2. 3.1 Nhân vật trí thức Tây học
3.1.1. Hiện đại hóa trong cốt truyện:
Cốt truyện trong các tác phẩm văn học hết sức đa dạng và phức tạp. Nó là kết tinh truyền thống dân tộc, nó phản ánh thành tựu văn học ở mỗi thời kỳ lịch sử, đồng thời thể hiện được phong cách và tài năng nghệ thuật của nhà văn.
Trong văn học Trung đại, sự hấp dẫn của một tác phẩm trước hết là ở cốt truyện có nhiều tình huống kịch tính, éo le, những chi tiết hoang đường kỳ ảo. Nhà văn sử dụng cốt truyện để thay thế cho việc miêu tả tính cách nhân vật nên cốt truyện đóng vai trò quyết định sự thành bại của một tác phẩm.
Đầu thế kỷ XX, các tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh dù đã có những bước tiến mới trong nghệ thuật, song về cơ bản cốt truyện vẫn mang tính truyền thống. Nhà văn còn quá chú trọng tới cốt truyện với những hành động, sự kiện. Đến tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn, mối quan hệ giữa cốt truyện và tính cách nhân vật đã có nhiều thay đổi. Tuy vẫn nắm giữ vị trí quan trọng nhưng cốt truyện không còn giữ vai trò chi phối tính cách nhân vật như trước, ngược lại nó còn chịu chi phối bởi sự phát triển của tính cách. Hơn thế cốt truyện trong các tác phẩm của nhóm Tự lực văn đoàn còn phản ánh được những mâu thuẫn, xung đột có ý nghĩa xã hội sâu sắc, có sức mạnh lôi cuốn và hấp dẫn người đọc. Thông qua đó, nội dung nghệ thuật và tư tưởng chủ đề của tác phẩm được bộc lộ rõ nét.
Nếu như các tác phẩm truyện thơ ở thế kỉ XVIII chỉ chú trọng xây dựng một cốt truyện chặt chẽ, hô ứng, thời gian trong tác phẩm diễn tiến trên trục thời gian một chiều: “Thường bỏ qua những chi tiết bộn bề của cuộc sống, mà chỉ chú ý tới những sự kiện, hành động lớn trong cuộc đời nhân vật, các chi tiết nhiều khi chỉ có giá trị tượng trưng, ước lệ” [22, 137] thì tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đã phá vỡ khuôn khổ của cốt truyện truyền thống. Các tác phẩm không còn đi theo trình tự thời gian của cốt truyện cổ mà đã đi thẳng vào vấn
đề một cách đột ngột rồi kết thúc một cách bất ngờ. Truyện có thể bắt đầu từ một quãng đời bất kỳ của nhân vật.
Hai cuốn tiểu thuyết Đoạn tuyệt của Nhất Linh và Nửa chừng xuân của Khái Hưng đều lấy cốt truyện từ cuộc đời những người phụ nữ bất hạnh trong chế độ đại gia đình phong kiến. Mỗi nhân vật một tính cách, một số phận riêng song tất cả đều nhằm nói lên thân phận đáng thương của những người phụ nữ trong chế độ đại gia đình. Tác phẩm là tiếng nói đanh thép tố cáo tín h chất vô nhân đạo của những quan niệm luân lý cổ hủ đã kìm hãm hạnh phúc cá nhân, chà đạp lên quyền sống tự do của con người.
Không sử dụng cốt truyện ly kỳ hấp dẫn mà lấy nhân vật làm trung tâm của tác phẩm, Nhất Linh và Khái Hưng đã đi sâu vào miêu tả những chi tiết tưởng chừng như rất đơn giản trong bộn bề cuộc sống thường ngày nhằm làm nổi bật tính cách, số phận của nhân vật. Cốt truyện trong Đoạn tuyệt và Nửa chừng xuân không đơn thuần là những sự kiện, hành động mà bao gồm cả quá trình diễn biến tâm lý quanh co, phức tạp trong tâm hồn nhân vật. Các sự kiện trong hai cuốn tiểu thuyết nói trên có vai trò quan trọng trong việc khơi nguồn cho dòng chảy tâm lý và định hướng cho hành động của nhân vật.
Sự đổi mới mà tiểu thuyết Tự lực văn đoàn mang đến cho văn học Việt Nam hiện đại thể hiện trước hết ở việc cách tân cốt truyện truyền thống của văn học trung đại. Không sử dụng cốt truyện có sẵn trong văn học dân gian hay mượn cốt truyện từ văn học Trung Quốc, các nhà tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đã lấy cốt truyện từ trong chính hiện thực cuộc sống và dùng hư cấu nghệ thuật để xây dựng nên những tác phẩm đặc sắc, có giá trị về mặt tư tưởng. Cốt truyện của Đoạn tuyệt và Nửa chừng xuân đều mang luận đề xã hội. Các tác giả đã mượn cốt truyện và nhân vật để chứng minh cho luận đề mà mình đặt ra. Tự lực văn đoàn đã nâng tiểu thuyết luận đề lên thành một loại quan trọng là một sự cách tân, hiện đại. Vì chỉ có ở văn học hiện đại tiểu
thuyết luận đề mới được coi trọng và phát triển. Thời điểm Đoạn tuyệt và
Nửa chừng xuân ra đời là thời điểm có sự chuyển hóa sâu sắc về ý thức hệ và quan niệm thẩm mĩ. Đoạn tuyệt và Nửa chừng xuân là những tiểu thuyết luận đề tiêu biểu của Tự lực văn đoàn vừa thể hiện được quan điểm tiến bộ của nhà văn về văn chương, cuộc sống vừa là sản phẩm tinh thần của thời đại.
