Diễn biến khủng hoảng nợ công Mỹ LaTinh

Một phần của tài liệu Báo cáo nghiên cứu thâm hụt ngân sách và nợ công tại việt nam (Trang 26)

Cuộc khủng hoảng nợ diễn ra ở các quốc gia Mỹ Latinh thập niên 70-80 của thế kỷ trước được xem là thảm họa lớn nhất trong lịch sử khu vực này, kể từ sau cuộc đại khủng hoảng những năm 1930. Đây cũng là cuộc khủng hoảng nợ công đầu tiên trong lịch sử kinh tế hiện đại, thường được biết đến với cái tên Thế kỷ mất mát (Lost Decade), khi đó các quốc gia trong khu vực này rơi vào cảnh nợ nước ngoài vượt khả năng kiếm tiền và không còn khả năng trả nợ.

Vào những năm 1960-1970, các nước Châu Mỹ Latinh như Brazil, Argentina và Mexico thực hiện việc vay mượn quy mô lớn từ các nhà cho vay tín dụng quốc tế để nâng cấp công nghiệp trong nước, đặc biệt là đầu tư vào các chương trình cải thiện và xây dựng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, với mục tiêu công nghiệp hóa, các quốc gia này phải nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu cũng như công nghệ sản xuất từ nước ngoài, làm tỷ lệ nhập siêu ngày càng tăng, dẫn đến nhu cầu lớn về nguồn vốn của chính phủ khiến họ phải gia tăng vay mượn từ các quốc gia phát triển và các tổ chức tài chính quốc tế. Các quốc gia này thời đó lại là những nước này có tốc độ tăng trưởng kinh tế rất nhanh, vì vậy các nhà cho vay tín dụng rất tin tưởng vào khả năng trả nợ. Cũng cần chú ý là, giá dầu mỏ tăng mạnh năm 1973-1974, khiến các nước xuất khẩu dầu mỏ có lượng tiền mặt dồi dào, đã đầu tư tiền của mình vào các ngân hàng trên thế giới, theo đó các tổ chức tài chính dư dả cho vay với các nước phát triển mà đặc biệt với các nước Mỹ Latinh với những điều khoản dễ dãi. Giữa năm 1975 và 1982, Châu Mỹ Latinh nợ các ngân hàng thương mại tăng với tốc độ tích lũy 20.4%/năm. Vay mượn tràn lan khiến Mỹ latinh bị nợ nhiều gấp 4 lần từ 75 tỉ đôla vào 1975 đến hơn 315 tỉ đôla vào năm 1983, chiếm tới 50% GDP toàn khu vực, kéo theo nợ gốc và lãi vay phải trả tăng từ 12 tỷ USD lên 66 tỷ USD trong cùng giai đoạn (Kaminsky và Reinhert, 1998).

Khi nền kinh tế thế giới bước vào thời kì suy thoái thập kỉ 70 và 80, đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng và xuất khẩu của các nước này. Các nước đang phát triển còn nhận thấy việc thiếu trầm trọng về tính lỏng. Vào năm 1979, khi đối diện với sức ép lạm phát lớn, Mỹ theo đuổi chính sách thắt chặt, dẫn đến lãi sất tăng cao. Lãi suất gia tăng ở Mỹ và Châu Âu khiến Mỹ và châu Âu trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư quốc tế, đồng thời cũng khiến việc vay mượn của các nước Mỹ Latinh trở nên khó khăn và gia tăng chi phí trả lãi vay. Các nước Mỹ Latinh cũng đã phải huy động các nguồn lực để trả nợ vay, hệ quả là sản lượng trong nước và tiêu dùng suy giảm (Hirst, Paul Q và Thompson, 2001). Ngoài ra, các khoản nợ lớn Chính phủ đứng ra vay hoặc bảo lãnh đã được sử dụng một cách thiếu thận trọng và có

15 liên quan đến tham nhũng (Wade và Veneroso, 1998).

Trong khi tổng số nợ tích lũy dâng lên ngập đầu qua các năm và các quốc gia châu Mỹ Latinh không có khả năng duy trì tăng trưởng kinh tế cao, cuộc khủng hoảng bắt đầu khi các thị trường vốn quốc tế nhận ra rằng châu Mỹ Latinh không có khả năng trả nợ. Điều này xảy ra vào tháng 8 năm 1982, khi tỷ lệ nước ngoài trên tổng thu nhập quốc gia GNI lên đến đỉnh điểm 160%, Bộ trưởng tài chính Mexico Jesus Silva-Herzog tuyên bố rằng nước này không có khả năng trả được khoản nợ hơn 85 tỷ USD và yêu cầu đàm phán lại thời hạn trả nợ với các chủ nợ. Bị tỉnh giấc bởi tuyên bố vỡ nợ của Mexico, hầu hết các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính quốc tế giảm mạnh hoặc ngừng hẳn việc cho vay đến khu vực Mỹ Latinh. Hàng tỉ USD được vay trước đó giờ đã đến hạn, và các dòng vốn bắt đầu thoái lui khỏi các quốc gia trong khu vực, các nước không còn có thể vay thêm. Bởi vì hầu hết các khoản vay nợ của Mỹ Latinh là vay ngắn hạn, việc không được bơm tiếp tín dụng đã khiến các quốc gia này nhanh chóng rơi vào tình trạng mất khả năng chi trả. Hệ quả, hầu hết quốc gia trong khu vực đều không tránh khỏi vòng xoáy nợ công: Argentina (các năm 1982, 1989), Bolivia (1980, 1986, 1989), Brazil (1983, 1986-1987) và Ecuador (1982, 1984). Trong suốt những năm đầu của khủng hoảng, tăng trưởng GDP các nước trong khu vực chỉ còn hơn 2%.

Một phần của tài liệu Báo cáo nghiên cứu thâm hụt ngân sách và nợ công tại việt nam (Trang 26)