Qua kiến trúc tháp Phổ Minh, chúng ta sẽ có một cái nhìn khá đầy đủ và toàn diện về đặc điểm kiến trúc tháp thời Trần.
Từ đầu năm 1239, các vua Trần đã xây dựng tại quê hương Tức Mặc của mình hàng loạt các cung điện, lầu gác làm nơi ở cho hoàng thân quốc thích. Đây là trung tâm thứ hai của đất nước bên cạnh kinh đô Thăng Long. Để đáp ứng nhu cầu lễ Phật cho con em hoàng tộc trong vùng. Năm 1262, chùa Phổ Minh được xây dựng. Hơn nửa thế kỷ sau, vào đầu thế kỷ XIV, vua Trần tiếp tục cho xây cây tháp Phổ Minh, hoàn thiện kiến trúc của chùa.
Tháp Phổ Minh nằm trong quần thể kiến trúc chùa Phổ Minh, thuộc làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay thuộc xã Lộc Vượng, huyện Mỹ Lộc, ngoại thành Nam Định, cách phía Bắc thành phố gần 2 km). Chùa tháp Phổ Minh được xây dựng trên một địa thế tách biệt với xóm làng, vốn tĩnh mịch, thâm nghiêm và cũng rất đẹp, gần với cung Trùng Quang - nơi ngự của các vua Trần khi nhường ngôi cho con để lên làm Thái Thượng Hoàng.
Tháp Phổ Minh gồm 14 tầng, cao 21,2 m, bề thế và vững chắc. Mái của các tầng đều rất hẹp. Điều đáng chú ý là kiến trúc đã biết giải quyết các tầng mái bằng cách xây gạch nhô dần ra thành nhiều lớp cấp nhỏ, uốn cong lên, hoà vào cái thế vươn lên chung của toàn bộ kiến trúc. Càng lên cao, các tầng thu hẹp dần và kết thúc bằng một chỏm hình bầu rượu có nhiều cạnh.
Cũng như chùa, tháp Phổ Minh quay mặt về hướng Nam, mặt bằng được bố cục vuông, cạnh đáy của đế dài 5,21 m. Các tầng trên đều có cửa bốn phía, được trổ
theo lối cuốn tò vò. Riêng tầng dưới cao trội hẳn lên (2,2m), cửa của nó người lớn có thể vào thắp hương dễ dàng (cao 1,09 m, rộng 0,77 m).
Toàn bộ tháp được xây trên một hồ vuông, nông, nhỏ (rộng 8,6 m). Hồ có hành lang bao bọc, bốn phía cũng có cửa và các thành bậc được chạm trổ rồng đá, sấu đá. Phần nền đế chân tháp gồm nhiều tầng cấp thu dần vào và gần đến hết lại nhô ra. Chính ở cấp cuối cùng của phần nền đế trước khi đi vào tầng tháp thứ nhất, nghệ sĩ xưa đã sử dụng mặt ngoài của cấp này, dùng thủ pháp tạo ra một vành đai trang trí xen kẽ những cành hoa lá đan chéo nhau và những hoa hình tròn, cánh hoa ngã vòng quanh, còn ở giữa có cánh hoa cất lên và xoáy trôn ốc. Vành đai này là một bức diềm những nét khắc nhỏ tuyệt đẹp, hai thứ hoa lặp đi lặp lại chạy vòng chung quanh tháp, khi ánh sáng chiếu xiên vào, hiện lên như một vòng hoa màu xám dịu dàng và tế nhị.
Về chất liệu, tháp là một công trình hỗn hợp giữa gạch và đá. Bệ và tầng dưới của tháp được xây bằng loại đá xanh mịn vừa đẹp vừa có sức nặng, làm tăng độ bền cho móng nền. Các tầng trên đều được xây bằng gạch nung mỏng, nhẹ, rất tiện lợi cho việc xây lắp. Kết cấu của tháp ở các tầng đá chủ yếu dựa vào các mộng và keo vữa kết dính. ở các tầng trên, ngoài vữa còn có các dây đồng xâu móc qua các viên gạch để làm tăng độ bền vững cho kiến trúc. Về cấu trúc của tháp, sách “Đại Nam nhất thống chí” còn cho biết, ngày xưa người ta xây một cột đá bên cạnh và lấy dây đồng để ràng lấy đỉnh tháp.
