Về đặc điểm bệnh nhân nhóm nghiên cứu

Một phần của tài liệu Đánh giá thực trạng sử dụng thuốc điều trị bệnh tâm thần phân liệt trong cộng đồng tại thành phố thái nguyên (Trang 62)

4.1.1. Về tỷ lệ bệnh nhân điều trị TTPL

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ chung của bệnh nhân hiện điều trị TTPL tại cộng đồng thành phố Thái Nguyên là 0,1%. Tỷ lệ này thấp hơn so với các nghiên cứu khác tại cộng đồng của các tác giả khác trong nước [7], [21], [23]. Cũng tại Thái Nguyên, khi nghiên cứu về tỉ lệ mắc TTPL tại một phường trong thành phố, Trần Viết Nghị và Nguyễn Viết Thiêm (2002) ghi nhận tỷ lệ bệnh nhân TTPL là 0,26% [22].

Theo Jablensky (2000), tỷ lệ mắc tâm thần phân liệt là 0,46% dân số [52]. Một điều tra tại Bangkok (Thavichachart, Thái Lan) năm 2001 cho thấy, tỷ lệ mắc TTPL là 1,3% [72]. Theo WHO, tỷ lệ trung bình hiện mắc TTPL trên thế giới là 0,5 – 1,5% [4].

Như vậy, tỷ lệ mắc TTPL khác nhau giữa các nghiên cứu và giữa các vùng dân cư. Đối tượng trong nghiên cứu của chúng tôi là những bệnh nhân TTPL được lập sổ theo dõi và hiện đang điều trị tại cộng đồng, do vậy tỷ lệ bệnh nhân TTPL thấp hơn so với các nghiên cứu khác.

Chúng tôi cho rằng tỷ lệ hiện mắc TTPL thực sự tại Thái Nguyên còn cao hơn so với số liệu như trong nghiên cứu này. Trong cộng đồng, đặc biệt là tại các xã vẫn còn tồn tại một số quan điểm và nhận thức chưa đúng về bệnh, kỳ thị với bệnh nhân và gia đình người bệnh. Một số bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nữ ở độ tuổi lập gia đình cố tình che dấu bệnh tật, sợ ảnh hưởng tới cuộc sống của bản thân và hôn nhân nên mặc cảm, không đi khám và điều trị, hoặc tìm các cách thức điều trị khác, không tới các cơ sở y tế chuyên khoa khám chữa bệnh. Ngoài ra, cũng còn có một số bệnh nhân TTPL đã ổn định bệnh, tự ý bỏ điều trị không được ghi lại.

4.1.2. Về tuổi và giới tính của nhóm nghiên cứu

Đặc điểm về tuổi của nhóm bệnh nhân tại thời điểm nghiên cứu

Trong nghiên cứu của chúng tôi, tuổi trung bình tại thời điểm điều tra của các bệnh nhân TTPL là 45,6 ± 12,4 tuổi. Tỷ lệ mắc TTPL cao nhất ở nhóm tuổi trên 50 (36,6%), đứng thứ hai là nhóm tuổi 40-49 (33,2%). Điều này có nghĩa

55

là hơn một nửa số BN TTPL trong nghiên cứu của chúng tôi trên 40 tuổi. Đây là lứa tuổi lao động chính, có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống và lao động sản xuất. Do vậy, nếu không được điều trị thích hợp sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Đặc điểm về giới tính

Trong 268 BN nghiên cứu, BN nam chiếm đa số (66,4%), BN nữ chỉ chiếm 33,6%). Tỷ lệ mắc bệnh nam/nữ là 1,98. Ở tất cả các nhóm tuổi, số BN nam trội hơn BN nữ, đặc biệt ở nhóm tuổi 20 – 29, số BN nam gấp gần 7 lần số BN nữ.

Theo Hội Tâm thần học Mỹ, các nghiên cứu thực hiện với bệnh nhân điều trị tại cộng đồng hầu hết đều cho tỷ lệ TTPL ở nam và nữ là ngang nhau [40]. Sandock B.J (2004) cũng cho rằng TTPL có tỷ lệ giống nhau ở nam và nữ [69]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đồng với nghiên cứu của Đàm Thị Bảo Hoa (2006) ghi nhận tỷ lệ mắc bệnh TTPL theo giới nam/nữ là 1,7.

