Đổi mới công tác tổ chức, công tác quản lý trong đào tạo nguồn

Một phần của tài liệu Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Giao thông vận tải ở Việt Nam hiện nay (qua khảo sát một số trường Đại học, Cao đẳng ngành Giao thông vận tải) (Trang 119)

nguồn nhân lực ở các trường của ngành Giao thông vận tải ở Việt Nam hiện nay

Công tác tổ chức, công tác quản lý đóng vai trò không thể thay thế trong quá trình đào tạo trong các trường của ngành Giao thông vận tải ở Việt Nam hiện nay. Làm tốt công tác tổ chức, công tác quản lý có ý nghĩa rất quan trọng bảo đảm chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, làm cho hoạt động đào tạo nguồn nhân lực ở các trường của ngành Giao thông vận tải được thực hiện đúng kế hoạch, đúng quy trình, có nề nếp thống nhất, chặt chẽ. Đó là trách nhiệm không chỉ riêng của các trường ngành Giao thông vận tải mà còn là

trách nhiệm của Nhà nước, trực tiếp là của Bộ chủ quản, Bộ Giao thông vận tải.

Trước hết cần hoàn thiện bộ máy tổ chức và cơ chế quản lý ngành, quản lý đào tạo nguồn nhân lực ở các trường thuộc ngành Giao thông vận tải. Trong vấn đề này, cần khắc phục triệt để quan niệm cho rằng: càng quản lý chặt thì càng đem lại hiệu quả cao. Thực tiễn phát triển của nền đại học trên thế giới cho thấy, chất lượng dịch vụ đại học tỷ lệ nghịch với mức độ quản lý của nhà nước và tỷ lệ thuận với mức độ tự trị của các trường đại học. Nước ta có đặc điểm riêng, cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa còn chưa phát triển hoàn chỉnh, nên vai trò của quản lý Nhà nước cần thể hiện ở mức độ và trách nhiệm cao hơn.

Tuy nhiên, sự quản lý nhà nước về giáo dục ở nước ta nói chung, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Giao thông vận tải nói riêng chỉ bao gồm những công việc chính về quản lý đối với một hệ thống giáo dục đào tạo; không được đồng nhất với việc quản lý giáo dục (nói chung) hay lẫn lộn nó với công việc quản lý (quản trị) của nhà trường và cơ sở giáo dục. Điều luật 13 của Luật Giáo dục nước ta quy định, Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân về mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục, tiêu chuẩn nhà giáo, quy chế thi cử và hệ thống văn bằng.

Bộ Giáo dục và đào tạo là các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nói chung, Bộ Giao thông vận tải quản lý giáo dục đại học đào tạo nguồn nhân lực giao thông vận tải nói riêng, phải tập trung trí tuệ và sức lực của mình vào việc giải quyết các nhiệm vụ trên đây. Cần phải triệt để và nhất quán thực hiện nguyên tắc phân cấp và phân quyền quản lý giữa Bộ với các trường đại học và cao đẳng, các cơ sở giáo dục đại học khác để tăng quyền lực và trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục để giảm bớt công việc cho Bộ. Tránh sa vào các công việc sự vụ, ôm đồm, hoặc làm thay công việc quản lý của các trường, mà cần phải tập trung vào các công việc của chủ thể quản lý

nhà nước đối với ngành Giao thông vận tải, trước hết là công việc hoạch định chiến lược và hoàn thiện cơ chế quản lý đào tạo nguồn nhân lực ngành Giao thông vận tải.

Trong quản lý đào tạo nguồn nhân lực ở các trường của ngành Giao thông vận tải, cần có sự phân cấp quản lý đến từng cấp cụ thể, rõ ràng, tránh chung chung, đại khái. Vụ tổ chức- cán bộ quản lý nhân sự, Ban Giám hiệu của các nhà trường thì làm quy hoạch, kiểm tra… nhân sự ở cấp trường. Bộ Giáo dục - đào tạo và Bộ Giao thông vận tải quản lý nhà nước về đào tạo nguồn nhân lực giao thông vận tải cũng phải theo phương thức quản lý nhà nước trong cơ chế thị trường nói chung, quản lý chủ yếu bằng pháp luật, chính sách và các công cụ quản lý vĩ mô khác, rất hạn chế dùng các biện pháp hành chính, sự vụ, tác nghiệp, như việc xét điểm chuẩn vào các trường đại học, duyệt chỉ tiêu tuyển sinh mỗi khoá, phân bổ chỉ tiêu tuyển giáo viên cho mỗi trường hằng năm.

Cần có một cơ chế đảm bảo cho các trường ngành Giao thông vận tải có quyền lợi, trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, trên cơ sở tự quyết, tự quản về số lượng nhân sự và tài chính theo pháp luật.

Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Giao thông vận tải cần đưa ra một chính sách thu học phí mềm dẻo cho các trường công lập. Nên quản lý chặt tiêu chuẩn và chất lượng giảng viên của mỗi trường; quy định một tỷ lệ tối thiểu về số giảng viên cơ hữu và số giảng viên thỉnh giảng với tổng số người học. Nên có quy chế về tỷ lệ giảng viên cơ hữu trên số giảng viên được mời giảng thực sự. Tránh tình trạng quy mô đào tạo quá lớn mà các trường của ngành Giao thông vận tải vẫn cứ tự túc giảng dạy, không chịu tuyển giảng viên mới hoặc không chịu mời giảng viên ngoài, dẫn đến sự giảm sút về sức khỏe của đội ngũ giảng viên và ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Cần sớm chấm dứt tình trạng một số trường đại học dân lập của ngành hiện nay không có một đội ngũ giảng viên cơ hữu đầy đủ, quản lý giáo dục thì

bất cập, song vẫn cứ mở rộng quy mô đào tạo; mở lớp học ở khắp nơi, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Làm tốt công việc này sẽ buộc các trường phải xây dựng một đội ngũ giảng viên của mình thật tương xứng với quy mô và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, và như vậy, sẽ tạo ra nhiều việc làm từ lĩnh vực dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực bậc cao của ngành Giao thông vận tải.

