CHƯƠNG 5: THẢO LUẬN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ KẾT LUẬN
5.2 Thảo luận kết quả nghiên cứu
Thảo luận các kết quả nghiên cứu trên đây với giảng viên hướng dẫn, 03 cán bộ marketing của Trung tâm quản lý và điều hành VTHKCC tại TP. HCM cùng một nhóm sinh viên đã tham gia nghiên cứu định tính (ở chương 3, mục 3.2.2), các ý kiến đều có chung cách giải thích như sau:
Thứ nhất, thái độ là yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến ý định thực hiện hành vi của khách hàng. Nhưng thái độ của một khách hàng như thế nào là phụ thuộc vào nhận thức của họ về tính hữu dụng của sản phẩm, dịch vụ mà họ được chào mời hoặc có nhu cầu tiêu dùng. Vì, theo Philip Kotler (2001, tr. 46, 47), khách hàng là người luôn mong muốn giá trị tối đa trong phạm vi túi tiền cho phép cùng trình độ hiểu biết của họ. Họ đề ra một kỳ vọng về giá trị, rồi xem thứ hàng nào phù hợp với kỳ vọng đó, tức đem lại sự thoả mãn cho họ, thì thứ hàng hoá đó sẽ được khách hàng lựa chọn. Bởi thế, kết quả kiểm định của nghiên cứu này xác định nhận thức tính hữu dụng là yếu tố quan trọng nhất (Beta = 0,438) tác động đến ý
định sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại của sinh viên là hoàn toàn phù hợp với lý thuyết và thực tiễn.
Thứ hai, ở thời điểm hiện tại khi TP. HCM chưa có xe điện ngầm, thì xe buýt là
phương tiện VTHKCC duy nhất có giá rẻ phù hợp với điều kiện kinh tế của đa số người dân. Tuy nhiên, do hệ thống xe buýt tại TP.HCM còn nhiều bất cập như đã phân tích ở chương 1 (mục 1.1) và chương 2 ( mục 2.1.2). Vì thế, phương tiện cá nhân trở thành sản phẩm thay thế không thể thiếu được của mọi người dân TP. HCM và cũng do đó, sự hấp dẫn của phương tiện cá nhân tất yếu sẽ có vai trò ảnh hưởng đến ý định sử dụng xe buýt của người dân TP. HCM nói chung và đối tượng sinh viên nói riêng. Tuy nhiên, việc sử dụng phương tiện cá nhân có những mặt hạn chế của nó và điều này lại được khoét sâu bởi đối tượng sinh viên như đã phân tích ở chương 2 (mục 2.3), đồng thời được khắc phục bởi tính hữu dụng của phương tiện xe buýt. Các thành viên tham gia thảo luận cho rằng, đây chính là lý do dẫn đến trong khi tính hữu dụng của phương tiện xe buýt được sinh viên đánh giá có ảnh hưởng mạnh (Beta = 0,438), thì sự hấp dẫn của phương tiện cá nhân có ảnh hưởng nhưng không nhiều đến ý định sử dụng xe buýt của sinh viên (Beta = - 0,103).
Ngoài ra việc sử dụng phương tiện cá nhân cho phép sinh viên tiết kiệm được thời gian đứng chờ xe buýt. Tuy nhiên, khi sử dụng phương tiện cá nhân, sinh viên không dễ kiểm soát được thời gian, vì khi đó sinh viên không chỉ di chuyển từ chỗ ở đến trường và ngược lại, mà họ có thể la cà đến nhiều nơi khác, thậm chí những nơi họ không chủ định ghé tới trước khi ra khỏi nhà. Bởi thế, trên thực tế tiết kiệm thời gian không đo lường sự hấp dẫn của phương tiện cá nhân. Nói cách khác, tiết kiệm thời gian không tham gia giải thích ý định lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại của sinh viên.
Ở một phương diện khác, sinh viên là bộ phận dân cư có trình độ dân trí và nhu cầu thể diện cao hơn so với mặt bằng xã hội. Tuy nhiên, đối tượng được khảo sát tập trung vào sinh viên năm 1 (chiếm tỉ lệ 66,3%), họ vừa mới thoát khỏi giai đoạn phổ thông và vòng tay của bố mẹ, vì thế, mức độ tham gia quan hệ xã hội và nhu cầu thể diện có thể chưa nhiều. Hơn nữa, theo kết quả điều tra của nhóm tác giả thì những sinh viên có ý định lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại tập trung vào những sinh viên có ý thức học tập, rèn luyện, hoặc điều kiện kinh tế của gia đình ít khó khăn. Vì thế, cũng giống như “tiết kiệm thời gian”, “đáp ứng nhu cầu thể diện” không tham gia giải thích ý định lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại của sinh viên.
