2. 3.1 Nhân vật trí thức Tây học
3.3.1. Hiện đại hóa trong ngôn ngữ
Trong đời sống hàng ngày, ngôn ngữ thường rất đơn giản và dễ hiểu bởi nó được sử dụng với mục đích giao tiếp, truyền đạt thông tin. Ngôn ngữ trong văn chương là ngôn ngữ được lựa chọn, là chất liệu, phương tiện mang đặc trưng của văn học. Trong một tác phẩm, bên cạnh vấn đề nhân vật, cốt truyện và kết cấu, ngôn ngữ cũng chiếm giữ một vị trí quan trọng làm nên sự thành công của tác phẩm bởi ngôn ngữ chính là yếu tố đầu tiên mà người nghệ sĩ sử dụng trong quá trình sáng tạo nghệ thuật: “Ngôn ngữ là công cụ, là chất liệu cơ bản của văn học, vì vậy văn học được coi là loại hình nghệ thuật
ngôn từ. M. Go-rơ-ki khẳng định ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học” [19, 215].
Trong văn chương, ngôn ngữ là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách và tài năng của nhà văn: “Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên của văn học, nhà văn là nghệ sĩ của ngôn từ. Nhà văn phải tạo cho mình một hệ thống và một phong cách ngôn ngữ riêng” [10, 732].
Đầu thế kỉ XX, vấn đề ngôn ngữ và việc đổi mới ngôn ngữ trong tác phẩm văn học bắt đầu được quan tâm đề cập tới mà Tự lực văn đoàn là nhóm đi tiên phong trong việc đổi mới và phát triển ngôn ngữ văn học dân tộc. Điều này được thể hiện rất rõ trong tôn chỉ hoạt động của nhóm đã được công bố trên báo Phong hóa: “Dùng lối văn giản dị dễ hiểu, ít chữ Nho, một lối văn thật có tính cách An Nam”. Trung thành với mục đích tôn chỉ của mình, Tự lực văn đoàn đã có nhiều công lao trong việc xây dựng và phát triển ngôn ngữ văn học dân tộc: “Với Tự lực văn đoàn tiếng Việt trong sáng hơn, chấm dứt những câu văn biền ngẫu chồng chất điển tích và từ Hán Việt. Với Tự lực văn đoàn cũng không còn những câu lai căng, cộc lốc như văn chương của Hoàng Tích Chu, mà là những lời ăn tiếng nói của nhân dân được chọn lọc, gọt giũa, trau chuốt đưa vào tác phẩm. Có thể nói: Tự lực văn đoàn đã góp phần hiện đại hóa ngôn ngữ văn chương Việt Nam” [ 24, 117].
Quá trình hiện đại hóa trong tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn nói chung và của hai tác giả Nhất Linh, Khái Hưng nói riêng thể hiện trước hết ở việc từ bỏ lối văn biền ngẫu cân đối nhịp nhàng, có vần có điệu. Đến tiểu thuyết Tự lực văn đoàn: “Văn xuôi trở thành một lối văn trong sáng, khúc triết, đại chúng. Ngôn ngữ nhất là ngôn ngữ về tình cảm, cảm giác, màu sắc trở nên phong phú và có khả năng diễn đạt những khía cạnh sâu xa nhất của lòng người” [11, 137]. Trong Đoạn tuyệt và Nửa chừng xuân, các nhà văn đã sử dụng những câu văn ngắn gọn, giản dị, đặc biệt Nhất Linh, Khái Hưng đã có ý
thức trong việc sáng tạo và sử dụng ngôn ngữ mới, hợp với thời đại. Sự sáng tạo ngôn ngữ trong một tác phẩm văn học không chỉ đơn thuần bắt nguồn từ bản thân tác phẩm đó mà nó còn xuất phát từ hiện thực khách quan được phản ánh trong tác phẩm.