Cần khảo sát và sớm có kết luận, đánh giá về hiệu quả của các mô hình giáo dục của ngành Giao thông vận tải đã triển khai trong thời gian qua; quan tâm tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của giảng viên, cán bộ của chính các trường này; sớm phát hiện những khiếm khuyết, bất cập để sửa đổi nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo nguồn nhân lực của mỗi trường.

Cần có một chương trình xây dựng hệ thống quy chế giáo dục đại học, điều chỉnh và hướng dẫn các trường của ngành Giao thông vận tải như: xây dựng chương trình và nội dung giáo dục, giảng dạy, thi và kiểm tra, nghiên cứu khoa học công nghệ; cấp phát bằng và chứng chỉ; tuyển giảng viên và công chức giáo dục của ngành…; quy chế thực hiện dân chủ tại các trường của ngành Giao thông vận tải; quy chế phong học hàm giáo sư và phó giáo sư… Thêm nữa, nên có một chương trình nghiên cứu xây dựng một văn bản quy định về đạo đức người thầy đối với việc đào tạo nguồn nhân lực trong ngành. Các chương trình, quy chế sẽ trực tiếp nâng cao tính kỷ cương, kỷ luật, pháp lý và đưa các hoạt động giáo dục đào tạo nguồn nhân lực ở các trường của ngành Giao thông vận tải đi vào nề nếp.

Cần coi trọng hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật, quy chế - kỷ luật lao động của các trường ngành Giao thông vận tải; xử lý những cá nhân vi phạm quy chế quản lý nghiêm, một cách có lý, có tình.

Những công việc quản lý vĩ mô có liên quan tới sự phát triển của nguồn nhân lực giáo dục đại học nói chung, của ngành Giao thông vận tải nói riêng còn nhiều bất cập và khá nặng nề. Muốn hoàn thành các công việc này thì cơ

quan Bộ Giáo dục đào tạo phải có một đội ngũ nhân sự mạnh, làm việc hiệu quả cao. Vì vậy, cần thực hiện tốt tiến trình cải cách hành chính mà Nhà nước đã đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước, bao gồm: cải cách thể chế nền hành chính; cải cách bộ máy hành chính, chủ yếu là vấn đề tổ chức bộ máy quản lý; cải cách nền công vụ; cải cách tài chính công. Vì vậy, cần hoàn thiện phương thức quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục đào tạo, Bộ Giao thông vận tải đối với các hoạt động giáo dục, đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực ở các trường của ngành Giao thông vận tải nước ta.

Đổi mới công tác tổ chức, công tác quản lý trong quá trình đào tạo, trách nhiệm trực tiếp là của các trường của ngành Giao thông vận tải. Công tác tổ chức, công tác quản lý trong các trường của ngành Giao thông vận tải cần phải bám sát mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo, yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực của ngành trong thời kỳ mới; đồng thời vận dụng những thành tựu quản lý, tổ chức tiên tiến để có những chủ trương, biện pháp, cách thức tổ chức, quản lý cho phù hợp, mang lại hiệu quả cao nhất cho đào tạo nguồn nhân lực.

Trong các trường của ngành Giao thông vận tải, cần có sự phân cấp quản lý rõ ràng cho các cơ quan chức năng, các khoa, giáo viên, lớp học; đồng thời phát huy tinh thần tự quản lý trong học tập của sinh viên và tập thể sinh viên. Quản lý đào tạo phải thực sự chặt chẽ và thống nhất từ khâu xác định nội dung, chương trình, biên soạn giáo trình, giáo khoa, tài liệu học tập, tuyển chọn đầu vào, tổ chức lớp học, giảng dạy, học tập, kiểm tra, đánh giá kết quả và toàn bộ quá trình đào tạo, đến làm luận văn, thi tốt nghiệp ra trường. Việc quản lý không thể tuỳ tiện, mà cần phải theo quy trình thống nhất, khoa học, một mặt nêu cao được tinh thần trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý đào tạo nguồn nhân lực, mặt khác phát huy được tính tích cực học tập, tự tu dưỡng của sinh viên, làm cho sinh viên thực sự là chủ thể quản lý tích cực.

Như vậy, mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu của quản lý là phải nhằm tạo ra môi trường dạy - học lành mạnh, dân chủ, tích cực trong tất cả các trường của ngành Giao thông vận tải, chứ không phải tăng tính gò ép, cưỡng bức. Mọi sự gò ép, dân chủ hình thức, để cho chủ nghĩa cá nhân hoành hành trong công tác tổ chức và công tác quản lý thì công tác tổ chức và quản lý không những không phát huy được tính tích cực giảng dạy và học tập trong nhà trường, mà trái lại thậm chí còn gây cản trở sự hứng thú trong giảng dạy và học tập của đội ngũ giảng viên và sinh viên, hai đối tượng quản lý chủ yếu, tác động rất tiêu cực đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của ngành Giao thông vận tải, làm giảm uy tín của các nhà trường.

Một phần của tài liệu Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Giao thông vận tải ở Việt Nam hiện nay (qua khảo sát một số trường Đại học, Cao đẳng ngành Giao thông vận tải) (Trang 119)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)