4.3.1.1 Tăng cường tính liên kết trong lĩnh vực thanh toán thẻ
Ngân hàng Nhà nước cần tập trung thực hiện và hoàn thành Đề án xây dựng Trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán bù trừ tự động cho các giao dịch ngân hàng bán lẻ nhằm tạo lập nền tảng kỹ thuật cơ bản cho phát triển thanh toán thẻ, thanh toán điện tử, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực dân cư.
Ngày 06/11/2012, tại Hà Nội, Banknetvn và Smartlink đã ký biên bản ghi nhớ về việc thống nhất kế hoạch xây dựng Trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất trên cơ sở sáp nhập hai đơn vị này. Ngoài Smartlink, liên minh thẻ còn lại, Công ty cổ phần thẻ thông minh VINA (VNBC) dự kiến trong nửa đầu năm 2013 cũng sẽ hoàn tất sáp nhập vào Banknetvn, tức hai cái tên Smartlink và VNBC sẽ không còn. Thị trường thẻ sẽ chỉ còn một công ty chuyển mạch thẻ lớn nhất là Banknetvn. Tuy nhiên thực tế hiện nay, việc sáp nhập ba tổ chức trên vẫn chưa được hoàn thành. Trong thời gian tới, NHNN cần chỉ đạo để đẩy nhanh quá trình hợp nhất này, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thẻ thanh toán nói chung và thẻ tín dụng nói riêng.
Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục triển khai và hoàn thành kết nối liên thông hệ thống POS trên toàn quốc; nâng cao chất lượng kết nối liên thông hệ thống thanh toán thẻ, POS trên toàn quốc, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ thanh toán qua POS bằng các biện pháp đồng bộ để việc thanh toán thẻ qua POS thực sự đi vào cuộc sống.
4.3.1.2 Hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng
Xếp hạng tín dụng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của thị trường thẻ tín dụng. Bản chất của thẻ tín dụng là một hình thức cấp tín dụng tiêu dùng của ngân hàng cho khách hàng, do đó việc đánh giá đúng về khách hàng và đưa ra quyết định phù hợp khi cấp hạn mức thẻ phụ thuộc rất lớn vào việc xếp
68
hạng tín dụng khách hàng. Xếp hạng tín dụng đã được phát triển từ lâu tại các nước phát triển, tuy nhiên ở các nước có nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, khái niệm hệ thống xếp hạng tín dụng còn khá mới mẻ và đang ở bước đầu xây dựng và hoàn thiện. Hiện nay, hoạt động này mới được thực hiện qua một số công ty như: Công ty CP Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp Việt Nam (CRV), Công ty TNHH Thông tin tín nhiệm và Xếp hạng doanh nghiệp Việt Nam (C&R), Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) thuộc NHNN, Công ty Cổ phần báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report)… và hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của bản thân một số tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, hiện tại các tổ chức xếp hạng tín dụng tại Việt Nam mới đang trong giai đoạn khởi đầu phát triển và mới chỉ tập trung vào đánh giá xếp hạng tín dụng các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán mà chưa có đánh giá xếp hạng toàn diện các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như đối tượng khách hàng cá nhân [7]. Do đó, trong thời gian tới NHNN cần có định hướng cụ thể cho hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín dụng này, có những chính sách khuyến khích hỗ trợ cho hoạt động xếp hạng tín dụng. Ngoài ra, đối với các Ngân hàng thương mại, NHNN cần yêu cầu nhanh chóng áp dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, giám sát việc triển khai và ứng dụng xếp hạng tín dụng.
Ngoài ra, NHNN cũng cần nâng cao chất lượng thông tin của Trung tâm thông tin tín dụng (CIC). Mặc dù có nhiều lợi thế: là tổ chức của NHNN, thực hiện chức năng cung cấp thông tin tín dụng cho các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp có thu phí, tuy nhiên thông tin của CIC cung cấp thiếu cập nhật và mức độ chuẩn xác chưa cao và chủ yếu là thông tin tài chính. Để khắc phục vấn đề này, đòi hỏi phải có một cơ chế phân định trách nhiệm rõ ràng cùng các chế tài xử phạt cả về mặt tài chính và hành chính để đảm bảo các tổ chức có liên quan thực hiện đúng trách nhiệm của mình.
