Khái niệm đời sống văn hoá tinh thần

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của nhân sinh quan phật giáo đến đời sống văn hóa tinh thần ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội hiện nay (Trang 40)

7. Kết cấu của luận văn

1.2.1.Khái niệm đời sống văn hoá tinh thần

Đời sống văn hóa tinh thần được xem xét với tư cách là phạm trù triết học được bắt đầu nghiên cứu từ cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ XX trong các tài liệu triết học ở Liên Xô (cũ). Từ đó tới nay, các nhà triết học đã chú ý nghiên cứu mối quan hệ giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần, trong đó khẳng định và nhấn mạnh vai trò quyết định và chi phối của đời sống vật chất đối với đời sống tinh thần. Mặt khác, quá trình phát triển của đời sống văn hóa tinh thần cũng có quy luật và quá trình phát triển riêng của nó.

Văn hóa là khái niệm bao gồm tất cả những sản phẩm vật thể và phi vật thể do con người sáng tạo ra và mang tính giá trị. Đời sống tinh thần xã hội có mối quan hệ mật thiết với ý thức xã hội. Trong đời sống tinh thần cũng có ý thức xã hội, song ý thức ở đây không chỉ là sự phản ánh hiện thực mà nó còn là nguồn kích thích hành động, hình thành nên niềm tin và thái độ đúng đắn với hiện thực.

“Đời sống văn hóa tinh thần là một hệ thống bao gồm nhiều lĩnh vực như đời sống tư tưởng, hoạt động khoa học, hoạt động nghệ thuật, hoạt động giáo dục và đào tạo, các sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, phong tục, tập quán…trong đó đời sống tư tưởng là quan trọng nhất” [51, tr.24]. Nói đến đời sống văn hóa tinh thần xã hội là nói đến tính liên tục về thời gian, tính rộng lớn về không gian của tất cả những hiện tượng, những quá trình tinh thần. Với ý nghĩa như vậy, khái niệm đời sống văn hóa tinh thần, theo chúng tôi,“ là toàn bộ những sản phẩm, những hiện tượng, những quá trình, những hoạt động, những quan hệ văn hóa, những giá trị tinh thần của con người phản ánh

đời sống vật chất xã hội và được thể hiện như là một phương thức hoạt động văn hóa và tồn tại tinh thần của con người trong những giai đoạn phát triển lịch sử nhất định”.[1, tr.75]

Với tính cách là đối tượng nghiên cứu của triết học, đời sống văn hóa tinh thần vừa được nghiên cứu ở cấp độ chung nhất, lại vừa được nghiên cứu ở cấp độ tương đối cụ thể (nghiên cứu theo thành phần, lĩnh vực). Xuất phát từ mục đích nghiên cứu của đề tài, ngoài cách phân chia theo hình thái, thành phần, lĩnh vực, yếu tố như cách phân chia theo ý thức xã hội (ý thức chính trị, pháp luật, nghệ thuật…hoặc hệ tư tưởng chính trị, tâm lý xã hội, hay ý thức lý luận, ý thức thông thường…), đời sống tinh thần xã hội còn bao hàm cách phân chia có tính chất thực tiễn - đời sống. Cách phân chia này có thể căn cứ vào các tiêu chí khác nhau. Chẳng hạn “A.K. Uleđốp chia đời sống tinh thần thành bốn lĩnh vực: đời sống tư tưởng, đời sống khoa học, đời sống thẩm mỹ - nghệ thuật và đời sống văn hóa. Còn A.I.Iaxenkô lại chia đời sống tinh thần (thế giới tinh thần) thành ba lĩnh vực: thế giới tình cảm, thế giới lý trí và thế giới tư tưởng” [51, tr.25]. Theo chúng tôi, cách phân chia của A.K. Uleđốp có phần hợp lý hơn vì nó phản ánh hầu hết các mặt ý thức hệ thống như mặt thực tiễn (đời sống) của đời sống tinh thần xã hội. Còn cách phân chia của A.I.Iaxenkô, có lẽ tác giả đã quá nhấn mạnh đến ý thức hệ và do vậy, xem nhẹ mặt thực tiễn của đối tượng nghiên cứu. Dẫu sao có thể thấy ngay cả cách phân chia của A.K. Uleđốp vẫn chưa bao quát hết các mặt, các khía cạnh của đời sống tinh thần. Ngoài bốn lĩnh vực mà A.K. Uleđốp nêu ra, theo chúng tôi, còn có thể nêu thêm một số lĩnh vực khác nữa như đời sống dư luận – đạo đức, đời sống tâm lý xã hội, đời sống tâm linh tín ngưỡng. Ba lĩnh vực này không chỉ nói lên tính bền vững, đã trở thành thói quen, tập quán, lối ứng xử…của con người (tức là đã trở thành văn hóa tinh thần và thuộc đời sống văn hóa tinh thần), mà còn bao hàm trạng thái sinh động, thường xuyên biến