Là cây bút tiểu thuyết tài năng, Khái Hưng đã có nhiều sáng tạo và cách tân trong nghệ thuật xây dựng cốt truyện. Đi sâu vào khai thác sự đối lập giữa tính cách và hoàn cảnh, giữa những nhân vật mang tính lý tưởng đại diện cho lớp thanh niên có tư tưởng tiến bộ với những bậc cha mẹ cổ hủ, lạc hậu – con đẻ của nền luân lý phong kiến lỗi thời. Trong Nửa chừng xuân, nhà văn đã đưa ra quan niệm sống hết sức mới mẻ, hiện đại. Tác phẩm là sự kết tinh, tổng hợp giữa nghệ thuật tiểu thuyết truyền thống phương Đông và nghệ thuật hiện đại của phương Tây. Khái Hưng đã xây dựng cốt truyện Nửa chừng xuân theo lối mở: “Ông dường như muốn chối bỏ những cốt truyện viết theo lối chương hồi, nệ cổ, vay mượn, khuôn sáo. Ông không lựa chọn những tình tiết ly kỳ, ngoắt ngoéo, những giải kết đột ngột, gay gắt, dồn dập. Truyện của tác giả giản dị, gần gũi, lấy từ đời thật, linh hoạt và có bố cục chặt chẽ, hợp lý” [68, 152]. Cốt truyện tác phẩm được xây dựng trên những biến cố của cuộc đời nhân vật Mai, nó hấp dẫn người đọc bởi tình huống éo le mà không hề xa lạ. Tác phẩm đã miêu tả quá trình xung đột giữa hai phe cũ – mới, giữa trẻ và già, giữa cha mẹ và con cái về quyền tự do cá nhân, quyền tự do mưu cầu hạnh phúc của thế hệ trẻ. Hệ thống nhân vật trong tác phẩm rất đa dạng, lớp thanh niên có tư tưởng mới chiếm số lượng đông đảo và có thể nói là áp đảo trong toàn bộ tác phẩm. Những trí thức Tây học như: Lộc, Huy, Trọng, bác sĩ Minh, họa sĩ Bạch Hải hay những cô gái mới như Mai, Diên có những quan niệm hết sức tiến bộ về vấn đề hôn nhân và tình yêu. Lộc đã bất chấp quan niệm môn đăng hộ đối, bất chấp khoảng cách về địa vị, tiền tài để đến với
Mai, một cô gái quê nghèo khó. Họ yêu nhau say đắm và cùng xây “lâu đài” mộng ước về một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Hay bác sĩ Minh, họa sĩ Bạch Hải luôn sẵn sàng đón nhận Mai bất chấp thân phận cô nghèo hèn lại đã bỏ chồng và có một đứa con. Với họ tình yêu sẽ đem lại một cuộc sống hạnh phúc. Hay chính bản thân Mai dù biết rằng người đến hỏi không phải mẹ Lộc nhưng vì lòng biết ơn, vì tình yêu sâu nặng cô vẫn chấp nhận làm vợ Lộc. Dù xuất hiện không nhiều trong tác phẩm song nhân vật Trọng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả bởi tính cách cương trực thẳng thắn của anh. Là một trí thức có tự trọng, sống có tình có nghĩa, chàng đã không vì địa vị tiền tài mà chối bỏ nguồn gốc xuất thân, chối bỏ người chị đã vì mình mà phải sống trong cảnh nhơ nhớp bị cả xã hội coi khinh. Tất cả những con người đó, mỗi người một hoàn cảnh, một số phận nhưng họ đều có chung một quan niệm sống. Đó là ý thức về cái tôi cá nhân, cùng khát khao được sống một cuộc đời tự do, hạnh phúc. Họ nhận thức rõ sự đối nghịch của mình với thế hệ cũ và hiểu rằng giờ đây thế hệ họ không thể bước chung trên một con đường với lớp cha anh: “Cụ tức là biểu hiện, tức là người đại diện cho một nền luân lý cũ. Mà tâm trí chúng cháu đã trót nhiễm những tư tưởng mới. Hiểu nhau khó lắm thưa cụ. Cụ với bọn hậu sinh chúng cháu như hai con sông cùng một nguồn, cùng chảy ra bể nhưng mỗi đằng chảy theo một phía dốc bên sườn núi, gặp nhau sao được” [25, 227].
