tục phá sản. Đây là thủ tục giúp doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản cơ hội và điều kiện để tổ chức lại hoạt động kinh doanh, tránh khỏi nguy cơ bị phá sản. Trong điều kiện ngày nay, pháp luật phá sản của các nước trên thế giới luôn đề cao và quan tâm đến thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh. Luật Phá sản năm 2004 của nước ta cũng đã có những điều chỉnh nhất định với việc ghi nhận đây là một thủ tục độc lập trong tố tụng phá sản với đầy đủ các quy định về điều kiện mở thủ tục cũng như việc triển khai trên thực tế.
Khi Hội nghị chủ nợ không thành theo quy định tại Điều 79 hoặc sau khi có Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất thông qua Nghị quyết đồng ý với dự kiến các giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh, kế hoạch thanh toán nợ cho các chủ nợ và yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. Có thể thấy, chủ thể có thẩm quyền quyết định áp dụng hay không áp dụng thủ tục phục hồi không phải chủ doanh nghiệp hay Tòa án mà chính là các chủ nợ. Hội nghị chủ nợ chính là nơi xem xét và quyết định số phận của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. Vì vậy, điều kiện cần và đủ để doanh nghiệp được áp dụng thủ tục phục hồi là Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất đã được tổ chức hợp lệ và thông qua Nghị quyết đồng ý với các giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh, kế hoạch thanh toán nợ cho các chủ nợ và yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.
Việc trao cho Hội nghị chủ nợ thẩm quyền này là một điểm mới trong Luật Phá sản 2004, cho thấy đây là một thủ tục độc lập và tách bạch với thủ tục thanh lý trong khi trước đây chúng ta quan niệm rằng thủ tục phục hồi là một khâu, một giai đoạn của quá trình giải quyết yêu cầu phá sản, cho nên vấn đề này đã không được đặt ra. Quy định này đã chứng tỏ trong pháp luật phá sản của nước ta, Hội nghị chủ nợ đã có được vị trí và vai trò hết sức quan trọng.
Theo Khoản 2, Điều 68, Luật Phá sản 2004, để mở rộng chủ thể có khả năng tham gia vào việc xây dựng dự thảo phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhằm cứu vớt doanh nghiệp ra khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán nợ, Luật Phá sản cho phép bất kì chủ nợ hoặc người nào nhận nghĩa vụ phục hồi hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp đều được quyền tham gia xây dựng dự thảo phương án phục hồi. Việc xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh là nghĩa vụ của doanh nghiệp nhưng cũng là quyền của các chủ nợ. Theo xu hướng này, chủ thể được tham gia xây dựng phương án phục hồi đã được đa dạng hóa chứ không chỉ thuộc về doanh nghiệp mắc nợ như thủ tục truyền thống. Do vậy, khả năng duy trì, phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã được nâng cao.
Sự tham gia của chủ nợ vào việc xây dựng phương án phục hồi cũng là quy định mới của Luật Phá sản 2004. Vai trò của các chủ nợ tham gia quá trình phục hồi hoạt động của doanh nghiệp đã được đề cao, nhấn mạnh. Thông qua đó, Hội nghị chủ nợ có cơ hội xem xét, lựa chọn phương án phục hồi hoạt động kinh doanh có hiệu quả, không những để bảo vệ lợi ích của chủ nợ mà còn giúp doanh nghiệp phục hồi thành công.
Nội dung phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản được quy định tại Điều 69 Luật Phá sản 2004. Như vậy, nội dung của một phương án phục hồi hoạt động kinh doanh sẽ bao gồm hai vấn đề chính: kế hoạch, giải pháp phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản và thời hạn, kế hoạch để thanh toán các khoản nợ cho chủ nợ. Đây chính là những nội dung bắt buộc của phương án phục hồi kinh doanh bởi nó vừa thể hiện yếu tố cứu vãn, khôi phục hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, vừa đảm bảo được lợi ích của các chủ nợ trong quá trình áp dụng thủ tục phục hồi. Vì thế, việc Hội nghị chủ nợ có thông qua hay không thông qua phương án phục hồi doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều
vào nội dung của phương án phục hồi được trình bày ở Hội nghị chủ nợ. Tại Hội nghị chủ nợ, các chủ nợ sẽ xem xét, đánh giá tính khả thi và hiệu quả của phương án phục hồi hoạt động kinh doanh để đi đến quyết định.
Điều quan tâm lớn nhất của chủ nợ khi xem xét nội dung của phương án phục hồi kinh doanh là thời gian, kế hoạch thanh toán nợ cho các chủ nợ nhưng các chủ nợ còn xem xét khả năng thanh toán nợ theo thời hạn cam kết từ phía doanh nghiệp. Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản chỉ có thể thực hiện đúng, đầy đủ cam kết thanh toán nợ cho các chủ nợ khi đã vượt qua khó khăn về tài chính và hoạt động kinh doanh của mình đã được phục hồi.
Tuy đóng vai trò quyết định trong việc thông qua hay không thông qua phương án hòa giải và giải pháp tổ chức lại sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo cho con nợ một cơ hội cuối cùng để tự vãn, song Hội nghị chủ nợ lại chỉ có quyền kiến nghị với thẩm phán về việc phân chia giá trị tài sản. Bởi vì, thẩm phán cũng là người ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản, mà trong quyết định này có nội dung rất quan trọng là phương án phân chia tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 38. Có thể thấy, thẩm phán có vai trò quyết định chính thức về phương án phân chia tài sản của doanh nghiệp phá sản, kiến nghị của Hội nghị chủ nợ chỉ có giá trị tham khảo.