Tuy nhiên cũng có nhiều kết quả nghiên cứu trái ngược hoặc khác với kết quả nghiên cứu của chúng tôi. Theo Bùi Thế Khanh (2005) tại Hà Tây, tỷ lệ TTPL theo giới ở nam chiếm 56,34%, nữ chiếm 43,66% [21]. Trong nghiên cứu về TTPL tại cộng đồng, Nguyễn Văn Siêm ghi nhận tỷ lệ bệnh TTPL theo giới tại 3 địa điểm nghiên cứu khác nhau: Tại phường Bình Thuận, tỷ lệ bệnh nhân nam và nữ tương đương nhau (nam chiếm 46,15%, nữ chiếm 53,85%); Tại xã Tự nhiên, nam mắc nhiều hơn nữ (nam chiếm 70%, nữ chiếm 30%); Còn tại xã Tiên Kiên, tỷ lệ bệnh nhân nam mắc TTPL lại ít hơn nữ (nam chiếm 43,59%, nữ chiếm 56,41%) [24].

Như vậy không có sự giống nhau về tỷ lệ mắc TTPL theo giới tính ở các nghiên cứu trong và ngoài nước. Theo một số tác giả, nguyên nhân có thể do sự biến động về dân số, chuyển chỗ ở, di cư, tỷ lệ chết và đặc điểm di truyền... của quần thể nghiên cứu [57], [67].

56

4.1.3. Về tuổi khởi phát và thời gian mắc bệnh

Tuổi khởi phát

Tuổi khởi phát bệnh TTPL có liên quan đến kết quả điều trị và tiên lượng của các bệnh nhân. Khởi phát ở lứa tuổi càng trẻ thì bệnh càng nặng, làm cho nhân cách của bệnh nhân bị biến đổi nhiều vì ở lứa tuổi này nhân cách bệnh nhân chưa ổn định. Khả năng tái phát các đợt loạn thần nặng nhiều, ảnh hưởng nặng nề đến bản thân bệnh nhân và gia đình.

Theo nhiều tác giả, bệnh tâm thần phân liệt thường phát sinh ở lứa tuổi trẻ, từ 20 đến 25 tuổi. Đặc biệt, lứa tuổi khởi phát bệnh cao nhất là từ 15 – 35 tuổi. Bệnh hiếm gặp ở tuổi dưới 10 và trên 40 tuổi [8], [36], [46], [57].

Trong nghiên cứu của chúng tôi, bệnh TTPL khởi phát ở lứa tuổi từ 20 – 29 chiếm tỷ lệ cao nhất (34%). Không có BN nào khởi phát trên 60 tuổi. Tuổi khởi phát trung bình của nhóm nghiên cứu là 28,2 ± 11,8.

Kết quả nghiên cứu này tương đương với một số nghiên cứu của các tác giả khác như Trần Quyết Thắng (tuổi khởi phát trung bình là 25,4) [27], JeffreyA.Lieberman (tuổi khởi phát trung bình là 24) [54].

Độ tuổi 15 – 35 có sự phát triển đầy đủ về tâm sinh lý, nhưng đây cũng là lứa tuổi dễ thay đổi tâm lý, dễ có stress trong cuộc sống. Đó cũng là nhân tố thúc đẩy khởi phát bệnh TTPL.

Thời gian mắc bệnh

Theo DSM – III, bệnh được gọi là tiến triển bán mạn tính khi kéo dài từ 6 tháng đến dưới 2 năm. Thời gian bị bệnh từ 2 năm trở lên thì được gọi là tiến triển mạn tính.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi về thời gian mắc bệnh tính từ khi xuất hiện các triệu chứng bệnh lý đầu tiên đến thời điểm bắt đầu nghiên cứu cho thấy 100% bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu là mạn tính. Số BN có thời gian mắc bệnh trên 15 năm chiếm tỷ lệ cao nhất (50%). Thời gian mắc bệnh trung bình của nhóm nghiên cứu là 17,4 ± 9,5 năm.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu của một số tác giả khác trong và ngoài nước [24], [48]. Phân tích này cho thấy do

57

sự tiến triển của bệnh TTPL có khuynh hướng mạn tính nên bệnh này càng nhiều trong cộng đồng. Như vậy, thời gian bị bệnh dài kết hợp với nhiều yếu tố khác như không tuân thủ điều trị, các sang chấn tâm lý trường diễn hay cấp diễn, kém chấp nhận bệnh nhân của gia đình và xã hội, sự mặc cảm của bệnh nhân, sự tiến triển liên tục của bệnh đã tác động rất lớn đến kết quả điều trị, phục hồi chức năng tâm lý xã hội của rất nhiều bệnh nhân trong nghiên cứu.

