Khái niệm Then

Một phần của tài liệu Hát then ở Lạng Sơn (Trang 29)

Người Tày, Nùng trên đất nước Việt Nam nói chung và ở tỉnh Lạng Sơn nói riêng có vốn văn học dân gian và văn hóa dân gian đa dạng, phong phú với các làn điệu mang âm hưởng dân ca mượt mà, đằm thắm lằm say đắm lòng người. Có thể kể đến các làn điệu Slượn, Phong Slư, Quan Lang, Then của người Tày hay như làn điệu Sli, Cỏ lảu, Then của người Nùng. Nhưng hấp dẫn ngọt ngào hơn cả có lẽ là Then vì Then là loại hình nghệ thuật có từ lâu đời của dân tộc Tày được quần chúng nhân dân ưa thích. Khác với các loại hình dân ca Then vừa có tính chất sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo vừa có tính chất sinh hoạt văn hóa văn nghệ trong đời sống tinh thần của người dân tộc Tày, Nùng.

Có rất nhiều ý kiến khác nhau bàn về Then cũng như nhiều câu hỏi được đặt ra: Then là gì? Then có từ bao giờ? Nguồn gốc của Then ở đâu hiện chưa có sự thống nhất. Có người thì cho rằng Then xuất hiện từ thời nhà Mạc. Quân nhà Mạc thua trận, Vua suy nghĩ quá nhiều sinh ốm. Các quần thần biết Vua ốm do tư tưởng chứ không phải do bệnh tật nên cử đội nhạc hát cung đình tổ chức múa hát Then suốt 3 ngày 3 đêm, Vua thấy vui và khỏi bệnh. Từ đó ai ốm đều tìm những người biết hát múa Then đến

biểu diễn. Nhưng lại có ý kiến cho rằng Then xuất hiện sớm hơn vào khoảng thế kỷ thứ II, III; Then có từ khi người Tày lập làng, bản. Theo các nhà nghiên cứu:“Then là loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp (gồm văn học, âm nhạc, hội họa, múa) có từ lâu đời, được quần chúng nhân dân yêu thích”. Then giữ một vị trí quan trọng trong di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống của hai dân tộc Tày-Nùng” trích trong (Mấy vấn đề về Then Việt Bắc, Nxb Văn hóa Dân tộc 1978 của nhiều tác giả).

“Then là hiện tượng văn hóa dân gian tổng thể đặc trưng của dân tộc Tày, ở đó trên cái nền của hiện tượng tín ngưỡng đã tích hợp và phát sinh nhiều sinh hoạt văn hóa nghệ thuật như âm nhạc, vũ đạo, tạo hình dân gian, các hình thức kiên kết và quan hệ xã hội nhằm thỏa mãn đời sống tâm linh của con người. Không chỉ trong xã hội cổ truyền mà còn cả trong xã hội đương đại…”(theo Nguyễn Thị Yên, Ngô Đức Thịnh trong Lời giới thiệu Then Tày của, Nxb Văn hóa Thông tin 2004).

“Then là một từ Tày-Thái cổ, có ý nghĩa là Thiên (Trời) hoặc Sliên (Tiên), Pựt (Bụt) dùng để chỉ người được cấp săc làm nghề cúng bái trong tín ngưỡng dân gian với những nghi lễ có sử dụng các loại hình nghệ thuật tổng hợp nhằm thỏa mãn nhu cầu về tâm linh, tinh thần của một số cộng đồng dân cư ở vùng núi phía Bắc Việt Nam (theo Vi Hồng Nhân trong cuốn Văn hóa các dân dộc thiểu số từ một góc nhìn, Nxb Văn hóa Dân tộc, 2004)

“Then là người thuộc các làn điệu then, được cấp sắc để thực hiện các nghi lễ cúng tế của người Tày như đưa linh hồn người chết về với tổ tiên, cầu an, cầu phúc…” hay “Hát Then là những làn điệu phục vụ các nghi lễ cúng tế nhằm diễn tả con đường Then đưa binh mã đi làm lễ mang tính hiện thực lãng mạn và có âm nhạc chắp cánh cho lời ca bay bổng, có sức dẫn dắt người nghe từ thực tại của cuộc sống đi vào cõi mộng mơ, trở

thành nhu cầu tâm linh của con người..” (theo Phạm Tuất, Hoàng Hữu Sang Then Tày Đăm, Nxb Văn hóa Thông tin, 2006)

