Chủ thể có quyền tham gia Hội nghị chủ nợ

Một phần của tài liệu Quy chế pháp lý của hội nghị chủ nợ (Trang 31)

Những người sau đây có quyền tham gia Hội nghị chủ nợ:

- Các chủ nợ có tên trong danh sách chủ nợ. Chủ nợ có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác tham gia Hội nghị chủ nợ và người được ủy quyền có quyền, nghĩa vụ như chủ nợ;

- Đại diện cho người lao động, đại diện công đoàn được người lao động ủy quyền. Trong trường hợp này đại diện cho người lao động, đại diện công đoàn có quyền, nghĩa vụ như chủ nợ;

- Người bảo lãnh sau khi đã trả nợ thay cho doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản. Trong trường hợp này họ trở thành chủ nợ không có bảo đảm.

Về nguyên tắc thì mọi chủ nợ đều bình đẳng và đều có quyền đệ đơn yêu cầu giải quyết việc tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp mắc nợ. Tuy nhiên quyền của chủ nợ có bảo đảm bị hạn chế bởi đã có sự thỏa thuận về việc xử lý giá trị tài sản được bảo đảm. Pháp luật phá sản đã quy định cho cả ba loại chủ nợ đều có quyền được thông báo về quyết định mở thủ tục phá sản (Điều 29). Đây là quyền được thông tin nhằm giúp các chủ nợ có thể tham gia vào quá trình giải quyết phá sản để bảo vệ quyền lợi của mình. Sau khi danh sách chủ nợ do tổ quản lý và thanh lý tài sản công bố, nếu không đồng ý, chủ nợ có quyền khiếu nại với Tòa án về danh sách chủ nợ theo quy định tại Điều 52. Luật Phá sản 2004 còn quy định thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản để

quản lý có đại diện của chủ nợ (Điều 9 Luật Phá sản). Điều này cho thấy Luật Phá sản luôn bảo vệ quyền lợi của chủ nợ, tạo sự an tâm cho các chủ nợ khi tham gia vào quá trình giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản, nhằm đảm bảo cho khối tài sản của con nợ được sử dụng một cách hợp lý đúng pháp luật, ngoài ra còn hạn chế hành vi tẩu tán tài sản của con nợ nhằm bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ, các doanh nghiệp hợp tác xã cũng như bảo vệ lợi ích của Nhà nước và xã hội.

Đại diện công đoàn hoặc đại diện người lao động (nơi chưa có tổ chức công đoàn), trong trường hợp doanh nghiệp không trả đủ lương cho người lao động theo hợp đồng trong ba tháng liên tiếp thì cũng có quyền như chủ nợ không có bảo đảm hay chủ nợ có bảo đảm một phần. Sau khi nộp đơn, đại diện công đoàn (hay đại diện người lao dộng) được coi là chủ nợ. Đại diện công đoàn là chủ tịch ban chấp hành công đoàn hoặc người được chủ tịch ban chấp hành công đoàn ủy quyền bằng văn bản.

Dù là chủ nợ có bảo đảm hay là chủ nợ có bảo đảm một phần hay chủ nợ không có bảo đảm thì các chủ nợ đều có quyền khiếu nại báo cáo kết quả thực hiện phương án phân chia tài sản của tổ quản lý thanh lý tài sản theo điều 30 nghị định 67/2006/NĐ-CP. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày báo cáo kết quả thực hiện phương án phân chia tài sản được niêm yết, chỉ khi không có chủ nợ nào khiếu nại thì thẩm phán mới được ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản và ra quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Trong giai đoạn này, các chủ nợ còn chung quyền nhận giấy triệu tập tham gia Hội nghị chủ nợ theo Khoản 3, Điều 61, Luật Phá sản 2004. Đi kèm với giấy triệu tập tham gia Hội nghị chủ nợ thì các chủ nợ được quyền nhận chương trình và nội dung hội nghị cũng như các giấy tờ, tài liệu khác có liên quan. Tất cả các chủ nợ có tên trong danh sách chủ nợ đều có quyền tham gia Hội nghị chủ nợ theo Điều 62 Luật Phá sản. Chủ nợ nào cũng có thể ủy quyền bằng văn bản cho

người khác tham gia Hội nghị chủ nợ thay mình, và người được ủy quyền này có quyền và nghĩa vụ như chủ nợ đó. Đây là quy định bảo đảm cho các chủ nợ có thể nắm thông tin và tham gia xuyên suốt quá trình tiến hành thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã.

Ngoài điểm giống nhau về các quyền đã nêu ở trên thì các chủ nợ còn giống nhau ở nghĩa vụ gửi giấy đòi nợ cho Tòa án theo quy định tại Điều 51 Luật Phá sản. Song, đây không phải là quyền tuyệt đối vì chủ nợ chỉ có quyền gửi giấy đòi nợ trong một khoảng thời gian luật định: “Trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày cuối cùng đăng báo về quyết định của Toà án mở thủ tục phá sản, các chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho Toà án, trong đó nêu cụ thể các khoản nợ, số nợ đến hạn và chưa đến hạn, số nợ có bảo đảm và không có bảo đảm mà doanh nghiệp, hợp tác xã phải trả. Kèm theo giấy đòi nợ là các tài liệu chứng minh về các khoản nợ đó. Hết thời hạn này các chủ nợ không gửi giấy đòi nợ đến Toà án thì được coi là từ bỏ quyền đòi nợ”. Việc đòi nợ là quyền của chủ nợ nhưng tất cả các chủ nợ đều có nghĩa vụ thực hiện quyền này vì thủ tục giải quyết phá sản là thủ tục tư pháp đặc biệt thể hiện ở việc đòi nợ tập thể và thanh toán nợ tập thể. Nếu chủ nợ không gửi giấy đòi nợ trong thời hạn luật đã quy định coi như từ bỏ quyền lợi chính đáng của mình. Căn cứ để Tòa án xác định rằng doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản có mắc nợ chính là giấy đòi nợ và những tài liệu chứng minh khoản nợ đó của các chủ nợ gửi tới Tòa án. Vì vậy, chủ nợ phải nắm vững những quy định của pháp luật phá sản để tự bảo vệ mình trên cơ sở sự bảo vệ của luật.

Ngoài ra, tại Hội nghị chủ nợ còn có sự tham gia của đại diện cho người lao động, đại diện cho công đoàn có quyền, nghĩa vụ như chủ nợ tại Hội nghị chủ nợ. Theo quy định tại Luật Phá sản, trong trường hợp chủ sử dụng lao động nợ tiền lương và các khoản nợ khác của người lao động và doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản thì đại diện công đoàn có quyền nộp

đơn đến Tòa án nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Trong trường hợp này, công đoàn thay mặt cho người lao động tham gia với tư cách đương sự. Nếu Tòa án mở thủ tục tuyên bố phá sản doanh nghiệp, công đoàn sẽ tham gia Hội nghị chủ nợ, và có thể tham gia Tổ quản lý tài sản theo quyết định của Thẩm phán phụ trách giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp đó.

Một phần của tài liệu Quy chế pháp lý của hội nghị chủ nợ (Trang 31)