỉ mỉ vẽ thủ công lên từng sản phẩm. Từ đó, để tăng thêm tính hấp dẫn, mỗi sản phẩm sẽ được vẽ thủ công mang một nét rất riêng không trùng lặp tạo nên sự độc nhất, gây hứng thú với du khách. Để quảng bá và thu hút du khách tiêu thụ sản phẩm, chúng ta có thể sử dụng những câu chuyện dân gian, thần thoại xung quanh sản phẩm để làm cho du khách thích thú.

Thứ hai, các sản phẩm từ thân cây cọ.Thân cọ to và chắc chắn nên có thể trạm khắc thành các sản phẩm lưu niệm nhỏ xinh mang đậm nét văn hóa vùng Đất Tổ. Ví dụ có thể đẽo thân cọ thành tượng gỗ hình Lạc Long Quân, Âu Cơ nhỏ nằm gọn trong lòng bàn tay. Hay những chiếc móc treo chìa khóa hình con chim hạc với lời giới thiệu niềm nở của hướng dẫn viên rằng đây là sản phẩm được tạo ra từ thân cây cọ, do chính những nghệ nhân khéo léo của Đất Tổ vua Hùng làm nên. Từ đó sẽ tạo được sự ngạc nhiên cho du khách.

Thứ ba, ẩm thực từ cọ. Các món ẩm thực từ cọ như: cọ ỏm, cọ muối, tằm cọ,… là những món đặc sản có ở đất Phú Thọ mà ít có nơi nào khác có được. Vì vậy ta cần phát triển nó thành sản phẩm du lịch đặc trưng, đại diện cho du lịch tỉnh. Bằng cách xây dựng các cơ sở kinh doanh chuyên về ẩm thực từ cọ, thiết kế quy trình đóng gói các sản phẩm phát triển để giúp du khách có thể dễ dàng và thuận tiện trong việc mua về làm quà hoặc sử dụng.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 3

Trên cơ sở hiện trạng phát triển cây cọ đã nêu ở trên, chúng tôi đưa ra những ý kiến dự thảo về định hướng phát triển cây cọ nhằm góp phần phục hồi và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đang dần bị phai nhạt trên quê hương Đất Tổ.

Để đạt được hiệu quả cao cả về kinh tế và du lịc cần thực hiện đồng bộ các giải pháp và cần có sự quan tâm, ủng hộ của các cấp chính quyền cũng như sự đoàn kết, nhiệt tình của từng cá nhân mỗi người dân tỉnh Phú Thọ.

Đặc biệt là thế hệ trẻ, những người sẽ góp phần vào xây dựng sự phát triển của tỉnh Phú Thọ sau này. Mỗi cá nhân nên tích cực đóng góp công sức của mình vào công cuộc phục hồi và gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp. Làm nền tảng phát triển cho một tương lai vững chắc. Để làm được điều đó, trước hết, mỗi người nên bắt đầu từ những việc làm tưởng chừng như đơn giản nhất. Đó là học cách yêu thương những người xung quanh, yêu quê hương.

Một phần của tài liệu CỌ TRONG ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN PHÚ THỌ HIỆN NAY (Trang 46)