Mâu thuẫn giữa con người cá nhân với đại gia đình phong

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Đóng góp của Tự Lực Văn Đoàn qua hai tiểu thuyết đoạn tuyệt của Nhất Linh và Nửa Chừng Xuân của Khải Hưng (Trang 49)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.1.Mâu thuẫn giữa con người cá nhân với đại gia đình phong

Nền luân lý cũ đã không còn hợp thời, chế độ đại gia đình với vô số mối quan hệ và những bổn phận đã ràng buộc, kìm hãm hạnh phúc của con người. Trước thực trạng đó, thế hệ trẻ với tư tưởng tiến bộ đòi đoạn tuyệt với tư tưởng Nho giáo, giải phóng con người khỏi xiềng xích của chế độ đại gia đình phong kiến, hướng tới quyền sống tự do và hạnh phúc cho cá nhân.

Trước mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa hai phe cũ – mới, các nhà văn thuộc thế hệ trẻ nhiễm tư tưởng tiến bộ đã cùng nhau hướng tới mục đích chung là: thay đổi xã hội cũ, phá bỏ chế độ đại gia đình phong kiến với những hủ tục lạc hậu như bài trừ mê tín dị đoan trong cuộc sống… Qua các tác phẩm, các nhà tiểu thuyết Tự lực văn đoàn mong muốn thiết lập những quan niệm sống mới, theo mới một cách triệt để và dứt khoát. Để bảo vệ quyền tự do cá nhân, các nhà văn đã chọn việc công phá vào đại gia đình phong kiến. Họ đóng vai trò vừa là nhóm khởi xướng trong chặng đầu của cuộc đấu tranh cho cái mới tồn tại và phát triển, vừa là động lực mới thúc đẩy những cây bút khác tiếp tục phát huy và hoàn thiện.

Trước thực trạng xã hội đang có nhiều biến đổi, cái tôi cá nhân trong mỗi con người cũng trỗi dậy một cách mạnh mẽ, những khát vọng mong ước về cuộc sống tự do đã thúc đẩy con người tìm mọi cách bứt phá vượt qua “hàng rào” của lễ giáo phong kiến, kiếm tìm tự do và hạnh phúc cho bản thân. Mở màn cho những mong ước ấy là sự ra đời của tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên. Tuy nhiên, Hồn bướm mơ tiên mới chỉ là khúc dạo đầu cho tư tưởng chống lễ giáo phong kiến. Phải đến Đoạn tuyệt Nửa chừng xuân thì xung đột giữa cái tôi cá nhân với chế độ đại đình phong kiến mới diễn ra căng thẳng và quyết liệt. Mỗi tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn lại là một câu chuyện xoáy vào những nguyên tắc cơ bản của lễ giáo phong kiến như : chuyện dì ghẻ con chồng với quan niệm “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng” trong Thoát ly, là nghĩa vụ tam tòng và bổn

phận thủ tiết thờ chồng nuôi con của người đàn bà trẻ góa chồng trong Lạnh lùng; là chuyện mẹ chồng nàng dâu với quan niệm “mất tiền mua mâm bà đâm cho thủng” trong Đoạn tuyệt; là quan niệm “môn đăng hộ đối” trong

Nửa chừng xuân

Nhất Linh, Khái Hưng trong hai cuốn tiểu thuyết Đoạn tuyệt Nửa chừng xuân đã rất dụng công trong việc xây dựng các nhân vật chống lễ giáo phong kiến và đưa họ trở thành những nhân vật kiểu mẫu nhằm thể hiện luận đề của tác phẩm. Các nhân vật ấy thường là những trí thức có học, là con cưng của đại gia đình phong kiến chính thống, được thừa hưởng những điều kiện vật chất đầy đủ, có cuộc sống an nhàn phú quý. Nhưng bản thân họ lại không hề cảm thấy thoải mái với cuộc sống mà rất nhiều người mơ ước. Ngược lại, những con người này luôn cảm thấy tù túng và bức bối khi phải sống trong một bối cảnh toàn những luật lệ hà khắc cổ hủ và bất công. Vì thế, họ tìm mọi cách mong thoát khỏi gia đình, thoát khỏi những cổ tục lạc hậu trái ngược với quan niệm sống phóng khoáng của họ. Dù vấp phải nhiều cản trở nhưng họ không đầu hàng số phận, không chấp nhận hoàn cảnh, không chấp nhận kiếp làm “con rối” cho người khác sai bảo. Để đạt được mục đích và lẽ sống của mình, lớp thanh niên trẻ sẵn sàng từ bỏ cuộc sống giàu sang phú quý, thậm chí đối đầu với gia đình, với cha mẹ và bị xã hội coi là những “nghịch tử” trong gia đình phong kiến. Những suy nghĩ và quan niệm sống của họ so với thời bấy giờ là hết sức tiến bộ. Quan niệm “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng” của bà Án đã bị Mai coi là ích kỉ vô nhân đạo; Nhung trong Lạnh lùng coi cái bảng “Tiết hạnh khả phong” vua ban cho từ thời bà tổ mẫu chỉ là một sự mỉa mai, đầy đọa tuổi xuân của mình một cách vô lý, tàn nhẫn; Loan nhìn người vợ bé sụp xuống lạy mình thì băn khoăn tự hỏi không biết đó là người hay vật. Còn Dũng coi việc cha mẹ từ con đơn giản chỉ là việc không chia của cải cho nữa: “Thầy mẹ tôi dẫu đăng báo hay

nói khắp nước Nam rằng không nhận tôi là con, tôi cũng vẫn là con, vì đã đẻ tức là con rồi, không nhận cũng vô lý như khi mới đẻ lại bảo rằng không đẻ. Vậy từ con chỉ là không chia của cho nữa” [41, 30].

Trong cuộc xung đột giữa cũ và mới, mâu thuẫn giữa con người cá nhân với đại gia đình phong kiến là vấn đề mà các nhà văn tập trung khắc họa. Đó là mâu thuẫn giữa quyền cá nhân với những nguyên tắc lễ giáo của xã hội phong kiến. Mâu thuẫn đó tất yếu dẫn đến cuộc đấu tranh nhằm giải phóng cá nhân, thực hiện quyền con người. Trong khi phái cũ cố gắng bảo vệ và duy trì chế độ đại gia đình thì phái mới chiếm lực lượng đông đảo hơn, gồm những trí thức Tây học hấp thụ tư tưởng văn hóa phương Tây hiện đại, ý thức cá nhân được thức tỉnh sâu sắc. Họ dứt khoát chống đối và đòi phá bỏ những nề nếp phong kiến hủ bại. Những người mới, họ đấu tranh một cách bền bỉ và kiên trì khiến cho phe cũ không khỏi có phần lo lắng và nao núng: “Ông Hai, bà Hai tuy thấy con nói có lý, nhưng không khỏi ngạc nhiên, lo sợ. Ông bà mang máng thấy con mình xa cách hẳn mình, thành người ở xã hội khác hẳn cái xã hội Việt Nam bình thường… Đến nay, trước một việc quan trọng ông bà càng cảm thấy rõ mà lo sợ nhận ra rằng con mình không cùng một quan niệm về cuộc đời như mình nữa, cách biệt xa lắm” [41, 40]. Các bậc cha mẹ đã nhận ra sự đối nghịch trong quan niệm sống giữa mình và con cái. Vì vậy họ tìm cách ép buộc con phải làm theo sự sắp đặt của mình với mong muốn con cái họ sẽ tiếp tục nếp sống mà bao năm qua các thế hệ cha anh họ đã sống. Nhưng càng tìm cách ép buộc thì mâu thuẫn càng thêm căng thẳng. Xung đột giữa con người cá nhân với đại gia đình phong kiến giờ đây không thể dung hòa. Vì thế sự ra đời của Đoạn tuyệt đã được đánh giá là một bước tiến hóa của xã hội An Nam: “Đoạn tuyệt đánh dấu một cách rõ ràng thời kỳ thay đổi trong lịch sử tiến hóa của xã hội An Nam. Nó công bố sự bất hợp thời của một nền luân lý khắc khổ, eo hẹp, đã giết chết bao hi vọng, đè bẹp

bao nhiêu lực lượng đáng kể, giam hãm bao nhiêu chí khí bồng bột đương ao ước sống một đời đầy đủ, một đời mãnh kiệt, cường tráng” [23, 293].

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Đóng góp của Tự Lực Văn Đoàn qua hai tiểu thuyết đoạn tuyệt của Nhất Linh và Nửa Chừng Xuân của Khải Hưng (Trang 49)