J Dewey: con người và tác phẩm

Một phần của tài liệu Quan điểm của John Dewey về dân chủ trong giáo dục Luận văn ThS. Triết học (Trang 35)

John Dewey (1859 – 1952) là nhà triết học thực dụng lớn sau Peirce và James. Ông đã có những cống hiến giúp mở rộng tầm ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dụng không chỉ trong nước Mỹ mà còn trên khắp thế giới.

Dewey sinh năm 1859, hai năm trước khi xảy ra Nội chiến, trong suốt những năm tháng ấu thơ ông sống cùng cha mẹ tại Lake Champlain. Cha Dewey kinh doanh tạp hóa và là một con chiên ngoan đạo. Người mẹ, trẻ hơn cha Dewey tới 20 tuổi, là người có công không nhỏ trong quá trình định hình nên tinh thần trách nhiệm cao trong lối sống của nhà triết học.

Năm 1875, Dewey tốt nghiệp đại học tại trường Vermount. Sau khi tốt nghiệp, ông lần lượt dạy học từ trung học tới đại học tại Pennsylvania và Vermount, sau đó

chuyển hẳn sang nghiên cứu triết học. Năm 1882, ông là nghiên cứu sinh triết học của đại học John Hopkins – trường đại học tiên phong trong giáo dục đại học theo mô hình Đức tại Mỹ. Tại đây, Dewey đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của George Sylvester Morris (1840 – 1889), một nhà duy tâm theo chủ nghĩa Hegel mới trong thời gian giảng dạy ở đây. Hai năm sau (1884), ông đỗ tiến sĩ triết học với luận án

Tâm lý học Kant. Sau khi nhận bằng tiến sĩ, ông đi theo Morris và chuyển tới đại

học Michigan mới được thành lập, đảm nhiệm vị trí trưởng khoa triết học tại trường đại học này năm 1889.

Tại Michigan, cuộc hôn nhân với Alice Chipman đã chuyển hướng niềm hứng thú của Dewey sang giáo dục, đặc biệt đã khiến ông soạn thảo bài viết My pedagogic creed (Cương lĩnh sư phạm của tôi). Từ đây, Dewey bắt đầu quan tâm

đến giáo dục công. Ông là thành viên sáng lập câu lạc bộ Michigan Schoolmaster trong nỗ lực thúc đẩy sự hợp tác giữa các trường trung học công lập với các giảng viên đại học.

Năm 1894, Dewey chuyển tới giảng dạy tại đại học Chicago trong 10 năm (1894 – 1904). Đây là thời gian quan trọng trong sự nghiệp tư tưởng của ông. Tại đây ông sáng lập phân khoa giáo dục độc lập của Trường Sư phạm Thực hành thuộc Đại học Chicago (tháng 1 năm 1896), nơi các lý thuyết và thực nghiệm giáo dục do tâm lý học và triết học đề xuất có thể được áp dụng và thử thách. Trường Sư phạm thực hành thu hút sự chú ý rộng rãi và nâng cao danh tiếng cho Đại học Chicago như trung tâm đầu tiên của tư tưởng giáo dục tiến bộ. Những ý tưởng và đề xuất của Dewey trong thời gian này đã tác động mạnh mẽ tới lý thuyết và thực hành giáo dục ở Mỹ. Mọi khía cạnh trong những quan điểm của ông đều được ngành giáo dục hưởng ứng, theo đó nhà trường cần phải loại bỏ cách giảng dạy truyền thống, chú trọng nhiều hơn tới cuộc sống thực tế thay vì quá tập trung vào sách vở như trước đây, không cần quan tâm nhiều tới truyền đạt tri thức lý luận, nên quan tâm chủ yếu tới đào tạo kỹ năng thực hành. Dewey thường nhấn mạnh khẩu hiệu: giáo dục là cuộc sống, không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống. Ở trường đại học Chicago, Dewey cùng một số người cùng chí hướng thành lập một trường phái triết học thực

dụng mang tên ―trường phái Chicago‖ đánh dấu bước chuyển toàn diện của tư tưởng Dewey từ triết học Hegel sang triết học thực dụng với một dạng thức khác được ông gọi tên là ―thuyết công cụ‖ (instrumentalism).

