8. Cấu trúc của luận văn
1.3.3 Các hình thức của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên
Trong thời gian gần đây, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được khôi phục và phát triển, nhằm khai thác kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa đã được chung đúc hàng nghìn năm qua thiết chế gia đình – dòng họ - làng và nước.
Trong thực tế có rất nhiều cách phân loại khác nhau về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Chẳng hạn như phân loại theo dân tộc, ta có dân tộc Kinh, Mường, Tày, Thái… ; phân loại theo giai tầng xã hội, phân loại theo đặc điểm của thờ cúng tổ tiên. Cách phân loại phổ biến là dựa trên kết cấu của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên theo nghĩa rộng để phân loại tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thành: tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong gia đình, họ tộc, thờ thành hoàng làng và thờ cúng tổ tiên trong cả nước.
Thờ cúng tổ tiên trong gia đình
Thờ cúng tổ tiên là tấm lòng thành kính thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn tổ tiên ông bà, cha mẹ đã sinh thành và gây dựng nên cuộc sống cho con cháu. Thờ cúng tổ tiên chính là toàn bộ các hình thức lễ nghi,
cúng bái nhằm bày tỏ lòng tôn kính của các thế hệ sau với những người thuộc thế hệ đầu tiên của một dòng họ, với ông bà, cha mẹ đã qua đời. Thờ cúng tổ tiên mang ý nghĩa là một tín ngưỡng ở chỗ gây niềm tin thiêng liêng vào linh hồn ông bà tổ tiên như vị thần hộ mệnh; phù hộ che chở con cháu trong suốt những tháng ngày làm ăn sinh sống. Việc chôn theo những đồ tùy táng thấy được trong các ngôi mộ thời nguyên thủy, việc đốt vàng mã, tiền âm phủ ngày nay, ấy là những bằng chứng biểu hiện niềm tin vào ông bà, tổ tiên vẫn sinh hoạt như ở dương gian.
Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt ra đời từ lâu, trên cơ sở niềm tin về sự bất tử của linh hồn sau khi con người đã chết; tin rằng con người ta chết đi về thǎm nom, phù hộ cho con cháu. Không nhất thiết phải là mâm cao cỗ đầy, chỉ cần một nén nhang lên bàn thờ tổ tiên trong ngày lễ, ngày Tết, hay ngày giỗ tổ tiên, con cháu trong gia đình cũng đã thể hiện được tấm lòng thành kính, hướng về cội nguồn, tưởng nhớ những người thân đã khuất. Từ lâu, thờ cúng tổ tiên ông bà đã trở thành một phong tục, là chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc làm người, đồng thời là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt Nam, đặc biệt là cuộc sống ở các làng quê.
Xin tổ tiên phù hộ cho gia quyến bình an, đó là tâm niệm của tất cả người Việt Nam. Trên thực tế, thờ cúng tổ tiên là một phong tục truyền thống của dân tộc, cho dù đó không phải là điều bắt buộc, song đó lại là thứ “luật thành vǎn” trong đời sống tâm linh của người Việt tồn tại qua bao thế hệ. Trong mỗi gia đình, bàn thờ cúng tổ tiên được đặt ở vị trí trang trọng nhất và trở thành nơi con cháu khấn vái trong những ngày tuần, ngày giỗ, ngày Tết, hoặc khi có hiếu hỷ, việc to, việc nhỏ với mong muốn được gia tiên phù hộ. Mọi biến cố trong gia đình đều được gia chủ báo cáo với gia tiên.
Thờ cúng tổ tiên cùng huyết thống có nhiều hình thức, cấp độ khác nhau. Trước hết là việc thờ cúng tổ tiên trong mỗi gia đình (thờ cúng gia tiên). Mang đặc tính của cư dân nông nghiệp đa thần giáo, trong gia đình người ta thường thờ phụng nhiều vị thần. Bên cạnh việc thờ tổ tiên, thờ Phật, người ta còn thờ bà Cô, ông Mãnh là những người thân thích, chết trẻ, hoặc chết vào giờ linh thiêng. Ở một số gia đình, vị trí bàn thờ được sắp xếp theo quy định, ví dụ thờ Thánh sư ở góc nhà, thờ Tiền chủ ở bàn thờ đặt ngoài sân, thờ bà Cô, ông Mãnh ở cạnh thấp hơn bàn thờ tổ tiên.... Trong các vị thần được thờ tại gia, thường không có vị thần nào được sắp xếp ngang hàng với tổ tiên. Bàn thờ tổ tiên là không gian linh thiêng để các thành viên trong gia đình thể hiện, gửi gắm lòng tưởng nhớ, biết ơn tiên tổ. Bàn thờ là nơi tổ tiên “đi”, “về” và ngự trên đó. Thông thường bàn thờ tổ tiên thường được lập cố định, ở chỗ trang trọng nhất, gian chính giữa của nhà trên.
