Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế
3.1.1 Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế tới Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam
Năm 2007 là thời gian Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới - WTO đánh dấu một mốc lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Gia nhập WTO đồng nghĩa với việc Việt Nam phải thực hiện các cam kết WTO trong tất cả các lĩnh vực đã kí, trong đó có lĩnh vực tài chính – ngân hàng, là lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến BHTG Việt Nam.
Cam kết trong lĩnh vực ngân hàng bao gồm các cam kết về mở cửa thị trường, thể hiện trong Biểu cam kết dịch vụ và các cam kết đa phương trong Báo cáo Gia nhập của Ban Công tác. Về tổng thể, các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam trong lĩnh vực ngân hàng đã cho phép các tổ chức tín dụng nước ngoài được hiện diện ở Việt Nam dưới các hình thức khác nhau, mở rộng phạm vi và loại hình cung cấp các dịch vụ ngân hàng, tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các ngân hàng. Theo các cam kết gia nhập WTO, từ ngày 1/4/2007, ngoài các hình thức như văn phòng đại diện, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, công ty tài chính liên doanh và 100% vốn nước ngoài, công ty cho thuê tài chính liên doanh và 100% vốn nước ngoài, các tổ chức tín dụng nước ngoài được phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Về thời gian hoạt động của Ngân hàng nước ngoài, nếu trước khi Việt Nam gia nhập WTO thì thời gian hoạt động chỉ giới hạn 20 năm, nhưng sau khi Việt Nam gia nhập
WTO, thì thời gian hoạt động tối đa không quá 99 năm. Đồng thời, các tổ chức tín dụng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được cung cấp hầu hết các loại hình dịch vụ ngân hàng như cho vay, nhận tiền gửi, cho thuê tài chính, kinh doanh ngoại tệ, các công cụ thị trường tiền tệ, các công cụ phái sinh, môi giới tiền tệ, quản lý tài sản, cung cấp dịch vụ thanh toán, tư vấn và thông tin tài chính. Trong nghiệp vụ huy động vốn, nếu như trước đây ngân hàng nước ngoài không được nhận tiền gửi dưới bất kỳ hình thức nào , chỉ nhận tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn theo quy định của NHNN Việt Nam là tiền gửi không kỳ hạn bằng đồng Việt Nam của các thể nhân và pháp nhân không có quan hệ tín dụng tối đa 25%, đối với khách hàng có quan hệ tín dụng bằng 100% so với mức vốn của ngân hàng nguyên xứ; nhận tiền gửi có kỳ hạn từ những tổ chức có quan hệ tín dụng không quá 50% vốn điều lệ, tuy nhiên, cam kết gia nhập WTO đã thay đổi quy định đó, cụ thể là Chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi VND không giới hạn từ các pháp nhân, và lộ trình huy động tiền gửi từ thể nhân Việt Nam sẽ được nới lỏng trong vòng 5 năm kể từ ngày 1/1/2007 ở mức tối đa là 650% vốn pháp định của ngân hàng, tiến tới đối xử quốc gia đầy đủ vào năm 2011.
Những cam kết trên đã tạo điều kiện cho các ngân hàng nước ngoài có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam, góp phần phát triển thị trường tài chính Việt Nam nói chung và hệ thống BTHG Việt Nam trên những khía cạnh hợp tác đa phương, song phương với hệ thống BHTG các nước có tổ chức tài chính hoạt động; học hỏi kinh nghiệm giải quyết, xử lý các tổ chức tham gia BHTG bị đổ vỡ, ngăn ngừa khủng hoảng hệ thông. Đồng thời, đây là một tin vui với những người gửi tiền, có nhiều cơ hội để lựa chọn nơi gửi tiền.
Bên cạnh những cơ hội như đã nói, thì BHTGVN cần xác định rõ những thách thức đặt ra để có định hướng phát triển BHTGVN trong thời gian tới như:
Thứ nhất, gia tăng rủi ro cho BHTG Việt Nam từ bên ngoài Trước hết, nền kinh tế Việt nam là nền kinh tế đang phát triển, các tổ chức tài chính còn hạn chế về năng lực, trình độ và công nghệ, do vậy, khi các ngân hàng nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt nam, hệ thống ngân hàng trong nước sẽ khó có khả năng cạnh tranh, những ngân hàng yếu có thể phải đóng cửa hay bị thôn tính, sáp nhập. Điều này làm tăng gánh nặng xử lý đổ vỡ các ngân hàng trong nước cho BHTGVN đồng thời đòi hỏi BHTGVN cần tăng cường năng lực vốn đề có thể hỗ trợ các tổ chức yếu kém khôi phục hoạt động.
Thứ hai, khi một chi nhánh công ty xuyên quốc gia sụp đổ tại một thị
trường bất kỳ trên thế giới, nó ảnh hưởng tới các chi nhánh hoạt động tại thị trường khác (cụ thể ở đây chính là Việt Nam), tuy nhiên, sự khác biệt về hệ thống pháp lý, trình độ phát triển kinh tế khiến cho việc nắm bắt thông tin và phối hợp xử lý tổ chức xuyên quốc gia của BHTGVN khó khăn, ảnh hưởng tới niềm tìn của người gửi tiền, từ đó ảnh hưởng chung đến toàn bộ nền kinh tế, đây là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới khủng hoảng không chỉ tại thị trường Việt Nam mà có tính lây lan mạnh trong khu vực và trên thế giới.
Cuối cùng, cũng xuất phát từ sự khác biệt về khác nhau về trình độ phát triển kinh tế, hệ thống pháp lý, do đó sẽ khác nhau về các quy định liên quan tới cơ chế BHTG như phạm vi bảo hiểm tiền gửi, đối tượng BHTG, cơ chế bồi thường khi xảy ra đổ vỡ… Khi đó, với cùng hai nền kinh tế đều có quy định Tối huệ quốc, thì quốc gia nào có cơ chế BHTG rõ ràng, minh bạch hơn, sẽ thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư. Đây là một bất lợi đối với Việt Nam khi mà hệ thống BHTG còn non trẻ về kinh nghiệm, đang trong quá trình hoàn thiện.
Nhận thức đúng những thách thức do HNKTQT mang lại là điều kiện tiên quyết để BHTGVN xây dựng định hướng đúng đắn đáp ứng chuẩn mực quốc tế.