4.1.4. Về trình độ học vấn và nghề nghiệp

Trình độ học vấn

Bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu gặp ở mọi trình độ văn hoá, từ bệnh nhân mù chữ đến bệnh nhân có trình độ đại học. Số bệnh nhân có trình độ trung học cơ sở chiếm tỷ lệ cao nhất (45,5%). Tiếp đó là số BN có trình độ trung học phổ thông (24,6%). Tỷ lệ BN có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên chiếm 13,1%. Số BN mù chữ chiếm 4,9%.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đương với một nghiên cứu mới được công bố gần đây của Nguyễn Thanh Bình (2010) khi cho rằng trình độ học vấn THCS chiếm tỷ lệ cao nhất (4,21%), tiếp theo là nhóm BN có trình độ học vấn THPT (36,84%) [2]. Còn tác giả Sadock B.J (2007) thì cho rằng TTPL gặp trong mọi tầng lớp, thuộc mọi trình độ học vấn trong xã hội [70].

Như vậy, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với các tác giả trên. Bệnh TTPL thường khởi phát ở khoảng tuổi 20 – 25, một số khởi phát sớm hơn, các triệu chứng bệnh gây ảnh hưởng đến kết quả học tập, khiến BN không theo học được, phải bỏ học hoặc không thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Điều này lý giải tỷ lệ TTPL gặp chủ yếu ở các BN có trình độ học vấn dừng lại ở mức THCS, THPT.

Đặc điểm nghề nghiệp

Trong các đối tượng nghiên cứu của chúng tôi, có tới 41,0% BN không làm việc được, ở nhà sống phụ thuộc vào người thân. Số còn lại chủ yếu là những BN có thể làm được các công việc lao động chân tay như nông dân (34,3%) và công nhân (7,1%). Hưu trí chiếm 8,6%. Các công viêc đòi hỏi hoạt động trí óc bao gồm cả học sinh sinh viên và cán bộ công chức chỉ chiếm 2,9%.

58

Kết quả này phù hợp với nhiều nghiên cứu về bệnh TTPL ở nước ta khi cho biết phần lớn bệnh nhân TTPL không có nghề nghiệp ổn định [2], [6],[19]. Khi so sánh với các nghiên cứu trên thế giới, kết quả này cũng tương đối phù hợp. Theo nghiên cứu tổng quan về TTPL ở các nước châu Âu, Marwaha S. (2004) đã rút ra kết luận chỉ có từ 10% đến 20% BN có nghề nghiệp ổn định [63]. Theo Bustillo (2001), bệnh nhân TTPL có tỉ lệ thất nghiệp cao hơn so với những người bình thường[43]. Thất nghiệp là một yếu tố làm giảm sút chất lượng cuộc sống, gây khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng của chính người bệnh, đồng thời là gánh nặng về kinh tế cho gia đình và xã hội.

Tỷ lệ bệnh nhân TTPL làm nghề nông khá cao (34,33%), hoàn toàn phù hợp với một số nghiên cứu mới về đặc điểm bệnh nhân TTPL của các tác giả Nguyễn Thanh Bình (2010), Nguyễn Tuấn Đại (2010), cho các tỷ lệ lần lượt là 58,95%; 45,1% [2], [10].

4.1.5. Về tình trạng hôn nhân

Nghiên cứu về tình trạng hôn nhân của bệnh nhân TTPL, nhiều tài liệu khác nhau đã cho những số liệu rất khác nhau tuỳ theo địa điểm nghiên cứu. Theo Nguyễn Văn Siêm [24], tỷ lệ bệnh nhân TTPL độc thân ở Bình Thuận là 53,85%, ở Tiên Kiên 33,33% và ở Tự Nhiên 27,5%. Ở Tự Nhiên, gần nửa số bệnh nhân lập gia đình sau khi khởi phát bệnh và không có trường hợp nào ly thân hoặc ly hôn. Ở Bình Thuận, 4% số bệnh nhân ly hôn , ở Tiên Kiên 13% số bệnh nhân ly hôn hoặc ly thân. Tác giả Nguyễn Thị Duyên (1999) cũng đồng ý với ý kiến cho rằng tỷ lệ ly hôn, ly thân ở bệnh nhân TTPL của Việt Nam thấp hơn so với các nghiên cứu tại các nước phát triển [9].

