Bắc Ninh là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ với diện tích 827,7 km2, dân số 1.060 triệu người. Mật độ dân số là 1289 người/km2. là tỉnh có mật độ dân số cao thứ ba trong cả nước (sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội).
Bắc Ninh là tỉnh tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Địa hình Bắc Ninh tương đối bằng phẳng. Diện tích đồng bằng chiếm 94,47% diện tích của tỉnh.
Bắc Ninh là tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống và làng nghề mới. Hàng năm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh diễn ra hơn 300 lễ hội lớn nhỏ. Dân ca quan họ bắc Ninh đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Trong tổng dân số của tỉnh, dân số nông thôn chiếm 76,5%. Dân số Bắc Ninh thuộc loại dân số trẻ, trên 60% dân số trong độ tuổi lao động với chất lượng ngày càng được nâng cao.
Kể từ khi tái lập tỉnh Bắc Ninh (ngày 01/01/1997) với nền kinh tế phát triển ở mức thấp, quy mô kinh tế còn nhỏ bé; Sớm nhận định những khó khăn đó, những mặt thuận lợi về địa kinh tế, các nguồn lực phát triển, cùng với sự vận dụng các quan điểm phát triển, mô hình phát triển, sự lãnh đạo chặt chẽ của Tỉnh uỷ và sự quản lý điều hành có hiệu quả của hội đồng nhân dân và UBND tỉnh, cộng với những nỗ lực, đoàn kết của các ngành, các cấp địa phương, toàn thể nhân dân trong tỉnh ở từng thời kỳ cụ thể, Bắc Ninh đã đạt được những thành tựu lớn lao về kinh tế. Giai đoạn 1997 - 2000 tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng bình quân đạt 12,59%/năm; 2001- 2005 đạt 13,88%/năm; 2006 - 2010 đạt 15,3%/năm. Bắc Ninh là tỉnh duy trì được đa tăng trưởng cao trong nhiều năm so với các tỉnh trong vùng
Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và so với các địa phương trong cả nước. Nhờ tăng trưởng kinh tế quy mô GDP của Bắc Ninh tăng lên nhanh chóng, năm 2005 gấp 3,08 lần so năm 1997, năm 2010 tăng gấp 2 lần so năm 2005. Thu nhập bình quân đầu người từ 196 USD năm 1997 lên 526,4 USD năm 2005 và lên trên 1765 USD năm 2010. Tăng trưởng kinh tế đã tác động tích cực đến cải thiện đời sống người dân, giải quyết cơ bản các vấn đề xã hội; tỷ lệ thất nghiệp từ 6,16% năm 2000 giảm xuống 4,0% năm 2005 và giảm xuống còn 3,28% năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo từ 10,17% năm 2000 xuống còn 4,12% năm 2004 (theo chuẩn nghèo năm 2000) và từ 15,24% năm 2005 xuống còn 4,5% năm 2010 (theo chuẩn nghèo năm 2005), 7,27% năm 2010 (theo chuẩn năm 2010); ngoài ra, các vấn đề xã hội khác như Giáo dục - Đào tạo, Y tế, bảo vệ môi trường cũng đạt được những kết quả đáng mừng.
Có thể khẳng định cơ cấu ngành kinh tế của Bắc Ninh đã chuyển dịch theo hướng hợp lý và phù hợp với định hướng đưa tỉnh Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015. Tỷ trọng khu vực nông nghiệp đã giảm từ 45,05% năm 1997 xuống còn 23,6% năm 2006 và 17,5% năm 2010. Tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng tăng từ 23,77% năm 1997 lên 35,67% năm 2000, từ năm 2001 đã vượt qua khu vực nông nghiệp để chiếm vị trí đầu và đến năm 2006 đã là 47,8% ; năm 2010 giảm xuống còn 42%. Tỷ trọng khu vực dịch vụ năm 1997 là 31,18% giảm xuống còn 26,38% năm 2000, nhưng từ năm 2001 - 2006 đã tăng trở lại và duy trì ở mức từ 27% - 28%; 40,5% năm 2010. Những kết quả này là tiền đề quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành trong những năm tới.