Nguồn gốc

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và những giá trị của nó trong đời sống người Việt Nam hiện nay (Trang 25)

8. Cấu trúc của luận văn

1.3.1 Nguồn gốc

- Nguồn gốc kinh tế - xã hội của thờ cúng tổ tiên

Thờ cúng tổ tiên là một bộ phận của ý thức xã hội, nảy sinh trên cơ sở kinh tế xã hội và chịu sự quy định của tồn tại xã hội. Do đó, tìm nguồn gốc của nó không phải trong ý thức mà phải trong điều kiện lịch sử xã hội, lịch sử hoạt động thực tiễn của con người.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê nin, thì sự bất lực của con người trong đấu tranh với tự nhiên là một trong những nguồn gốc xã hội của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Lịch sử xã hội loài người là lịch sử phát triển kế tiếp nhau của các hình thái kinh tế - xã hội. Cơ sở kinh tế của xã hội nguyên thủy là nền kinh tế tự nhiên lấy săn bắt, hái lượm là chính. Vì thế cuộc sống lệ thuộc rất nhiều vào

môi trường tự nhiên. Xã hội cộng sản nguyên thủy được tổ chức dưới hình thức thị tộc, bộ lạc. Đó là những cộng đồng người có đặc điểm cơ bản là cùng huyết thống, sống trên địa bàn tương đối ổn định, hợp tác tương trợ trong lao động sản xuất, trong đấu tranh chống thiên tai và chiến tranh xâm chiếm của các thị tộc, bộ lạc khác. Quan hệ giữa các thành viên trong thị tộc là quan hệ bình đẳng, hợp tác trên cơ sở công hữu về tư liệu sản xuất.

Thời kỳ đầu của công xã thị tộc, công cụ lao động còn hết sức thô sơ, trình độ lao động giản đơn, năng suất lao động rất thấp. Do vậy cuộc sống của người nguyên thủy vẫn không cách xa cuộc sống của loài vật. Ý thức cá nhân chưa định hình, dẫn tới việc ý thức xã hội của họ cũng mang tính bầy đàn, đơn thuần. Về sau, khi lực lượng sản xuất phát triển, việc tìm ra lửa, dùng cung tên trong săn bắn đã tạo ra bước thay đổi căn bản trong ý thức người nguyên thủy. Thời kỳ này, ý thức về tổ tiên là một yếu tố của ý thức công xã nguyên thủy, phản ánh sự bất lực của con người trước sức mạnh của tự nhiên. Giới tự nhiên huyền bí bao quanh con người luôn đe dọa cuộc sống bởi những tai họa bất thần như: bệnh tật, mưa bão, nắng, hạn hán, thú dữ… và sau này, cùng với lực lượng bí ẩn của giới tự nhiên và lực lượng mang tính xã hội luôn thống trị lên cuộc sống hằng ngày của họ. Bế tắc trong cuộc sống hiện thực, con người tìm sự giải thoát trong đời sống tinh thần.

Cùng với biểu tượng về các thần linh, biểu tượng về tô tem xuất hiện trong thời kỳ thị tộc mẫu hệ. Theo X.A.Tôcarev, thờ cúng tổ tiên trong thời kỳ này chỉ mới manh nha, chưa là hiện tượng phổ biến. Tô tem giáo là giai đoạn phát triển đầu tiên của thờ cúng tổ tiên. Thời tô tem giáo, con người đã nhận một vật, con vật làm tổ tiên trong bộ lạc để cầu mong cho họ có một cuộc sống yên lành, ấm no. Vì thế có sự kiêng kỵ là không được xúc phạm vật tổ nhưng họ đã phá vỡ sự kiêng kỵ đó và ăn thịt vật tổ. Họ thấy sự sỡ hãi, sợ bị trừng phạt. Sự hạn chế của con người trước tự nhiên và xã hội, dẫn đến sự

hạn chế về việc giải thích cái chết của con người. Khi chết thì linh hồn đi đâu thể xác đi đó hay linh hồn sẽ đi đâu?, thế giới bên này, thế giới bên kia, sự sống cái chết như thế nào… họ không lý giải được hoặc giải thích sai. Đó là những tiền đề của thờ cúng tổ tiên.