Nghiên cứu của chúng tôi về tình trạng hôn nhân của bệnh nhân TTPL cho thấy:

- Nhóm BN lập gia đình trước khi mắc bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất (39,2%), nhóm BN lập gia đình sau khi mắc bệnh chiếm 13,8%.

- Nhóm bệnh nhân chưa lập gia đình chiếm tỷ lệ tương đối lớn (36,2%). - Đặc biệt, tình trạng ly hôn, ly thân gặp ở 22/268 bệnh nhân chiếm 8,2%.

59

Như vậy, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với nghiên cứu của các tác giả trong nước và cũng phần nào phản ánh thực trạng mức độ chấp nhận, dung nạp của cộng đồng đối với các bệnh nhân TTPL.

4.1.6. Về tiền sử gia đình và tiền sử bản thân

Tiền sử gia đình

Tỷ lệ bệnh nhân TTPL có tiền sử gia đình trong nghiên cứu của chúng tôi gặp ở 23,5%. Bảng 3.7 cho thấy những người họ hàng mức độ 1 của BN như bố, mẹ, anh, chị, em ruột có một tỷ lệ đáng kể bị bệnh TTPL (16,8%). Còn họ hàng mức độ 2 của BN như cô, dì, chú, bác, anh chị em họ thì chiếm 6,7%.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với tác giả Sadock B.J. (2004), cho rằng tỷ lệ bị bệnh TTPL ở những người họ hàng mức độ 1 của BN chiếm đến 18%. Nếu bố hoặc mẹ bị TTPL thì khả năng con bị bệnh là 12%, còn cả bố và mẹ bị bệnh thì tỷ lệ này tăng lên đến 40% [69].

Ở trong nước, tác giả Nguyễn Thanh Bình (2010) cũng cho rằng có đến 20% số bệnh nhân có bố, mẹ bị bệnh tâm thần phân liệt còn về anh, chị, em của bệnh nhân có 6,3% số bệnh nhân có anh, chị hoặc em bị tâm thần phân liệt [2]. Nghiên cứu về mối liên quan giữa tiền sử gia đình và các triệu chứng dương tính, âm tính ở bệnh nhân tâm thần phân liệt, tác giả Danki D. và cộng sự (2007) cho rằng có mối liên quan rõ ràng giữa tiền sử gia đình và các triệu chứng dương tính. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa tiền sử gia đình và các triệu chứng âm tính là không rõ ràng [45].

Cho đến nay, vẫn chưa thể khẳng định được yếu tố di truyền quyết định sự phát sinh bệnh TTPL. Bởi nếu yếu tố di truyền đóng vai trò quyết định trong cơ chế bệnh sinh TTPL thì vấn đề đặt ra là gen di truyền TTPL truyền đạt theo mẫu nào. Những nghiên cứu trên đều là những nghiên cứu đánh giá trực quan, phân tích phả hệ cổ điển. Bởi vậy, muốn xác định rõ vai trò của di truyền trong việc phát bệnh TTPL thì cần phải nghiên cứu toàn diện hơn bằng các nghiên cứu đánh giá khả năng di truyền cụ thể.

Tiền sử bản thân

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ BN gặp các sang chấn tâm lý chiếm 38,8%, sang chấn sản khoa chiếm 3,7%. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi hoàn

60

toàn phù hợp với một số tác giả cho rằng tỷ lệ bệnh TTPL phát sinh liên quan đến yếu tố bên ngoài dao động từ 15 – 79% [9], [55]. Các sang chấn tâm lý trong nghiên cứu của chúng tôi đa số là trường diễn, thường có nguồn gốc trong quá trình tiến triển mạn tính của bệnh. Bệnh TTPL thường phát sinh vào những thời kỳ khủng hoảng về tâm lý, những biến động về nội tiết, sinh học như thời kỳ dậy thì, sau đẻ, khi gặp phải các biến cố trong cuộc sống...

Một phần của tài liệu Đánh giá thực trạng sử dụng thuốc điều trị bệnh tâm thần phân liệt trong cộng đồng tại thành phố thái nguyên (Trang 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)