Phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết nhằm giữ gìn độc lập

Một phần của tài liệu Tư tưởng nhập thế của phật giáo thời Lý - Trần và ý nghĩa của nó đối với đời sống xã hội Việt Nam hiện nay (Trang 89)

của văn hoá tín ngưỡng Việt Nam mang ý nghĩa to lớn đối với dân tộc ta cho đến tận ngày nay.

2.2. Ý nghĩa tư tưởng nhập thế của Phật giáo Lý - Trần đối với xã hội Việt Nam hiện nay

2.2.1. Phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết nhằm giữ gìn độc lập dân tộc dân tộc

Việt Nam có hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Dù trong lịch sử hay trong hiện tại chúng ta không thể phủ nhận công lao của Phật giáo trong việc lôi kéo cố kết nhân tâm tạo thành sức mạnh tinh thần to lớn đưa Việt Nam giành thắng lợi hết lần này đến lần khác. Điểm lại lịch sử cho thấy, các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần đã thể hiện tinh thần tự chủ, độc lập, anh dũng của dân tộc; đồng thời khẳng định tinh thần gắn liền đạo pháp với dân tộc của Phật giáo Việt Nam. Sự kiện các thiền sư Không Lộ, Tuệ Tĩnh, Vạn Hạnh… đã hết lòng phò vua giúp nước, xây dựng xã tắc vững bền vì bách tính. Đặc biệt, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã hai lần khoác áo chiến bào cùng toàn dân kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông; khi đất nước yên bình, Ngài nhường ngôi cho con và vượt qua trở ngại lên núi Yên Tử tu thiền trở thành Sơ tổ Thiên phái Trúc Lâm Việt Nam. Thực vậy, những chính quyền liên tục ra đời tại nước ta trong nửa thiên niên kỷ ấy, ít nhiều gắn bó với Phật giáo, điều này không có gì ngạc nhiên khi dân tộc ta lúc đó là một dân tộc Phật giáo. Tất nhiên, không phải vì dân tộc ta Phật giáo ngay tức khắc có một lý luận chống ngoại xâm. Chính những người Phật giáo giai đoạn này, xuất phát từ thực tiễn của dân tộc, đã sáng tạo ra lý luận chống ngoại xâm của mình. Nó không còn là một thứ lý luận chung chung, chỉ nói đến lòng yêu nước và sự nghiệp chống ngoại xâm là đủ, mà đã tự gây dựng cho mình một nội dung cụ thể dựa trên tư tưởng địa linh, một tư tưởng xác định đất nước Việt Nam sẽ sản sinh ra những người làm chủ. Đây phải nói là một bước tiến mới của chủ nghĩa yêu nước. Đó cũng nhờ sự đóng góp rất lớn của Phật giáo Việt Nam, cũng như sự đoàn kết và lòng yêu nước của toàn dân. Truyền thống tri ân và báo ân tổ quốc đã giúp cho nhiều tăng ni đã mạnh dạn “cởi áo cà sa khoác chiến bào”. Phát huy truyền thống quý báu đó, trong hai cuộc kháng chiến trường kì anh dũng gần đây của nhân dân ta, Phật giáo đã có

những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Thời kỳ Pháp thuộc, nhiều phật tử Việt Nam đã vận động ân xá cho nhà chính trị yêu nước Phan Bội Châu, trong nỗ lực đòi độc lập khỏi ách thống trị của thực dân Pháp...