Không chỉ có mối quan hệ với tự nhiên, mà trong quá trình tồn tại và phát triển giữa con người còn có mối quan hệ với nhau. Khi xã hội có sự phân chia giai cấp, chế độ người bóc lột người cũng là một trong những nguồn gốc xã hội chủ yếu làm nảy sinh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Xã hội cổ truyền của người Việt có những cơ sở kinh tế xã hội nhất định cho việc hình thành và duy trì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Trước hết, đó là nền kinh tế tiểu nông tự cung tự cấp. Đây chính là môi trường thuận lợi cho sự xuất hiện tín ngưỡng đa thần. Xét về phương diện kinh tế, làng xã Việt Nam gần như một đơn vị độc lập, và tương tự như thế, tế bào của nó là hộ gia đình nhỏ. Hình ảnh “chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa” đã mang tính chất điển hình cho nền kinh tế tiểu nông của người Việt. Điều này là nhân tố quan trọng gắn bó các thành viên của gia đình cùng một thế hệ và giữa các thế hệ (sự chuyển giao kĩ thuật canh tác bằng con đường truyền nghề qua các thế hệ). Mở rộng ra, các gia đình cư trú quần tụ theo họ và nhiều họ tập hợp thành làng. Đứng trước làng, con người không tồn tại với tư cách cá nhân, mà dưới danh nghĩa gia đình, dòng họ. Các dòng họ lớn, nhiều đời, nhiều chi, nhiều người đỗ đạt khoa bảng thường có thế lực rất mạnh trong làng, nhiều khi thao túng cả bộ máy làng xã. Có thể nói nền kinh tế tiểu nông ấy là mảnh đất thuận lợi cho việc củng cố và phát triển ý thức dân tộc cũng như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở làng xã.

Do đặc trưng khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, gió mùa nên nước ta sản xuất lúa nước theo truyền thống tiểu canh và cũng do đặc điểm kiến tạo địa lí, với

đồng cỏ vừa nhỏ vừa ít nên chỉ phù hợp với chăn nuôi tiểu gia súc. Vì vậy ở nước ta, sản xuất tập trung nhân công theo quy mô nhỏ, công cụ sản xuất nhỏ gọn. Nên người Việt gắn bó với gia đình chặt hơn là với dòng họ. Hầu như gia đình nào cũng có bàn thờ tổ tiên (dù thờ chính hay thờ vọng) nhưng không phải dòng họ nào cũng có từ đường.

Hình thức tổ chức xã hội cũng là một yếu tố quan trọng trong việc hình thành tín ngưỡng. Ở giai đoạn thị tộc phụ quyền, người đàn ông bắt đầu giữ quyền hành quản lý gia đình, giữ vai trò chủ đạo trong đời sống kinh tế. Họ là những người có uy quyền và được nắm giữ việc thờ cúng các thần, trong đó có tổ tiên đã qua đời.

Từ sự phân tích trên đây chúng ta thấy rõ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được hình thành từ xa xưa và tồn tại phổ biến ở nhiều dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Thờ cúng tổ tiên được duy trì và phát triển tồn tại đan xen với các tín ngưỡng, tôn giáo khác. Bên cạnh nguồn gốc xã hội mang tính khách quan thì nguồn gốc nhận thức và tâm lý cũng là một nguồn gốc quan trọng dẫn đến sự ra đời và tồn tại của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

- Nguồn gốc nhận thức của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

Một trong những nguồn gốc dẫn đến việc hình thành tín ngưỡng nói chung và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nói riêng chính là trình độ phát triển của nhận thức.