Thứ ba, sinh viên bộ phận dân cư tiên tiến của xã hội, song sinh viên nói chung, đặc biệt là sinh viên năm 1, năm 2 đa số họ chưa tự lập được cuộc sống, mà ngược lại còn phụ
thuộc nhiều vào gia đình cả về đời sống kinh tế, lẫn tình cảm. Vì thế, chuẩn chủ quan, mà trước hết là những người thân trong gia đình có ảnh hưởng lớn đến ý định lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại của sinh viên và do đó cường độ tác động của chuẩn chủ quan được kiểm định trong nghiên cứu này (Beta = 0.196) so với nhận thức tính hữu dụng (Beta = 0.438) như vậy là phù hợp.
Thứ tư, sinh viên bộ phận dân cư có tuổi trẻ, sức khoẻ và trí tuệ, vì thế việc sử dụng xe buýt không phải là vấn đề họ quan tâm. Hơn nữa, hành vi lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại là được sự ủng hộ, khuyến khích của mọi người, từ gia đình, nhà trường đến xã hội, bởi vậy họ hoàn toàn tự chủ để quyết định sự lựa chọn của họ. Dĩ nhiên, hành vi lựa chọn xe buýt làm phương tiện đến trường không làm họ bận tâm nhiều. Vì thế, nhận thức kiểm soát hành vi mặc dù có ảnh hưởng đến ý định sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại của sinh viên nhưng cường độ tác động là rất khiêm tốn (Beta = 0,124) so với nhận thức tính hữu dụng (Beta = 0,438) và chuẩn chủ quan (Beta = 0,196)
Thứ năm, nhìn chung so với sinh viên nam, sinh viên nữ có tính cơ động thấp hơn, vì thế nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân cũng thấp hơn. Sinh viên các tỉnh, đặc biệt là sinh viên năm 1 không dễ được trang bị phương tiện xe gắn máy đồng thời việc lưu thông phương tiện cá nhân của họ tại một thành phố mà tình hình giao thông còn nhiều phức tạp như TP. HCM cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định. Vì thế, các thành viên của nhóm thảo luận cho rằng, kết quả kiểm định: sinh viên nữ có ý định lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại cao hơn sinh viên nam; sinh viên các tỉnh có ý định lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại cao hơn sinh viên có hộ khẩu thường trú tại TP. HCM; sinh viên năm 1 có ý định lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại cao hơn sinh viên năm 2, 3, 4 là hoàn toàn phù hợp với thực tế đang diễn ra.
Cuối cùng, như đã phân tích ở mục 3.1.3 (Chương 3), khoảng cách từ chỗ ở của sinh
viên đến trường là một trong những nhân tố có ảnh hưởng quan trọng đến tính hữu dụng của phương tiện xe buýt và do đó chi phối ý định lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại của sinh viên. Trường đại học Hoa Sen, cơ sở đào tạo chính nằm ở (quận 12) xa khu vực trung tâm TP. HCM, điều này cho phép phát huy tính hữu dụng của xe buýt, vì thế sinh viên có ý định lựa chọn xe buýt cao nhất. Trong khi đó, trường đại học Kinh Tế TP. HCM, các cơ sở đào tạo nằm ở khu vực trung tâm TP. HCM (quận 1, quận 3, quận 10, quận Phú nhuận); sinh viên ở các tỉnh chủ yếu cũng tá túc ở khu vực gần trường. Vì thế, tính hữu dụng của xe buýt đối với sinh viên sẽ không được phát huy. Nhóm tác giả cho rằng đây là nguyên nhân chính yếu dẫn đến sinh viên của trường đại học Kinh tế TP. HCM có ý định sử dụng xe buýt thấp
nhất. Nghĩa là, kết quả này cũng phù hợp đặc điểm và điều kiện sử dụng xe buýt của sinh viên tại TP. HCM hiện nay.