ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÙNG VEN BIỂN BÌNH ĐẠI

Một phần của tài liệu Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi nghêu tự nhiên ở huyện bình đại bến tre (Trang 28)

1.4.1. Vị trí địa lý

Huyện Bình Đại là một huyện nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Bến Tre, thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với ranh giới hành chính phía Tây Bắc giáp huyện Châu Thành; phía Đông Bắc giáp sông Mỹ Tho, ngăn cách với huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang; phía Tây Nam giáp sông Ba Lai, ngăn cách với các huyện Giồng Trôm, Ba Tri; phía Đông Nam là biển Đông với đường bờ biển dài 27km. (Hình 1.3)

1.4.2. Khí hậu, thời tiết

Bình Đại nói riêng, tỉnh Bến Tre nói chung có đặc điểm chung về khí hậu và thời tiết của ĐBSCL, chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau và gió mùa tây nam từ tháng 5 đến tháng 11, giữa 2 mùa gió tây nam và đông bắc là 2 thời kỳ chuyển tiếp có hướng gió thay đổi vào các tháng 11 và tháng 4 tạo nên 2 mùa rõ rệt. Mùa gió đông bắc là thời kỳ khô hạn, mùa gió tây nam là thời kỳ mưa ẩm. Lượng mưa trung bình hằng năm từ 1.250 mm – 1.500 mm. Trong mùa khô, lượng mưa vào khoảng 2 đến 6% tổng lượng mưa cả năm. Nhiệt độ trung bình hằng năm từ 26°C – 27°C. Trong năm không có nhiệt độ tháng nào trung bình dưới 20°C [7, 1].

Hình 1.3: Bản đồ vị trí huyện Bình Đại trong tỉnh Bến Tre

1.4.3. Gió mùa

Huyện Bình Đại nằm trong khu vực Đông Nam Bộ chịu ảnh hưởng trực tiếp của hai hệ thống gió mùa là gió mùa Đông bắc và gió mùa Tây Nam, cường độ gió mùa đông bắc chịu tác động yếu hơn các khu vực phía bắc và miền trung. Gió mùa Đông bắc thịnh hành từ tháng 12 - 4 năm sau. Mùa gió đông bắc hướng gió thịnh hành là đông bắc nhưng không phải gió đông bắc của gió mùa cực đới mà là tín phong của lưỡi cao áp phó nhiệt đới Tây Thái Bình Dương. Đây là mùa có nền khí hậu lạnh, nhưng do ở xa trung tâm hoạt động nên có tác động yếu hơn khi vào đến Nam Bộ không gây mưa, do đó trong các tháng này là mùa khô. Từ tháng 3-4 có thể coi là những tháng giao mùa, gió mùa Đông bắc hoạt động yếu và giảm về cường độ và tần xuất, chưa có gió Tây nam hoặc yếu. Gió mùa Tây nam từ tháng 5 - 10, có tốc độ trung bình 2,5-3,5m/s. Đây là mùa có nền khí hậu nóng ẩm vào mưa rào, do hoạt động của gió mùa Tây Nam mang đến nhiều mây mưa do đó vào mùa này thường có mưa nhiều và lượng mưa khá lớn. Gió chướng có hướng thịnh hành là hướng Đông, hoạt động từ tháng 11-03, có tốc độ trung bình 3,5-4,5m/s [7,1].

1.4.4. Thủy Triều

Thủy triều vùng ven bờ Bình Đại có đặc trưng bán nhật triều. Mỗi năm có đến 290 ngày là bán nhật triều không đều, nằm trong khoảng thời gian từ tháng 5 - 8 và từ tháng 12 đến tháng 1 năm sau. Ngoài ra hàng năm, nhật triều cũng có xuất hiện nhưng không nhiều, khoảng 9 - 12 ngày. Độ mặn nước vùng cửa sông có biến động lớn từ 3- 17‰.

