Khả năng sinh lời của công ty được thể hiện qua các tỷ số lợi nhuận trên doanh thu, lợi nhuận trên tài sản và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Vì vậy nâng cao khả năng sinh lời đồng nghĩa với việc tăng lợi nhuận sau thuế , tăng doanh thu hoặc giảm tài sản, giảm vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, giảm tài sản và vốn chủ sở hữu không khả thi và bất hợp lý vì điều đó đi ngược với mục tiêu và xu thế phát triển của doanh nghiệp. Do đó, để nâng cao khả năng sinh lời của công ty, ta cần phải tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Lợi nhuận được xác định dựa trên doanh thu và chi phí.
Tăng doanh thu - Chất lượng sản phẩm:
Nâng cao vai trò chức năng quản trị hệ thống chất lượng và kiểm tra giám sát các quá trình tại bộ phận quản trị chất lượng công ty nhằm đảm bảo chất lượng của sản phẩm.
Thiết lập cơ chế tự kiểm tra – giám sát ở các bộ phận, nhằm đảm bảo tại mỗi bộ phận, phân xưởng phải có đầy đủ dữ liệu, hồ sơ được thống kê phân tích phục vụ cho công tác quản lý điều hành và cải tiến liên tục.
- Tận dụng tối đa các nguồn lực đang có vào hoạt động chính của công ty, tránh lãng phí hoặc sử dụng không đúng mục đích.
- Công ty nên có chiến lược phát triển hệ thống bán hàng phù hợp.
Trước mắt, cần tập trung mở rộng thị phần khách hàng cũ thông qua các biện pháp ổn định giá cả, đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường và tăng cường công tác chăm sóc khách hàng. Từng bước phát triển và mở rộng thị phần đối với khách hàng tiềm năng, khách hàng mới. Thành lập đội chuyên nghiên cứu các đối thủ cạnh tranh để từ đó tư vấn cho ban lãnh đạo, bộ phận kinh doanh thay đổi – cải thiện công tác quản lý – công nghệ kịp thời duy trì lợi thế cạnh tranh.
Công ty nên có cách nhìn nhận và đánh giá hợp lý rủi ro thu hồi nợ xảy ra để giảm các khoản phải thu.
- Phấn đấu hoàn thành cơ sở vật chất, kinh doanh những sản phẩm chất lượng tốt nhằm tăng uy tín và tăng cường khả năng cạnh tranh.
Giảm chi phí
Việc hạ thấp chi phí đồng nghĩa với việc tiết kiệm vốn lưu động. Khi công ty giảm được một lượng chi phí thì vốn lưu động cần có để đáp ứng yêu cầu kinh doanh của công ty sẽ giảm xuống. Giảm chi phí có ý nghĩa quan trọng đối với công ty, giúp công ty tạo được lợi thế cạnh tranh, đẩy nhanh công tác thu hồi vốn, tăng lợi nhuận.
Để có thể giảm chi phí, công ty có thể sử dụng một số giải pháp sau:
- Cần đa dạng hóa nhà cung cấp để có sự cạnh tranh về giá và chất lượng nguyên liệu đầu vào.
- Tiếp tục rà soát và cải tiến hệ thống kiểm soát chi phí ở từng bộ phận, phân xưởng với mục tiêu tối đa hóa nguồn lực hiện có giảm thiểu chi phí.
- Có chính sách kiểm soát các khoản chi phí hợp lý với doanh thu và lợi nhuận có được từ việc gia tăng chi phí đó. Như chi phí phải trả, trong đó điển hình là chi phí Marketing và lương bộ phận bán hàng tăng lên quá nhanh, việc này tuy có thể làm tăng doanh thu nhưng đồng thời cũng làm giảm lợi nhuận. Vì vậy công ty cần tận dụng tối đa các nguồn lực tránh trường hợp chi phí bỏ ra nhiều so với lợi nhuận đạt được.
- Công ty cần kiểm soát tốc độ tăng của chi phí tài chính, bằng cách giảm hàng tồn kho và các khoản đầu tư để có thể giảm khoản vay ngân hàng, giảm chi phí lãi vay, tính toán nhu cầu vốn từng giai đoạn để có kế hoạch sử dụng vốn vay có hiệu quả trong giai đoạn nền kinh tế lạm phát cao.
- Kiểm soát và sử dụng các phần tài sản cố định chưa được sử dụng hết nhằm tiết kiệm chi phí tối đa.
- Quản lý hàng tồn kho một cách hợp lý và hiệu quả giảm tối thiểu chi phí lưu kho.
- Có bộ phận thường xuyên rà soát và quản lý chặt chẽ quá trình vận chuyển cũng như bảo quản hàng hóa giảm tối thiểu các hư hỏng, tổn thất có thể xảy ra.
- Có cơ chế chế tài cũng như khen thưởng hợp lý nhằm động viên các cá nhân và bộ phận thực hiện tốt kế hoạch kiểm soát chi phí tại đơn vị mình.
- Công ty nên có chính sách đôn đốc cũng như nhanh chóng hoàn thành dự án nhà máy Bibica Miền Bắc và đi vào hoạt động ổn định nhằm giảm thiểu các định phí phải bỏ ra (như tiền thuê đất)