Ngôn ngữ nhân vật trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn mang đậm phong cách tiểu tư sản bởi đối tượng chính của Tự lực văn đoàn là tầng lớp trí thức tiểu tư sản, học sinh, sinh viên. Vì thế ngôn ngữ nhân vật luôn là: “Thứ ngôn ngữ nhiều lý lẽ của những con người tiểu tư sản thời kỳ đầu mang đậm chất lạc quan luôn ý thức về quyền lợi và vị trí cá nhân của mình trong xã hội, cũng như luôn tin tưởng vào những lý tưởng tư sản mà họ tiếp nhận trong sách vở” [63, 192]. Tư tưởng ấy thầm nhuần trong ngôn ngữ của Loan: “Em có quyền lập thân em”; “Bà cũng là người tôi cũng là người, không ai hơn kém ai”. Đó còn là thứ ngôn ngữ lãng mạn, mộng mơ và đắm say trong tình yêu giữa Mai và Lộc: “Anh xin thề với em rằng, anh xin viện những sự thiêng liêng nhất trên đời, anh thề với em rằng, đối với anh, chỉ mình em là vợ, là người vợ mà anh đã, mà anh vẫn, mà anh sẽ mãi mãi đem hết tâm trí, đem hết linh hồn ra anh yêu mến” [25, 241]. Đánh giá cao những bước tiến của Tự lực văn đoàn trong việc hiện đại hóa ngôn ngữ dân tộc, GS Phong Lê trong bài viết: “Văn xuôi những năm 20 (thế kỉ XX) phòng chờ cho bước chuyển giai đoạn sau 1932” đã nhận xét: “Sau công khởi đầu làm trong sáng và giản dị câu văn, vào mở đầu những năm 30, văn xuôi Tự lực văn đoàn với hai đại biểu xuất sắc là Khái Hưng và Nhất Linh sẽ nhường dần vị trí cho những người rồi sẽ có tư cách là những bậc thầy hoặc thợ cả đủ sức leo lên những tầng cao nhất của giàn giáo công trường văn xuôi quốc ngữ Việt Nam…” [39, 12]. Sự sáng tạo ngôn ngữ trong tiểu thuyết của Nhất Linh, Khái Hưng còn được thể hiện ở việc sử dụng nhiều dạng thức ngôn ngữ khác nhau: ngôn ngữ người kể chuyện, ngôn ngữ miêu tả, ngôn ngữ độc thoại và đối thoại của nhân
vật. Các dạng thức ngôn ngữ được sử dụng trong Đoạn tuyệt và Nửa chừng xuân rất phong phú, đa dạng góp phần làm nên diện mạo mới cho ngôn ngữ của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại giai đoạn đầu thế kỉ XX.
Ngôn ngữ người kể chuyện trong hai cuốn tiểu thuyết trên rất chủ động, tỉnh táo, người kể chuyện không đứng ra giảng giải, thuyết minh mà bình tĩnh quan sát và kể lại sự việc một cách khách quan. Truyện được kể bằng lối văn điềm tĩnh, khoan thai nhưng cũng hết sức dịu dàng và tinh tế: “Lòng yêu đời và tính dễ vui, cô như đã nhận được từ của ông cha truyền lại, khiến cô cảm thấy tâm trí phấn khởi trong cảnh xuân đầm ấm. Cô đi thoăn thoắt hé cặp môi thắm cười với gió xuân. Cái vui sướng hồn nhiên cội rễ ở trong lòng như theo hơi thở bay ra hòa hợp với làn không khí êm đềm mới mẻ” [25, 50]. Diễn tả tâm trạng nhân vật trong cuộc gặp gỡ giữa Loan – Dũng trước ngày Dũng lên đường đi xa và Loan phải đi lấy chồng, Nhất Linh đã sử dụng ngôn ngữ hết sức dịu dàng tinh tế: “Rồi hai người lặng lẽ cùng ngồi nhìn hạt mưa bay. Loan rùng mình, cởi khăn san quàng phủ lên đầu, vì gió lạnh nổi lên lọt vào phòng. Loan cảm thấy sự lạnh lẽo của cuộc đời nàng khi Dũng đi xa” [41, 31]. Nhà văn đã hóa thân vào nhân vật, thể hiện đời sống nội tâm nhân vật bằng ngôn ngữ của chính mình. Vì thế ngôn ngữ của nhà văn và ngôn ngữ nhân vật đã hòa vào nhau, khó lòng phân biệt đâu là ngôn ngữ nhà văn, đâu là ngôn ngữ nhân vật: “Bỗng thấy trong dạ nao nao, rưng rưng muốn khóc, Dũng đặt chén xuống bàn, rồi nện mạnh gót giày trên sàn gác, lững thững đi về phía cửa sổ. Nhìn những giọt mưa ngòng ngoèo chảy trên mặt kính, Dũng bùi ngùi nhớ lại những ngày mới gặp Loan, mới quen Loan, nghĩ tới cái tình yêu Loan kín đáo lúc buổi đầu, nỗi thất vọng khi biết Loan đã là vợ chưa cưới của người khác. Dần dần, chàng đổi tình thất vọng ra tình bạn bè, rồi cuộc đời thay đổi cho đến ngày nay”[25, 33]. Như vậy nhà văn đã trở thành người bạn đồng hành bên nhân vật, cùng nhân vật trải nghiệm những vui buồn trong cuộc sống.