69
4.3.1.3 Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thanh toán không dùng tiền mặt
Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với Hội thẻ ngân hàng, Bộ Thông tin và Truyền thông, các phương tiện thông tin đại chúng để triển khai tốt hơn công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, kiến thức về thanh toán thẻ nói chung và thanh toán thẻ qua POS nói riêng cho người sử dụng thẻ, đơn vị chấp nhận thẻ nhằm tăng cường hiểu biết của người dân về các sản phẩm, dịch vụ từ đó tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ tài chính – ngân hàng.
4.3.1.4 Tăng cường hợp tác quốc tế để nhận được sự hỗ trợ về công nghệ - kỹ thuật
Ngân hàng nhà nước cần đứng ra tổ chức các chương trình hợp tác, chuyển giao công nghệ liên quan đến lĩnh vực thanh toán nói chung cũng như thanh toán thẻ tín dụng nói riêng với các ngân hàng trung ương, các tổ chức tài chính như Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới, Ngân hàng thanh toán quốc tế… Ngân hàng nhà nước cũng có thể đứng ra tổ chức các chuyến đi khảo sát, học hỏi kinh nghiệm phát triển thị trường thẻ tín dụng tại các quốc gia có thị trường thẻ thanh toán phát triển, từ đó áp dụng những công nghệ phù hợp vào thị trường Việt Nam.
4.3.1.5 Tiến hành rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt
Để tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển thanh toán phi tiền mặt nói chung và thẻ tín dụng nói riêng, trong thời gian tới Ngân hàng nhà nước nên thực hiện các giải pháp đồng bộ sau liên quan đến khung pháp lý như sau:
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về phương thức giải ngân trong việc cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, các giao dịch góp vốn cổ phần, chuyển nhượng vốn, mua bán, chuyển nhượng cổ phiếu, trái phiếu giữa các doanh nghiệp, cá nhân nhằm hạn chế, giảm thiểu các giao dịch thanh toán bằng tiền mặt.
70
- Ban hành các cơ chế, chính sách thích hợp về phí dịch vụ thanh toán để khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; quy định mức phí nhất định đối với một số giao dịch bằng tiền mặt; có chính sách phí hợp lý để khuyến khích người dân sử dụng thẻ thanh toán qua máy rút tiền tự động, thiết bị chấp nhận thẻ; điều chính giảm mức phí dịch vụ thanh toán liên ngân hàng nhằm tác động tới mức phí dịch vụ thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tạo lập mức phí hợp lý đối với người sử dụng dịch vụ.
- Xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích phù hợp về thuế hoặc biện pháp tương tự như ưu đãi về thuế đối với doanh số bán hàng hoá, dịch vụ thanh toán bằng thẻ qua POS để khuyến khích các đơn vị bán hàng hoá, dịch vụ tích cực chấp nhận thanh toán bằng thẻ, phối hợp với Bộ Tài chính kiến nghị cấp có thẩm quyền quy định các chính sách ưu đãi rõ rệt về thuế (thuế Giá trị gia tăng, thuế Thu nhập doanh nghiệp) đối với hoạt động thanh toán thẻ qua POS theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
- Ban hành quy định giao dịch mua bán bất động sản và những tài sản có giá trị lớn (oto, xe máy, tàu thuyền…) phải được thực hiện thanh toán qua ngân hàng; xem xét sửa đổi, đưa nội dung trả lương qua tài khoản áp dụng cho mọi đối tượng người lao động vào các văn bản quy phạm pháp luật.
- Ban hành các quy định về trách nhiệm của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán, trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ thanh toán.
- Xây dựng khung pháp lý rõ ràng về hoạt động xếp hạng tín dụng nội bộ. Hiện tại vẫn chưa có văn bản chính thức nào quy định/định hướng cho các ngân hàng thương mại về việc xây dựng xếp hạng tín dụng nội bộ nên việc triển khai ở các ngân hàng thương mại hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào nhận thức riêng của từng ngân hàng.
71
4.3.1.6 Thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hạ tầng thanh toán thẻ
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng các tiêu chuẩn đổi mới máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động thanh toán thẻ, thực hiện kiểm định chất lượng máy rút tiền tự động, thiết bị chấp nhận thẻ. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng cần nghiên cứu, định hướng áp dụng chuẩn về thẻ tín dụng; tăng cường các giải pháp về an ninh, an toàn và bảo mật cho cơ sở hạ tầng thanh toán trong đó việc xây dựng kế hoạch phát triển thẻ chip thông minh tại Việt Nam là trọng tâm.