Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Đóng góp của Tự Lực Văn Đoàn qua hai tiểu thuyết đoạn tuyệt của Nhất Linh và Nửa Chừng Xuân của Khải Hưng (Trang 95)

2. 3.1 Nhân vật trí thức Tây học

3.2. Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật

Nhân vật là yếu tố cơ bản nhất trong tác phẩm văn học, là phương tiện để nhà văn khái quát hiện thực. Vì thế B. Brecht đã nhận xét: “Các nhân vật của tác phẩm nghệ thuật không phải đơn giản là những bản dập của những con người sống, mà là hình tượng được khắc họa phù hợp với ý đồ tư tưởng của tác giả” [4, 213].

Chức năng của nhân vật là: “Khái quát những quy luật của cuộc sống con người, thể hiện những hiểu biết, những ao ước và kì vọng về con người. Nhà văn sáng tạo nhân vật là để thể hiện những cá nhân xã hội nhất định và quan niệm về các cá nhân đó. Nói cách khác, nhân vật là phương tiện khái

quát các tính cách, số phận con người và các quan niệm về chúng” [13, 279]. Nhân vật là sản phẩm của vốn sống trực tiếp và những tìm kiếm, khát khao của nhà văn, qua nhân vật nhà văn thể hiện được “quan niệm nghệ thuật” và “lý tưởng thẩm mĩ” về con người. Vì thế nhân vật luôn gắn với tư tưởng chủ đề của tác phẩm.

ở thể loại tiểu thuyết, nhân vật đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thể hiện tư tưởng thẩm mĩ của nhà văn. Nhân vật là người dẫn dắt độc giả đi vào những thế giới khác nhau của đời sống. Từ lâu, vấn đề nhân vật trong tiểu thuyết đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Giáo sư Trần Đình Sử trong cuốn Dẫn luận thi pháp học cho rằng: “Nhân vật văn học biểu hiện cách hiểu của nhà văn về con người theo một quan điểm nhất định và qua các đặc điểm mà anh ta lựa chọn. Nhân vật văn học chính là mô hình về con người của tác giả” [61, 48].

Mỗi tác phẩm lại có một hệ thống nhân vật mà trong đó các nhân vật gắn bó, thống nhất với nhau không chỉ bằng tiến trình sự kiện được miêu tả mà còn bằng lô gic tư duy nghệ thuật của nhà văn. Hệ thống nhân vật đem lại cho hệ thống nghệ thuật của tác phẩm sự thống nhất và tính chỉnh thể. Hệ thống nhân vật được gắn kết như thế gọi là thế giới nhân vật.

Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn khá sinh động và phong phú, được phân chia thành hai hệ thống nhân vật chính và phụ; chính diện và phản diện. Thế giới nhân vật là một trong những phương diện quan trọng thể hiện cái nhìn nghệ thuật sắc sảo của Tự lực văn đoàn, đồng thời là phương diện quan trọng làm nên thế giới nghệ thuật mang đậm phong cách riêng của nhóm. Các nhà văn trong Tự lực văn đoàn tuy chưa có được những tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình như trong văn học hiện thực, nhưng nhân vật của họ đã có đời sống nội tâm khá phức tạp vượt hơn hẳn văn học trung đại.

Chân dung của các nhân vật trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn hiện lên rất hiện đại và sinh động. Các nhân vật nữ thường là những cô gái tân thời có học với hàm răng trắng và phục trang hiện đại. Vẻ đẹp hình thức của các nhân vật không còn được miêu tả bằng bút pháp ước lệ, tượng trưng theo kiểu “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” trong văn học trung đại, mà vẻ đẹp của nhân vật trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn gắn với nét trẻ trung, khỏe khoắn. Đó là vẻ đẹp thể chất của con người.

Nét đặc sắc nhất trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn là đi sâu miêu tả tâm lý nhân vật: “Tự lực văn đoàn đã mở đầu cách miêu tả thế giới nội tâm con người, chú ý trình bày thế giới cảm giác của con người đối với môi trường xung quanh, đối với người khác và đối với chính mình, đưa toàn bộ cấu trúc tự sự vào cấp độ đó. Có thể nói toàn bộ đời sống nhân vật tiểu thuyết ở đây được dệt bằng cảm giác, còn hành động là những sự kiện dấy lên những cảm giác ấy” [61, 58]. So với tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, thế giới nội tâm trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đã có nhiều đổi mới: “So với những tiểu thuyết trước năm 1930, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đã đi sâu hơn nhiều vào thế giới nội tâm phong phú của con người. Các nhà tiểu thuyết đã có ý thức vận dụng khoa tâm lý học để phân tích tâm lý của các lớp người ở nhữn g lứa tuổi khác nhau. Các nhà văn đặc biệt thành công khi miêu tả tâm lý của các bà mẹ chồng phong kiến, nhất là của lớp thanh niên tiểu tư sản đang tuổi yêu đương, mơ mộng” [66, 285].

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Đóng góp của Tự Lực Văn Đoàn qua hai tiểu thuyết đoạn tuyệt của Nhất Linh và Nửa Chừng Xuân của Khải Hưng (Trang 95)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(128 trang)
w