Hàng tháng có 2 thời kỳ triều cao, xuất hiện sau ngày trăng non và trăng tròn độ 2 - 3 ngày. Có 2 thời kỳ triều kiệt, xuất hiện sau ngày 8 âm lịch (Hạ huyền) khoảng 1 - 2 ngày. Theo tài liệu của đài khí tượng thủy văn Cửu Long, trong mùa mưa lũ (Tháng 9 - 12) đỉnh triều thường chịu ảnh hưởng của mưa lũ nguồn. Đỉnh cao nhất 1,6 - 1,9m thường xuất hiện vào tháng 11, có năm sớm hơn vào tháng 10. Mỗi tháng có 2 đỉnh cao, mỗi đỉnh từ 3 - 4 ngày. Hàng ngày có 2 đỉnh triều cao, mỗi đỉnh kéo dài từ 3 - 4 giờ. Cường suất triều lên là 30 - 40 cm/giờ, lên mạnh nhất 45 - 55cm/giờ. Cường suất triều xuống trung bình 20 - 30cm/giờ, mạnh nhất là 30cm/giờ [7, 1].

Trong mùa khô, từ tháng 4 - 7 (có năm xuất hiện sớm vào tháng 3; năm muộn vào tháng 6), mực nước đỉnh triều thường thấp và đạt giá trị 1,05 - 1,3m; mỗi tháng có 2 kỳ triều thấp, mỗi kỳ kéo dài 3 - 4 ngày, mỗi ngày có 2 đỉnh duy trì mực nước liên tục 2 - 3 giờ.

Trong mùa lũ (tháng 8-11), vùng kênh rạch nội đồng ven biển, hàng ngày có 12- 14 giờ chu kỳ triều lên và khoản 15 giờ chu kỳ triều xuống. Biên độ triều dọc hai sông Cửa Đại và sông Cổ Chiên là 200-250 cm/giờ.

1.4.5. Địa hình vùng biển ven bờ

Đặc điểm hình thái địa hình vùng ven bờ Bình Đại thuộc đặc trưng địa hình ĐBSCL. Các phân tích trên cho thấy ở vùng cửa sông hệ thống sông Tiền (Cửa Đại, Cửa Tiểu) được đặc trưng bởi dạng hình thái kiểu châu thổ triều rút cỡ lớn (Macro tidal Inlet) và thể hiện tác động mạnh thủy triều.

Độ dốc đáy biển của vùng biển Bình Đại khoảng từ 10º - 20º nhỏ, nền đáy biển có dạng bằng phẳng, chất đáy chủ yếu là cát - bùn.

Chính các thành tạo địa hình, nền trầm tích và cấu tạo địa chất đã tạo nên một vùng bờ có điều kiện thuận lợi cho sự bồi lắng trầm tích và hình thành các bãi Nghêu, Sò. [49]

1.4.6. Đặc điểm thủy văn, dòng chảy

Khu vực nghiên cứu được xem là một hệ thống các châu thổ triều cỡ lớn thuộc thống sông Cửu Long gồm các cửa sông lớn của nhánh sông Tiền đổ ra các cửa Cửa Đại, Cửa Tiểu, Ba Lai.

Lượng dòng chảy mùa khô bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau, lượng nước từ thượng nguồn đổ ra biển ở cửa Tiểu 236,8 m3/giây và cửa Đại 473,6 m3/giây [17].

Lượng dòng chảy mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11, lượng nước ngọt đổ ra biển vào mùa lũ ở cửa Tiểu 960 m3/giây và cửa Đại 1.920 m3/giây[17].

1.4.7. Nhiệt độ nước biển.

Nhiệt độ nước biển ở vùng biển Bình Đại sự thay đổi theo mùa và thay đổi theo độ sâu của vùng nước. Nhiệt độ nước biển ở tầng mặt tương đối cao và ổn định. Trung bình nhiệt độ nước biển dao động trong khoảng từ 27,5 - 30ºC và nhiệt độ cao nhất là vào tháng 6 khoảng từ 30 - 32ºC.

