Nghi thức thờ kính tổ tiên dịp Tết Nguyên Đán

Một phần của tài liệu Vấn đề thờ cúng tổ tiên của người công giáo họ đạo lai tê (lương tài, bắc ninh) (Trang 51)

6. Cấu trúc của khóa luận

2.2.3.Nghi thức thờ kính tổ tiên dịp Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán là “một sinh hoạt văn hóa cổ truyền quan trọng - nếu không nói là quan trọng nhất của người Việt cổ đồng bằng” [28, 309]. Năm hết tết đến, người người đều rộn ràng chuẩn bị sửa soạn đón Tết, tắm mình trong không khí Tết, hưởng thụ Tết... Đây là “dịp duy nhất trong năm có sự sum họp đầy đủ của tập thể gia đình, gia tiên và gia thần” [18, 266]. Do đó, tất cả phải được chuẩn bị đầy đủ và chu đáo từ khâu chuẩn bị vật dụng cho ngày Tết cũng như những nghi thức tiến hành trong ngày Tết.

Giáo dân Công giáo thực hiện lịch phụng vụ của mình theo năm dương lịch. Do đó, về lý thuyết, họ sẽ không theo âm lịch và không có những nghi lễ trong Tết Nguyên Đán. Song từ lâu, các xứ họ nói chung và giáo họ Lai Tê nói riêng vẫn tổ chức những nghi thức phụng vụ đặc biệt trong những ngày Tết Nguyên Đán, trong đó có nội dung thờ kính tổ tiên. Thờ kính tổ tiên là nghi thức được chú trọng, biểu hiện rõ nhất ở những nghi thức diễn ra trong hai ngày: ngày cuối năm và ngày mồng 2 Tết Nguyên Đán.

2.2.3.1. Nghi thức thờ kính tổ tiên ngày cuối năm

Không khí Tết ở Lai Tê ngày nay khác nhiều so với trước kia. Kinh tế thị trường phát triển, trước Tết người ta tất bật buôn bán, làm ăn, không còn mấy cảnh chung nhau đụng thịt lợn, thịt chó như ngày xưa, ít cảnh cả nhà thay nhau trông nồi bánh chưng suốt đêm 30 Tết... Thay vào đó đã có những chiếc bánh chưng, đồ ăn sẵn được đặt mua. Nhưng có một tập tục không hề có sự thay đổi, đó là việc sang sửa lại mồ mả của ông bà cha mẹ vào buổi chiều ngày cuối năm và việc con cháu nội ngoại chi nào tộc ấy, phải tề tựu tại nhà trưởng tộc vào buổi tối ngày cuối năm, trước giao thừa để cầu nguyện cho “tiền nhân”. Đây chẳng những là dịp để con cháu gặp gỡ, thăm hỏi, trao đổi với nhau nhằm thắt chặt thêm mối dây liên lạc giữa những người trong gia

Trường ĐHSP Hà Nội 2 Khoa Ngữ Văn

quyến với nhau, mà còn là dịp con cháu tôn kính ông bà, cha mẹ, những người thân quá cố trong gia đình.

Vào buổi chiều ngày 30 Tết, thông thường các gia đình đều cử một vài thành viên trong gia đình ra Vườn thánh (nghĩa địa) để sửa sang lại mồ mả của những người thân trong gia đình. Việc sửa sang có thể chỉ đơn giản là việc phát những cây bụi cho bớt rậm rạp, trồng thêm khóm hoa hay cây cảnh, thắp nén hương trên phần mộ người quá cố. Nhưng cũng có thể là việc quét vôi, ve hay sơn sửa lại phần mộ của gia đình.

Bên cạnh đó, việc trang hoàng lại bàn thờ tổ tiên tại gia đình là không thể bỏ qua. Bàn thờ thờ kính tổ tiên của giáo dân Công giáo Lai Tê hiện nay thường được lồng ghép với bàn thờ Chúa. Cũng có một số gia đình tách riêng bàn thờ Chúa và bàn thờ thờ kính tổ tiên. Lại có một số gia đình chỉ treo di ảnh của người thân. Vị trí bàn thờ được đặt tùy theo từng gia đình. Có gia đình đặt bàn thờ phía chính diện cửa ra vào, cũng có gia đình đặt ở đầu hồi phía trái hoặc phải ngôi nhà, tùy theo thẩm mỹ của từng gia đình, không có một sự bắt buộc nào, ngoại trừ nguyên tắc: bàn thờ thờ kính tổ tiên phải được đặt ở vị trí trang nghiêm và đặt dưới bàn thờ Chúa. Và dù đặt ở vị trí nào, vào ngày Tết, con cháu cũng phải lau lại các đồ thờ trên bàn thờ. Ảnh người quá cố được lau chùi cẩn thận. Hương, nến thường được thay mới trong dịp cuối năm cũ, đầu năm mới. Thời gian Lai Tê chưa có điện, thông thường trên bàn thờ tổ tiên, người dân thường đặt một chiếc đèn dầu. Nhưng hiện nay, hầu hết đã thay thế đèn dầu bằng đèn điện. Nếu như ngày thường, bàn thờ chỉ có những lọ hoa giả thì ngày Tết, hầu hết các gia đình Công giáo Lai Tê đều trang trí thêm hoa tươi trên bàn thờ tổ tiên của gia đình cho thêm phần trang trọng và phù hợp với không khí rộn ràng của ngày Tết. Ngoài ra, trong những ngày Tết, trên bàn thờ của giáo dân Công giáo Lai Tê cũng đặt thêm mâm ngũ quả cho thêm phần trang trọng. Tết Nguyên Đán tuy bắt đầu từ mồng Một

