Xã hội thời Trần.

Một phần của tài liệu luận văn đại học sư phạm Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam (Trang 25)

Đất nước Việt Nam ta vào những năm đầu thế kỷ 13, mặc dầu có những biến động lớn dẫn đến sự thay thế quyền lãnh đạo từ họ Lý sang họ Trần nhưng mọi mặt cơ cấu xã hội cơ bản vẫn không có gì thay đổi. Chế độ trung ương tập quyền được khôi phục và củng cố thêm một bước. Mọi kỷ cương và thể chế cũng được chỉnh đốn lại và tăng cường thêm. Nhìn chung, giai cấp thống trị nhà Trần sau khi lên nắm chính quyền đã cố gắng tiếp tục duy trì và phát huy những thành quả mà ngót ba trăm năm kể từ khi giành lại được độc lập tự chủ, nhân dân ta đã phải lao động, đấu tranh tạo nên.

Đất nước trải qua ba lần đại thắng quân Mông – Nguyên vì thế tinh thần tự tôn dân tộc đã đạt đến đỉnh điểm của thời đại “hào khí Đông A”. Tuy giành được thắng lợi nhưng nền độc lập dân tộc vẫn bị giặc ngoại xâm đe doạ. Do vậy ở thời này tinh thần tự cường tự chủ vẫn thôi thúc nhân dân ta không ngừng vươn lên xây dựng một đất nước giàu mạnh.

Trong tình hình chung đó, nền văn hoá dân tộc vốn đã được gây dựng lại và phát triển dưới triều Lý nay lại càng được củng cố, nâng cao hơn. Có những biểu hiện đáng quý như : chú ý đến việc thi cử để đào tạo người tài làm trụ cột cho nhà nước hoặc việc cho phổ biến chữ Nôm rộng rãi bên cạnh chữ Hán. Bên cạnh Nho giáo, Phật giáo vẫn được phát triển mạnh, kế tiếp truyền thống từ triều Lý. Mặt khác ở thời Trần còn có phái thiền do ng ười Việt Nam sáng lập ra. Đó là phái Trúc Lâm với ba vị tổ: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang. Phật giáo ngày càng hoà hợp và gần gũi với đời sống dân gian. Chùa tháp vẫn được xây dựng nhiều. Trong các làng xã cũng có nhiều ngôi chùa đẹp tuy quy mô không lớn như chùa thời Lý.

Về kinh tế, nhà nước chú trọng đến những chính sách khuyến khích nông nghiệp phát triển. Quân đội nhà Trần vẫn được tổ chức theo chế độ “ngụ binh ư nông” để góp thêm lực lượng sản xuất nông nghiệp. Kinh tế thành thị cũng song song phát triển kéo theo sự thịnh vượng của kinh tế hàng hoá, giao thông…Tất cả những điều đó đã góp phần làm cho nhà nước phong kiến thời Trần ngày một vững mạnh hơn.

Mặt khác trong xã hội Đại Việt thời đó cũng có nhiều sự thay đổi lớn. Chế độ nông nô, nô tì tan rã, dần dần biến các nông nô thành những người nông dân tự do. Nhà nước chú ý hơn tới việc “ nới sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”.

Tất cả những điều kiện xã hội đó đã phần nào ảnh hưởng tới sự phát triển mỹ thuật của thời Trần và nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho văn hoá nghệ thuật dân gian phát triển, tạo nên đặc điểm riêng biệt cho mỹ thuật thời Trần.

Một phần của tài liệu luận văn đại học sư phạm Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam (Trang 25)