Nhiệt độ nước biển của vùng biển Bình Đại chịu ảnh hưởng trực tiếp của vùng biển nông, gần xích đạo, hấp thụ năng lượng mặt trời cao nên thường cao hơn nhiệt độ không khí từ 1,5 - 3ºC. Nhiệt độ không khí trung bình thường từ 26 - 27ºC. [7, 1]

1.4.8. Đặc điểm môi trường nước và nguồn lợi

a)pH, độ mặn và vật chất lơ lửng

Theo một số nghiên cứu đã chỉ ra giá trị trung bình pH tại các bãi nghêu trong tỉnh biến động từ 7,72 – 8,04, mùa mưa có pH thấp hơn mùa khô. Một số kết quả khảo sát về môi trường nước trong vùng nuôi nghêu cho thấy chất lượng nước trong vùng biến động rất lớn theo mùa khô và mùa lũ trong vùng. Do vùng ven bờ huyện Bình Đại chịu ảnh hưởng khá lớn của lượng nước ngọt từ các sông đổ vào trong mùa mưa dẫn đến sự biến động lớn độ mặn (vào mùa khô dao động từ 25- 29‰, trong khi vào mưa xuống thấp còn từ 5-10%) [7, 18, 55].

Hàm lượng vật chất lơ lửng (VCLL) cũng dao động khá mạnh, và chúng phụ thuộc vào mực nước lũ hàng năm, đồng thời các số liệu đo đạc ở tại huyện Bình Đại cho thấy cũng có sự khác nhau khá lớn. Hàm lượng VCLL ở trong sông và vùng ven bờ các cửa sông thay đổi phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước sông đổ ra. Giá trị cực đại về hàm lượng VCLL có thể đạt tới 1250mg/l khi lúc triều xuống (vào mùa mưa). Theo số liệu thống kê 10 năm trở lại đây, sự biến động các thành phần vật chất lơ lửng trong các vùng bãi triều có khả năng quan hệ với sự xuất hiện nghêu giống với mật độ cao trùng vào những năm mức lũ rất thấp, điều này thể hiện mối quan hệ giữa sự tồn tại và phát triển của ấu trùng nghêu với các yếu tố thủy văn và chế độ mưa lũ. [5, 7, 26].

b)Muối dinh dưỡng và hàm lượng chlorophyll- a trong nước

Theo kết quả một số kết quả nghiên cứu cho thấy hàm lượng muối dinh dưỡng hòa tan trong vực nước ven bờ tại khu vực này chúng dao động rất lớn giữa 2 mùa. Các giá trị muối dinh dưỡng Nitơ vô cơ biến động theo cả không gian và thời gian, trung bình muối NO2 trong vùng là 1,67 ± 0,80μg/l và đối với NO3 là 3,11 ± 2,32μg/l; và PO4

là 6,62 ± 4,07μg/l vào mùa khô. Vào mùa lũ, các giá trị muối dinh dưỡng vô cơ cao hơn gấp nhiều lần so với mùa khô, trung bình muối NO2 trong vùng là 11,45 ± 12,9μg/l và đối với NO3 là 50,99 ± 59,53μg/l; và PO4 là 23.27 ± 16,50μg/l. [7, 50, 1]

Ngược lại, hàm lượng sắc tố thực vật nổi chlorophyll-a tại cửa sông và vùng biển ven bờ phía ngoài lại thường đạt giá trị trung bình cao vào mùa khô khoảng 1,26 ± 0,89µg/l; và thấp dần vào mùa mưa với trung bình là 0,81 ± 0,54µg/l. Điều này có thể thấy rằng của các hạt phù sa lơ lửng và bức xạ vào thời điểm này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình quang hợp của thực vật phù du trong nước, cho dù lượng chất dinh dưỡng cung cấp là rất phong phú.[7, 50, 1]

c)Hữu cơ trong nước

Ngoài ra, lượng phù sa bổ sung hàng năm cũng đã cấp cho lớp trầm tích ở khu vực cửa sông – ven biển một lượng carbon và nitơ hữu cơ khá lớn. Ngoài những ảnh hưởng của dòng chảy, chất đáy cũng được xem là một yếu tố sinh thái quan trọng ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của sinh vật thông qua sự phụ thuộc của sinh vật đó với đặc trưng của nền đáy mà nó thích ứng. Bởi động vật thân mềm thường chọn nền đáy cát bùn làm nơi sinh sống. Nhóm sống trong cát và trên bề mặt cát là nhóm ăn lọc

các chất lơ lửng trong nước, trong khi các loài sống trong bùn thường ăn các mùn bã hữu cơ trong bùn. [1, 11]

