Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Mường

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và những giá trị của nó trong đời sống người Việt Nam hiện nay (Trang 46)

8. Cấu trúc của luận văn

1.4.1 Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Mường

Thờ cúng tổ tiên của người Mường mang những nét đặc trưng riêng và cũng có những nét chung với người Việt. Cũng như người Việt chúng ta, thì tín ngưỡng tổ tiên của dân tộc Mường đã in đậm trong tâm thức người Mường từ rất lâu rồi. Người Mường quan niệm người chết thể xác hoá thân vào vũ trụ (trời đất), nhưng linh hồn vẫn tồn tại nhớ về nơi ở cũ. Vì vậy, bổn phận của người sống phải phụng sự linh hồn no đủ để linh hồn phù trợ cho người sống yên ổn, khỏe mạnh, làm ăn phát đạt.

Người Mường quan niệm có gốc mới có ngọn nên người Mường lấy gian đầu cầu thang lên làm gian gốc, gọi là gian thờ. Cột cái gian gốc ở nhà sàn Mường có tên là cột chồ, còn gọi là cột thờ vì ở ngang vách sát cột thờ,

người Mường làm bàn thờ gia tiên treo ra ngoài vách. Người Mường khi làm nhà phải đi tìm cây gỗ làm cột thồ đầu tiên. Khi dựng nhà cũng dựng cột thờ đầu tiên. Nếu bán nhà không được bán cột thờ. Kiêng không được ngồi dựa lưng, không được đóng đinh mắc áo, không được nằm đạp chân lên cột thờ. Cạnh đầu cột thờ sát mái nhà còn cài mảnh ván làm nơi thờ dòng dõi tổ tiên, nếu đấy là các nhà cái nhà đích tôn, con trưởng.

Trong ngôi nhà người Mường bàn thờ tổ tiên thường được đặt ở vóng gian giữa nhà. Người con trưởng phải thờ cúng tổ tiên năm đời (ngũ đại). Mỗi đời thể hiện bằng một bát hương xếp theo hàng ngang. Người con thứ chỉ lập một bát nhang thờ trực tiếp bố mẹ sinh ra mình, khác với người Việt (con gái đã về nhà chồng thì không được lập bàn thờ thờ cha mẹ đẻ), người phụ nữ Mường sau khi đã về nhà chồng cha mẹ chồng qua đời không có con trai thờ cúng thì nhà chồng cho phép họ lập một bàn thờ cha mẹ đẻ ở nhà chồng ở cửa phòng khách, nhưng bàn thờ phải nhỏ hơn bàn thờ của nhà chồng.

Thờ tổ tiên chính là thờ cúng ông bà cha mẹ đã chết. Nếu gia đình có người chết trẻ gọi là bà cô, ông mãnh thì người ta lập bàn thờ riêng ở đốc nhà. Nếu thờ chung với bàn thờ gia tiên thì cả người Việt và người Mường phải treo ảnh dưới ảnh ông bà, cha mẹ, bát hương cũng nhỏ hơn đặt dưới các bát hương khác. Ngày nay, cả người Mường và người Việt thờ người nào thì treo ảnh người ấy lên bàn thờ, trước kia nhà giàu làm bài vị để thờ. Một bàn thờ thờ nhiều người, người nào vai trên thì ảnh thờ hay bài vị, bát hương để trên.

Người Mường sau bốn đời con cháu không còn quan hệ họ hàng huyết thống. Lúc sống ông bà sống với người con nào (thường là con trưởng) thì người con ấy sẽ cúng giỗ bố mẹ, ông bà ở nhà mình. Con cháu cùng góp lễ cúng giỗ. Những người khác góp lễ rồi cùng cúng và ăn uống ở nhà đó. Người

Việt và người Mường đều như nhau ở tục này. Các cụ từ đời thứ năm xếp lên hàng tổ tiên được con cháu đời về sau gọi là “cao tằng, tổ tỉ” mời về dự bất cứ có lễ lạt gì của gia đình. Người Mường không làm nhà từ đường thờ tổ họ, không giỗ họ. Nhưng các nhà con trưởng gọi là nhà cái hàng đích tôn của các gia đình, vì thế đều phải lập bàn thờ dòng dõi để thờ tổ tiên, thờ tượng trưng chỉ bằng mảnh ván nhỏ hoặc phên nứa bên trên để bát nước, bó vàng hương bằng gỗ chẩu chẻ nhỏ như ngón tay dài 15-20 cm. Thông thường người Việt làm lễ Chạp họ nhân dịp đi quét mả, dọn vệ sinh, đắp mộ cao hơn hoặc quét vôi mồ mả tổ tiên đồng thời khấn mời các cụ về ăn tết. Khác người Việt, người Mường không có tổ chức họ, không có nhà từ đường thờ tổ họ nên không có lễ Chạp họ, không có tục đi đắp mả, rẫy cỏ cho mồ mả vì không có mả tổ. Người Mường giống như nhiều tộc người ở rừng khác do xa xưa du canh du cư nên người ta chỉ coi trọng phần hồn hơn phần xác. Người Việt coi trọng mồ mả nên mới có câu “Sống vì mồ vì mả, không ai sống vì cả bát cơm”.

Tín ngưỡng gia tiên được tính từ lễ tang ma. Người Việt và người Mường chung nguồn gốc nên có cùng quan niệm chết chưa phải là hết, các hồn ma vẫn lởn vởn quanh con cháu để quở mắng hoặc phù hộ cho con cháu đang sống ở trên đời. Do vậy, phần nhiều lễ nghi tang ma của hai dân tộc khá giống nhau do quan niệm sống chết giống nhau nhưng khác nhau là ở các nghi thức cách làm riêng. Thi hài người Việt khi chết có lâu lắm cũng chỉ để trong nhà dăm bảy ngày phải mai táng. Việc làm ma to hay nhỏ là do hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình quyết định. Nhưng việc cúng to, nhỏ thì đều tuần nào tiết ấy: cúng tam nhật, cúng sóc, vọng tuần đầu, cúng 49 hoặc 100 ngày v.v... Nhưng người Mường có thể để thi hài người chết ở trong nhà hai ba tháng chờ con cháu có đủ lợn, gạo, rượu mới tổ chức mai táng và làm ma cúng tế người chết. Tục đốt vàng mã để thay cho của nả cần có cho cuộc sống

người chết ở cõi âm. Về việc này người Mường làm khác, họ chia của cho người chết, đem để ở ngoài mả: gạo nước, nồi niêu, xoong chảo… Họ còn chia cho người chết gà lợn sống đem thả ngoài mả cho chúng thành thú rừng. Người Mường làm nhà mồ khá công phu. Mồ mả của người Việt lúc hung táng đơn giản lấy “đào sâu chôn chặt” là chính. Chôn sau ba bốn năm, người Việt lại cải táng, thay mả. Người Mường chôn xong là xong, không cải táng như người Việt.

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và những giá trị của nó trong đời sống người Việt Nam hiện nay (Trang 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)