Từ những năm 1919 cho đến cuối đời, ông đi thăm và giảng dạy triết học ở nhiều nơi trên thế giới. Dewey đã đến Nhật Bản, Trung Quốc trong thời kỳ cuộc vận động Ngũ tứ, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên bang cộng sản Xã hội chủ nghĩa Xô Viết, một thể chế cộng hòa ―có nền dân chủ vượt qua những nền dân chủ có tham vọng nhất trong quá khứ‖ [7, tr. 129] như ông nhận xét. Đặc biệt, tại Trung Quốc, ông đã giúp cử tọa Trung Quốc hiểu thế nào là cách tư duy dân chủ, thế nào là hành xử và sinh sống theo một cách dân chủ. Thời kỳ phong trào Ngũ tứ, đất nước Trung Quốc đang trải qua một giai đoạn bất ổn về kinh tế, chính trị và bang giao quốc tế nhưng giới trí thức lại tỏ ra rất năng động và tràn đầy niềm hăng hái. Các bài thuyết trình của Dewey đã truyền cảm hứng và cung cấp ý tưởng cho những trí thức đang mong muốn đưa Trung Quốc tiến lên. Qua đó, ta có thể nhận thấy: ở bất cứ đâu Dewey cũng bận tâm về những thúc đẩy dân chủ như là một nhiệm vụ quan trọng của triết học thực dụng luôn được ông nhấn mạnh. Trong suốt cuộc đời mình, Dewey được biết tới như là một nhà hoạt động xã hội không biết mệt mỏi bên cạnh những nỗ lực học thuật. Ông tham gia những chương trình như vận động cho quyền được bầu cử của phụ nữ, sáng lập Hội liên hiệp các giáo sư đại học Hoa Kỳ, giúp đỡ điều hành Công đoàn công dân tự do Hoa Kỳ…

Những tác phẩm nổi tiếng của John Dewey có thể kể đến như Đạo đức học

(Ethics) (1908), Cách ta nghĩ(How we think) (1909), Luận văn về logic thực nghiệm (Essays in Experimental Logic) (1916), Cải biến triết học (Reconstruction in Philosophy) (1920), Kinh nghiệm và tự nhiên (Experience and Nature) (1925), Công

luận và vấn đề của nó (The Public and Its Problems) (1927), Theo đuổi tính xác tín: một nghiên cứu về mối quan hệ giữa tri thức và hành động (The Quest for Certainty:

A Study of the Relation of Knowledge and Action) (1929), Tự do và văn hóa

(Freedom and Culture) (1939), Nhận thức và cái đã biết (Knowing and the Known) (1949)…Trong đó những tác phẩm nổi tiếng nhất bàn về giáo dục được tiếp cận

trong luận văn này phải kể đến là Nhà trường và xã hội (The school and Society)

(1899), Cách ta nghĩ (How we think) (1909), Dân chủ và giáo dục (Democracy and education) (1916), Kinh nghiệm và giáo dục (Experience and Education) (1938).

Tác phẩm Cách ta nghĩ (do dịch giả Lê Đức Anh biên dịch, NXB Tri thức phát hành năm 2012), được xuất bản năm 1909. Tác phẩm thể hiện niềm tin của Dewey vào vai trò của tư duy, suy nghĩ phản tư trong quá trình tồn tại và hoạt động, tương tác với môi trường xung quanh của cá nhân. Tác phẩm cũng chỉ ra những phương thức rèn luyện tư duy, phê phán phản tư và cách thức sắp xếp các dữ kiện thực tế thúc đẩy tư duy khởi phát một cách hiệu quả. Tác phẩm gồm ba phần chính là vấn đề luyện trí, suy luận và rèn luyện trí nghĩ đã giúp người đọc hình dung rõ hơn về bản chất của ý nghĩ đến các dạng thức, quy tắc và phương pháp thực hành, qua đó đề xuất xây dựng môi trường nuôi dưỡng suy nghĩ của chúng ta đi đúng hướng. Nguyên lý này luôn được quán triệt và áp dụng linh hoạt trong việc biên soạn nội dung môn học trong chính trường học thực nghiệm do Dewey sáng lập.

Cuốn Nhà trường và xã hội có lẽ là một trong những tác phẩm được dịch nhiều nhất và là cuốn sách phổ biến nhất của Dewey. Tác phẩm này kết hợp với trường thực nghiệm Dewey khiến cách tiếp cận giáo dục của ông trở nên nổi tiếng trước công chúng Mỹ cũng như giới nghiên cứu. Được xuất bản lần đầu tiên năm 1899 do Đại học Chicago ấn hành và tiếp tục được tái bản những lần sau đó, tác phẩm của Dewey gồm 3 bài giảng, dài 95 trang được ông trình bày trong tháng 4 năm 1899 trước các bậc phụ huynh học sinh theo học tại trường thực nghiệm cũng như những người chia sẻ niềm hứng thú với mô hình giáo dục mới. Dewey biên tập các bài giảng này dưới dạng các văn bản tốc ký vì vậy ngôn ngữ tương tối dễ hiểu và trở nên quen thuộc với nhiều đối tượng độc giả.

