Ngành chăn nuôi gia cầm trên thế giới đã và đang phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng. Đặc biệt là các nước phát triển như : Mỹ, Pháp, Hà Lan, Đức... Theo tài liệu của FAO (dẫn theo Nguyễn Duy Hoan, Trần Thanh Vân (1998) [6]) công bố, năm 1995 đàn gia cầm trên thế giới đã lên tới 10 tỷ con. Trong đó, chủ yếu là gà chiếm tới 95,7%, gà tây chiếm 2,2%, vịt chiếm 1,8%,
ngỗng chiếm 0,3%. Ngày nay, ngành chăn nuôi gia cầm chiếm một vị trí rất quan trọng, tính đến năm 1993 trung bình mỗi người sử dụng 8 kg thịt gia cầm và 125 quả trứng trên một năm.
Những năm gần đây nghiên cứu và phát triển chăn nuôi gia cầm rất chú trọng đến gia cầm chăn thả. Nhiều báo cáo của những dự án phát triển, chỉ ra rằng gia cầm chăn thả đóng một vai trò đáng kể trong việc làm giảm sự nghèo đói (Saleque M. A, 1996) [43].
Tình hình ngành sản xuất chăn nuôi gia cầm tăng lên, dẫn đến các nước trên thế giới không ngừng cải tiến về con giống cũng như dinh dưỡng để đưa năng suất chất lượng chăn nuôi gia cầm phát triển vượt bậc, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn nhưng khắt khe của thị trường.
Kitalyi A. J (1996) [39] khi nghiên cứu về hệ thống chăn nuôi gà chăn thả cho biết: Chăn nuôi gà theo phương thức thâm canh ở những vùng nông thôn có sự khác nhau với hệ thống chăn nuôi gà địa phương và sự khác nhau đó có liên quan đến sự tồn tại về vật chất và hoàn cảnh kinh tế xã hội của địa phương. Bên cạnh những thành tựu về công tác giống, những thành tựu về khoa học công nghệ đã giúp ngành chăn nuôi gà Broiler có được bước nhảy vọt lớn nhất về các chỉ tiêu năng suất. Trong vòng 40 năm (1950 - 1990) để đạt được khối lượng xuất chuồng 1,82 kg của gà Broiler, người ta đã giảm một nửa thời gian cần nuôi và giảm được 40% lượng thức ăn tiêu tốn.