Kết thúc truyện cổ bao giờ cũng là cái kết có hậu với cốt truyện đơn tuyến kể về cuộc đời một nhân vật chính. Còn trong tiểu thuyết Nửa chừng xuân, Khái Hưng đã mở ra những tuyến nhân vật phụ, những mảnh đời riêng của nhiều nhân vật nhằm làm nổi bật tính cách của nhân vật chính. Cốt truyện
Nửa chừng xuân có tính chất đa tuyến, không chỉ kể về chuyện tình giữa Mai – Lộc, tác giả còn miêu tả cuộc sống, số phận của những nhân vật khác. Đó là chuyện về một cụ Hàn với ba bà vợ mà vẫn tìm mọi thủ đoạn ép Mai về làm
thiếp. Là câu chuyện tình yêu say đắm của Minh và Bạch Hải dành cho Mai. Hay chuyện về một cô gái xinh đẹp bản chất tốt nhưng vì hoàn cảnh đưa đẩy mà thân phải lấm bùn, trở thành gái giang hồ bị xã hội coi thường khinh rẻ… Tất cả các nhân vật, các sự kiện trong tác phẩm đều hướng vào việc làm nổi bật phẩm chất cao đẹp của nhân vật Mai.
So với các sáng tác ở thời kỳ đầu, tiểu thuyết Đoạn tuyệt của Nhất Linh đã có nhiều cách tân đổi mới. Từ Nho phong đến Đoạn tuyệt là một bước tiến lớn của nhà văn trong nghệ thuật xây dựng tiểu thuyết. Cốt truyện Nho phong
là cốt truyện đơn tuyến. Diễn tiến toàn bộ nội dung cốt truyện được kể theo trình tự thời gian tuyến tính, sự việc nào xảy ra trước kể trước, sự việc nào xảy ra sau kể sau. Nhất Linh sẽ không thể trở thành một tiểu thuyết gia nếu bằng lòng và dừng lại ở Nho phong. Cốt truyện Đoạn tuyệt khá chặt chẽ, giản dị, được chia làm ba phần rõ rệt. Có thể nói tác phẩm là bản tuyên ngôn đầy đủ nhất của Tự lực văn đoàn về vấn đề cũ – mới, về quyền tự do của con người. Là một cô gái có học thức, được học tới bậc thành chung, Loan chịu ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây nên có ý thức sâu sắc về cái tôi cá nhân và quyền tự do mưu cầu hạnh phúc của con người. Vì chữ hiếu mà phải chấp nhận lấy Thân – người mà cô không yêu, bản thân Loan đã từng có suy nghĩ sẽ cố gắng hòa hợp với gia đình chồng, nhưng tận sâu thẳm trong lòng cô vẫn luôn luôn âm ỉ hành động phản kháng, chống đối lại chế độ đại gia đình phong kiến cổ hủ. Suy nghĩ đó đã biến thành hành động ngay trong ngày đầu tiên về nhà chồng. Sự đối nghịch trong quan niệm sống đã đẩy Loan xa cách với gia đình, mâu thuẫn giữa Loan với mẹ chồng ngày càng trở nên gay gắt và không thể hòa giải. Xung đột đã lên tới đỉnh điểm và kết thúc bằng một tấn bi kịch đầy máu và nước mắt. Trước phiên tòa, lời bào chữa hùng hồn của trạng sư đã thể hiện rõ luận đề của tác phẩm: “Nhưng nếu vượt lên trên, và nghĩ rộng ra không kể đến cá nhân nữa, thì bao nhiêu những sự việc xảy ra
không phải lỗi ở người nào cả mà là lỗi ở sự xung đột hiện thời đương khốc liệt của hai cái mới, cũ” [41, 116]. Sự đơn giản của cốt truyện cho chúng ta thấy điểm mới mẻ trong ngòi bút Nhất Linh. Cốt truyện Đoạn tuyệt rất chú trọng đến việc miêu tả tâm lý nhân vật. Hệ thống các biến cố, sự kiện được kể lại ngắn gọn, đơn giản, tập trung thể hiện sự phát triển của tính cách. Ngoài ra, tác giả còn đi sâu khai thác những xung đột, mâu thuẫn trong nội tâm nhân vật. Cốt truyện không chỉ nắm giữ vai trò tái hiện cuộc đời nhân vật mà còn có tác dụng phơi bày đến tận cùng những “góc khuất” trong chiều sâu tâm lý nhân vật. Còn Nửa chừng xuân lại “Có một cốt truyện hấp dẫn với nhiều tình huống éo le, nhưng không xa lạ. Khái Hưng với nghệ thuật tiểu thuyết khá vững vàng đã dẫn dắt mạch chuyện uyển chuyển linh hoạt, khi đi vào chiều sâu tâm lý nhân vật khi đối thoại sắc sảo, khi gợi những cảm xúc tinh vi ở người đọc” [25, 10].