Từ đó đưa ra nhận định rằng mỗi loài sinh vật sống đáy phân bố theo một loại chất đáy riêng, chất đáy sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến tỷ lệ sống của sinh vật, nhất là trong giai đoạn ấu trùng của sinh vật. Ở trong những vùng bãi triều ven biển, nơi trầm tích thường là cát mịn (chiếm khoảng 70%) hoặc các bãi có nhiều bùn sét chứa hàm lượng các chất hữu cơ rất cao. Nó là yếu tố sinh thái quan trọng ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của động vật thân mềm, và cung cấp nguồn thức ăn phong phú cho các loài sinh vật sống ở đây. Hàm lượng carbon hữu cơ (Chc), Nitơ hữu cơ (Nhc), và Phospho (P) trong trầm tích ở vùng cửa sông cũng biến động khá mạnh, đối với Chc trong trầm tích hàm lượng dao động từ 0,19 – 0,75%, đối với Nhc dao động từ 0,026 – 0,176%, và đối với P dao động từ 0,008 – 0,084%. [50, 1]

d)Nguồn giống ven bờ

Vùng biển ven bờ Bến Tre nói chung và vùng biển ven bờ Bình Đại nói riêng là nơi tập trung nguồn giống thủy sinh với mật độ cao, đó chính là đối tượng bổ sung vào quần đàn thủy sản khai thác.

Theo kết quả nghiên cứu trước đây tại vùng biển ven bờ Bến Tre, phân bố sinh khối (khối lượng) chung của con giống thủy sinh dao động trong khoảng 0,08 – 17,33 g/100m³, trung bình 1,67 g/100m³. Sinh khối cao phân bố ở dải nước phía trước các cửa sông. Mật độ ấu trùng tôm He (Penaeidae) trung bình 7,2 con/100m³, tôm Tít (Stomatopoda) 2 con/100m³, Cua 242 con/100m³, ấu trùng hai mảnh vỏ (Bivalvia) dao 0,49 con/100m³.[25, 1]

Trứng cá – cá con (TCCC) ở vùng ven bờ - cửa sông đã xác định được 16 nhóm loài thuộc 12 họ; trong đó họ cá Bống Trắng (Gobiidae) chiếm 66% tổng số cá bột, giống cá Cơm (Stolephorus) chiếm 69% tổng số trứng, họ cá Đù (Sciaenidae) chiếm 8% tổng số cá bột, họ cá Bơn Cát (Cynoglossidae) chiếm 12,8% tổng số trứng cá,.... Nhìn chung hầu hết các nhóm loài TCCC đều thuộc bọn cá biển thích nghi với vùng cửa sông (như Bống, Bơn, Cơm, Trích,...).

Sinh vật lượng của TCCC khá cao: Mật độ trứng cá trung bình 767 trứng/m³ (dao động 1 - 4382 trứng/m³) và mật độ cá con trung bình 257 con/m³ (dao động 16 - 949 con/m³). Khu vực có sinh lượng trứng cá cao là các vùng cửa sông – đó là vùng giao thoa của các dòng nước lục địa và khối nước lợ ven biển. Khu vực có sinh lượng cá bột cao là vùng nước lợ cửa Đại, thành phần chủ yếu là cá Bống Trắng (chiếm 96% tổng số lượng cá thể).[25, 1]

CHƯƠNG 2

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU

2.1.1. Vùng nghiên cứu

Phạm vi nghiên cứu ở vùng bãi triều ven biển, nơi có các bãi nghêu tự nhiên phân bố thuộc huyện Bình Đại tỉnh Bến Tre và nằm trong khoảng tọa độ địa lý: Từ 106o35’ đến 106o40’ kinh độ Đông và từ 10o10’ đến 10o 15’ vĩ độ Bắc. (Hình 2.1)