Việc bài trí bàn thờ gia tiên thường không giống nhau, điều này phụ thuộc vào quan niệm tâm linh và cả điều kiện kinh tế của gia chủ. Nhìn chung bàn thờ gia tiên nào cũng có một số đồ thờ chủ yếu sau: bài vị, bát hương, đĩa đèn, bình hoa, chén rượu, mâm đựng hoa quả…. Các gia đình bình dân, đồ thờ thường được làm bằng gỗ hoặc sành sứ, còn các gia đình giàu có thế nào cũng có đồ thờ tự bằng đồng. Đồ thờ tự được coi là những vật linh thiêng. Ngày nay, do tác động của nếp sống mới, gia đình có bàn thờ cổ không còn nhiều. Người ta lập bàn thờ trên một tấm ván đóng trên tường, có khi là trên nóc tủ... Đồ thờ chỉ gồm một bình hương nhỏ, khung ảnh thờ người quá cố và một số đồ bày biện khác. Bàn thờ gia tiên của ngành trưởng phức tạp hơn ngành thứ, của chi trưởng phức tạp hơn chi thứ, gia đình con thứ, con út chỉ thờ vọng nên bài trí bàn thờ cũng đơn giản hơn con trưởng.
Nhìn chung, một bàn thờ gia tiên thường được chia làm hai lớp, giữa hai lớp được ngăn bằng một bức y môn bằng vải. Lớp trong đặt long khám của thần chủ (ngai hoặc ỷ, tượng trưng cho ngôi vị của tổ tiên), bộ đồ thờ để đặt hộp trầu, chén nước đĩa hoa quả… Lớp ngoài là hương án, trên đặt bình hương, đèn, ống hương, mâm bồng… Ngày thường y môn được buông rủ xuống, chỉ khi nào có lễ, sau khi con cháu thắp hương khấn mời thì y môn mới được vén lên.
Theo cách giải thích dân gian, làm như thế để tổ tiên được hưởng lễ một cách tự nhiên, không cho ai nhìn ngó, quấy nhiễu. Ngoài ra bàn thờ của các gia đình giàu có hoặc đại gia khoa bảng còn treo các bức hoành phi ở bên trên, câu đối ở hai bên, được sơn son thiếp vàng. Nếu như hoành phi, câu đối trong nhà thờ họ, tông tộc mang nặng tính tổng kết, phô trương và tôn vinh dòng họ để làm gương cho hậu thế thì hoành phi, câu đối ở bàn thờ gia tiên thường được viết với nội dung bày tỏ lòng thành kính, biết ơn hoặc lời hứa của con cháu đối với tổ tiên.
Với trách nhiệm thờ phụng nhiều đời: cao, tằng, tổ, khảo, bàn thờ các gia đình chi trưởng, ngành trưởng có đặt các tấm thần chủ được làm bằng gỗ táo (với ý nghĩa cây táo sống nghìn năm) ghi rõ tên tuổi các vị tổ. Theo thuyết âm dương ngũ hành thì bát hương thể hiện hành thổ, nên ở giữa (trung tâm). Hai cây đèn nến thể hiện hành hỏa. Nén hương đốt lên là có cả ba yếu tố: hỏa (phần đang cháy), mộc (phần thân hương) và thổ (phần chân hương cắm trong bát hương). Mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, sự chuyển hóa thể hiện ước vọng sinh sôi, phát triển.
Bộ đồ thờ của những gia đình bình dân thường đơn giản, thường là bộ tam sự, gồm bát hương ở giữa và hai bên là hai cây đèn nến. Những gia đình khá giả, đồ thờ phụng là bộ ngũ sự hay thất sự. Bộ ngũ sự gồm bát hương, hai
cây đèn nến, lọ độc bình, mâm bồng ngũ quả, cái kỉ hay còn gọi là tam sơn gồm bộ đài ba chiếc, giữa đặt chén rượu, hai bên mỗi bên để đĩa trầu cau, một bên để bát nước. Rượu và nước mang tính âm, hành thủy. Khi thắp hương đèn nến cúng vái, âm dương hòa hợp, mọi việc tốt lành. Sau khi đặt đồ lễ lên bàn thờ, gia trưởng (có thể là chủ hộ hoặc con trưởng nam hoặc cháu đích tôn...) khăn áo chỉnh tề, thắp hương, đứng trước bàn thờ, vái ba vái và khấn. Hương thắp trên bàn thờ bao giờ cũng thắp theo số lẻ: một, ba, năm nén. Sau khi gia trưởng khấn lễ, lần lượt đến mọi người trong gia đình vái trước bàn thờ. Ngày nay, việc khấn lễ đã giản đơn, người ta chỉ vái thay lễ. Trước khi khấn, vái ba vái ngắn, khấn xong vái thêm bốn vái dài và ba vái ngắn. Khi mọi người đã lễ vái xong, chờ cho tàn một tuần nhang, gia trưởng tới trước bàn thờ lễ tạ và thắp thêm tuần nhang nữa. Sau đó, gia trưởng hạ vàng mã trên bàn thờ đem hoá (đốt). Lúc hoá vàng người ta thường lấy chén rượu cúng vẩy lên đống tàn vàng. Các cụ giải thích, có như vậy người dưới âm mới nhận được số vàng người sống cúng. Lúc này có thể hạ đồ lễ xuống.