đổi của những thái độ, quan niệm sống, tâm trạng, ý chí, tình cảm, nguyện vọng của con người.

Ngày nay, trong bối cảnh đất nước đang trên đà phát triển, đời sống vật chất được nâng cao rất nhiều so với trước kia, cho nên đời sống tinh thần của nước ta có một bước phát triển mới, một màu sắc mới. Theo nhận xét của Hồ Sĩ Quý: Người Việt có nhiều biến đổi trong thế kỉ XX, đặc biệt về đời sống tinh thần, nhất là trong những thập niên cuối. Có nhiều biến đổi rất đáng mừng, thể hiện rõ nét nhất qua những biến đổi về vốn tri thức, phương thức sống và nhịp điệu đời sống tinh thần. Văn hóa Việt Nam hội nhập với văn hóa khu vực và trên thế giới nhưng không những không đánh mất đi bản sắc riêng vốn có của dân tộc mà còn tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Có thể thấy rằng, các lĩnh vực của đời sống văn hóa tinh thần nằm trong chỉnh thể thống nhất, thường xuyên tác động, đan xen với nhau. Tất nhiên, ranh giới giữa các lĩnh vực đó chỉ mang ý nghĩa tương đối. Trên thực tế, có những yếu tố vừa thuộc lĩnh vực này vừa thuộc lĩnh vực kia. Chẳng hạn, không có một hành vi nào, một thái độ nào, một quan niệm sống nào (thuộc đời sống dư luận – đạo đức) lại không thấm nhuần tâm lý cá nhân, tâm lý cộng đồng hay tâm lý xã hội (thuộc đời sống tâm lý xã hội). Tâm lý xã hội, nhất là tâm lý cộng đồng, chính là chất keo gắn kết các hành vi đạo đức cá nhân, nhằm hướng tới một mục đích, một lý tưởng chung nào đó mang ý nghĩa cộng đồng và ý nghĩa xã hội. Tương tự như vậy, không có một giáo lý, một nghi thức, một hoạt động tín ngưỡng – tôn giáo nào (thuộc đời sống tâm linh – tín ngưỡng) lại không bị chi phối bởi những sắc thái tâm lý của cộng đồng, dân tộc (thuộc đời sống dư luận – đạo đức).

Trong các yếu tố của đời sống tinh thần, tôn giáo là yếu tố quan trọng. Với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, một tiểu hệ thống kiến trúc thượng

tầng xã hội, tôn giáo với ý nghĩa vừa là đời sống tâm linh, vừa là nhu cầu tinh thần của con người trong cuộc sống có ảnh hưởng sâu sắc trong việc hình thành lối sống, nhân cách, phong tục tập quán và hoạt động xã hội của con người. Bởi chừng nào con người và là con người có niềm tin tôn giáo còn sống trong thế gian, họ vẫn mong muốn được sống trong xã hội công bằng nhân ái thông qua những hành động chủ động được thôi thúc bởi lý trí và tình cảm tự nhiên của những cá thể trong một cộng đồng. Tôn giáo đã tìm thấy những chất liệu thật nhất, gần gũi với con người nhất để tạo dụng nên hệ thống luân lý, đạo đức của mình. Cho nên, trong Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương tại đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII của Đảng có nêu:

„„Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của bộ phận nhân dân, Đảng và nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện bình đẳng đoàn kết lương giáo và giữa các tôn giáo. Khắc phục tư tưởng, thái độ hẹp hòi, thành kiến, phân biệt đối xử với đồng bào có đạo, chống những hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, đồng thời nghiêm cấm và ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại đoàn kết dân tộc, chống phá chủ nghĩa xã hội, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân” [60].

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của nhân sinh quan phật giáo đến đời sống văn hóa tinh thần ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội hiện nay (Trang 40)