Trước hết, cũng như nhiều dân tộc khác, người Việt xuất phát từ “vạn vật hữu linh” - mọi vật đều có linh hồn và bắt đầu từ thế giới tự nhiên xung quanh mình. Vì thế, loại thần cổ sơ nhất được người ta tôn sùng là các nhiên thần, đặc biệt là thần cây, thần đá, thần núi, thần sông nước… Bằng cách huyền thoại hóa, các vị thần được mang khuôn mặt của con người (hiền hậu hay dữ tợn) tâm lý của con người (vui mừng hay giận giữ). Có thể nói việc

nhân hóa các thần tự nhiên đã tạo ra một bước chuyển cho việc hình thành hệ thống nhân thần. Đây cũng chính là giai đoạn con người bắt đầu khám phá về bản thân mình. Đến một thời điểm nào đó, mối quan hệ giữa thế giới hữu hình và vô hình, nhất là giữa cái sống và cái chết đã khiến cho con người bận tâm. Vẫn với quan niệm “vật linh” kể trên, họ tin rằng trong mỗi con người đều có phần “hồn”(phần vía tức là phần hồn nhẹ hơn ) và xác ( chỉ có điều khác đàn ông ba hồn bảy vía, đàn bà ba hồn chín vía).

Không có ý thức cao siêu “sống gửi thác về” (thiên đàng hay địa ngục) của Kitô giáo hay thuyết luân hồi chuyển kiếp đầu thai của đạo Phật. Trong nhận thức dân gian, thể xác và linh hồn vừa gắn bó vừa tách biệt, chúng gắn bó khi sống và tách biệt khi chết: thể xác đã hòa vào cát bụi nhưng phần hồn vẫn tồn tại, chuyển sang “sống” ở một thế giới khác. Thế giới ấy có thể gọi bằng những tên gọi khác nhau, là cõi ma của người Mường, hay âm phủ (cõi âm) theo cách nói của người Việt. Cõi âm cũng có mọi nhu cầu như cuộc sống dương gian. Các tài liệu khảo cổ cho biết, tục chôn của cải theo người chết đã có từ văn hóa Sơn Vi. Trong các khu mộ táng người ta tìm thấy các công cụ lao động, vật liệu sinh hoạt mà đoán chừng đó là những thứ cung cấp cho người chết sử dụng ở thế giới bên kia. Như vậy theo quan niệm dân gian, chết cũng là một dạng “sống” mới trong môi trường khác.

- Nguồn gốc tâm lý của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

Tâm lý, tình cảm là một yếu tố mang tính chủ quan trước sự tác động của thế giới khách quan, thờ cúng tổ tiên được hình thành trên cơ sở tâm lý, tình cảm của con người và cộng đồng người trong xã hội. Một trong những nhu cầu thiết yếu của con người là được tâm sự, gửi gắm, giải tỏa những bức xúc trong đời sống tinh thần. Thờ cúng tổ tiên được hình thành trên cơ sở niềm tin vào sự bất tử của linh hồn tổ tiên. Niềm tin ấy đã giúp con người tạo

ra hệ thống văn hóa giá trị truyền thống, thiêng liêng hóa tình cảm tiếc thương, thái độ kính trọng người có công tạo dựng cuộc sống.

Cuộc sống là môi trường văn hóa đặc biệt được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Con người sống trong môi trường ấy,không những chỉ tiếp xúc với cái hiện hữu mà còn tiếp xúc với cái vô hình, trừu tượng, mông lung, không lý giải được bằng lý trí. Điều đó chỉ cảm nhận từ tâm thức, linh cảm của con người. Niềm tin vào sự hiện tồn của tổ tiên góp phần cân bằng trạng thái tâm lý, nhiều khi còn là cứu cánh, giải tỏa nỗi cô đơn, bất hạnh của con người trước cái chết. Cái chết luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của con người, chết đồng nghĩa với sự xa lìa vĩnh viễn thế giới, người thân. Song quy luật sinh học khiến cho không ai có thể trốn tránh được nó. Bằng nghi thức thờ cúng tổ tiên, con người đã góp phần lý giải về cái chết và cuộc sống sau khi chết, giải tỏa nỗi kinh sợ khi nghĩ đến nó. Rõ ràng là nỗi sợ hãi cái chết được giảm bớt thông qua việc thờ cúng ông bà, cha mẹ mình. Và dần dần trở thành tập tục, truyền thống, nghĩa vụ thờ cúng của mọi gia đình dưới hình thức giỗ, chạp, xây mồ mả… Bên cạnh ý thức trách nhiệm, có lẽ phần nào còn bởi yếu tố sợ bị trừng phạt khi không làm tròn trách nhiệm, bổn phận với người đã khuất.

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và những giá trị của nó trong đời sống người Việt Nam hiện nay (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)