Trang trí trên tháp cũng rất ấn tượng. Bên cạnh các tượng đá hình cá sấu, hình rồng được tạc ở các thành cửa vào hồ quanh tháp thì các nghệ sĩ đã chạm các lớp cánh sen với nhiều hoa văn hoa dây uốn lượn quanh cửa tháp và trên các mặt tường.
Hàng loạt hoa lá được chạm khắc như vẽ trên đá là những hoa và lá mọc trong ao, trong vườn Việt Nam, do vậy nó luôn gây ấn tượng mạnh mẽ trong tình cảm của người Việt. Đó là hoa sen, hoa cúc, hoa mai... và những dây leo trên giàn hay bờ giậu của nhiều gia đình đã đi vào ca dao, vào thơ văn của dân tộc.
Những hình trang trí trên đá vô cùng gần gũi với hội họa. Đó chính là những hình ảnh được các nghệ sĩ tạo thành bởi thủ pháp rạch chìm những nét nông, mảnh, từng nét cứ hiện ra dưới lưỡi đục sắc, khi thì nhịp nhàng chính xác, lúc lại vung vẩy phóng khoáng. Hình khắc rạch trên phần đá của tháp Phổ Minh tạo ra các hoa văn hoa lá, sóng nước, mây trời đơn giản, sáng sủa rất sinh động bao viền quanh thân tháp và các cửa tháp. Sự vận dụng những đường cong khéo léo tạo cho tác phẩm có chất tươi mát, cuồn cuộn và sinh động rất lạ thường.
Tầng tháp thứ nhất được bắt đầu bằng một vòng những cánh sen hai lớp, lớp dưới cúp xuống, lớp trên ngửa lên nở xoè, tạo cảm giác cây tháp như mọc trên một đoá hoa sen khổng lồ. Khác hẳn với cánh sen thời Lý thanh dài và bên trong thường được trang trí đôi rồng rắn, những cánh sen ở đây đều mập mạp, có mũi cong xoắn lại, nó vẫn hiện thực nhưng đã được nâng lên theo trí tưởng tượng của nghệ sĩ. Bên trong cánh sen còn trang trí những móc câu, hoa và nhánh hoa dây móc nhau. Cùng với các cánh sen ở bệ tháp, việc xây hồ quanh tháp phải chăng là do những người xây dựng muốn tạo cho tác phẩm kiến trúc của mình thành một hình tượng búp sen khổng lồ đang nổi trên mặt nước, một hình tượng mang ý nghĩa của nhà Phật (kiến trúc mô phỏng hoa sen khác với kiến trúc chùa Một Cột).
Bốn cửa tháp ở tầng dưới đều có gờ nhô ra, trên mặt gờ rất nhẵn, được khắc rạch những nét nhỏ hoa lá cách điệu. Đó là những vòng tròn ở chính tâm có bông hoa nhỏ sáu cánh (đôi khi năm hoặc bảy cánh), rồi từ đó toả ngược ra hai nhánh
lượn thành đường xoắn ốc kép. Hai bên mỗi nhánh lại rậm rạp những lá nhỏ ken xít nhau. Giữa các hoa lá ấy là những nhánh lá cùng loại, cũng xoắn lại, rất dày và hợp thành hình giống như chữ “X”. Lại có những nhánh hoa to mập, uốn cong lưỡi liềm rất duyên dáng, mà phần đài hoa vừa như mây cụm, vừa như thứ nấm gần gũi với cỏ linh chi, cứ thế lặp đi lặp lại nhiều lần thành một dải dài.
Chân cột góc của tầng tháp dưới này được trang trí cũng bằng lối khắc rạch hai bức diềm nhỏ chồng chéo lên nhau chạy song song. Bức diềm phía trên gồm những bông hoa nhọn đầu, mập, uốn cong lưỡi liềm rất mềm mại, phía dưới có đài và cuống hoa biến thành cụm mây cách điệu. Còn bức diềm phía dưới thì rõ ràng là một dãy sóng nước cách điệu. Sóng nước ở đây có hai phần, phần dưới như một dòng nhạc năm dòng kẻ song song lượn sóng đều đặn, phần trên là những ngọn sóng đầu nhô cao gồm các đường cong nối nhau gẫy khúc. Điều đặc biệt là trong mỗi ngọn sóng lại có một bông hoa nhỏ xinh xắn.