Tác phẩm trình bày những trăn trở của Dewey về vai trò của nhà trường và giáo dục nhà trường trong các tiến trình xã hội ở một quốc gia đang dần trưởng thành và lớn mạnh như Mỹ. Đồng thời ông cũng cho biết khả năng áp dụng tâm lý học vào giáo dục khi xây dựng phương pháp học tập qua thực hành, qua đó cho thấy vai trò quan trọng của thực nghiệm và trải nghiệm thực tế trong việc gia tăng tri

thức thực hành cho trẻ em. Từ đó, tác phẩm giúp độc giả có thể hình dung rõ nét về mô hình trường học tiến bộ, dân chủ của Dewey.

Tác phẩm Dân chủ và giáo dục hơn 300 trang được Dewey xuất bản vào năm

1916, những năm tháng thuộc kỷ nguyên tiến bộ của nước Mỹ. Nội dung chính của tác phẩm xoay quanh một triết học giáo dục mới. Triết học giáo dục này đề cao tính đa dạng trong cá tính cũng như năng lực ở trẻ em, đề xướng sự phát triển trí tuệ mang tính xã hội và năng lực phán xét ở trẻ em để chúng có thể tham gia tích cực vào đời sống xã hội vì mục đích chung của cộng đồng. Theo Dewey, trẻ em không thể bị xem là những công dân dự bị để nhà trường và xã hội buộc phải giáo dục, thuần hóa ở hiện tại để chuẩn bị cho tương lai như quan niệm truyền thống. Ngược lại, trẻ em cần được hạnh phúc ngay trong nhà trường, ngay trong lúc chúng đang sống những tháng năm đẹp đẽ của tuổi học trò. Cuốn sách chỉ rõ những mục tiêu và phương pháp kiến tạo nền giáo dục công lập xét từ quan điểm nói trên, và đưa ra đánh giá có tính phê phán đối với các lý luận về nhận thức và sự phát triển đạo đức trước đó có thể gây cản trở cho quá trình thực hiện đầy đủ lý tưởng dân chủ. Tác phẩm Dân chủ và giáo dục ra đời, Dewey được xem là cha đẻ của trào lưu cải cách giáo dục – đoạn tuyệt với mô hình nhà trường truyền thống và xây dựng một triết lý giáo dục mới cho nền giáo dục công của nước Mỹ.

Cuốn sách thứ ba cần phải đề cập tới là cuốn Kinh nghiệm và giáo dục. Đây là một cuốn sách tương đối mỏng và nhỏ gọn, gồm 7 chương, được Dewey viết năm 1938. Cuốn sách này đã cung cấp sự phân tích tỉ mỉ và súc tích của Dewey về mối quan hệ giữa giáo dục và kinh nghiệm. Cũng như các tác phẩm bàn về giáo dục khác, trong tác phẩm Kinh nghiệm và giáo dục, Dewey tiếp tục nhấn mạnh các khái niệm kinh nghiệm, thực nghiệm, tự do, học có mục đích. Hơn nữa, Dewey khẳng định tầm quan trọng của các quá trình tương tác xã hội trong học tập và chất lượng của các trải nghiệm giáo dục, cũng như các nhân tố khác của giáo dục tiến bộ trong tương quan so sánh với giáo dục truyền thống của nước Mỹ thời bấy giờ.

Thêm vào đó, trong tác phẩm này, Dewey đã đưa ra những nhận định và đánh giá về giáo dục truyền thống và giáo dục tiến bộ, những hiện tượng được ông xem

là thách thức đối với cả hai cách tiếp cận giáo dục kể trên do thiếu một loại triết học về kinh nghiệm được phát triển cẩn trọng và toàn diện. Lý thuyết về học tập tiến bộ của Dewey dựa trên ý tưởng cho rằng, trẻ em không thể bị coi là những tờ giấy trắng chờ người lớn vẽ nên những tri thức và kỹ năng trong suốt quá trình học từ mẫu giáo cho tới phổ thông. Thay vào đó, học sinh được tổ chức theo cách thức có

thể cùng nhau thực hiện những trải nghiệm thực tế trong một mô hình xã hội thu nhỏ là nhà trường, từ đó, phát triển toàn diện năng lực, kiến thức và tính cách. Do

vậy, vai trò của giáo viên là phải tạo ra một môi trường đầy ắp những kinh nghiệm mang tính giáo dục cho sự trải nghiệm của học sinh và cùng với học sinh tìm kiếm chân lý nhằm nâng cao và bồi đắp thêm kinh nghiệm của giáo viên ấy.

Một phần của tài liệu Quan điểm của John Dewey về dân chủ trong giáo dục Luận văn ThS. Triết học (Trang 35)