Thế giới tâm linh của người Tày, người Nùng ở Lạng Sơn là thế giới đa thần, nó phản ánh sự giao lưu hội nhập giữa yếu tố tôn giáo tín ngưỡng bản địa với các tín ngưỡng du nhập thuộc về Tam giáo.
Trước hết Then là sự sinh động hoá quan niệm về thế giới ba tầng của người Tày, người Nùng. Thông qua nhãn quan của những người làm nghề Then, thế giới ba tầng hiện lên rất rành mạch bao gồm cõi trời, cõi đất và cõi nhân gian mà ở đó với tư cách là người thông quan được với thần linh, người làm Then đã đi lại được một cách dễ dàng từ cõi này sang cõi khác. Thông qua thầy Then, cõi trời được cụ thể hoá, hiện thực hoá như là một hình ảnh lý tưởng của cõi nhân gian. Hay nói cách khác Then đã nhân
hoá cõi trời. Ngoài cung phủ nguy nga tráng lệ ra, cõi trời của Then cũng rất gần gũi với đời thường: có rừng rú, biển cả, có ruộng vườn, chợ búa, v.v... Điều đó phản ánh sự nhận thức một cách hồn nhiên thô mộc trong thế giới quan của người Tày, Nùng.
Ngoài ra Then còn là sự cụ thể hoá quan niệm hồn linh giáo trong tín ngưỡng dân gian bản địa của người Tày, người Nùng. Từ niềm tin dân gian, quả trứng và chim én đã trở thành công cụ và biểu tượng nghề nghiệp của Then. Tất cả các vị thần trong quan niệm dân gian khi vào trong Then đều đã được hình tượng hoá như những nhân vật có thật. Ngoài tổ tiên, tổ sư là những nhân vật có thực đã khuất, các vị thần linh khác trong Then đều có những dáng vẻ riêng, nhiều vị được hiện lên qua phương thức nhập đồng trong các đám lẩu cấp sắc của Pụt như Thổ công, Táo công, các tướng nghề v.v...
Cũng như vậy, khái niệm hồn vía cũng được cụ thể hoá trong Then. Trong những bài cúng Cầu yên hoặc cúng Giải hạn chữa bệnh, hồn vía được Then hình dung như là một sinh linh mềm yếu, rất dễ bị cám dỗ, rất dễ bị tổn thương, muốn đưa hồn, vía về nhà thì phải vỗ về, dỗ dành đôi khi phải dọa dẫm, đe nẹt. Một số vị thần như Mẹ Hoa đã được biểu tượng hoá trong Then qua sự khắc họa tính cách nhân vật rất gần gũi với đời thực.
Cũng như người Kinh, thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng cơ bản trong tín ngưỡng của người Tày được thể hiện khá rõ trong Then Cấp sắc. Các nghi lễ chính do thầy Then (hoặcTào) chủ trì đều được thực hiện trước bàn thờ tổ tiên từ mở đầu cho đến kết thúc với các thủ tục như trình báo tổ tiên, dâng lễ tổ tiên, tạ ơn tổ tiên.
Thế giới tâm linh của người Tày, Nùng còn được thể hiện qua những lễ vật mang tính tượng trưng hồn nhiên, mộc mạc trong Then. Số mệnh con người được hình dung như một cái cầu, muốn trường thọ khoẻ mạnh thì
phải sửa sang lại cầu cho chắc chắn. Tuổi thọ và sức khoẻ của người già được gắn với bồ gạo, muốn người già sống lâu thì phải bù cho bồ gạo đầy thêm. Các lễ vật trong Then đều ít nhiều được biến hóa theo trí tưởng tượng của họ: Quả bí xanh hình dung là con lợn, hoa chuối rừng là con gà trống; chiếc thuyền bẹ chuối là tượng trưng cho đoàn thuyền loan thuyền phượng; tảng bột nặn, thậm chí là một chiếc bánh chưng bọc giấy màu cũng được hình dung là quả núi Su-mi là quả núi thiêng của thần phật trên trời. Thậm chí, binh mã - một lực lượng khá điển hình lại được tượng trưng qua gạo (như hiện tượng chia gạo tượng trưng cho việc phân binh mã trong lễ cấp sắc).
Nói tóm lại, Then đã hiện thực hoá thế giới tâm linh của người dân Tày. Chính vì vậy mà Then đã trở nên gần gũi, gắn bó với đời sống tôn giáo tín ngưỡng của người dân Tày qua nhiều thế hệ.
Tiêu biểu cho nội dung này là mảng then Hắt khoăn của người Tày. Có thể nói rằng niềm tin vào các lực lượng siêu nhiên, các thần, ma chính là cái cốt lõi làm nên then Hắt Khoăn và nghi lễ này. Người Tày tin rằng để ngô, lúa đầy bồ là do mưa thuận gió hòa, người ốm yếu trở nên mạnh khỏe… đó là sự giúp đỡ đắc lực của thần linh, của các ma.
“Chang cừn bớt chất nâư chạu bớt slam Hạn nắc hạn nẩư hạn quây hạn sẩư
Hạn nắc pú mé slống pây, hạn đây slống hử” Nghĩa là:
“Khấn cho bệnh bớt khỏi ngay (bớt ba, bảy phần) Hạn nặng hạn nhẹ, hạn xa hạn gần
Hay đối với họ, thần linh là một lực lượng huyền bí có thể giúp họ khỏe mạnh, không còn mệt mỏi khi lội suối băng đèo:
“Lồng lảng ná cỏ đây, bây quây lá thư tậu Khửm lính mì lèng, khửn keng mì mạnh
Chắp tông bá, quá tông vai, lỏ cần quá nưa, slưa phàng quá tẩu
Quá khuổi nẩư bá, quá tả nẩư khen
Slắng khẩu nả ná lùm, slắng khẩu lăng la ký” Nghĩa là:
“Xuống thang không phải giữ, đi xa không chống gậy Lên dốc không mỏi chân, xuống đèo không mỏi gối Đau vai sẽ khỏi, đau gối sẽ qua
Qua suối nhẹ chân qua sông dễ dàng Bảo gì nhớ lấy không bao giờ quên.”
Đối với người Tày, thế giới thần linh thật linh thiêng và huyền bí chứa đựng đầy uy lực mà con người không thể làm được. Trong niềm tin của người Tày có thổ thần bảo vệ cuộc sống yên lành cho con người, cây cối, chim muông… Niềm tin này dần hình thành một tư duy tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tổ chức các nghi lễ then gắn với vòng đời người.