Lịch sử tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV thực sự là thời kỳ mà các khuynh hướng tư tưởng phát triển một cách sôi nổi đầy sinh lực và hào khí của một dân tộc đã giành được độc lập tự chủ. Những bước phát triển về mặt kinh tế, chính trị, văn hoá của nước ta trong thời kỳ này, đặc biệt thời Lý - Trần, là cơ sở và điều kiện cho vườn hoa tư tưởng của dân tộc tươi tốt. Phật giáo Lý - Trần phát triển lên đến đỉnh cao và chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống chính trị xã hội. Giai đoạn lịch sử Lý - Trần là giai đoạn phát triển nhất của quốc gia phong kiến Đại Việt. Triều Lý (1010 - 1225) và triều Trần (1226 - 1400), cả hai triều đại tồn tại gần 400năm.
Xét về diện mạo của Phật giáo thời Lý - Trần đến thế kỷ thứ X Phật giáo đã có những bước phát triển lớn. Vua Lý Thái Tổ, người mở đầu triều đại nhà Lý lớn lên trong nhà chùa và được sự ủng hộ của giới Phật học trong cuộc vận động lên ngôi. Sau khi lên ngôi, vua đã có nhiều sắc lệnh có lợi cho sự phát triển của Phật Giáo: vua cho xây nhiều chùa chiền như chùa Tháp, chùa Bà Ngô hay chùa Nhất Trụ (Một Cột) được dựng ở kinh đô Hoa Lư để thờ Phật, lễ Phật. Riêng ở Hoa Lư năm 973, Nam Việt Vương Đinh Liễn cho xây dựng 100 cột đá kinh Phật. Nhà vua cho dịch kinh Phật Mật tông Đàlani, khắc lên những cột đá. Các sư tăng và tín đồ Phật giáo phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhiều vị cao tăng nổi tiếng là người Việt. Các vua Lý sau này cũng đều tôn sùng Phật giáo: Lý Thái Tông thuộc thế hệ thứ bảy của thiền phái Vô Ngôn Thông, Lý Thánh Tông thuộc thế hệ thứ nhất của thiền phái Thảo Đường, Lý Anh Tông thuộc thế hệ thứ ba và Lý Cao Tông thuộc thế hệ thứ năm của thiền phái này. Lý Huệ Tông sau khi nhường ngôi cho Lý Chiêu Hoàng cũng đi tu với hiệu Huệ Quang thiền sư. Một số quý tộc quan lại cũng xuất gia đi tu, trở thành những bậc đại trí và được kính trọng trong xã hội như sư Viên Chiếu, Quảng Trí, Trí Bảo, ni sư Diệu Nhân. Số lượng tăng sư đặc biệt đông ở hai thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Về mặt tông phái, thời kỳ này vẫn có Phật giáo Đại thừa, Tiểu thừa, hai phái thiền Vô Ngôn Thông và thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Các nhà sư như Cảm Thành, Thiện Hội, Vân Phong, Lý Vạn Hạnh, Ngô Chân Lưu, Đỗ Pháp Thuận, Sùng Phạm là các trí thức được sử dụng như những cố vấn cung đình và những nhà ngoại giao đắc lực của nhà vua, đặc biệt trong dịp tiếp sứ thần Trung Quốc. Lúc bấy giờ thiền tông là tông phái chủ yếu ở nước ta. Trong thời Lý, có nhiều đợt độ dân làm tăng với số lượng khá đông. Ngay trong năm 1010, vua Lý Thái Tổ có lệnh độ dân làm sư. Năm 1014, vua lại chuẩn y lời tâu của tăng thống Thẩm Văn Uyển xin lập đàn chay ở chùa Vạn Tuế trong thành Thăng Long để tăng đồ đến thụ giới. Hai năm sau, năm 1016, hơn 1.000 người ở kinh đô Thăng Long được độ làm tăng đạo. Thế kỷ XIV, quá nửa dân làm sư, có nhiều vị sư nổi tiếng trong cả nước như nhà sư: Vạn Hạnh, Mãn Giác, Viên Thông, Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, Giác Hải, Pháp Loa, Huyền Quang… Những vị sư được xem như lãnh đạo tinh thần cho triều đình và cả nước được nhà vua ban danh hiệu quốc sư như: Vạn Hạnh, Khô Đầu,
Không Lộ, Viên Chiếu. Ngay khi nước ta được giải phóng khỏi ách thống trị của bọn phong kiến phương Bắc và thực sự bước vào thời kỳ độc lập tự chủ, Phật giáo nước ta đã có một vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Nhà chùa chiếm hữu khá nhiều ruộng đất do đó có một cơ sở kinh tế nhất định. Lúc ấy nho sĩ còn thưa thớt, cho nên nhà chùa cũng là nơi đào tạo ra những sư tăng giữ vai trò là những phần tử trí thức của thời đại. Nhiều nhà sư đã đóng vai trò thầy thuốc chữa bệnh cho dân. Ở nông thôn, ngôi chùa không những là nơi quy tụ sự tín ngưỡng còn là trung tâm sinh hoạt văn hoá, hội hè và văn nghệ của quần chúng. Trong việc hướng đến Phật giáo, có sự gặp nhau của nhân dân lao động và giai cấp quý tộc, nên trong nước khắp nơi đều có chùa. Các thái hậu, hoàng hậu xây dựng bảo tháp để mong được siêu linh, tịnh độ: thái hậu Linh Nhân dựng được 84.000 bảo tháp. Các vua, hoàng hậu, đại thần ra sức xuất tiền của xây dựng chùa chiền. Vua Lý Thánh Tông đã cho dựng 950 ngôi chùa, chi nhiều vàng bạc để đúc chuông. Nhiều chùa tháp có quy mô lớn hoặc kiến trúc độc đáo được xây dựng trong thời kỳ này như chùa Phật Tích, chùa Dạm, chùa Diên Hựu, chùa Phổ Minh, chùa Quỳnh Lâm… Vào cuối thời Lý, năm 1179, số tăng sĩ tăng quá nhiều, xuất hiện nhiều tệ nạn sinh ra trong giới xuất gia. Vua Lý Cao Tông đã cho khảo hạch các tăng sĩ. Năm 1198, vua cho lọc và sa thải bớt các tăng sĩ không xứng đáng.
Sang thời Trần, Phật giáo vẫn được coi trọng. Các vua Trần rất uyên thâm về đạo Phật. Vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông đều có kiến thức Phật học uyên thâm. Đặc biệt, vua Trần Nhân Tông là người sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, ông đã trở thành tổ thứ nhất của phái Trúc Lâm. Thời đại vua Trần Nhân Tông là thời đại Phật giáo Việt Nam hưng thịnh đến cực độ. Các vua chúa, quý tộc thời Trần hâm mộ đạo Phật nhưng không xuất tiền của xây dựng chùa mà chủ yếu mở rộng hoặc trùng tu những ngôi chùa, tháp có từ trước. Điều này có thể do đã tiếp thu được nhiều ngôi chùa từ thời Lý và cũng do nhà Trần cần dồn tiền của và công sức cho ba lần chống quân Nguyên xâm lược. Có một điểm cần chú ý là thời Trần các nhà sư hầu như không trực tiếp họp bàn về các vấn đề chính trị như thời Lý, song Phật giáo vẫn phát triển hơn bao giờ hết và ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam trong giai đoạn này.
Thời Lý - Trần còn thể hiện sức mạnh của mình qua việc đúc tứ đại khí bằng đồng: chuông Quy Điền, tháp Báo Thiên, tượng Phật Di lặc ở chùa Quỳnh Lâm và vạc Phổ Minh. Từ thời Ngô đến thời Lý - Trần, Phật giáo đã để lại những dấu ấn trên các mặt văn hoá tinh thần của đất nước. Nó có ảnh hưởng rõ rệt đối với thơ văn và nghệ thuật; nhất là nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc. Thơ văn thời Lý - Trần chịu ảnh hưởng của Phật giáo không những về mặt nội dung tư tưởng mà cả về mặt ngôn ngữ và hình tượng. Qua sinh hoạt và nghi lễ của nhà chùa, Phật giáo còn tác động đến tư tưởng, tâm lý, phong tục và nếp sống của đông đảo nhân dân ở các làng xã. Không những thế, trong các thời Ngô, Đinh, Tiền Lê và Lý các cao tăng còn tham gia chính sự ở triều đình. Họ đã phát biểu chính kiến của mình trước nhà vua, lẽ dĩ nhiên chính kiến của họ không khỏi chịu ảnh hưởng của giáo lý đạo Phật. Các tông phái về cơ bản vẫn có Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, đến thời Lý Thánh Tông xuất hiện Thiền Thảo Đường và năm 1299, Trần Nhân Tông lập ra phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Xét về vai trò của Phật giáo, về mặt nhà nước nó như một quốc giáo nhưng trên bình diện xã hội, Phật giáo dần giảm uy tín trong nhân dân vì: Nó là một đơn vị kinh tế, lại độ dân làm