Ở huyện Bình Đại có 2 bãi nghêu thuộc quyền quản lý của HTX Thủy sản Đồng Tâm (xã Thừa Đức) và HTX thủy sản Rạng Đông (xã Thới Thuận)

2.1.2. Đối tượng nghiên cứu

- Hoạt động quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi nghêu tự nhiên tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

- Tình hình biến động bãi nghêu, sản lượng và mật độ nguồn lợi nghêu tại huyện Bình Đại.

- Hoạt động khai thác nghêu tại huyện Bình Đại. Nguồn lợi nghêu ở Bình Đại gồm có hai loại:

- Nghêu giống: là loại nghêu nhỏ từ giai đoạn ấu trùng bám đáy đến khi đạt được kích cỡ nhỏ hơn 5.000con/kg.

- Nghêu thương phẩm: là loại nghêu phát triển đến kích cở 20 – 100 con/kg được khai thác để làm thực phẩm.

2.2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.2.1. Phương pháp điều tra và thu thập số liệu

Thu thập nguồn dữ liệu hiện có từ các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước trước đây tại Bến Tre. Đặc biệt chú ý đến những nghiên cứu trong thời gian gần đây (2006-2012) liên quan đến nguồn lợi nghêu.

Thu thập số liệu thống kê về diện tích phân bố, sản lượng khai thác nghêu từ Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, Phòng NN&PTNT huyện Bình Đại, các HTX thủy sản Rạng Đông, Đồng Tâm.

Tiến hành khảo sát thực địa tại bãi nghêu của HTX Đồng tâm và HTX Rạng Đông vào tháng 9/2012 và tháng 3/2013 về mật độ phân bố. Ngoài ra, còn khảo sát bổ sung một số chuyến về sự phân bố và xuất hiện nghêu giống khi có thông tin thông báo của các HTX.

Kết hợp định vị vệ tinh GPS với sự tham gia của ban quản lý HTX xác định diện tích phân bố nghêu.

2.2.2. Phương pháp nghiêu cứu đặc điểm phân bố nguồn lợi nghêu

2.2.2.1. Phương pháp thu mẫu

Để đánh giá đặc điểm phân bố nguồn lợi nghêu áp dụng phương pháp thu mẫu vùng triều (English et al, 1997)

Dùng máy định vị GPS xác định các vị trí thu mẫu theo phương pháp phân ô. Dụng cụ thu mẫu là loại khung chuyên dùng diện tích 0,5m x 0,5m = 0, 25m2 và thu ở độ sâu 10-15 cm tính từ mặt đáy.

Tại mỗi trạm thu mẫu tiến hành thu 4 điểm, khối lượng trung bình của 4 vị trí được tính thành mật độ, sinh lượng, sản lượng tại điểm thu mẫu

Khảo sát phân bố mật độ nghêu trên bãi triều theo mặt cắt vuông góc với bờ, chọn đường cắt ngang trên bãi triều sao cho mang tính đại diện cho toàn bãi. Trên mỗi đường cắt có 2 – 3 trạm thu mẫu tùy thuộc vào diện tích bãi. HTX Đồng Tâm 15 trạm, HTX Rạng Đông 15 trạm. (Hình 2.1)

Khảo sát sự phân bố của nghêu giống trên bãi thông qua khảo sát thực tế tùy theo thời điểm và vị trí xuất hiện nghêu giống.

2.2.2.2. Phương pháp ước tính mật độ và sinh khối

- Mật độ: 𝐷 =𝑛

𝑠 Trong đó:

D: Mật độ (con/m2)

n: Số cá thể thu được (con) s: Diện tích thu mẫu (m2) - Sinh lượng: 𝐵 = 𝑚𝑠

Trong đó:

B: Sinh khối (kg/m2)

Một phần của tài liệu Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi nghêu tự nhiên ở huyện bình đại bến tre (Trang 28)