Tuy còn tồn tại nhiều quan niệm khác nhau từ các nhà nghiên cứu, sưu tầm và quần chúng nhân dân yêu thích song tựu chung lại đều cho rằng: “Then” nghĩa là “Tiên”. Người Nùng gọi “Then” là “Sliên” là người Trời, phục mệnh của Ngọc Hoàng Thượng Đế và Long Vương để thực hiện nhiệm vụ làm cầu nối giữa trần gian với thế giới thần linh và thế giới thần tiên. Để thực hiện sứ mệnh cao cả ấy mà Then mang mầu sắc tâm linh, huyền bí và vô cùng linh thiêng. Nhiều cách giải thích đều đi đến kết luận có nội dung khái quát như sau:

Then: Là tên gọi của một hình thức nghi lễ có sử dụng lời ca (khúchát thờ cúng) đi kèm vói nhạc cụ đàn tính; chùm nhạc xóc. Then còn là tên gọi chỉ các hình thức dân ca của người tày gọi là “hát then” được tổ chức, diễn xướng trong các dịp lễ trọng đại của gia đình, làng xã như lễ xuống đồng đầu năm của làng bản, lễ cầu may, cầu yên, giải hạn, xin hoa của gia đình; lễ cấp sắc của các bà then, ông then. Then còn là từ dùng để chỉ nghề nghiệp của những người làm nghề cúng bái theo dạng nghi lễ: ông then, bà then.

Then: Then là tiên (tiếng Tày gọi là Sliên).Như vậy người làm then thuộc dòng dõi thần tiên là người của trời, ông then, bà then ca hát thực hiện nghi lễ cúng bái là lúc họ đại diện cho người trần gian giao tiếp được với thế giới thần linh, Ngọc Hoàng cầu xin mọi sự tốt lành, tai qua nạn khỏi, con đàn cháu đống đầy nhà.

Then: Theo ý kiến của đại đa số người làm then của dân tộc Tày, dân tộc Nùng ở Lạng Sơn cho rằng thentrời, tiên. Đa số người Tày, Nùng thích xem then, nghe then, yêu then và say mê then, nhưng không phải ai muốn làm nghề then là làm được. Qua tìm hiểu thực tế, khảo sát thực địa

tại các làng bản của 02 huyện Chi Lăng, Cao lộc, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn có thể phân chia những người làm nghề Then theo 03 hình thức:

Then nối dõi: Trong dòng họ có người làm then, nay người đó qua đời, dòng tộc phải có người nối dõi. Nhưng số con cháu trong dòng tộc không muốn theo nghề.

Then nhập: Trường hợp này không có dòng dõi làm then nhưng bị

ốm đau triền miên, chạy chữa các bệnh viện không khỏi nhưng khi đi theo làm nghề then, người khỏe khoắn, khỏi bệnh

Then sống: Là những người yêu thích mê hát then, thường đi theo các bà then, ông then làm lễ, giúp việc. trong các buổi lễ họ có thể thay ông then, bà then làm từng đoạn từng việc nhưng họ không mê tín và cũng không được ai mời đi làm then.

1.3.2. Sự hình thành và phát triển của Then

Then là một sinh hoạt văn hóa tinh thần độc đáo và tiêu biểu chung cho cả dân tộc Nùng và dân tộc Tày. Then người Tày có thể làm cho người Nùng và ngược lại. Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào uy tín của Then. Các học giả nghiên cứu về Then, luôn nhận thức Then ở hai góc độ: Then là loại hình nghệ thuật dân gian và then cũng là loại hình tín ngưỡng dân gian.