sư nên tạo ra cái tệ chứa chấp trong nhà chùa những kẻ lười biếng “không cày mà có ăn, không dệt mà có mặc” trốn tránh lao động, trốn tránh nghĩa vụ thần dân đối với nhà nước. Vào khoảng cuối thế kỷ XII, Phật giáo đã biểu hiện những tính suy thoái rõ rệt. Năm 1198, thái phó Đàm Dĩ Mông đã tâu với Lý Cao Tông: “Đương nay số tăng đồ và phu dịch ngang nhau. Chúng tự kết bè lũ, lập càn người chủ, tụ họp từng bọn làm nhiều điều ô uế. Hoặc ở chốn tăng phòng, tịnh viện mà riêng tư gian dâm. Ngày ẩn tối ra như đàn cáo chuột. Chúng bại tục thương giáo, dần dần thành thói quen. Nếu không cấm đi, để lâu ngày tất càng thêm tệ” [33,166]. Nghe theo lời Đàm Dĩ Mông, Lý Cao Tông đã ra lệnh buộc nhiều tăng đồ phải hoàn tục; do kết hợp với Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian nên đến cuối thời Trần, Phật giáo đã mang lại những hiện tượng tiêu cực trong xã hội: mê tín dị đoan, bùa chú, phù phép... Việc xây dựng chùa tháp dẫn đến hao người tốn của. Bên cạnh đó bản thân Phật giáo không phải là một học thuyết chính trị nên nó không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cấp bách là xây dựng nhà nước trung ương tập quyền chuyên chế. Con đường giải thoát của Phật giáo cũng không
hiện thực. Chính vì vậy, mà thời Lý - Trần vẫn cần đến Nho giáo để cai trị đất nước.
Về đặc điểm của Phật giáo thời kỳ này ta thấy có hai đặc điểm nổi bật hơn cả là tinh thần dung thông và nhập thế.
Đặc điểm thứ nhất: Tinh thần dung thông tam giáo.
Dung thông có nghĩa là kết hợp dung nạp, hội nhập, thâm nhập vào nhau xuất phát từ tư tưởng vô chấp. Ở thời kỳ này có sự dung thông tam giáo giữa Phật giáo - Nho giáo - Đạo giáo, dung thông với tín ngưỡng dân gian và dung thông giữa chính các tông phái khác nhau của bản thân Phật giáo như Đại Thừa - Thiền Tông - Mật Tông, Vô Ngôn Thông - Tỳ Ni Đa Lưu Chi.
Khi du nhập vào Việt nam, Phật giáo đã hòa nhập với tính ngưỡng bản địa của người Việt. Nhờ vậy, Phật giáo có một sức sống mạnh mẽ, vượt qua những ngăn cách về địa lý, văn hóa và ý thức hệ. Đến thời Lý - Trần, Phật giáo vẫn tiếp tục dung hòa với tín ngưỡng dân tộc tạo ra những giá trị văn hóa mới mang màu sắc riêng của Việt Nam.
Dưới triều Lý, các nhà sư thường am hiểu cả Nho - Phật - Lão như Từ Đạo Hạnh, Khuông Việt, Vạn Hạnh, Viên Thông, Mãn Giác. Với tinh thần hòa hợp của nhà Phật, các Phật tử đã sử dụng lý luận của Nho giáo một cách cởi mở làm cho Nho giáo đã có đóng góp khá lớn cho học thuật và chính trị thời Lý.
Sang thời Trần, chính những Phật tử thuần thành nhất như vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông đã mở rộng Nho giáo. Năm 1253, vua Trần Thái Tông lập quốc học viện ở kinh thành, tạc tượng Chu Công, Khổng Tử, Mạnh Tử và cho vẽ tranh 72 vị tiên hiền để thờ. Vua còn mở các khoa thi năm 1232, 1247, các khóa khác tiếp tục được tổ chức để chọn nhân tài. Nền giáo dục thời đó mang tính chất tổng hợp giữa Nho - Phật - Lão. Nhờ tinh thần khoan dung này, đến giữa thế kỷ XIV, Phật giáo vẫn giữ được sự thịnh vượng của nó.
Thời Lý vẫn có ba tông phái Phật giáo song song tồn tại: Thiền tông, Tịnh Độ tông, Mật tông. Thiền tông gồm các phái: Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông, đến thời Lý Thánh Tông xuất hiện thêm thiền phái Thảo Đường do nhà sư Thảo Đường, người Trung Quốc sáng lập. Ông vốn là tù binh bị bắt tại Chiêm Thành, được vua Lý Thánh Tông là người mộ đạo Phật giải phóng khỏi kiếp nô lệ và cho mở đạo tại chùa Khai Quốc, Thăng Long năm 1069.
