Thiết lập điểm gãy nhạy cảm (breakpoint)

Một phần của tài liệu Tổng quan dược động học dược lực học của kháng sinh nhóm beta lactam và tính ứng dụng trong lâm sàng (Trang 32)

Để lựa chọn kháng sinh, các bác sĩ lâm sàng dựa vào những dữ liệu nhạy cảm được báo cáo từ phòng thí nghiệm vi sinh. Trong các báo cáo này, vi khuẩn được phân loại theo các mức độ nhạy cảm (S – susceptible) hay kháng (R - resistant) với một kháng sinh nhất định, điều này quyết định tỉ lệ điều trị thành công hay thất bại tương ứng trên lâm sàng [12, 32, 34]. Vi khuẩn được phân loại là nhạy cảm với một kháng sinh, có nghĩa xác suất thành công khi điều trị kháng sinh đó cao, trong khi nếu kết quả trả về là kháng thì tỷ lệ thất bại khi điều trị với kháng sinh cao hơn. "Trung gian" (I – intermediate) chỉ một mức độ không chắc chắn trong đáp ứng hoặc phụ thuộc vào liều [12].

Trước đây, vi khuẩn được phân loại là nhạy cảm hay kháng dựa trên sự phân bố các giá trị MIC của vi khuẩn với kháng sinh [32, 34]. Thông thường, phân bố MIC có hai đỉnh, các giá trị MIC của các chủng hoang dã hoặc các tiểu quần thể nhạy cảm xung quanh một giá trị, và các giá trị MIC của quần thể kháng xung quanh một giá trị khác. Thuật ngữ "điểm gãy nhạy cảm" lần đầu tiên được sử dụng trong báo cáo nghiên cứu kiểm tra tính nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh của

Ericsson và Sherris năm 1971, là nồng độ kháng sinh ngăn cách quần thể hoang dã hoặc nhạy cảm với quần thể kháng [32].

Truớc đây, sự phân bố các giá trị MIC của các vi khuẩn nhạy cảm và kháng với từng kháng sinh nhất định là khác biệt và thấp hơn nhiều so mức kháng sinh điều trị trên lâm sàng, làm cho quyết định một vi khuẩn là nhạy cảm hay kháng trở nên đơn giản. Tuy nhiên gần đây, sự phân bố các giá trị MIC của vi khuẩn nhạy cảm và kháng không có sự khác biệt nhiều thì dược lực học đóng một vai trò quan trọng trong việc phân biệt S, I và R, vì mối quan hệ giữa nồng độ và hiệu quả ngày càng được chứng minh rõ ràng [27, 32, 34].

Do vậy, PK/PD được sử dụng để xác định các điểm gãy nhạy cảm của mỗi kháng sinh. Đầu tiên, mục tiêu PK/PD được xác định trong các mô hình nhiễm khuẩn in vitro hoặc trên động vật. Sau đó mô phỏng Monte Carlo được sử dụng để xem xét sự thay đổi về nồng độ thuốc trong quần thể, xác định MIC mà một kháng sinh và phác đồ nhất định được dự kiến sẽ đạt các mục tiêu PK/PD cho phần lớn bệnh nhân (ví dụ, 90% đến 95% đạt được mục tiêu). Vi khuẩn được gọi là kháng khi có giá trị MIC trên điểm gãy MIC theo PK/PD. Ví dụ, điểm gãy MIC theo PK/PD của kháng sinh beta-lactam là nồng độ thuốc sao cho đạt được trong 40-50% khoảng thời gian dùng thuốc để thu được hiệu quả điều trị trên phần lớn bệnh nhân. Nồng độ thuốc này sau đó được xác định như là giới hạn độ nhạy cảm PK/PD hoặc điểm gãy. Trong điều trị, các vi khuẩn có giá trị MIC bằng hoặc thấp hơn nồng độ này, xác xuất thành công trong điều trị sẽ cao hơn [34].

Một phần của tài liệu Tổng quan dược động học dược lực học của kháng sinh nhóm beta lactam và tính ứng dụng trong lâm sàng (Trang 32)