Loại hình nghệ thuật dân gian; bởi then khi hành nghề, luôn có lời hát (then), có âm nhạc, có hóa trang và diễn xuất. Lời hát then là những bài thơ 7 chữ. Có lời then được sáng tác từ xưa lưu truyền lại và được nghiên cứu ghi chép, in thành nhiều cuốn như : Khảm hải, Then bách điểu, Then tứ bách…nhưng cũng có nhiều lời được sáng tác mới, hát ứng khẩu cho phù hợp với cảnh huống khi liên hoan vui vẻ, nhưng vẫn tuân thủ là thơ 7 chữ. Nhạc cụ của then gồm có cây đàn tính, bộ nhạc sóc, chiếc quạt giấy. Là nhạc cụ của then, nhưng không phải chỉ người làm then sử dụng, mà khi

vào cuộc những người hâm mộ then, bạn then đều có thể sử dụng làm cho không khí hát then sôi động thêm, trừ chiếc quạt giấy. Người làm then khi hành nghề thường mặc áo then, trong các buổi làm then còn có diễn xuất. Hình thức diễn xuất chủ yếu là múa chầu. Khi múa chầu, người ta cầm trong tay bộ nhạc xóc. Cho nên lúc múa chầu là lúc không khí buổi làm then tưng bừng nhộn nhịp nhất.

Là loại hình tín ngưỡng dân gian, then thực hành bói toán, phù chú, xem ngày tốt xấu. Trong bói toán, then đoán số mệnh của con người, bói tìm ma quỷ gây hại, làm cho người ốm đau, tìm nguyên nhân gặp vận hạn…Trong phù chú, then dùng phù phép, vận hành cơ chế điều binh, khiển tướng đi “đánh nhau” với ma quỷ, đuổi ma trừ tà, chữa bệnh cho người ốm. Điều độc đáo nhất của then là văn nghệ dân gian được sử dụng trong tín ngưỡng và hoạt động tín ngưỡng lại dùng hình thức văn nghệ dân gian để hành nghề.

Với đồng bào dân tộc Tày vùng núi phía bắc, những làn điệu then đã trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu, gắn bó mật thiết cùng họ qua các thế hệ. Trong những dịp Tết, lễ hội, khắp không gian bản, làng luôn luôn vang vọng lời then, tiếng tính réo rắt, trầm bổng, khi gần, khi xa. Hình ảnh chàng trai, cô gái Tày trong trang phục dân tộc áo chàm váy tơ, tay cầm đàn tính, nô nức say mê xướng lên những câu hát then trong trẻo, vi vút cùng mây gió. Với người Tày, then không chỉ là khúc hát đầu xuân cầu an lành, may mắn mà còn gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng trong năm. Then có nghĩa là "thiên", người Tày quan niệm khúc hát then là khúc hát thần tiên, là cầu nối tâm linh chở theo lời thỉnh cầu, mong ước của con người thấu tới tai thần thánh. Vì thế, mỗi dịp người Tày cúng cầu an, giải hạn, cúng tổ tiên, hay mừng nhà mới, mừng thọ ông bà, cha mẹ... đều không thể vắng bóng những giai điệu then mượt mà. Không gian Việt Bắc

chính là nơi tổng hòa của nhiều vùng then nức tiếng cả nước như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Hà Giang. Giống như mỗi nốt nhạc trong một bản nhạc, từng vùng then lại góp vào những giai điệu, cách thể hiện rất riêng. Nếu then Lạng Sơn da diết, đằm thắm; then Hà Giang chậm rãi, dìu dặt; then Bắc Cạn thủ thỉ tâm tình; thì then Tuyên Quang lại dồn dập, mạnh mẽ như tiếng trống xuất quân... Tất cả quyện lấy nhau, mang theo từng cung bậc cảm xúc, hòa cùng tiếng suối đại ngàn tuôn chảy dạt dào qua bao thế hệ.

Người Tày, người Nùng là những cư dân có chung nguồn gốc lịch sử, cùng chung sống lâu đời, có những đặc điểm sinh hoạt văn hóa, ngôn ngữ gần gũi. Do đó, ngoài những đặc điểm văn hóa riêng, hai dân tộc còn có những đặc điểm chung trong khu vực cư trú. Một trong những sinh hoạt văn hóa truyền thống thể hiện đặc điểm chung xuất hiện trong dịp lễ đầu năm đó chính là hát Then.

Then của người Tày, người Nùng là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có từ lâu đời được quần chúng nhân dân yêu thích. Then phổ biến trong các làng bản của người Tày, Nùng. Hát Then tập trung phổ biến ở các tỉnh Bắc Cạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn.

Một phần của tài liệu Hát then ở Lạng Sơn (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)