Năm 1294, vua Trần Nhân Tông, dưới sự hướng dẫn của thiền sư Tuệ Trung thượng Sĩ, xuất gia tu hành ở núi Yên Tử (Quảng Ninh) thống nhất ba thiền phái và lập nên Thiền phái Trúc Lâm vào năm 1299.
Nhìn chung, giữa các tông phái Phật giáo đều có ảnh hưởng lẫn nhau. Cả ba phái thiền trên đều chịu ảnh hưởng của Mật giáo, đặc biệt là phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Nhiều vị thiền sư thời Lý như Vạn Hạnh, Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không… đều giỏi pháp thuật và có tài thần thông biến hóa. Đến thời Trần, Phật giáo ít chịu ảnh hưởng của Mật giáo hơn, song có chủ trương Thiền tông kết hợp với Tịnh độ tông, kết hợp giữa “tự lực” (tự bản thân) và “tha lực” (từ bên ngoài) để đạt tới giác ngộ.
Đặc điểm thứ hai: Tinh thần nhập thế mạnh mẽ.
Khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam đã được các vị Thiền sư người Việt bản địa hóa khiến Phật giáo hòa mình vào lòng dân tộc tạo nên một sắc thái đặc biệt của riêng Việt Nam
Dưới thời Lý - Trần, Phật giáo không bó hẹp trong chùa chiền, tu viện, không phải sở hữu riêng của giới tăng ni mà đã trở thành lẽ sống của tất cả mọi người, dù người đó là vua chúa, quan lại hay người dân bình thường. Đạo Phật thật sự đã gắn với đời sống tinh thần của con người Việt nam. Chính tinh thần nhập thế của Phật giáo trong hai triều đại này đã làm cho xã hội Việt Nam phát triển rực rỡ cả về quân sự, chính trị lẫn văn hóa nghệ thuật. Các nhà sư và các vị vua dù đã tu theo Phật nhưng đều tham gia hết mình vào công cuộc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Điều này khác với Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa.
Phật giáo Lý - Trần đã cung cấp một triết lý sống chứ không phải những tín điều chết. Các phật tử Lý - Trần đã thực hiện triết lý đó bằng cả cuộc sống của mình. Đạo Phật Lý - Trần là đạo của từ bi và trí tuệ, hai đức hạnh hàng đầu của Phật giáo. Các ông vua Phật tử thuần thành của cả hai triều đại này đều có tấm lòng thương yêu dân sâu sắc nhờ thấm nhuần tinh thần từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha của đạo Phật. Các vua Lý - Trần đã chinh phục trái tim, khối óc con người bằng đức trị thay cho pháp trị, tạo nên một xã hội thuần từ và hạnh phúc. Chủ thể là các thiền sư, vua và quý tộc dung thông nhằm mục đích: để nhập thế, nhập thế để dung thông; dung thông để bổ sung tư tưởng và dung thông để tìm điểm tương đồng để bổ sung học thuyết. Tư tưởng nhập thế,
khi mà Phật giáo dùng triết lý tham gia vào đời sống chính trị họ đưa đạo đức (pháp luật, đạo đức) vào điều hành chính trị lấy tiêu chí hoà đồng và phát triển quốc gia dân tộc đạo và đời làm một làm việc đời tức là giải thoát. Tư tưởng nhập thế của Lý - Trần còn thể hiện ở chỗ “vô chấp”, “phá chấp” để rồi nhập thế và nhập thế cũng tạo ra bản sắc riêng của Việt Nam. Bên cạnh đó Phật giáo thời Lý - Trần còn khái quát được những tư tưởng cơ bản như vấn đề bản thể luận, nhận thức luận. Thực chất những đặc điểm của Phật giáo Lý - Trần không tách rời nhau mà chúng có sự đan xen vào nhau, làm tiền đề tồn tại cho nhau và thể hiện lẫn nhau.
Tóm lại, qua diện mạo Phật giáo thời Lý - Trần ta thấy sự mở rộng Phật giáo thời kỳ này rất mạnh mẽ, rất đúng với câu “đất vua chùa làng, phong cảnh bụt”. Phật giáo thời kỳ này phát triển đạt đến cực thịnh trong lịch sử dân tộc Việt Nam, mang một màu sắc rất riêng của Việt Nam tạo nên một nền văn hoá Đại Việt đa dạng phong phú và đặc sắc của tư tưởng tôn giáo.
1.2. Nội dung tư tưởng nhập thế của Phật giáo thời Lý - Trần 1.2.1. Tư tưởng bình đẳng
Đạo Phật ra đời trong một xã hội đầy rẫy bất công và sự phân chia đẳng cấp khắc nghiệt. Làm cho con người rơi vào nỗi khổ không có lối thoát. Sự