Sự gắn bó giữa đạo với đời theo tư tưởng của Phật giáo đối với Việt Nam đã có quãng thời gian trên dưới 20 thế kỷ, kể từ khi Phật giáo du nhập. Nhiều thế hệ thiền sư và Phật tử vừa yêu đạo, vừa yêu nước. Tinh thần tứ ân của đạo Phật đã tạo ra cao trào tự cường dân tộc, toàn dân yêu nước và đoàn kết vì đại nghĩa quốc gia, nhiều lần đánh bại kẻ thù xâm lược. Phật giáo Việt Nam với tinh thần thương người, cứu người, đặc biệt cứu con người là trên hết. Chả thế mà người Việt Nam có câu: “Dù xây chín cấp phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”. Cứu một con người còn hơn cả xây chín cấp phù đồ. Bởi vậy, việc cứu cả một dân tộc, đất nước, cứu dân trăm họ là công việc khẩn thiết cấp bách hơn cả, dù có phải vi phạm giới luật. Thời cận đại, lịch sử dân tộc cũng ghi nhận những đóng góp của Phật giáo vào công cuộc đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc trong những năm tháng chống lại ách đô hộ của thực dân và đế quốc. Phát huy tinh thần nhập thế tích cực của Phật giáo, nhiều nhà sư đã “cởi áo cà sa khoác chiến bào” cùng quân dân cả nước đứng lên thực hiện cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đi đến thắng lợi cuối cùng. Nhiều ngôi chùa đã được ghi nhận là cơ sở cách mạng nuôi giấu cán bộ trong những năm kháng chiến. Có nhiều vị tăng, ni đã hy sinh cho độc lập dân tộc, cho tự do của Tổ quốc. Hình ảnh Hòa thượng Thích Thế Long, chùa Cổ Lễ (Nam Định) gia nhập vào đoàn quân đánh giặc để bảo vệ quê hương đã trở thành hình tượng không phai trong ký ức của tăng ni, Phật tử Phật giáo đồ Việt Nam. Sau chiến tranh, Hòa thượng lại trở về chùa xưa tiếp tục cuộc đời tu hành của một nhà sư. Hay như Hòa thượng liệt sỹ Hữu Nhem (Cà Mau) trong chiến tranh chống Mỹ đã giữ chức Phó Chủ tịch Mặt trận giải phóng miền Nam. Cùng với những nhà sư tiêu biểu ấy biết bao nhà sư thầm lặng góp sức vào thành công của dân tộc làm dày thêm lịch sử hào hùng của dân tộc. Năm 1925 - 1926, thực dân Pháp bắt một số nhà sư đi biểu tình và chất vấn: “Ai xui thầy chùa đi biểu tình?” Sư Thiện Chiếu đã trả lời trên báo: “Thuyết từ bi cứu khổ của Phật tổ xui Phật tử tham gia những cuộc vận động yêu nước thương dân chứ không ai xui cả” [22, 160]. Có rất nhiều nhà sư đã tham gia

vào các phong trào đấu tranh với các khẩu hiệu “Nhân dân đòi cơm áo, Phật giáo đòi hòa bình”, “Phật tử xuống tóc vì hòa bình” mà điển hình là tấm gương Hòa thượng Thích Quảng Đức. Ngày 11 tháng 6 năm 1963 ông đã tự thiêu để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm, đòi lại hòa bình thống nhất đất nước. Quả tim của ông không cháy và vẫn được cất giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay. Đó là trái tim của vị Bồ Tát dũng cảm cứu đạo cứu đời, chống lại những thế lực bất nghĩa để bảo vệ dân tộc. Chính khai mở tâm đi dần đến giác ngộ bằng con đường tham gia tích cực vào việc cứu đời kể cả sát sinh mà Phật giáo Việt Nam đã có đóng góp to lớn trong công cuộc chống ngoại xâm giành lại độc lập chủ quyền cho đất nước. Hồ Chủ Tịch, trong thư gửi Giáo hội Phật giáo Việt Nam có viết: “Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ta khỏi khổ nạn, để giữ vững thống nhất và độc lập Tổ quốc. Thế là chúng ta đã làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca kháng chiến để đưa giống nòi khỏi cái khổ ải nô lệ” [34, 223]. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, đi theo truyền thống yêu nước của Phật giáo Việt Nam, nhiều nhà sư trên con đường giác ngộ Phật giáo đã giác ngộ cách mạng, nhiều nhà tu hành giúp đỡ và đi theo kháng chiến. Suy cho cùng, thời chiến cũng như thời bình, cứu nước cũng như kiến quốc, trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như cách mạng Xã hội Chủ nghĩa, cái gốc của mọi thắng lợi vẫn chính là "dân chủ", “đồng thuận” và “đoàn kết”. Muốn có sức mạnh phải “đoàn kết” mà muốn đoàn kết phải có sự "đồng thuận"; mà muốn có "đồng thuận" phải bảo đảm "dân chủ". Ông cha ta đã rất có lý khi nêu lên các nhân tố của thành công là: "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa" đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố "nhân hòa" mà triết lý Phật giáo luôn khuyến khích. Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta chỉ rõ: “Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc” và: “Hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo phải nhằm tăng cường đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” [10, 48]. Sau khi giang sơn thu về một mối, hàng triệu tăng ni, Phật tử trong các tổ chức, hệ phái đã đồng lòng xây dựng một ngôi nhà chung

của Phật giáo. Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam diễn ra từ ngày 04 - 07/11/1981 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội với sự tham gia của 165 đại biểu đại diện cho 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo cả nước, đã hoàn toàn nhất trí thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Sự kiện đó là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của mình và đã tạo nên sức mạnh to lớn, cùng chung sức, đồng lòng để hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh, góp phần cùng toàn dân khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh ác liệt do ngoại xâm gây ra trong suốt 30 năm gian khổ đầy tang tóc, đau thương.

Đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trải qua 6 kỳ Đại hội, ngày càng trưởng thành và phát triển vững chắc, thu được những thành tựu Phật sự quan trọng trên mọi lĩnh vực.Hoạt động nghi lễ nhân dịp lễ hội truyền thống hay những ngày lễ trọng được tổ chức trang trọng, thu hút đông đảo tín đồ, Phật tử tham dự như: Đại lễ Phật Đản, mùa Vu lan báo hiếu,… Hoạt động văn hóa được quan tâm: hàng triệu bản kinh sách được in hằng năm nhằm đáp ứng nhu cầu của tín đồ, báo chí được nâng cao cả về chất lượng và số lượng như các tờ: Giác Ngộ, Nghiên cứu Phật học, Khuông Việt, Trang thông tin điện tử. Trong lĩnh vực hoằng dương chính pháp, Giáo hội thường xuyên tổ chức các đoàn đi thuyết pháp ở nhiều nơi; thông qua việc truyền bá triết lý và thực hành giáo lý Phật giáo để xây dựng đạo đức tốt đẹp, duy trì bản sắc văn hoá dân tộc, góp phần giảm bớt tiêu cực và tệ nạn xã hội; hướng dẫn tín đồ tu tâm dưỡng tính, làm những việc thiện, tránh những việc ác, biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau thể hiện đức tính tốt đẹp của những người con Phật. Thông qua đó nhằm giúp con người tránh vô minh, chế ngự dục vọng, lòng tham lam để mang lại sự sáng suốt, an lạc, hạnh phúc và sẵn sàng làm mọi việc vì nước, vì dân, vì cộng đồng, góp phần ổn định xã hội. Nhưng đi cùng những thuận lợi ấy là vô vàn thách thức. Sự phát triển vũ bão của khoa học - kỹ thuật làm chuyển đổi cuộc sống, sinh hoạt đời thường, trong đó có sinh hoạt của những Tu sĩ. Biến đổi nhanh làm cho việc đào tạo con người thích ứng theo những chuyển đổi ấy còn khá chậm.Thách thức lớn do thời đại đặt ra đối với Tu sĩ Phật giáo Việt Nam còn là những hạn chế về thông tin, hoạt động của Phật giáo thế giới. Điều này cũng làm hạn chế tầm nhìn, nếp nghĩ, trong việc đặt quan hệ đối tác, hợp tác tổ chức những hội thảo về Phật giáo nhằm góp phần thúc đẩy nhanh chóng quá trình hội nhập với Phật giáo thế giới. Lòng yêu

nước lại được thử thách trước nguy cơ khi mà biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị xâm phạm. Vấn đề biển Đông chưa bao giờ được đề cập nhiều đến thế. Chưa bao giờ xuất hiện một làn sóng yêu nước mạnh mẽ đến thế trong triệu triệu trái tim người Việt Nam. Tận đáy lòng mỗi con người Việt Nam từ nhỏ đến lớn, từ trẻ đến già, từ người nông dân đến tầng lớp trí thức, từ tăng ni cho đến phật tử trào dâng lòng yêu nước nồng nàn. Phật giáo cùng những phật tử tổ chức những cuộc mít tinh, biểu tình, và cầu nguyện thể hiện thái độ phẫn nộ trước hành động ngang ngược của Trung Quốc đã đem đến cho cả thế giới một thông điệp rằng: Dẫu Việt Nam có thể yếu về thế và lực trên cán cân với Trung Quốc nhưng dân tộc VN tràn đầy một tinh thần yêu nước trong chính nghĩa, lẽ phải... Tất cả đại nghĩa, chí nhân ấy sẽ chiến thắng, sẽ đánh bại hung tàn, cường bạo. Sự kiện đó, không chỉ đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam mà hơn thế, điều đó còn mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện sự gắn kết, đồng hành của Phật giáo và dân tộc. Phật giáo không tách rời dân tộc, vận mệnh Phật giáo gắn với vận mệnh dân tộc. Thời cơ và vận hội của dân tộc cũng chính là thời cơ và vận hội để cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng bước đi lên và phát triển vững mạnh. Đường hướng hành đạo mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đưa ra ngay từ những ngày đầu thành lập là Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội ngày càng thể hiện tính đúng đắn và hiệu quả. Đường hướng hành đạo đó, không chỉ là sự hun đúc, hội tụ truyền thống gắn bó đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam suốt hàng ngàn năm qua mà còn là sự tiếp nối và kế thừa Phật pháp, phát huy tư tưởng nhân văn sâu sắc của Phật giáo, đồng thời cũng tạo nên những nét riêng biệt để Phật giáo Việt Nam mang một bản sắc, một dấu ấn riêng biệt, thể hiện Phật giáo Việt Nam.

Một phần của tài liệu Tư tưởng nhập thế của phật giáo thời Lý - Trần và ý nghĩa của nó đối với đời sống xã hội Việt Nam hiện nay (Trang 89)