BIÊN TẬP ẢNH
1. Thống nhất ở mục đích
Làm báo là làm chính trị bằng nghiệp vụ. Lao động sáng tạo tác phẩm báo chí và lao động biên tập là hai công việc trọng tâm trong tiến trình sản xuất một ấn phẩm báo chí; thiếu một trong hai công đoạn guồng máy toà soạn không thể vận hành được.
Xét về mặt nghiệp vụ thì cả hai hoạt động đều nhằm nuôi dưỡng và chăm sóc cho đứa con tinh thần của tác giả đứng vững và tự khẳng định vị trí của mình trong xã hội. Còn nói theo cách của người làm chính trị thì hoạt động sáng tạo và hoạt động biên tập đều có chung quan điểm, lập trường là bảo vệ cho lợi ích của giai cấp mà mình phụng sự. Lao động của họ là lao động có chung lý tưởng, mục đích; cùng tuyên truyền; cổ vũ cho việc thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng; giữ gìn kỷ cương phép nước và đấu tranh chống những thói hư tật xấu, những biểu hiện tiêu cực trong xã hội. Tính mục đích trong công việc của họ được thể hiện qua kết quả lao động sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn và hiệu quả xã hội của các sản phẩm báo chí. Nó chính là sự biểu lộ quan điểm, lập trường giai cấp và đại diện cho lợi ích của các tầng lớp nhân dân lao động.
Tính mục đích trong hoạt động báo chí luôn có ý nghĩa xuyên suốt trong quá trình lao động sáng tạo của nhà báo nói chung, của phóng viên, biên tập vien ảnh nói riêng.
Cũng như các thể loại tác phẩm báo chí khác, mỗi bức ảnh được sử dụng trên báo, đều là sự khổ công của cả hai hoạt động: sáng tạo và biên tập. Đó chính là sự kết tinh cao nhất của tính mục đích trong hoạt động báo chí của các nhà báo. Tính mục đích này dựa trên cơ sở: lập trường quan điểm của
báo chí vô sản, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và dựa vào chức năng, nhiệm vụ, đối tượng công chúng của mỗi tờ báo.
Ví dụ: Những tờ nhật báo chính trị - xã hội thường chủ động sử dụng ảnh tin, phóng sự ảnh hoặc ảnh kèm bài với cùng chủ đề. Ngược lại các tờ báo, tạp chí chuyên thông tin giải trí lại chú trọng sử dụng ảnh minh hoạ, trang trí hoặc ảnh nghệ thuật.
Như vậy, việc sử dụng ảnh trên báo không thể tuỳ hứng mà đều phải xuất phát từ mục đích thông tin do các toà soạn đặt ra. Hoạt động sáng tạo và hoạt động biên tập đều nhất nhất tôn trọng những qui ước này. Tất nhiên, mục đích thông tin của các toà soạn không nằm ngoài khuynh hướng chính trị và lợi ích của giai cấp và công chúng xã hội. Xác định rõ mục đích thông tin là ngọn nguồn để hoạt động sáng tạo tác phẩm và hoạt động biên tập, trình bày ảnh trên báo đúng, trúng và hấp dẫn độc giả.
2. Sự tác động qua lại giữa hoạt động biên tập và hoạt động sáng tạo tác phẩm ảnh
Như trên đã khẳng định, hoạt động sáng tạo và hoạt động biên tập ảnh là hai công đoạn trong một quy trình sản xuất khép kín trước khi ra đời một ấn phẩm báo chí. Vì vậy, xét về mặt lôgíc, nếu không có hoạt động sáng tạo thì cũng không thể có hoạt động biên tập. Nhưng cũng phải khẳng định, lao động sáng tạo, dù thế nào đi nữa nếu không qua khâu xử lý, biên tập, và trình bày, thì các sản phẩm mà phóng viên sáng tạo ra sẽ vĩnh viễn nằm trong ngăn tủ. Bởi vậy, cả hai hoạt động - hai công việc đều giữ một vị trí quan trọng; chúng luôn tác động qua lại hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động kia thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, nói một cách biện chứng khoa học thì hoạt động biên tập theo nghĩa rộng, nghĩa bao quát là sự định hướng, gợi mở cho hoạt động sáng tạo tác phẩm thực hiện vai trò xung kích của mình. Còn hoạt động sáng tạo tác phẩm ảnh chính là người thực thi kế hoạch, không ngẫu hứng mà dựa trên cơ sở của sự định hướng tuyên truyền của toà soạn. Nếu hoạt động biên tập được ví là “nhà thiết kế” thì hoạt động sáng tạo tác phẩm
ảnh lại chính là người thi công; họ luôn biết dựa vào nhau để bổ khuyết những khoảng trống nghề nghiệp. Và, nếu hoạt động biên tập định hướng đúng, định hướng trúng, sẽ tạo điều kiện cho hoạt động sáng tạo đạt hiệu quả cao và ngược lại hoạt động sáng tạo tác phẩm tốt, có chất lượng, chắc chắn sẽ tác dộng mạnh đến công tác xây dựng chương trình, kế hoạch và giảm bớt “gánh nặng” cho những người làm công tác biên tập. Còn, xét theo nghĩa cụ thể, trực tiếp thì biên tậptốt góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm ảnh, công tác tuyên truyền của toà soạn đạt hiệu quả. Và ngược lại nếu không có sự thống nhất “ông nói gà, bà nói vịt” thì cả hai bộ phận (phóng viên, biên tập viên) đều mất uy tín trước công chúng.
3. Cần xoá bỏ những khúc mắc, những quan niệm không đúng
Bàn về mối quan hệ Phóng viên - Biên tập viên nhiều người cho rằng: Đó là quan hệ “sớm nắng chiều mưa”, “nàng dâu - mẹ chồng” hay “trái tim nóng - cái đầu lạnh”. Thực tế thì sao? Về bản chất giữa Phóng viên và Biên tập luôn có quan hệ rất gắn bó. Nhưng do mỗi người có một vai trò, nhiệm vụ khác nhau, cá tính và trình độ cũng rất khác nhau, nên đôi lúc cũng nảy sinh những bất đồng giữa họ hoặc gây cho nhau không ít sự khó chịu, hiểu lầm. Để giải quyết tốt mối quan hệ này, cách tốt nhất là cần tìm tiếng nói chung giữa hai đối tượng. Phải hiểu và thông cảm cho công việc của nhau, hãy bớt đi cái tôi để cùng vì mục đích chung là làm cho tờ báo chất lượng hơn, phục vụ độc giả tốt hơn.
Chương II
QUY TRÌNH CÔNG TÁC BIÊN TẬP ẢNH