Kiểu hoa văn cuối cùng trang trí trên tháp dưới là mây trời được khắc thành băng dài cuốn quanh phía trên tầng tháp này. Mây ở đây là những cụm nhỏ xoắn xuýt, dày đặc nhưng dàn mỏng, có sự cách điệu và được chạm nổi.
Còn ở các tầng trên, trang trí chủ yếu trực tiếp vào các viên gạch. Cạnh ngoài của mỗi viên đều có khắc hình rồng cuộn khúc vờn mây. Rồng là biểu tượng cội nguồn dân tộc, một biểu tượng kỳ vĩ và đặc sắc của dân tộc và văn hoá Việt Nam (dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên). Tuy phải khắc rạch trước khi nung, song hình trang trí rất mềm mại, chứng tỏ người xây dựng đã làm chủ kỹ thuật, có tay nghề khá vững vàng. Với lối xây gạch để mộc có trang trí như vậy, toàn bộ kiến trúc cây tháp sẽ đỏ rực, đẹp biết bao.
Về chạm khắc: Tại cấp cuối của phần nền, trước khi vào tầng thứ nhất, ở mặt ngoài có những nét rạch nong tạo thành một vành đai trang trí, xen kẽ hoa lá chéo nhau, những hoa hình tròn, cánh hoa ngã vòng quanh. Ở giữa, có cánh hoa cất lên và xoáy ốc.vành đai nầy là bức diềm những nét khắc hình hoa lá, cân đối, đều đặn bao quanh. Cửa tháp: bốn cửa tháp của tầng dưới, có gờ nhô ra; trên mặt gờ nhẵn, có những đường khắc rạch những hình hoa lá được cách điệu. Hoa sáu cánh, có vòng tròn ở tâm, cánh hoa được toả ngược ra hai nhánh, lượn thành đường xoắn ốc. Hai bên có những lá nhỏ, đan sát nhau. Mô hình khác: Trong lòng của tầng tháp đá, từ dưới nền nhô lên khối đá mặt hình vuông là bệ tượng. Sau nầy có khắc bàn cờ tướng.Trên vòm trần, có khắc vòng tròn, có khắc chạm nổi lên hình hai con rồng.
Trong quần thể kiến trúc chùa Phổ Minh, tháp nằm ngay ở sân trước không còn chiếm vị trí trung tâm như kiến trúc chùa tháp thời Lý. Vị trí kiến trúc của tháp như một sự tiếp nối quá trình chuyển đổi từ chỗ tháp là trung tâm của chùa về đúng với vai trò ban đầu và nguyên thuỷ của nó là mộ thờ Phật.
Tháp Phổ Minh thuộc làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay thuộc xã Lộc
Vượng, huyện Mỹ Lộc, ngoại thành Nam Định, cách phía Bắc thành phố gần 2km). Đây là một công trình kiến trúc có giá trị của dân tộc ta. Tuy nó không thuộc loại cao nhất nhưng do bề ngang hẹp, nên tháp có dáng cao, thanh mảnh. Nó gợi cho khách đến vãn cảnh chùa _ nhất là những phật tử vốn giàu lòng sùng kính _ một cảm giác siêu thoát, linh thiêng. Nhất là khi đứng dưới chân tháp nhìn ngước lên, các rìa tầng mái của nó cứ nối nhâu tầng tầng lớp lớp, lên mãi không trung, dễ gây nên một sự choáng ngập ở cảnh Phật. Tháp còn đẹp vì nó còn gắn với môi trưòng của cả ngôi chùa rộng lớn xung quanh. Nó in bóng xuống mặt ao phía trước, nó hoà vào độ cao chung của các cây cổ thụ um tùm cạnh sân. Nhờ vậy tuy là cảnh Phật mà vẫn ấm cúng, gần gũi với con người trần tục.