Công ước Paris về bảo hộ quyền SHCN 1883

Một phần của tài liệu Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn thương mại bằng biện pháp dân sự theo pháp luật Việt Nam (Trang 35)

Công ước Paris được ký kết ngày 20/3/1883 tại Paris và được xem xét lại nhiều lần vào các năm 1900, 1911, 1934, 1958, 1967 và được sửa đổi vào năm 1979. Việt Nam là thành viên của Công ước Paris vào ngày 08/3/1949 (trên cơ sở kế thừa của chính quyền Ngụy Sài Gòn). Đây là Công ước quốc tế đầu tiên đề cập tới việc bảo hộ QSHCN nói chung và chỉ dẫn thương mại nói riêng.

Công ước Paris năm 1883 chủ yếu đề cập đến việc bảo hộ chỉ dẫn thương mại thông qua các nguyên tắc chung về xác lập quyền, nguyên tắc đối xử quốc gia, về quyền ưu tiên yêu cầu mỗi quốc gia thành viên phải tuân thủ mà không có những quy định cụ thể về các biện pháp bảo đảm thực thi cũng như quy định về bảo vệ QSHCN.

Theo Công ước Paris đối với việc bảo hộ, mỗi nước thành viên phải dành cho công dân nước thành viên khác sự bảo hộ tương tự như sự bảo hộ dành cho công dân nước mình. Công ước cũng quy định về chế độ đối xử quốc gia trong bảo hộ nhằm đảm bảo quyền của người nước ngoài được bảo hộ và đảm bảo không có sự phân biệt đối xử theo bất kỳ cách nào liên quan đến bảo hộ chỉ dẫn thương mại.

Đây là công ước quốc tế cơ bản nhất xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của các quốc gia thành viên và là cơ sở cho các công ước riêng áp dụng cho từng lĩnh vực cụ thể và các hiệp ước song phương sau này. Tuy vấn đề thực thi QSHCN mới chỉ được đề cập một cách nguyên tắc và có tính chất khuyến cáo, nhưng Công ước Paris đã gợi mở sự hình thành những công cụ pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của chủ thể quyền trong hệ thống pháp luật của từng quốc gia.

Một phần của tài liệu Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn thương mại bằng biện pháp dân sự theo pháp luật Việt Nam (Trang 35)