Ngày 27 tháng 01 năm 2013, Nhóm tư vấn đánh giá tác động môi trường và xã hội (Working Group on Social and Environmental Impact Assessments, được viết tắt là SEIA) gồm 11 thành viên đã thực hiện chuyến thực địa tiền đánh giá ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Mục tiêu của nhóm là nghiên cứu sơ bộ các vấn đề về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường dưới tác động của thủy điện A Lưới ở một số vùng được chọn lựa của huyện, làm cơ sở cho việc thiết lập chương trình nghiên cứu dài hạn trong năm 2013 [5].
Ngoài những tác động tích cực về kinh tế mà thủy điện A Lưới mang lại cho đất nước thì những tác động về mặt môi trường và xã hội đối với đời sống người dân địa phương là không nhỏ. Thủy điện A Lưới, theo báo cáo của huyện, có ảnh hưởng trên 1.890 ha thuộc phạm vi 7 xã trên toàn huyện với 1.381 hộ dân. Về đời sống người dân địa phương, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, 205 hộ bị thu hồi đất hoàn toàn, trong đó 106 hộ được đưa về tái định cư ở thôn Cân Tôm, còn 99 hộ
tự tìm nơi ở mới.
Thứ nhất, Dự án Thủy điện A lưới có vấn đề từ khía cạnh thể chế và quy hoạch, triển khai quy hoạch và sự tham gia của các bên liên quan trong việc thông tin và đáp ứng các nhu cầu thực tiễn xảy ra. Cụ thể, việc quy hoạch đất sản xuất lúa 2 vụ cho người dân nằm trên vùng đất bồi cuội sỏi với diện tích gần hơn 5 ha. Tầng đất mặt chỉ chưa đến 5 cm và đầy cuội sỏi lớn. Không hiểu người dân sẽ bằng cách nào để cấy lúa 2 vụ. Thậm chí cây sim mua cũng khó sống nổi trên vùng đất khô cằn và sỏi đá này. Nhiều người dân đã được nhận đất ở đây để làm lúa nhưng không thể cải tạo nổi nên đành để đất trống cho cỏ dại mọc và các công trình thủy lợi cũng
đành bỏ hoang. Thêm vào đó, mặt bằng bàn giao cho người dân để làm đất ở và canh tác không được san lấp đúng quy định. Khu vực tái định cư chỉ được san lấp cho khu vực làm nền nhà ở khoảng 150m2/1000m2 đất ở và vườn. Các khu đồi nham nhở cùng với các hố sâu không được san lấp gây khó khăn cho bà con trong việc phát triển vườn nhà. Đó chưa kể đến sự nguy hiểm cho các em nhỏ vào mùa mưa khi có rất nhiều các hố sâu đầy nước khi các em đi chơi ở vườn nhà và cha mẹ các phải đi làm nương rẫy xa.
Thứ hai là dự án này chưa đủ điều kiện để tham chiếu đến Chủ trương của Nhà nước là đảm bảo cuộc sống của người dân TĐC tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Việc đào tạo và tạo việc làm cho bà con là một trong những vấn đề nan giải. Diện tích đất vườn thì có nhưng công tác khuyến nông và phát triển sinh kế chưa được đầu tư nhiều trong khi đất thì xấu có nhiều đá lẫn và đã bị thoái hóa. Nhiều người dân không có việc làm và thiếu đất sản xuất đã tìm cách quay trở về quê cũ để tiếp tục canh tác trên vùng đất bán ngập nước hoặc tìm cách phá rừng làm nương rẫy để có kế sinh nhai.
Vấn đề thứ ba là thiếu sự kết nối giữa tái định cư, dân tộc và phát triển. Đây chính là cơ sở ban đầu mà nhóm SEIA xem xét để đánh giá các tác động trong khung thời gian dài hạn và các nguyên tắc phát triển bền vững.
CHƯƠNG 2: ĐỊA ĐIỂM, THỜI GIAN, PHƯƠNG PHÁP LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU