Công tác thẩm định tài chính dự án đầu tư tại PGBank đã không ngừng được cải thiện và nâng cao chất lượng trong thời gian qua nhưng bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn một số hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng thẩm định tài chính cần được cải thiện:
Thứ nhất, thông tin thẩm định còn chưa đa dạng: Thông tin được thu thập
chủ yếu vẫn từ khách hàng cung cấp và chính cán bộ cũng khó khăn trong việc đánh giá các thông tin này do không được các cơ quan độc lập chứng nhận, những thông tin này có thể tiềm ẩn gian lận, sai lệch. Ngoài ra, mặc dù cán bộ thẩm định ở PGBank đã rất tích cực tham gia tìm kiếm thông tin khi trực tiếp đi tìm hiểu thị trường, thu thập thông tin từ các cơ quan bên ngoài nhưng vẫn thiếu đi sự mạch lạch mang tính hệ thống.Một số cán bộ thẩm định chỉ quan thu thập thông tin trong
khoảng thời gian đi khảo sát mà không để ý đến cả tổng thể, sự tăng trưởng dài hạn của thị trường đó do đó có thể đánh giá sai về các chỉ tiêu của dự án.
Thứ hai, về phương pháp thẩm định: vẫn còn một số sai sót xảy ra trong quá
trình thẩm định tài chính. Các cán bộ thẩm định khi tính lãi suất chiết khấu thường đưa ra chi phí vốn chủ sở hữu theo chủ quan hoặc điều chỉnh giảm để những kết quả chỉ tiêu hiệu quả tài chính đẹp hơn. Điều này sẽ khiến cho lãi suất chiết khấu không phản ánh đúng rủi ro của dòng tiền đem lại và gây sai lệch trong kết quả các chỉ tiêu hiệu quả.
Bên cạnh đó, một số trường hợp cán bộ tài trợ dự án còn quên không đưa giá trị tới hạn (terminal value) vào kỳ cuối khi dự án được thanh lý và sai lầm trong việc thẩm định dưới góc độ chủ đầu tư (EPV) hay tổng đầu tư (TIPV). Điều này cũng làm cho kết quả thẩm định của dự án thiếu đi sự chính xác cần thiết.
Ngoài ra việc không tính toán thay đổi vốn lưu động và thu hồi vốn lưu động trong các năm cũng là nguyên nhân gây ra sai lệch trong dòng tiền của dự án.
Thứ ba, phương pháp phân tích rủi ro vẫn còn hạn chế: việc phân tích độ
nhạy còn nhiều hạn chế, cơ sở dữ liệu phân tích được xác định theo quan điểm của người lập dự án hoặc thẩm định dự án từ đó tính toán các chỉ tiêu hiệu quả mà đôi khi chưa theo sát tình hình thực tế trên thị trường. Các giả thiết về mức độ biến động của dự án mang tính chủ quan và thiếu sự cụ thể, chỉ áp dụng cho sự biến động của toàn bộ doanh thu và chi phí mà chưa tính đến sự biến động của từng khoản mục. Ngoài ra cán bộ thẩm định cũng chưa gắn xác suất xảy ra đối với những tính huống rủi ro.
Thứ tư, về trình độ của cán bộ thẩm định: trên thực tế những cán bộ thẩm
định tại PGBank đều là những cán bộ có trình độ giỏi với kiến thức bài bản, kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực thẩm định. Tuy nhiên, do tính chất ngày càng phức tạp và rủi ro của dự án đầu tư, mỗi dự án có đặc thù hoạt động khác nhau, đòi hỏi phải có chuyên môn sâu mới nắm được. Có nhiều dự án ở một số lĩnh vực đặc biệt, các cán bộ thẩm định chưa có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết về các ngành nghề
đang tiến hành thẩm định do đó đôi lúc việc thẩm định gặp phải khó khăn, dẫn đến tình trạng tính toán chưa đảm bảo tính chính xác hợp lý.
Thứ năm, về quá trình kiểm soát hiệu quả thẩm định: Để đảm bảo an toàn tín dụng, hạn chế rủi ro, quá trình thẩm định được quy định phải thực hiện trong cả 3 giai đoạn trước, trong và sau khi cho vay. Song cán bộ tín dụng chủ yếu quan tâm đến việc thẩm định trước khi cho vay, việc thẩm định lại tình hình tài chính và tình hình sử dụng vốn của doanh nghiệp trong và sau quá trình cho vay để có những điều chỉnh hợp thì chưa được quan tâm đúng mức.
Thứ sáu, phương pháp thẩm định không còn phù hợp:giai đoạn 2012-2013
cho thấy sự gia tăng ngày càng nhanh với các chỉ tiêu nợ xấu và tỷ lệ các dự án từ chối cho vay và phải điều chỉnh lại. Giai đoạn 2008-2011 là giai đoạn nền kinh tế đang dần tích tụ những bất ổn, do đó công tác thẩm định vẫn chưa bộc lộ nhiều thiếu sót, các tỷ lệ vẫn cho thấy sự đảm bảo. Tuy nhiên, cho đến giai đoạn 2012- 2013, khi nội tại nền kinh tế xuất hiện quá nhiều những bất ổn từ cấu trúc của nền kinh tế, hệ thống tài chính thì tỷ lệ nợ xấu giai đoạn này đã gia tăng mạnh. Công tác thẩm định hiện tại bao gồm mô hình, quy trình, phương pháp thẩm định…, đã cho thấy cần phải có sự điều chỉnh và thận trọng hơn để đảm bảo sự an toàn cho hoạt động của ngân hàng.