Lễ thức trong tang ma được coi là lễ thức quan trọng bậc nhất để đưa ông bà, cha mẹ vừa mất về gặp tổ tiên và gia nhập vào hàng các vị tổ tiên (những người vừa mới mất được lập bàn thờ riêng cho tới khi giỗ hết, cải táng sạch sẽ mới được phép thờ chung với tổ tiên. Sau lễ tang ma, lễ giỗ là nghi thức rất được chú trọng trong tâm lý người Việt.
Trong việc thờ phụng tổ tiên thì ngày giỗ hay còn gọi là kỵ nhật rất quan trọng. Trong ngày giỗ, người ta làm cỗ bàn mời thân bằng quyến thuộc. Ở làng quê, ngày giỗ là dịp để gia chủ mời lại những người đã từng mời mình đi ăn uống, người ta gọi là trả nợ miệng. Giỗ có thể làm to hoặc làm nhỏ tuỳ theo gia cảnh và nhiều khi lại tuỳ thuộc vào mối liên hệ giữa người sống và người chết.
Ví như giỗ cha mẹ, giỗ ông bà thường làm to, giỗ anh em, chú bác cùng các vị cao tằng tổ khảo thường chỉ có cơm canh cúng đơn sơ để khỏi bỏ giỗ.
Theo phong tục, con trai trưởng là người có trách nhiệm tổ chức. Nếu con trai trưởng không còn thì việc cúng giỗ sẽ do cháu đích tôn tổ chức (chỉ khi nào trưởng nam không may tuyệt tự, không có con trai nối dõi thì mới đến con thứ). Tuy nhiên, không vì thế mà những người con thứ, cháu thứ, cháu ngoại bỏ ngày giỗ ông bà, cha mẹ. Đến ngày giỗ, họ phải tề tựu ở nhà người con trưởng và cũng phải mang đồ lễ cúng tới để gửi giỗ. Trước ngày giỗ, trưởng nam làm lễ cáo với Thổ công để xin phép với Thổ công cho hương hồn người đã khuất được về phối hưởng bởi vì người ta cho rằng “đất có Thổ công, sông có Hà bá”, chỉ khi có phép của Thổ công hương hồn người đã khuất mới vào được trong nhà.
Đồ lễ trên bàn thờ cũng không quy định chặt chẽ lắm, tùy tâm nhưng điều cơ bản phải là những thứ thanh khiết và được dành riêng. Cỗ bàn nấu xong, cúng gia tiên trước con cháu mới được ăn sau. Khách tới ăn giỗ có mang đồ lễ để cúng, thường là vàng hương, trầu rượu, trà nến, hoa quả.
Việc thờ cúng tổ tiên tại gia đình thường được tiến hành quanh năm, xuất phát từ quan niệm, dù thác nhưng linh hồn vẫn luôn ở bên cạnh con cháu. Không chỉ cúng lễ trong những dịp quan trọng như tang ma, giỗ chạp, cưới xin…, không chỉ trong những ngày lễ tiết như tết Nguyên đán, Thanh minh, Hàn thực, Đoan ngọ…, các ngày Sóc, Vọng theo chu kì tuần trăng, mà các vị tổ còn được con cháu kính cáo mọi chuyện vui buồn: sinh nở, ốm đau, thi cử, đỗ đạt, kiện cáo, bất hoà… Con cháu còn kính mời các vị về hưởng thụ hoa trái đầu mùa, lễ tạ tổ tiên khi có phúc, có lộc.