Người kể chuyện trong tiểu thuyết của Nhất Linh và Khái Hưng đã bắt đầu xuất hiện ở ngôi thứ nhất chứ không còn đơn giản là ở ngôi thứ ba tách biệt như trong truyện cổ.
Sự sáng tạo ngôn ngữ trong tiểu thuyết của Nhất Linh và Khái Hưng còn được thể hiện ở việc sử dụng ngôn ngữ miêu tả. Ngòi bút của hai nhà văn tỏ ra hết sức nhạy cảm và tinh tế khi miêu tả cảnh sắc thiên nhiên. Điều đáng nói là đằng sau bức tranh thiên nhiên là những bức tranh tâm trạng phức tạp của nhân vật. Người nghệ sĩ Khái Hưng đã vẽ lên một bức họa tuyệt đẹp, trong đó phản chiếu bức tranh tâm trạng của nhân vật Mai: “… rảo bước trên con đường đỏ thẳng vút, hai bên cỏ xuân mơn mởn. Cô tưởng tượng đương đi trên dẫy chiếu miến hồng viền cạp xanh, thốt nhiên cô mỉm cười. Cô mỉm cười vì nhớ những chuyện cụ Tú kể cho cô nghe khi cô còn bé, những truyện thần tiên, kỳ dị, tả những cảnh lạc thú ở chốn bồng lai, những chuyện hôn nhân của các đế vương, công hầu, chép những sự kiêu xa hoa lệ. Cô nghĩ thầm, “con đường giải hoa đưa cô dâu về nhà chú rể dễ đã sánh kịp con đường gấm thiên nhiên này!” [25, 50]. Niềm vui của Mai đã lan tỏa vào không gian, bao phủ lên cảnh vật một sức sống mới như chính sức sống và niềm hân hoan đang trào dâng trong lòng nhân vật. Tâm trạng chán chường của Loan đã được Nhất Linh miêu tả qua cảnh vật: “Sau mấy rặng soan thưa lá, dòng sông Nhị thấp thoáng như một dải lụa đào. Bên kia sông, gió thổi cát ở bãi tung lên trông tựa một đám sương vàng lan ra che mờ mấy cái làng con ở chân trời. Xa nữa là dãy núi Tam Đảo màu lam nhạt, đứng sừng sững to tát nguy nga, ngọn núi lù mù lẫn trong ngàn mây xám” [41, 45]. Những bức tranh thiên nhiên thấm đẫm tâm trạng nhân vật là một trong những nét đặc trưng của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. Nhất Linh và Khái Hưng đã sử dụng ngôn ngữ trong sáng, hình ảnh sinh động khi miêu tả thiên nhiên. Qua ngòi bút của hai tác giả, những bức tranh thiên nhiên trong Đoạn tuyệt và Nửa
chừng xuân hiện lên sống động với đầy đủ âm thanh, sắc màu đầy quyến rũ và hấp dẫn. Không sử dụng những nét chấm phá sơn thủy hữu tình theo kiểu thiên nhiên trong văn học Trung đại, mà thiên nhiên trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn vừa nên thơ trữ tình vừa thẫm đẫm cảm xúc chủ quan của nhà văn. Tất cả những điều đó đã tạo nên sự khác biệt và mới lạ trong ngôn ngữ miêu tả của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn so với tiểu thuyết truyền thống.
