Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động bằng trọng tài

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp lao động bằng trọng tài theo pháp luật lao động Việt Nam (Trang 31)

Khi giải quyết tranh chấp lao động, trọng tài phải tuân thủ các quy tắc mà pháp luật quy định. Nếu vi phạm những quy tắc đó trong quá trình giải quyết thì các bên tranh chấp có quyền không công nhận và không thi hành phán quyết trọng tài. Việc xây dựng quy tắc tố tụng trọng tài là rất cần thiết và phải đảm bảo theo các nguyên tắc sau:

Một là, nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các bên

Trong quá trình giải quyết tranh chấp theo thủ tục trọng tài, các bên tranh chấp được đảm bảo tối đa quyền tự định đoạt của mình trong nhiều vấn đề. Các bên có quyền thỏa thuận lựa chọn trọng tài lao động đề giải quyết vụ tranh chấp, lựa chọn trọng tài viên, quy tắc tố tụng trọng tài, thời gian, địa điểm … Khi các bên đã thỏa thuận với nhau về những vấn đề này thì trọng tài viên phải tôn trọng nếu không thì quyết định trọng tài có thể bị hủy.

Trong trường hợp các bên đã lựa chọn trọng tài viên thì chỉ trọng tài viên đó có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Còn trong tố tụng tòa án, các bên không được lựa chọn thẩm phán hay các quy tắc tố tụng mà nó được tiến hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định

Ngoài ra, trong quá trình tham gia giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, các bên vẫn có thể tự thương lượng để đạt đến thoả thuận nhằm thu xếp những bất đồng đã xảy ra. Khi đó, trọng tài phải tôn trọng sự thoả thuận của các bên, đồng thời chấm dứt việc giải quyết.

Hai là, nguyên tắc trọng tài viên độc lập, khách quan

Các bên tranh chấp luôn mong muốn vụ tranh chấp được giải quyết theo hướng có lợi cho mình, vì vậy các trọng tài viên đóng vai trò quan trọng trong

28

việc giải quyết vụ tranh chấp. Để đảm bảo cho các trọng tài viên có thể độc lập và khách quan trong tố tụng trọng tài thì các trọng tài viên trước hết phải là những người có đủ điều kiện để có thể độc lập, khách quan. Các điều kiện đó có thể là năng lực hành vi, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức …

Khi tham gia giải quyết vụ tranh chấp thì các trọng tài viên phải thật sự là người trung lập, không có liên quan đến các bên tranh chấp hoặc có lợi ích cá nhân liên quan đến vụ tranh chấp đó. Các trọng tài viên phải độc lập trong việc xác minh, đánh giá vụ việc, độc lập trong việc đưa ra các phương án giải quyết vụ việc mà không chịu sự chi phối của bất cứ tổ chức hay cá nhân nào. Quyết định của trọng tài viên về việc giải quyết vụ tranh chấp phải khách quan và đúng sự thật.

Ba là, nguyên tắc trọng tài viên phải căn cứ vào pháp luật:

Bên cạnh việc phải độc lập, khách quan trong việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, các trọng tài viên còn phải tuyệt đối tuân thủ quy định của pháp luật. Pháp luật của mỗi nước có những quy định khác nhau về tố tụng trọng tài, các trọng tài viên phải căn cứ vào quy định tại nước mình để đánh giá, phân tích, và đưa ra hướng giải quyết vụ việc một cách phù hợp và đúng pháp luật

Tuy nhiên, quan hệ pháp luật lao động mang những đặc thù riêng khác với quan hệ pháp luật dân sự, kinh tế…, bởi đối tượng được đem ra “trao đổi” ở đây là sức lao động của con người. Các tranh chấp liên quan đến quan hệ lao động có thể là những tranh chấp về quyền hoặc những tranh chấp về lợi ích. Những tranh chấp về quyền thông thường đã được quy định trong luật hay trong hợp đồng nên các trọng tài viên có thể căn cứ vào đó để giải quyết vụ việc. Tuy nhiên những tranh chấp về lợi ích thường không được quy định trong luật, trong hợp đồng hay thỏa ước lao động tập thể nên khi giải quyết vụ việc các trọng tài viên phải vận dụng một cách linh hoạt, sáng

29

tạo các quy định của pháp luật để có thể giải quyết vụ việc một cách hợp lý và đúng pháp luật, cân bằng được lợi ích của các bên trong vụ tranh chấp, tránh tình trạng tranh chấp kéo dài.

Bốn là, nguyên tắc giải quyết một lần

Yêu cầu của việc giải quyết tranh chấp lao động là phải nhanh chóng, dứt điểm, tránh để vụ tranh chấp kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên. Nên ở các nước hầu hết đầu quy định thủ tục trọng tài chỉ được giải quyết một lần. Điều đó có nghĩa, trọng tài lao động chỉ có một cấp, phán quyết của trọng tài là phán quyết cuối cùng. Phán quyết đó không bị kháng cáo, kháng nghị và các bên có nghĩa vụ thi hành. Khi vụ tranh chấp đã được đưa ra giải quyết tại trọng tài thì nó sẽ không được đưa ra giải quyết tại tòa án nữa. Tòa án chỉ xem xét lại phán quyết của trọng tài khi trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp, các trọng tài viên có vi phạm quy định của pháp luật, chứ không được xét lại nội dung vụ tranh chấp.

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp lao động bằng trọng tài theo pháp luật lao động Việt Nam (Trang 31)