Lễ phẩm tùy, to, sang thì dùng bò, lợn, dê, nếu không cũng sửa soạn vài mâm cỗ, hoặc thủ lợn mâm xôi, chí ít cũng đĩa xôi con gà, hoặc bát cơm quả trứng, con cá bát canh, còn lễ chay thì oản quả, xôi chè…
Nói tóm lại, tùy thuộc gia cảnh và nội dung ngày lễ, nhưng điều thiết yếu là đồ lễ phải là những thứ thanh khiết và được giành riêng. Trong các ngày lễ, lễ trọng được chuẩn bị chu đáo hơn và nhiều đồ lễ hơn lễ ngày thường, nhưng có những thứ không được phép thiếu: nén hương, ngọn đèn, chén nước, đĩa hoa. Theo quan niệm dân dã, nén hương là chiếc cầu nối giữa tổ tiên và con cháu, nó có khả năng chuyển tải lời thỉnh cầu của những người sống và chính mùi thơm thanh cao của hương, hoa đã tạo nên sự giao hòa giữa người hai cõi. Việc thờ cúng tổ tiên được người Việt rất tôn trọng, vì việc cúng giỗ nghiêm túc là thể hiện đạo hiếu. Cho nên gửi giỗ là nghĩa vụ nhưng người ta còn muốn nhân ngày giỗ là cơ hội để gặp mặt anh em con cháu trong nhà mà hằng năm phải xa cách nhau vì sinh kế, thắt chặt thêm tình thân giữa những người cùng huyết thống bằng sợi dây tâm linh tình nghĩa.
Thờ cúng tổ tiên là một phong tục truyền thống của dân tộc, cho dù đó không phải là điều bắt buộc, song đó lại là thứ “luật bất thành vǎn” trong đời sống tâm linh của người Việt tồn tại qua bao thế hệ. Bất cứ một gia đình người Việt nào cũng lập bàn thờ cúng tổ tiên và được đặt ở vị trí trang trọng nhất, trở thành nơi con cháu khấn vái trong những ngày tuần, ngày giỗ, ngày Tết, hoặc khi có hiếu hỷ, việc to, việc nhỏ với mong muốn được gia tiên phù hộ. Mọi biến cố trong gia đình đều được gia chủ báo cáo với gia tiên.
Thờ cúng tổ tiên trong dòng họ
Thờ cúng tổ tiên theo dòng họ là hình thức phổ biến chủ yếu ở Trung Quốc và Việt Nam, song có lẽ ở Trung Quốc vẫn là nơi mẫu mực, điển hình
cho hình thức thờ cúng này. Nếu như ở Việt Nam, nhà thờ tổ không phải dòng họ nào cũng có thì ở Trung Quốc tình hình có khác: “dòng họ nào cũng có từ đường” [53,tr.43] làm nơi thờ cúng thủy tổ của dòng họ.
Quan hệ huyết thống của Việt Nam khá phức tạp. Gia đình chỉ là một đơn vị độc lập tương đối bởi vì giữa các gia đình trên một phạm vi nào đó lại tồn tại một quan hệ ràng buộc mà người ta gọi là họ hàng, dòng tộc. Và theo “quy định” huyết thống ấy, nhiều gia đình sẽ họp thành một ngành, nhiều ngành họp thành một họ. Mỗi họ có một ông Tổ chung.
Thủy tổ là người sáng lập ra dòng họ, từ đó hệ thống các đời cùng dòng máu nối tiếp nhau phát triển theo thời gian. Họ là sự tập hợp tự nhiên những người cùng dòng máu, tụ hội theo từng đời và nhiều đời do cùng một ông tổ sinh ra. Dòng họ ở đây được tính theo trục dọc có thể theo họ mẹ hoặc họ cha, nhưng hầu hết được lấy theo họ cha.
Để tưởng nhớ về nguồn gốc cuả họ tộc mình, mỗi dòng họ đều xây nhà thờ thủy tổ của dòng họ (còn gọi là từ đường). Ở những làng xóm giữ bền truyền thống cùng tập tục cổ và ít giao lưu với bên ngoài, trước đây thường là mỗi làng có bao nhiêu dòng họ thì có bấy nhiêu nhà thờ họ, trong đó thờ thủy tổ và các vị tổ phân chi. Thậm chí ở những làng sung túc, có những họ to, nhiều đinh, nhiều chi thì mỗi chi đều xây một nhà thờ riêng gọi là nhà thờ chi.
Vì vậy, ngoài ngày giỗ tổ tiên tại gia, người Việt còn có ngày giỗ họ. Trưởng tộc là người được hưởng hương hoả của tổ tiên nên có trách nhiệm phải lo việc làm giỗ họ. Trong ngày giỗ họ, con cháu đều phải góp giỗ. Mỗi dòng họ đều có một cuốn tộc phả ghi chép họ tên, chức tước, ngày tháng sinh tử của tổ tông và người trong họ theo thứ tự.
Con cháu trong một họ lập Từ đường để thờ vị Thuỷ tổ. Trên bàn thờ ấy có bài vị Thuỷ tổ dòng họ. Xưa kia bài vị thường được ghi bằng Hán tự, ngày nay có nhiều người dùng chữ Quốc ngữ để đề bài vị. Ngoài thần chủ đồ thờ còn bao gồm đèn nến, hương, hoa, mâm quỳ, mâm bồng, cổ đài rượu... Hoành phi câu đối trên đó ghi lại công đức của tổ tông là đồ không thể thiếu