Vị trí, vai trò trung tâm của Tòa án nước trong thủ tục giải quyết phá sản vẫn tiếp tục được Luật Phá sản năm 2004 khẳng định và thể hiện rõ nét.
Theo quy định tại Điều 8, việc giải quyết vụ phá sản tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh do một Thẩm phán hoặc tổ Thẩm phán (gồm 03 Thẩm phán thực hiện). Trong đó, việc triệu tập và chủ trì Hội nghị chủ nợ là trách nhiệm của Thẩm phán được phân công phụ trách giải quyết vụ tuyên bố phá sản. Mục đích của việc triệu tập Hội nghị chủ nợ là nhằm để để cho các chủ nợ đề đạt các nguyện vọng của mình, đảm bảo quyền lợi cho chủ nợ, đồng thời nó là dịp quyết định cơ bản sự sống còn của doanh nghiệp.
Thẩm phán là người ra quyết định triệu tập chủ nợ để họp Hội nghị chủ nợ. Hội nghị chủ nợ do thẩm phán phụ trách tiền hành phá sản chủ trì và kiểm tra sự có mặt cũng như xem xét tính hợp lệ của Hội nghị chủ nợ, các Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ. Quy định về tính bắt buộc của Hội nghị chủ nợ (trừ trường hợp quy định tại Điều 78 Luật Phá sản) và vai trò xuyên suốt của thẩm phán tại Hội nghị chủ nợ là nét đặc thù của pháp luật phá sản Việt Nam so với Luật Phá sản của một số nước khác trên thế giới như Anh, Pháp, Úc. Các quy định trong Luật Phá sản về Hội nghị chủ nợ và vai trò của thẩm phán cũng như mối liên hệ giữa chúng trong quá trình giải quyết phá sản là hoàn toàn phù hợp với các đặc điểm về chính trị, kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay [43, tr.66].