Trường ĐHSP Hà Nội 2 Khoa Ngữ Văn

tháng Giêng, nhưng thực sự người Công giáo Lai Tê đã sửa soạn, trang trí bàn thờ ngay từ những ngày 25, 26 tháng Chạp với hy vọng sẽ có một khung cảnh sáng sủa, sạch sẽ để đón xuân. Với những gia đình trưởng tộc thì việc chuẩn bị sang sửa bàn thờ càng quan trọng hơn, bởi sau một năm tất bật làm ăn, buổi tối ngày cuối năm là dịp duy nhất có thể tập trung đầy đủ con cháu để cầu nguyện cho tiền nhân. Do đó, việc trang trí bàn thờ tổ tiên cũng như việc tổ chức đọc kinh cầu nguyện cho tiền nhân cũng là dịp để người trưởng tộc làm gương cho con cháu trong việc báo hiếu với cha mẹ, ông bà tổ tiên.

Dù đã thành lệ, nhưng tối ngày 30 Tết, trước khi đọc kinh cầu nguyện cho “tiền nhân”, người trưởng tộc vẫn tuyên bố lý do của việc tập trung cả chi tộc ngày hôm đó. Sau đó, người trưởng tộc sẽ đốt hương và vái ba lạy trước bàn thờ tổ tiên trước sự chứng kiến của toàn thể chi tộc. Sau khi thắp hương, nến, điện trên bàn thờ tổ tiên, buổi cầu nguyện cho tổ tiên bắt đầu diễn ra. Thông thường, các kinh đọc trong buổi cầu nguyện cho ông bà tổ tiên tối ngày 30 Tết thường là những kinh trong sách bổn và 50 kinh kính mừng với ý chỉ cầu cho tổ tiên.

Sau khoảng một giờ, việc đọc kinh cầu nguyện kết thúc. Mọi người đều mang trong mình những tâm tình biết ơn với ông bà, tổ tiên. Người ta nói chuyện, nhắc với nhau những câu chuyện về các bậc tiền nhân. Những thế hệ sau thường nhân dịp này hỏi han những người lớn tuổi hơn những điều thắc mắc về người quá cố. Ông bà, cha mẹ, những người lớn tuổi thì kể cho con cháu về những bậc cố nhân, những kỷ niệm xa xưa. Tất cả tạo nên một không khí thiêng liêng, gần gũi và gợi nhớ về ông bà tổ tiên.

2.2.3.2. Nghi thức thờ kính tổ tiên ngày mồng 2 Tết

- Tại gia đình:

Mọi người thường tập trung lại để đi chúc Tết nhau trong ngày mồng 2 Tết. Những gia đình có người thân mới qua đời thường không tổ chức đi chúc

Trường ĐHSP Hà Nội 2 Khoa Ngữ Văn

Tết. Họ thường ở nhà đọc kinh cầu nguyện cho người mới qua đời. Các gia đình Công giáo trong làng thường tập trung thành từng đoàn đi đến các nhà có người chết trong năm để cầu nguyện cho người quá cố. Việc đọc kinh cầu nguyện trong ngày Tết diễn ra trong thời gian không dài, từ 5-7 phút, người dân Lai Tê thường gọi là “cầu nguyện tắt” mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Trong không khí vui vẻ, đầm ấm của sự sum họp ở các gia đình khác trong họ đạo, những gia đình mới có người thân qua đời lại cảm nhận sự trống trải hơn bất cứ lúc nào. Họ cần sự chia sẻ của cộng đoàn, cần những lời động viên từ người khác rất nhiều. Do đó, việc đọc kinh cầu nguyện chẳng những là sinh ích cho linh hồn người qua đời mà còn góp phần an ủi gia đình có người thân mới qua đời, giúp họ bớt đi nỗi nhớ thương người quá cố.

- Tại cộng đồng

Theo tinh thần chung của Giáo hội, giáo dân Công giáo Lai Tê đón ngày mồng 2 Tết với nội dung: cầu cho ông bà tổ tiên. Trong ngày này, linh mục dâng lễ rất long trọng. Thánh lễ thường được diễn ra vào buổi chiều tại Vườn thánh. Nhân dịp này, linh mục thường nhắc nhở các tín đồ bổn phận với tổ tiên, khuyến khích tín đồ làm nhiều việc lành phúc đức cầu nguyện cho ông bà tổ tiên.

Sau thánh lễ cầu cho ông bà tổ tiên, cộng đồng giáo dân Lai Tê từ người già đến người trẻ thường tập trung lại để đi chúc Tết linh mục trong xứ, bởi trong tâm thức của giáo dân Lai Tê, linh mục là người đứng đầu cộng đoàn, là người cha thiêng liêng của cả cộng đoàn. Việc tỏ lòng kính trọng linh mục cũng là hình thức báo hiếu, một hình thức thể hiện lòng biết ơn với người đã có công chăm lo đời sống cả vật chất và tinh thần cho giáo dân Lai Tê.

Như vậy, việc thờ kính tổ tiên trong dịp Tết Nguyên Đán không những cho thấy tấm lòng thành kính của giáo dân Công giáo Lai Tê với ông bà tổ tiên, mà còn mang giá trị nhân văn nhân bản sâu sắc.

Trường ĐHSP Hà Nội 2 Khoa Ngữ Văn

Một phần của tài liệu Vấn đề thờ cúng tổ tiên của người công giáo họ đạo lai tê (lương tài, bắc ninh) (Trang 51)