Một khía cạnh nữa cũng hết sức quan trọng trong việc sử dụng ngôn ngữ miêu tả trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đó là ngôn ngữ miêu tả thế giới nội tâm, những rung cảm xúc động tinh tế trong tâm hồn nhân vật: “Bỗng nàng luôn luôn chớp mắt cảm động, nàng nghĩ đến chiếc gương này trước kia không biết đã bao nhiêu lần in bóng người nàng yêu, mà có lẽ bấy lâu chỉ in vẻ mặt đau đớn, ưu tư của người đó. Nay người soi gương đã đi xa, thật xa… và bỏ nàng lại với những ngày dài đằng đẵng của một đời mà nàng chắc là buồn tẻ, đìu hiu. Nàng chưa từng thấy bao giờ yêu Dũng một cách tha thiết như lúc đó” [41, 44 – 45]. Thông qua ngôn ngữ miêu tả, tình yêu trong Đoạn tuyệt và Nửa chừng xuân được thể hiện với nhiều cung bậc khác nhau, khi thì nhẹ nhàng tinh tế: “Bữa cơm hôm ấy, Mai cố làm thật lịch sự, tuy chỉ có cơm hẩm và một con cá chép, vừa nấu, vừa rán, bày trong một cái mâm gỗ sơn son, nhưng mà Lộc cho là xưa nay chưa được ăn bữa cơm nào ngon miệng bằng” [25, 81], lúc thì hết sức sâu sắc và cảm động: “Rồi một buổi chiều, buổi chiều ấy Mai còn bao giờ quên được! Đứng bên làn nước biếc in trời. Lộc ngỏ lời xin lấy Mai làm vợ. Biết bao âu yếm trong đôi cặp mắt nhìn nhau… Mai nhỏ lụy rồi quay mặt đi… Mai sung sướng quá… Mai không ngờ đâu lại có ngày hôm ấy trong đời Mai” [25, 83].
Để diễn tả những cung bậc khác nhau trong thế giới tình yêu đầy màu sắc, Nhất Linh và Khái Hưng đã sử dụng rất nhiều từ láy để mô tả cảm xúc của nhân vật như: mê man, nồng nàn, sung sướng, êm đềm, dịu dàng, man
mác, đắm đuối, đằm thắm, nũng nịu, bẽn lẽn, lạnh lùng… Khi diễn tả thế giới nội tâm phong phú trong tâm hồn nhân vật, hàng loạt các từ láy đã được sử dụng như: hồi hộp, lo lắng, thấp thỏm… Việc sử dụng nhiều từ láy trong tác phẩm có tác dụng làm tăng sắc thái biểu cảm, làm câu văn trở nên giàu tính nhạc, tăng số lượng từ thuần Việt và hạn chế sử dụng các từ Hán Việt: “Không chỉ làm tăng số lượng từ thuần Việt trong câu văn của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn mà còn làm tăng lên rất nhiều sắc thái biểu cảm của câu văn, làm cho câu văn của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn không chỉ diễn tả được những trạng thái phong phú, tế vi nhất của đời sống tâm hồn con người và làm cho câu văn của Tự lực văn đoàn giàu tính nhạc giàu chất họa và chất thơ” [63, 200]. Với những đặc điểm trên, ngôn ngữ của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đã đạt đến sự tinh tế và giàu sắc thái biểu cảm, để lại những ấn tượng khó quên trong lòng người đọc. Đánh giá về ngôn ngữ trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, Giáo sư Phan Cự Đệ đã cho rằng: “Các nhà văn Tự lực văn đoàn đã xây dựng được một thứ ngôn ngữ giản dị, trong sáng, có khả năng phản ánh được những tâm lý phức tạp, tinh tế” [10, 95].